Ba tôi thường hay bạo hành mẹ tôi, đã từng đánh mẹ và chửi mắng xúc phạm nhân phẩm, dọa đánh, dọa giết (Dọa dùng búa đập bể đầu) chuyện xảy ra như cơm bữa hơn 32 năm, cho tới tận hôm nay và càng có dấu hiệu nguy hiểm hơn, tuy bây giờ không có đánh như trước vì sợ mắc cỡ với hàng xóm nhưng liên tục chửi mẹ tôi thậm tệ như súc vật, và vẫn dọa đánh dọa giết rất nặng, khi mẹ tôi ngủ ông ta liên tục tạo ra tiếng ồn lớn để mẹ tôi sợ hãi, phá cửa phòng riêng của mẹ tôi, ông ta không đánh nhưng liên tục dùng các vật sắc hoặc gậy gộc để đánh vào chỗ mẹ tôi đang ngồi làm bà rất lo sợ và hoang mang. Tôi có thể bảo vệ mẹ bằng cách ngăn cản bạo lực xảy ra và nếu lỡ có đánh trả (Phòng vệ chính đáng) khi không thể ngăn cản hành vi bạo lực của ba bằng cách ngăn cản đơn thuần, nhưng không gây thương tích nghiêm trọng, chỉ xây xát, thì tôi có bị phạm vào tội gì không? Ba tôi như vậy và suốt 32 năm chưa bao giờ có dấu hiệu thay đổi, liệu tôi có thể trình báo lên cơ quan công an hay tòa án, và ba tôi sẽ bị xử lý như thế nào? Ba và mẹ tôi là đồng sở hữu căn nhà cùng với hai vợ chồng bác ruột tôi (Tổng cộng có 4 đồng sở hữu), khi tôi bảo vệ mẹ, tôi bị ba ghét và muốn tống cổ ra khỏi nhà, vậy đơn phương ba đuổi tôi ra khỏi nhà nhưng 3 người đồng sở hữu không chấp nhận và muốn tôi ở lại. Vậy tôi có bị bắt buộc ra khỏi nhà hay không?Xin quý công ty luật Minh Khuê cho tôi một lời khuyên.

Câu hỏi được biên tập từ chuyện mục Tư vấn luật hình sựcủa công ty Luật Minh Khuê. 

>>Luật sư tư vấn luật hình sự, Gọi: 1900.6162

Nội dung trả lời

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý

Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009

Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính, phòng chống bạo lực gia đình

2. Nội dung giải đáp

- Theo căn cứ quy định tại Điều 105 Bộ luật hình sự sửa sổi năm 2009 thì tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh quy định như sau:

"Điều 105. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Đối với nhiều người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác."

Theo như thông tin bạn đưa ra để tư vấn thì mỗi lần bố bạn đánh mẹ bạn thì bạn không chịu được và có hành vi ngăn cản bố bạn bằng cách đánh trả và các hành vi ngăn cản khác. Chúng tôi cho rằng khi đó bạn ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của bố bạn đối với người thân thích của bạn là mẹ bạn thì bạn đã có hành vi ngăn cản nhưng không gây thương tích nghiêm trọng, chỉ xây xát thì bạn sẽ không phạm tội này vì cấu thành tội này là phải gây thương tích với tỉ lệ thương tật từ 31% đến 60%.

Nếu bố của bạn vẫn tiếp tục có hành vi bạo lực với mẹ bạn thì bạn có quyền khai báo với trình quyền địa phương. Bạn có thể đến UBND cấp xã để trình báo hoặc đến cơ quan công an để họ có những biện pháp ngăn chặt hành vi bạo lực đó. Bố bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại đến sức khoẻ thành viên trong gia định và hành xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mẹ bạn theo quy định tại Điều 49 và Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính, phòng chống bạo lực gia đình:

"Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Điều 51. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;

b) Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này."

- Ngôi nhà là sở hữu chung của bố mẹ bạn và hai vợ chồng nhà bác ruột. Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau:

"Điều 221. Chiếm hữu tài sản chung

Các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 222. Sử dụng tài sản chung

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung, nếu không có thoả thuận khác.

Điều 223. Định đoạt tài sản chung

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác.

Trong trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Toà án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

4. Trong trường hợp một trong các chủ sở hữu chung từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại."

Vậy bố bạn có quyền sử dụng ngôi nhà (ngôi nhà là sở hữu chung theo phần) tương ứng với phần quyền của mình. Bố bạn không có quyền đuổi bạn ra khỏi nhà vì bố bạn chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tương ứng với phần quyền của mình. Ba đồng sở hữu khác quyết định cho bạn ở lại ngôi nhà thì bạn có quyền ở lại ngôi nhà. 

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.                                  

Bộ phận Tư vấn Pháp luật hình sự.