1. Khái niệm doanh nghiệp

Thuật ngữ doanh nghiệp được sử dụng đầu tiên ở nước ta từ năm 1948, theo tinh thần của Sắc lệnh số 104/SL ngày 01.01.1948 về doanh nghiệp quốc gia. Trong suốt thời kinh tế kế hoạch hoá tập trung, thuật ngữ này bị lãng quên, các thuật ngữ thay thế thường được sử dụng là xí nghiệp, đơn vị kinh tế, cơ quan kinh tế... Đến khi ở Việt Nam xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thuật ngữ doanh nghiệp mới được sử dụng trở lại. Theo tỉnh thần của Luật công ti năm 1990 hay Luật doanh nghiệp năm 1999, thuật ngữ doanh nghiệp được xác định là một thực thể pháp lí được thành lập và đăng kí kinh doanh nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Dựa vào quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

Doanh nghiệp có đặc điểm sau:

1) Được thành lập và đăng kí kinh doanh theo thủ tục pháp lÍ nhất định. Hiện tại, tuỳ thuộc tính chất của mỗi loại chủ thể kinh doanh mà pháp luật quy định thủ tục thành lập và đăng kí kinh doanh riêng;

2) Được thửa nhận là thực thể pháp lí; có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật. Doanh nghiệp được tham gia vào tất cả các quan hệ trong giao lưu dân sự cũng như các quan hệ tố tụng;

3) Chức năng, nhiệm vụ chính của doanh nghiệp là kinh doanh. Doanh nghiệp được thực hiện các hoạt động kinh doanh như sản xuất, mua bán, cung ứng hàng hoá, dịch vụ nhằm mục tiêu thu lợi nhuận hoặc thực hiện chính sách kinh tế - xã hội.

Nơi có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp là Phòng Đăng ký Kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh.

 

2. Các loại hình doanh nghiệp

Các loại hình doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành

Dựa theo quy định của pháp luật tại Điều 1 Luật Doanh nghiệp 2020 thì ở nước ta hiện tại có 04 loại hình doanh nghiệp phổ biến sau:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • Công ty cổ phần;
  • Công ty hợp danh;
  • Doanh nghiệp tư nhân.

 

3. Doanh nghiệp tư nhân

Tại khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 định nghĩa doanh nghiệp tư nhân như sau:

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Về chủ thể, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là loại hình doanh nghiệp do 1 cá nhân làm chủ.

Chủ DNTN phải là cá nhân, đã đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc các trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, mang quốc tịch việt nam hoặc nước ngoài.

Chủ DNTN không được đồng thời là chủ sở hữu của 2 DNTN, chủ DNTN không được là thành viên hợp danh của công ty hợp danh, không được là chủ sở hữu của hộ kinh doanh.

Về trách nhiệm tài sản, Chủ DNTN chịu trách nhiệm tài sản vô hạn đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Về khả năng huy động vốn, Chủ DNTN là người duy nhất bỏ vốn, có thể tăng hoặc giảm vốn đầu tư, là người duy nhất toàn quyền quyết định doanh nghiệp.

DNTN không được phát hành chứng khoán.

DNTN không có tư cách pháp nhân là do không có sự tách biệt giữa tài sản của chủ DN và tài sản của DN. Khi tham gia tố tụng, chủ DNTN sẽ có tư cách nguyên đơn hoặc bị đơn..

 

4. Công ty trách nhiệm hữu hạn

Công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm hai loại hình là Công ty TNHH một thành viên và Công ty TNHH hai thành viên:

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Tại khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

Về tư cách pháp lý, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Về chủ thể:

  • Chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên có thể là cá nhân hoặc tổ chức ở trong nước hoặc nước ngoài.
  • Chủ sở hữu phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm tài sản:

  • Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên phải chịu trách nhiệm về tài sản trong phạm vi vốn điều lệ của công ty.
  • Vốn điều lệ của công ty TNHH tại thời điểm đăng kí doanh nghiệp là tổng tài sản chủ sở hữu cam kết góp.

Về huy động vốn, Công ty TNHH một thành viên có thể huy động vốn bằng các cách như sau:

  • Huy động vốn vay từ các tổ chức, cá nhân;
  • Huy động bằng cách phát hành trái phiếu;
  • Chủ sở hữu đưa thêm vốn vào doanh nghiệp.

Công ty TNHH một thành viên không được phép phát hành cổ phiếu.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Theo khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.

Về tư cách pháp lý, Công ty TNHH hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Về thành viên, thành viên của Công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm từ 02-50 người, có thể là các cá nhân, tổ chức người Việt Nam hoặc người nước ngoài.

Về trách nhiệm tài sản, Công ty TNHH hai thành viên trở lên chịu trách nhiệm tài sản với toàn bộ số vốn góp vào doanh nghiệp, thành viên của công ty chịu trách nhiệm theo phần vốn đã góp.

Về huy động vốn, Công ty TNHH hai thành viên trở lên bằng các cách như:

  • Huy động vốn vay từ các tổ chức, cá nhân;
  • Huy động bằng cách phát hành trái phiếu;
  • Chủ sở hữu hoặc các thành viên đưa thêm vốn vào doanh nghiệp.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên không được phép phát hành cổ phiếu.

Về chuyển nhượng vốn, thành viên của Công ty TNHH hai thành viên trở lên được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình nhưng phải tuân theo những điều kiện, điều lệ nhất định của doanh nghiệp.

 

5. Công ty cổ phần

Theo khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

Về tư cách pháp lý, Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Về vốn điều lệ, vốn của công ty cổ phần được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị của cổ phần hay còn gọi là mệnh giá cổ phần được quy định trong cổ phiếu.

Cổ đông góp vốn vào công ti bằng cách mua một hoặc nhiều cổ phần.

Cổ phần là phần chia nhỏ nhất của vốn điều lệ, là quyền tài sản được thể hiện trên cổ phiếu.

Các loại cổ phần hiện có theo quy định pháp luật là: Cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại

Về chủ thể, Thành viên (hay còn được gọi là cổ đông) là cá nhân hoặc tổ chức quốc tịch Việt Nam hoặc nước ngoài.

Công ty cổ phần phải có tối thiểu là 03 thành viên và không giới hạn số thành viên tối đa.

Về huy động vốn, Công ty cổ phần có thể huy động vốn bằng nhiều cách khác nhau như: phát hành các loại cổ phần, trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi…

Về chuyển nhượng cổ phần, thành viên của công ty cổ phần có thể tự do chuyển nhượng cổ phần của mình nhưng phải tuân thủ theo điều lệ cũng như quy định của công ty và quy định pháp luật.

 

6. Công ty hợp danh

Theo khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

1. Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;

b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

c) Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

Về tư cách pháp lý, Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Về thành viên:

  • Thành viên hợp danh là cá nhân, có ít nhất 02 người.
  • Thành viên góp vốn là tổ chức hoặc cá nhân, không giới hạn số lượng.

Về trách nhiệm tài sản:

  • Thành viên hợp danh liên đới chịu trách nhiệm về mọi khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của công ty.
  • Tuy nhiên tài sản công ty và tài sản thành viên hợp danh có sự độc lập và tách biệt.
  • Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp của mình.

Về vốn điều lệ là khoản tiền, tài sản,… mà thành viên góp hoặc cam kết góp. Đến hạn mà thành viên hợp danh không góp đủ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, còn thành viên góp vốn sẽ bị ghi nợ.

Về huy động vốn:

  • Công ty hợp danh không được phát hành chứng khoán.
  • Công ty hợp danh tăng vốn điều lệ bằng cách kết nạp thêm thành viên, tăng phần vốn góp của các thành viên hoặc tăng giá trị tài sản công ty hoặc đi vay.

Về chuyển nhượng phần vốn góp, các thành viên hợp danh và góp vốn có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho các thành viên hợp danh và góp vốn còn lại trong công ty. Nếu chuyển nhượng cho người ngoài công ty thì phải được các thành viên còn lại đồng ý.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)