1. Bully là gì?

Bullying (bắt nạt) là sự gây hấn hay hành vi làm hại nhằm vào một người với mục đích tạo ra cảm giác bị cô lập. Việc bắt nạt có thể xảy ra dưới nhiều hình thức nhưng chủ yếu diễn ra dưới các hình thức sau:

- Bắt nạt bằng lời nói: là việc nói hay viết những điều độc địa. Những việc này bao gồm:

  • Trêu chọc, chửi bới, hay chế nhạo
  • Bình luận về tình dục không thích hợp
  • Ðe dọa gây hại

- Bắt nạt về mặt xã hội: là hành vi làm tổn hại đến danh dự hay các mối quan hệ của ai đó. Những việc này bao gồm:

  • Chủ ý gạt một người ra ngoài
  • Bảo người khác không chơi với một người nào đó
  • Truyền tin đồn về một người nào ðó
  • Chủ ý làm một người nào đó phải xấu hổ trước đám đông

- Bắt nạt bằng vũ lực: là hành vi gây đau đớn lên cơ thể một người hay giật đồ của người đó. Bao gồm:

  • Ðấm, đá hay cấu véo
  • Nhổ nước bọt
  • Ngáng chân cho ngã hay xô đẩy
  • Lấy hay làm hỏng đồ của người khác

Cyberbullying: là việc bắt nạt được thực hiện trực tuyến thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, tin nhắn, trò chuyện, và các trang web. Những việc này bao gồm:

  • Các tin nhắn hay email không mong muốn hay có nội dung độc địa
  • Những lời đồn gửi qua email hay đăng trên các trang mạng xã hội
  • Đăng các hình ảnh, video, trang web phản cảm, hay các trang hồ sơ giả
  • Cyberbullying (bắt nạt trực tuyến) rất khác biệt vì các tin nhắn và hình ảnh có thể được đăng nặc danh và được phát tán rất nhanh chóng đến một số lượng lớn người xem

Từ Bully ngoài được dùng để chỉ hành vi bắt nạt thì còn được dùng để chỉ người thực hiện hành vi bắt nạt đó. Theo từ điển Cambridge, từ "bully" được định nghĩa là: someone who hurts or frightens someone else, often over a period of time, and often forcing them to do something that they do not want to do (tạm dịch là: "Bully" là một người mà làm tổn thương hoặc sợ hãi người khác, thường trong một khoảng thời gian và thường buộc người đó làm điều gì đó mà họ không muốn làm).

 

2. Cyberbullying là gì?

Cyberbullying (tạm dịch là bắt nạt trực tuyến, bắt nạt trên mạng hoặc bắt nạt qua thế giới ảo), theo Từ điển Cambridge định nghĩa là: "the activity of using the internet to harm or frighten another person, especially by sending them unpleasent messages" (Tạm dịch: Cyberbullying là hoạt động sử dụng internet để làm hại hoặc khiến người khác sợ hãi, đặc biệt là bằng cách gửi cho họ những tin nhắn không hài lòng). Người bắt nạt có thể thực hiện việc bắt nạt này nhờ nhắn tin qua SMS hay các ứng dụng nhắn tin, đăng tải và chia sẻ những thông tin tiêu cực nhằm nhắm vào nạn nhân.

Mạng xã hội thường được chọn làm công cụ chính cho các cuộc “tấn công ảo” bởi vì sức lan truyền nhanh của thông tin trên các nền tảng số này.

Nạn nhân từ cyberbullying có thể bị tác động về mặt tinh thần, cảm xúc, thậm chí là thể chất. Trong một số trường hợp, họ có thể bị mất ngủ, hay mắc phải các triệu chứng như đau đầu, đau bụng,...

Có thể ví cyberbullying là một mối nguy “thầm lặng” bởi vì đây là một thuật ngữ vô cùng mới mẻ đối với nhiều người, thậm chí, nhiều người đang rơi vào tình cảnh này mà không nhận thức được.

Cyberbullying có thể được thực hiện bất kể ở đâu, bất kể khoảng thời gian nào, và có thể tạo ra các tác động xấu lâu dài ngoài đời thực nếu như không có sự ngăn chặn. Chẳng hạn, bạn có thể bị mất việc, tước quyền đi học, hoặc có thể bị tấn công bằng vũ lực ở ngoài đời thường.

 

3. Tác hại của hành vi bắt nạt trực tuyến

Hầu hết trong các trường hợp bắt nạt trực tuyến thì nạn nhân bị rất nhiều người tấn công và không biết cụ thể ai là người tấn công mình.

Theo khảo sát ngày 14/9/2020 của Microsoft ở phạm vi toàn cầu, khi được hỏi về tác động của hành vi bắt nạt qua mạng tại nơi làm việc, những người tham gia trả lời cho biết hậu quả phổ biến nhất là cảm thấy bị sỉ nhục (58%), theo sau là mất tinh thần (52%) và mất tự tin (51%). Các tác động cũng khác nhau giữa các thế hệ. 53% người được hỏi trong độ tuổi 18-24 cho biết cảm thấy bị cô lập và trầm cảm do bị bắt nạt, trong khi đó những đáp viên thuộc thế hệ X (những người sinh ra giữa những năm 1960 đến đầu những năm 1980) làm việc kém hiệu quả hơn (58%). Những người gặp phải hành vi bắt nạt hoặc quấy rối trực tuyến tại nơi làm việc cũng cho biết họ cảm nhận được nỗi đau “không thể chịu đựng được hoặc nghiêm trọng” từ những trải nghiệm đó.

 

4. Làm thế nào để nhận biết được một người đang bị bắt nạt?

Không phải người nào bị bắt nạt cũng sẽ yêu cầu được giúp đỡ. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu có thể giúp ta nhận ra một người đang bị bắt nạt, cụ thể là:

  • Các vết thương không thể giải thích được
  • Quần áo, sách vở, đồ điện tử, hay trang sức bị mất hoặc bị làm hỏng
  • Các cơn đau đầu hay đau bụng thường xuyên, cảm thấy không khỏe hay giả vờ ốm
  • Các thay đổi về thói quen ăn uống, như đột ngột bỏ ăn hay ăn uống vô độ
  • Khó ngủ hay thường xuyên gặp ác mộng
  • Ðiểm số tại trường giảm sút, không còn hứng thú với việc học tập, hay không muốn đến trường
  • Ðột ngột mất bạn bè hay né tránh các tình huống có liên quan đến quan hệ xã hội
  • Cảm giác tuyệt vọng bất lực hay giảm lòng tự trọng
  • Các hành vi tự hủy hoại bản thân như bỏ nhà ra đi, tự làm tổn thương, hay nói về ý định tự tử

 

5. Cần làm gì khi bị bắt nạt trực tuyến?

Đầu tiên, bạn cần thẳng thắn yêu cầu đối phương dừng việc bắt nạt. nhiều trường hợp các câu đùa trở nên quá trớn, và có thể để lại nhiều tác động xấu về mặt tinh thần, cảm xúc của bạn. Nếu có thể, bạn hãy thẳng thắn chia sẻ với người còn lại, và nói với họ rằng bạn cảm thấy như thế nào khi thấy những điều không hay về bạn.

Tiếp theo đó, bạn nên báo cáo cho các nền tảng mạng xã hội. Bạn có quyền báo cáo những bài viết mang nội dung bôi nhọ bản thân, và cũng có thể nhờ đến những người tin cậy thực hiện báo cáo cho các nền tảng mạng xã hội. Bài viết đó sẽ được xem xét, và sẽ được loại nếu phát hiện được các yếu tố có tính xúc phạm.

Sau khi làm các bước trên mà người bắt nạt vẫn chưa dừng việc bắt nạt thì bạn nên nói chuyện này cho người thân hoặc những người mà bạn cảm thấy tin tưởng để tìm hướng giải quyết và tìm được những người bảo vệ bạn. Thông thường, nạn nhân của bắt nạt trực tuyến thường chấp nhận im lặng chịu trận bởi họ nghĩ rằng việc nói ra sẽ không giúp ích được gì. Một số người còn có cảm giác rằng mình đang làm phiền người khác khi kể về những vấn đề này. Thế nhưng, bạn không nên giữ điều này cho mình bạn. Hãy thông báo vấn đề của bạn cho những người mà bạn tin tưởng nhất, chẳng hạn ba mẹ, anh chị hay bạn bè. Tuy không phải trường hợp nào họ cũng có thể giải quyết triệt để được vấn đề của bạn, nhưng ít ra việc nói ra sẽ giúp bạn tìm kiếm “đồng minh” nhằm bảo vệ bạn sau này.

Cuối cùng, bạn nên báo cáo tình trạng này với cơ quan chức năng. Nếu như việc thương lượng với bên bắt nạt hay sự can thiệp của người lớn không có tác dụng, đừng ngại khi báo cáo với các cơ quan chức năng nhằm kêu gọi sự hỗ trợ từ họ. Bởi rất có thể bạn không phải là nạn nhân duy nhất bị tấn công, và điều này sẽ giúp đỡ được nhiều bạn khác.
Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê về chủ đề Bully là gì? Cyberbullying là gì? Những điều cần biết về bắt nạt trực tuyến. Hy vọng những nội dung trên đây đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin bổ ích và góp phần làm giảm tình trạng bắt nạt trực tuyến ở nước ta hiện nay.