Mục lục bài viết
- 1. Hướng dẫn mới về chi trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- 2. Quy định cụ thể cách tính tần suất tai nạn để giảm mức đóng BHXH
- 3. Nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ đánh giá vệ sinh, an toàn lao động
- 4. Miễn giảm các nội dung bồi dưỡng
- 5. Mức trợ cấp hưu trí đối với công chức, cán bộ cấp xã
- 6. Yêu cầu thu thập thêm nhiều thông tin về thị trường lao động
1. Hướng dẫn mới về chi trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Ngày 1/3/2022 cũng là thời điểm có hiệu lực của Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động, thay thế cho Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH và Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH.
Theo Thông tư mới, cách thức chi trả chế độ tai nạn lao động trong trường hợp đặc thù đã có sự điều chỉnh.
Căn cứ khoản 2 Điều 8 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH, trường hợp người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng doanh nghiệp không đóng BHXH cho họ thì phải trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp số tiền tương ứng với chế độ trợ cấp mà đáng lẽ do cơ quan BHXH thanh toán. Trước đây, việc chi trả số tiền trên có thể thực hiện một lần hoặc hàng tháng theo thỏa thuận của các bên.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Thông tư mới đã bổ sung thêm quy định về trường hợp các bên không thống nhất hình thức chi trả thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động.
2. Quy định cụ thể cách tính tần suất tai nạn để giảm mức đóng BHXH
Trước đây, Chính phủ đã có Nghị định 58/2020/NĐ-CP trong đó có quy định doanh nghiệp được đề xuất áp dụng mức đóng BHXH thấp hơn mức đóng bình thường (chỉ phải đóng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thay vì 0,5%) khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Trong vòng 03 năm liền trước năm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, BHXH;
- Thực hiện báo cáo định kỳ tai nạn lao động, an toàn, vệ sinh lao động, chính xác, đầy đủ, đúng hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất;
- Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.
Tuy nhiên tần suất tai nạn lao động này không được xác định một cách trực tiếp mà phải thông qua bên thứ ba. Hồ sơ doanh nghiệp cần chuẩn bị để đề xuất được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng thông thường bao gồm:
- Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục của Nghị định 58/2020/NĐ-CP
- Bản sao chứng thực Báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động được thực hiện bởi tổ chức đánh giá an toàn, vệ sinh lao động
Báo cáo này được thực hiện bởi bên thứ ba là tổ chức đánh giá an toàn, vệ sinh lao động đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động Hạng C (được huấn luyện người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động) đang còn hiệu lực theo quy định và Sử dụng chuyên gia đánh giá an toàn, vệ sinh lao động của tổ chức trong quá trình thực hiện đánh giá. Chuyên gia đánh giá là người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cơ hữu của tổ chức và được bồi dưỡng, sát hạch đạt yêu cầu về nghiệp vụ đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ngày 28/12/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 27/2021/TT-BLĐTBXH về việc tổ chức bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ đánh giá an toàn, vệ sinh lao động đối với các tổ chức đánh giá an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó hướng dẫn cách tính tần suất tai nạn lao động làm căn cứ để được áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, theo Điều 8 Thông tư 27, tần suất tai nạn lao động được tính theo công thức sau:
Ki = (Ni x 1.000) / Pi.
Trong đó:
- Ki là tần suất tai nạn lao động của năm.
- Ni là số lượt người bị tai nạn lao động và số người chết vì tai nạn lao động được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tính từ 1/1 đến hết 31/12 trong năm thứ.
- Pi là số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tính từ 1/1 đến hết 31/12 trong năm.
Tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất được tính như sau:
Ktb = (K1 + K2 + K3) / 3
Trong đó:
- Ktb là tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất.
- K1 là tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất (năm thứ 1).
- K2 là tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm thứ nhất (năm thứ 2).
- K3 là tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm thứ hai (năm thứ 3).
Cách tính này được áp dụng kể từ từ ngày 1/3/2022.
Nếu tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động trong 3 năm liền kề trước năm đề xuất thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội được xem xét giảm mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 0,5% xuống còn 0,3%.
3. Nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ đánh giá vệ sinh, an toàn lao động
Nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ đối với các chuyên gia đánh giá an toàn, vệ sinh lao động hay các tổ chức đánh giá được quy định trong Điều 4 Thông tư 27/2021/TT-BLĐTBXH:
- Kỹ năng cần thiết để tổ chức và thực hiện hoạt động đánh giá sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
- Quy trình tổ chức và thực hiện hoạt động đánh giá về an toàn, vệ sinh lao động.
- Triển khai thực hiện hoạt động đánh giá theo từng nội dung quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
- Tổng hợp cơ sở dữ liệu để phân tích, đánh giá và dự thảo báo cáo đánh giá sự tuân thủ pháp luật an toàn, vệ sinh lao động.
Ngoài ra toàn bộ chương trình đào tạo này cũng được quy định ở Phụ lục I của Thông tư này.
Cá nhân khi tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ và vượt qua kì sát hạch sẽ được công nhận là chuyên gia đánh giá an toàn, vệ sinh lao động của một tổ chức đánh giá.
4. Miễn giảm các nội dung bồi dưỡng
Ngoài ra, Thông tư 27/2021/TT-BLĐTBXH còn quy định về những trường hợp sẽ được miễn giảm các nội dung bồi dưỡng được quy định ở trên, cụ thể:
- Người có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 7 năm kinh nghiệm làm công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật thì được miễn toàn bộ nội dung bồi dưỡng.
- Người có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 7 năm kinh nghiệm làm công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng chính sách, pháp luật thuộc các chuyên ngành khác thì được giảm nội dung bồi dưỡng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
5. Mức trợ cấp hưu trí đối với công chức, cán bộ cấp xã
Theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2022/TT-BNV, cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130-CP năm 1975 và Quyết định số 111-HĐBT năm 1981 sẽ được điều chỉnh tăng 7,4% mức trợ cấp hằng tháng.
Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 02/2022/TT-BNV, sau khi đã làm tròn số, cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc sẽ được nhận mức trợ cấp hằng tháng như sau:
- Cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã là 2.473.000 đồng/tháng.
- Cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã là 2.400.000 đồng/tháng.
- Các chức danh còn lại là 2.237.000 đồng/tháng.
Mặc dù Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2022 nhưng chế độ trợ cấp trên được thực hiện ngay từ ngày 1/1/2022.
6. Yêu cầu thu thập thêm nhiều thông tin về thị trường lao động
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 01/2022/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực từ ngày 10/3/2022. Theo đó, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội yêu cầu thu thập thêm nhiều thông tin về thị trường lao động. Cụ thể:
- Thu thập thông tin về cung lao động: Ngoài thông tin về họ tên, ngày sinh, giới tính, trình độ giáo dục phổ thông, công việc hiện tại, tình trạng thất nghiệp… Thông tư mới yêu cầu bổ sung thêm thông tin về nhu cầu đào tạo, việc làm (Điều 7 Thông tư 01/2022).
- Thu thập thông tin về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Ngoài thông cá nhân, giấy phép lao động, vị trí công việc đang làm, quy định mới yêu cầu thu thập thêm thông tin về trình độ chuyên môn đào tạo và chuyên ngành đào tạo; hình thức làm việc; loại hình doanh nghiệp, tổ chức làm việc; kinh nghiệm làm việc; chứng chỉ hành nghề; địa điểm và thời gian làm việc (Điều 13 Thông tư 01/2022).
Các trung tâm dịch vụ việc làm sẽ là đơn vị thực hiện nhiệm vụ thu thập các thông tin về thị trường lao động nói trên và báo cáo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -Trên đây là toàn bộ những quy định mới về lao động tháng 3 năm 2022. Trường hợp trong nội dung bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Công ty luật Minh Khuê.