Mục lục bài viết
1. Hiểu thế nào về hành vi làm bằng giả?
Pháp luật hiện hành chưa có quy định thế nào là làm bằng giả nhưng hiểu về ý nghĩa thông thường, làm bằng giả hiểu là làm bằng cấp, chứng chỉ được các cơ quan, tổ chức sử dụng sau đó sử dụng những công nghệ, kỹ thuật tinh vi để tạo thành bằng và chứng chỉ giống như thật để thực hiện hành vi theo mong muốn của người thực hiện. Thông thường, cá nhân thường sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả nhằm mục đích để bổ sung vào thành phần hồ sơ xin việc, tuyển dụng, dự thi tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị nhà nước.
2. Hành vi làm bằng giả bị xử lý hành chính như thế nào?
Căn cứ vào Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định về xử phạt những hành vi sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp như sau:
- Đối với hành vi không cập nhật và công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp trên trang thông tin điện tử hoặc tại trụ sở chính, phân hiệu, cơ sở đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
- Đối với hành vi cho người khác sử dụng hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác thì phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
- Đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp bị tẩy, xóa, sửa chữa mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng
- Đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
- Đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
Ngoài hình phạt chính nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này. Bên cạnh đó còn có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp cho người đứng tên trong văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.
Trên đây là hình thức xử phạt đối với cá nhân, còn tổ chức khi vi phạm sẽ áp dụng như sau: Tại Điều 4 Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định về phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
- Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng.
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
- Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III Nghi định 79/2015/NĐ-CP là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân; đối với tổ chức gấp hai lần thẩm quyền xử phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy đối với hành vi làm bằng giả có tổ chức thì mức phạt tiền sẽ gấp đôi có thể từ 20 triệu đến 40 triệu. Ngoài ra còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định.
3. Cầm đầu tổ chức làm bằng giả bị xử lý hình sự như thế nào?
Ngoài hình thức xử phạt hành chính, hành vi làm bằng giả có tổ chức còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trước hết đối với hành vi làm bằng giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:
Theo đó, Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đưa ra mức xử phạt về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức cụ thể như sau:
- Khung 1: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
- Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 3: hạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
- Khung 4: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.
Theo như quy định trên thì cá nhân sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi làm bằng giả và sử dụng bằng giả thực hiện hành vi trái pháp luật. Trong trường hợp, cá nhân đã mua bằng giả nhưng chưa sử dụng bằng giả đó vào mục đích trái quy định pháp luật thì sẽ không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này, cá nhân sẽ chỉ bị xử phạt hành chính theo nội dung đã được đề cập ở trên.
Đối với trường hợp phạm tội có tổ chức sẽ bị truy cứu tại khung 2 của tội phạm đó là xử phạt từ 2 năm đến 5 năm. Phạm tội có tổ chức ở đây là hình thức đồng phạm có sự kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Trong đó, những người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
+ Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
+ Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
+ Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
+ Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Đây là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển của người đứng đầu, cầm đầu, chủ mưu. Mỗi người trong những người này đảm nhiệm vai trò khác nhau họ hỗ trợ lẫn nhau tạo điều kiện cho nhau về mặt không gian, thời gian, chuẩn bị phương thức và công cụ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không có sự lượng hóa cụ thể đối với sự câu kết, bàn bạc của những người phạm tội trong phạm tội có tổ chức, sự phân công nhiệm vụ, vai trò của những người đồng phạm. Trong đó, mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào vai trò của từng người tham gia vào tội phạm và quy mô của vụ án. Vì vậy, khi quyết định hình phạt thì mức hình phạt của người tổ chức sẽ khác với những đồng phạm khác nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau. Thông thường khi tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có vai trò tổ chức thì người này luôn phải chịu trách nhiệm hình sự nặng nhất trong những người đồng phạm.
Như vậy, người nào cầm đầu đường dây làm bằng giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại khung thứ hai của tội phạm sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Tuỳ vào tính chất, mức độ phạm tội của người cầm đầu sẽ đưa ra mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhất định nhưng thông thương đối với người chủ mưu, cầm đầu, người điều khiển trong vụ án sẽ phải chịu mức xử phạt nặng nhất, nghiêm khác nhất nhưng người cầm đầu sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Công ty Luật Minh Khuê mong muốn gửi đến quý khách hàng những thông tin tư vấn hữu ích. Nếu quý khách hàng đang gặp phải bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, hãy liên hệ với Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.6162. Hoặc quý khách hàng gửi yêu cầu chi tiết qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng.
Bài viết liên quan: Người chủ mưu là gì ? Quy định pháp luật về người chủ mưu