1. Dàn ý cảm nhận bức tranh phố huyện lúc về đêm

1.1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Thạch Lam có giọng văn trong trẻo, nhẹ nhàng, gợi cảm. Khuất lấp sau những trang văn của ông là tấm lòng trắc ẩn đối với những kiếp người nghèo khổ trong xã hội cũ. Trong đó, "Hai Đứa Trẻ" là tác phẩm nổi tiếng của Thạch Lam.

- Giới thiệu vấn đề cần cảm nhận: bức tranh phố huyện lúc về đêm.

 

1.2. Thân bài:

- Khung cảnh của bức tranh thiên nhiên phố huyện mang những vẻ đẹp mộc mạc và giản dị, nhưng lại mang đến nhiều ý nghĩa cho toàn bộ tác phẩm.

- Bức tranh phố huyện nghèo đã tái hiện thành công hiện thực xã hội nghĩa lúc bấy giờ, làm cho người đọc như thấy được khung cảnh thực tế ngay trước mắt.

- Trước khung cảnh của tiêu điều của phố huyện, không gian mở ra những hình ảnh xa xăm trái ngược với sự huyên náo đáng lẽ phải có của phố huyện.

- Thời gian của toàn bộ khung cảnh là lúc về đêm, khiến cho không gian trở nên mù tối, con người như hòa mình với màn đêm và sự tĩnh mịch của không gian.

- Cảnh vật xơ xác, tiêu điều của con người, từ những rác rưởi, vỏ thị đến những thứ nhặt nhạnh ngoài đồng của những đứa trẻ nghèo khổ.

- Bức tranh thiên nhiên và con người nơi phố huyện gợi lại cho người đọc nhiều cảm xúc sâu sắc, đó là sự ảm đạm trong cảm nhận, nhưng vẫn mang một mong ước cháy bỏng về cuộc sống mới.

 

1.3. Kết bài

- Khái quát vấn đề và nêu lên giá trị nghệ thuật, giá trị nội dung.

 

2. Dàn ý cảm nhận bức tranh phố huyện lúc về đêm

Thạch Lam là gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam trước năm 1945. Tuy là một nhà văn lãng mạn nhưng tác phẩm của ông lại giàu yếu tố hiện thực, thấm đượm lòng nhân ái và chan chứa niềm xót thương những con người nhỏ bé. Văn Thạch Lam vì thế giống như một thứ hương hoàng lan được chưng cất từ những nỗi đời. "Hai đứa trẻ" là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của ông, được rút từ tập "Nắng trong vườn". Truyện ít sự việc, ít biến cố, chỉ chủ yếu xoay quanh việc hai đứa trẻ đợi tàu diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn từ lúc chiều tàn đến đêm khuya của một ngày mùa hạ. Nhưng vẫn đầy sức hấp dẫn bởi những trang văn giàu cảm xúc, miêu tả tinh tế những biến đổi tinh vi của cảnh và những xao xuyến mơ hồ của lòng người. Nổi bật trong truyện ngắn là khung cảnh bức tranh phố huyện lúc về đêm được hiện lên dưới ngòi bút tinh tế của tác giả.

Trên nền tác phẩm là một phiên chợ tàn: "Chợ họp giữa phố đã vãn từ lâu, người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn sót lại rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá..."(Trích: "Hai đứa trẻ"). Thạch Lam tả cảnh chợ quê dịp chính phiên nhưng không thấy vẻ sầm uất, sôi động, mà lại làm nổi bật sự lèo tèo, vắng vẻ và ế ấm. Thế rồi, theo bước chuyển nhẹ nhàng của thời gian, phố huyện dần chuyển vào đêm. Trước hết là sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối.

Bất cứ ai từng đọc truyện Thạch Lam, đều không khỏi ấn tượng bởi những trang viết về bóng tối. Nhưng có lẽ chỉ khi đến với "Hai đứa trẻ", bóng tối mới hiện ra với đủ hình hài, cung bậc của nó. Từ ấn tượng ban đầu dịu nhẹ, êm mềm: "Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ âm như nhung và thoảng qua gió mát", bóng tối từng bước chiếm lĩnh không gian: "Đường phố và các ngõ con dần dần chia đầy bóng tối", rồi bao trùm tất cả, mênh mông, dày đặc: "Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa". Phố huyện nhỏ như là vương quốc của bóng tối, đến cả tiếng trống cầm canh cũng không xuyên qua được màn đêm đặc quánh, "chỉ tung lên một tiếng khó khăn rồi chìm ngay vào bóng tối".

Đối lập với bóng tối là ánh sáng nhỏ bé, yếu ớt, mong manh. Ánh sáng của thiên nhiên vũ trụ với "ngàn sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vật sáng xanh của những con đom đóm." Ánh sáng thiên nhiên đẹp đã nhưng xa xôi, khó nắm bắt khiến hai đứa trẻ mỏi trí nghĩ. Chúng tìm đến nguồn sáng thân thiết hơn của cuộc sống con người trên mặt đất. Đó là "những khe sáng từ vài cửa hàng còn thức"; là "quầng sáng thân mật từ ngọn đèn trên chống hàng chị Tí"; là "những hột sáng nhỏ, thưa thớt lọt qua phên nứa từ ngọn đèn trong cửa hàng của chị em Liên"; "là chấm lửa nhỏ, vàng, lơ lửng đi trong đêm của gánh phở bác Siêu." Ánh sáng nhỏ nhoi không đủ sức xua tan bóng tối mà chỉ khiến đêm tối đen hơn. Ánh sáng yếu ớt không đủ thắp sáng cuộc đời mà biến mỗi con người thành chiếc bóng đổ dài xuống mặt đất. Ánh sáng và bóng tối được Thạch Lam miêu tả trong sự tương quan đối lập. Tương quan ấy mang ý nghĩa biểu tượng. Bóng tối đặc quánh của không gian biểu tượng cho sự tối tăm vô tận của xã hội cũ. Còn ánh sáng của những ngọn đèn hay bếp lửa chính là sự sống leo lét, mù tối của những kiếp người nhỏ bé vô danh.

Trong bóng tối ngập tràn, tác giả khiến cho người đọc cảm nhận được cuộc sống của cư dân phố huyện vẫn diễn ra không chỉ nghèo khổ mà còn quẩn quanh, bế tắc vô cùng. Điển hình cho kiếp sống lay lắt của phố huyện này trước hết phải kể đến mẹ con chị Tí. Ban ngày chị lặn lội mò cua bắt tép, đến đêm lại lầm lũi dọn hàng nước nơi góc phố huyện nghèo. Gánh hàng của chị chỉ có lèo tèo vài thứ đồ lặt vặt, sơ sài. Tất cả cái cửa hàng được hai mẹ con dọn ra mà vẫn nhẹ tênh tênh. Khách hàng của chị toàn những người dưới đáy xã hội, làm thuê, làm mướn hoặc đi ở. Dẫu cho chẳng kiếm được bao nhiêu nhưng hôm nào hai mẹ con vẫn dọn hàng từ chập tối tới đêm khuya. Hình ảnh chị Tí phe phẩy cành chuối khô, đuổi ruồi bò trên mấy thức hàng, mòn mỏi chờ mong những khách hàng quen trong vô vọng đã gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn không sao tả xiết. Mẹ con chị Ti đang sống ở đó ư? Có lẽ không phải, đó đâu phải là sống mà chỉ là cầm cự với sự sống. So với mẹ con chị Tí, gánh hàng phở của bác Siêu có phần khá khẩm hơn nhưng lại đứng trước nguy cơ phá sản. Bởi lẽ, trong phố huyện nghèo này, phở là một món ăn quá xa xỉ. Cuộc sống của chị Tí, bác Siêu đã cơ cực là vậy, nhưng người đọc có thể thấy rõ nhất tận cùng của sự khốn khổ là gia đình bác xẩm. Gia tài chỉ vẻn vẹn một manh chiếu rách, một thau sắt trắng méo mó, cây đàn bầu cũ kĩ, và bác sống bằng nghề hát rong.

Nhìn vào cuộc sống cư dân nơi phố huyện mà độc giả cảm thấy thật xót xa. Bởi họ luôn hiện lên với những hành động quen thuộc, với những suy nghĩ mong đợi không khác mọi ngày. "Giờ muộn thế này mà họ chưa ra nhỉ?"... "dễ họ không phải đi gọi đâu!" Chẳng cần phải nói cụ thể, rõ ràng bởi những cư dân nơi đây đã thấu hiểu mọi suy nghĩ, mong đợi của nhau. Ngày nào cũng giống ngày nào, hôm nay cũng giống hôm qua và sẽ còn tiếp diễn ở ngày mai. Nhịp sống của cư dân phố huyện lặp đi lặp lại một cách đơn điệu, và tẻ nhạt. Họ không chỉ khổ nghèo về vật chất mà còn quẩn quanh, lay lắt về tinh thần. Họ không phải đang sống theo đúng nghĩa mà chỉ là cầm cự trong vô vọng. Phố huyện giống như sân khấu cuộc đời chỉ độc diễn một màn buồn tẻ, không có sự thay đổi cả cảnh lẫn người.Tất cả cùng chung kiếp sống mòn. Điệu sống của cư dân phố huyện nghèo này chính là điệu sống của cả xã hội Việt Nam trước Cách mạng:

"Quanh quẩn mãi với vài ba dáng điệu

Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người

Vì quá quen nên quá đỗi buồn cười

Môi nhắc lại có ngần ấy chuyện" - (Huy Cận)

Dù vậy "chừng ấy người trong bóng tối vẫn mong đợi một cái gì tươi sáng hơn cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ". Ước mơ thật nhỏ bé, mơ hồ, tội nghiệp. Thạch Lam đã phát hiện, trân trọng và nâng niu mọi ước mơ, hy vọng dù là nhỏ nhoi nhất của những con người phố huyện. Niềm xót thương da diết thể hiện kín đáo ngay trong cách dựng cảnh, dựng người. Vì vậy có thể nói "văn Thạch Lam lúc nào cũng đằm thắm, đôn hậu, nghẹn ngào chút lệ của tình thương".

Bằng ngôn từ trong sáng, giản dị; ngòi bút tài hoa, tinh tế và cái nhìn trìu mến, yêu thương, Thạch Lam đã dựng nên bức tranh chân thực đầy xúc động về cuộc sống đói nghèo tăm tối nơi phố huyện, tiêu biểu nhất là cảnh phố huyện vào đêm. Qua đó, người đọc đã thấy được tấm lòng nhân hậu, đầy tình yêu thương của ông. Dù ra đời cách đây nhiều năm, nhưng ngày nay đọc "Hai đứa trẻ" ta vẫn thấy đầy đủ "cái dư vị và nhã thú của một tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học" (Nguyễn Tuân)

Truyện ngắn "Hai đứa trẻ" đã tái hiện một cách nhẹ nhưng thấm thía niềm xót thương của Thạch Lam với những kiếp người sống cơ cực, quẩn quanh, tăm tối ở một phố huyện nghèo. Đồng thời, truyện cũng cho thấy sự trân trọng của nhà văn với những mong ước đổi đời tuy còn mơ hồ của họ. Đây là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam với cốt truyện đơn giản, ít sự kiện mà đầy ắp tâm trạng. Với thành công của "Hai đứa trẻ", Thạch Lam xứng đáng là một nhà văn xuất sắc, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn.

Trên đây là dàn ý và mẫu cảm nhận bức tranh phố huyện lúc về đêm trong tác phẩm Hai đứa trẻ. Xin chân thành cảm ơn bạn đọc đã quan tâm theo dõi!