Mục lục bài viết
1. Điều kiện để doanh nghiệp được công nhận phá sản
Theo quy định về giải thích từ ngữ quy định tại Luật Phá sản 2014, phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Căn cứ theo quy định tại Điều 214 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau: Việc phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Để được công nhận phá sản, doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời cả 02 điều kiện sau đây:
- Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
- Doanh nghiệp bị Tòa án nhân dân tuyên bố phá sản.
Việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán bao gồm những trường hợp sau:
- Trường hợp không có tài sản để thanh toán các khoản nợ
- Trường hợp có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.
2. Chủ nợ có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản với pháp nhân thương mại hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Phá sản 2014 quy định về Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau:
- Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần: Thời điểm phát sinh quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần là hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán
- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở: Thời điểm phát sinh quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của những chủ thể này là thời điểm hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông: Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật Phá sản 2014 quy định chủ thể là cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm:
+ Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán.
+ Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định
- Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã: Thời điểm phát sinh quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là thời điểm hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Tức là thời điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ khi đến hạn thanh toán.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên chủ nợ bao gồm chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà pháp nhân thương mại không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
3. Quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi doanh nghiệp phá sản
Căn cứ theo quy định tại Điều 54 Luật Phá sản 2014 quy định về thứ tục phân chia thanh toán khi doanh nghiệp bị phá sản như sau:
Trường hợp thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
- Chi phí phá sản
- Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hợp tác xã.
- Các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi thanh toán đủ các khoản quy định trên mà vẫn còn tài sản thì phần tài sản còn lại này sẽ thuộc về các chủ thể sau:
- Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên
- Chủ doanh nghiệp tư nhân
- Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên cổ đông của công ty cổ phần.
- Thành viên của công ty hợp danh.
Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán các chi phí theo quy định thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
4. Thủ tục phá sản của doanh nghiệp
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Chỉ những người có quyền và nghĩa vụ liên quan mới có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Để bắt đầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, các chủ thể có quyền, nghĩa vụ phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản kèm theo các tài liệu, chứng cứ đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Bước 2: Tòa án nhận đơn
Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án xem xét đơn, nếu đơn hợp lệ sẽ thông báo việc nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản.
- Nếu đơn chưa hợp lệ thì yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn
- Nếu người nộp đơn không có quyền nộp đơn, hoặc từ chối sửa đơn thì Tòa án tiến hành trả lại đơn.
Bước 3: Tòa án thụ lý đơn
Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản.
Bước 4: Mở thục tục phá sản
- Trong vòng 30 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản (trừ khi doanh nghiệp được Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn).
Bước 5: Triệu tập hội nghị chủ nợ
- Thẩm phán sẽ triệu tập hội nghị chủ nợ trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản hoặc lập danh sách chủ nợ.
- Hội nghị chủ nợ được tổ chức có quyền đưa ra các kết luận theo 3 hướng giải quyết sau:
+ Đề nghị Toàn án đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản
+ Đề nghị áp dụng những biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
+ Đề nghị Tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
Bước 6: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản
Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn mất khả năng thanh toán, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
Bước 7: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản
- Thanh lý tài sản phá sản
- Phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.
Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, quý khách hàng có thể tìm hiểu tại bài viết: Chủ thể nào là người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản? Nên giải thể hay phá sản công ty của Luật Minh Khuê.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Chủ nợ có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản với pháp nhân thương mại hay không? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách hàng mang tính tham khảo. Nếu quý khách hàng còn có vướng mắc về các vấn đề pháp lý xin vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được hỗ trợ hoặc gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để được báo phí sớm nhất. Luật Minh Khuê trân trọng cảm ơn!