1. Chưa có công việc người vợ có được quyền nuôi con khi ly hôn ?

Thưa luật sư, vợ chồng em muốn ly hôn. Chúng em có một đứa con chung 06 tháng tuổi. Nhà chồng em muốn giành quyền nuôi con. Em chưa có công việc ổn định em có được quyền nuôi con không ạ ?
Kính mong luật sư tư vấn giúp, em xin cảm ơn.
Youtube video

Tư vấn thủ tục pháp lý về quyền nuôi con khi ly hôn, gọi:1900.6162

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

"Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

Từ quy định trên thì trường hợp của bạn, về nguyên tắc bạn sẽ được trực tiếp nuôi con. Nếu bạn chứng minh được mình có thể đảm bảo chăm sóc và giáo dục con thì căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần Tòa án sẽ giao con cho bạn nuôi.

Ngoài ra, khi bạn nuôi con thì chồng bạn có nghĩa vụ chu cấp tiền nuôi con hàng tháng, hằng quý, hằng năm hoặc một lần tùy vào thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, pháp luật không có quy định một định mức cụ thể về số tiền cấp dưỡng, tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý để nuôi con khi ly hôn.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý, sau khi con bạn đủ 36 tháng tuổi chồng bạn vẫn có thể giành quyền nuôi con nếu bạn vẫn chưa có việc làm ổn định theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014, vì vậy, bạn nên cố gắng ổn định thu nhập để phòng tránh trường hợp này. Tham khảo nội dung liên quan: Quyền nuôi con thuộc về ai khi vợ chồng có nhiều xung đột, vợ thường bị chồng đánh đập ?

2. Xin được tư vấn về giành quyền nuôi con ?

Xin chào luật sư! Tôi là nam sinh năm 1981, vợ tôi sinh năm 1984. Chúng tôi kết hôn với nhau từ cuối năm 2009. Chúng tôi có một con gái chung đã 5 tuổi. Hiện nay, tôi muốn ly hôn với vợ tôi và muốn giành quyền nuôi con. Thật ra ý định muốn ly hôn đã trong đầu tôi từ nhiều năm nay rồi, nhưng tôi vẫn cố gắng chịu đựng và hy vọng vì chúng tôi có con chung nên tôi không muốn con tôi phải chịu khổ.

Vợ tôi là một người phụ nữ ích kỷ và lười nhác việc nhà (lười đến mức khó ai có thể tưởng tượng, sống với nhau 6 năm mà số lần cô ấy vào bếp nấu cơm chỉ đếm trên đầu ngón tay), cách ăn nói thì luôn tỏ ra thiếu tôn trọng tôi. Cách dạy con của vợ tôi cũng khiến tôi không hài lòng, ngoan thì cưng nựng ngọt ngào, hư thì ngay lập tức đổi giọng đe nẹt, đòn roi. Nhiều lần dùng từ ngữ có thể nói là vô văn hóa với con. Tôi đã nhắc nhở rất nhiều lần trong nhiều năm nhưng không có sự thay đổi. Chỉ vì luôn bị ức chế và không tìm được cách giải quyết về những hành động thái độ, cách ăn nói của vợ tôi mà trước đây tôi đã bị gần như là thần kinh nhẹ. Tôi đã bị kiểu như là hoạt ngôn trong một thời gian vài tuần, nghĩa là nói suốt ngày không muốn ngừng nghỉ, mặc dù bình thường tôi rất ít nói, nhưng tôi đã lập tức chữa trị và khỏi. Tôi xin được hỏi là nếu ly hôn tôi có khả năng cao giành được quyền nuôi con không? Tôi là người làm việc nhà nước thu nhập ổn định, có nhà riêng. Bố mẹ tôi là giáo viên đã về hưu.

Vợ tôi là kế toán của công ty tư nhân, bố vợ đã mất nhiều năm, mẹ vợ tôi làm nghề buôn bán. Lý do tôi muốn giành quyền nuôi con đầu tiên là tôi rất thương con, một lý do nữa là tôi lo nếu vợ tôi giành được quyền này thì tôi lo con tôi dưới sự dạy dỗ của vợ tôi nó sẽ trở thành một người như mẹ thôi ?

Mong sớm nhận được phản hồi từ quý luật sư! Tôi xin cảm ơn!

Người hỏi: Son Le Trong

Trả lời:

Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

Như vậy, việc giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng được căn cứ trên quyền lợi mọi mặt của con (vật chất lẫn tinh thần) người nào có khả năng giáo dục và nuôi dưỡng con tốt thì có thể được là người trực tiếp nuôi con.

Vì vậy, nếu muốn giành được quyền nuôi con bạn hãy chứng minh với Tòa án sự thiếu quan tâm, không chăm lo đến con của người vợ, chứng minh bạn có đủ thời gian và hiểu biết để nuôi dạy tốt cho con cái. Tham khảo thêm:Muốn giành lại quyền nuôi con từ người chồng sau khi ly hôn phải làm thế nào ?

3. Quyền nuôi con khi vợ phát hiện chồng có người con gái khác ?

Thưa luật sư, tôi muốn hỏi về vấn đề hôn nhân gia đình, năm 2016, tôi kết hôn tới tháng 12 năm 2017 vợ chồng tôi có một bé gái. Và trong thời gian từ tháng 08/2017 đến tháng 01/2018 tôi có tình cảm với một người con gái khác và vợ tôi có biết, sau đó tôi đã chấm dứt mối quan hệ đó.

Tuy nhiên, tôi và vợ bây giờ tình cảm không còn như trước và vợ tôi vẫn còn lôi chuyện cũ ra nói và có thái độ hỗn hào với ba mẹ tôi. Nếu ly hôn, tôi có thể được quyền nuôi con hay không, con tôi không còn bú sữa mẹ từ tháng thứ 4?

Cảm ơn luật sư!

Tư vấn hôn nhân và quyền nuôi con khi vợ phát hiện chồng có người con gái khác ?

Luật sư tư vấn thủ tục ly hôn và tranh chấp nuôi con, gọi ngay: 1900.6162

Trả lời:

Quyền yêu cầu ly hôn được quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

"3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi."

Từ quy định trên, nếu vợ bạn vẫn đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hoặc đang mang thai thì bạn không thể thực hiện việc ly hôn đơn phương. Còn nếu vợ bạn không thuộc trường hợp mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, thì bạn có thể đơn phương ly hôn theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

"1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được."

Như vậy, để Tòa án giải quyết cho ly hôn, phía nguyên đơn cần phải cung cấp những chứng cứ chứng minh cho lý do ly hôn làm cơ sở để Tòa án giải quyết.

Về trình tự, thủ tục, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

- Đơn ly hôn/ Đơn xin ly hôn/ Đơn khởi kiện ly hôn (Theo mẫu của Tòa án nơi hai vợ chồng sẽ giải quyết ly hôn);

- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;

- Bản sao công chứng, chứng thực Sổ hộ khẩu, CMTND của hai vợ chồng, Giấy khai sinh của con (nếu có);

- Các giấy tờ khác chứng minh tài sản chung,...

- Các tài liệu làm căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn (nếu có).

Sau đó bạn sẽ nộp hồ sơ khởi kiện ly hôn về Tòa án nhân dân cấp quận / huyện nơi vợ bạn đang cư trú (tạm trú hoặc thường trú) hoặc làm việc.

Về quyền nuôi con khi ly hôn: Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì việc bạn có quan hệ với người phụ nữ khác không phải là căn cứ để Tòa án không giao con cho bạn nhưng đó có thể là căn cứ để vợ bạn chứng minh bạn bỏ bê con cái, không quan tâm đến vợ con, có quan hệ bất chính ở ngoài,... Và độ tuổi của con là yếu tố quan trọng để quyết định ai sẽ được trực tiếp nuôi con khi ly hôn. Xem thêm:Thủ tục xin ly hôn khi chồng không chịu ký đơn ly hôn? Làm sao để giành được quyền nuôi con sau ly hôn?

4. Quy định về quyền nuôi con và mức cấp dưỡng ?

Thưa luật sư. Em muốn hỏi: bây giờ em muốn ly hôn, nhưng anh ấy không cho biết được địa chỉ ở bên Đài Loan giờ em phải làm gì để ly hôn với anh ấy được, em phải giành quyền nuôi con như thế nào? Và chồng em phải chu cấp tiền như thế nào là hợp lý?
Xin cảm ơn!

Vợ có được quyền nuôi con bốn tuổi và con đang mang thai khi ly hôn không?

Luật sư tư vấn luật hôn nhân trực tuyến, gọi:1900.6162

Trả lời:

Hiện tại, bạn muốn ly hôn với chồng nhưng không biết địa chỉ của chồng ở Đài Loan thì việc giải quyết ly hôn vô cùng khó khăn.

Quyền nuôi con sau ly hôn:

Căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì việc nuôi con căn cứ vào độ tuổi của con bạn, cũng như căn cứ vào thỏa thuận của hai vợ chồng bạn sao cho phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng nhất cho con của bạn. Người muốn giành được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con sau khi ly hôn cần phải chứng minh được điều kiện về kinh tế, tài chính, đủ thời gian để có thể chăm sóc con, cho con bạn đi chơi, đi học,...

Còn về mức cấp dưỡng cho con đối với người không trực tiếp nuôi dưỡng con được quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

"Điều 116. Mức cấp dưỡng

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết."

Trong trường hợp của bạn, hai vợ chồng bạn có thể thỏa thuận về mức cấp dưỡng khi nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Hiện nay, chưa có bất kỳ một văn bản nào quy định cụ thể về số tiền cấp dưỡng nuôi con là bao nhiêu do sự phong phú, đa dạng và rất khác nhau của mỗi hoàn cảnh, môi trường và điều kiện cũng như mức thu nhập của người không trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, khi xem xét quyết định mức cấp dưỡng, Tòa án sẽ dựa trên mức lương của chồng bạn, đồng thời cũng dựa trên những chi phí tối thiểu cần thiết cho việc nuôi dưỡng chăm sóc con, chẳng hạn như chi phí về ăn, mặc, ở học hành, khám, chữa bệnh, những chi phí tối thiểu để đảm bảo cuộc sống của một người bình thường. Tham khảo bài viết liên quan:Lương thấp hơn chồng thì có giành được quyền nuôi con không?

5. Vợ có được quyền nuôi con bốn tuổi và con đang mang thai khi ly hôn không ?

Cho em hỏi, vợ chồng em kết hôn từ 2012. Đến nay, đã có một cháu gái 04 tuổi và em đang mang thai cháu thứ hai được 22 tuần. Trong thời gian chung sống, vợ chồng em thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn với nhau. Mục đích hôn nhân không đạt được. Bản thân chồng em không đánh đập em, cũng không cờ bạc rượu chè hay có mối quan hệ nào khác.

Nhưng do mâu thuẫn và thường xuyên cãi vã nên chúng em không muốn tiếp tục cuộc sống vợ chồng nữa. Em muốn nuôi cháu 04 tuổi. Nhưng em muốn hỏi, hiện nay lương của em thấp hơn chồng em. Cụ thể lương của em một tháng được 04 triệu, chồng được 8 triệu nhưng giờ giấc đi làm lại theo ca, không đảm bảo cho việc chăm sóc và trông nom, dạy bảo con. Em là giáo viên nên có nhiều thời gian hơn. Chồng em cũng muốn tranh giành quyền nuôi con lớn với em. Vậy em muốn hỏi trong trường hợp này Toà án có xem xét giải quyết cho em được nuôi cháu 04 tuổi hay không?

Em mong câu trả lời sớm nhất của luật sư ạ. Em cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc nuôi dưỡng con sau khi ly hôn thì việc cha hoặc mẹ sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng con sau ly hôn sẽ phụ thuộc vào một trong các trường hợp sau:

Trước hết là phụ thuộc vào việc hai vợ chồng tự thỏa thuận với nhau sao cho đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất về mọi mặt của con. Sau đó, khi hai vợ chồng không thỏa thuận được với nhau thì Tòa án sẽ căn cứ vào nguyện vọng của con khi con từ đủ 07 tuổi trở lên hoặc con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao trực tiếp cho người mẹ nuôi dưỡng vì độ tuổi này con cần sự chăm sóc của người mẹ nhưng cũng có căn cứ vào điều kiện, khả năng nuôi dưỡng của vợ, chồng để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các con sau khi vợ chồng ly hôn.

Như vậy, trong trường hợp này của bạn, con bạn hiện nay được 04 tuổi, với độ tuổi này thì giữa bạn và chồng bạn đều có quyền ngang nhau trong việc giành quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con sau khi ly hôn. Hơn nữa, chồng bạn lại có mức lương cao gấp đôi bạn, lương bình quân một tháng của bạn chỉ được 04 triệu đồng còn chồng bạn được 08 triệu đồng/tháng. Vì vậy, bạn đang có bất lợi rất lớn ở đây về mức thu nhập. Chồng bạn lúc này cũng có tranh chấp muốn giành quyền nuôi dưỡng con với bạn.

Do đó, để Tòa án giải quyết đồng ý chấp nhận giao con cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục sau khi ly hôn thì bạn phải chứng minh được các điều kiện khác bạn tốt hơn chồng bạn như: bạn có tài chính tốt hơn chồng bạn, Sổ tiết kiệm ngân hàng, tài khoản ngân hàng, các khoản bạn đang cho người khác vay mượn, bạn có khoản thu nhập khác từ việc cho thuê nhà, đất,... Hoặc bạn có thể chứng minh về phía gia đình bên ngoại có đủ điều kiện, đủ khả năng để chăm sóc cho cả hai mẹ con bạn kể cả trường hợp bạn không có công việc ổn định. Bên cạnh đó, bạn có thể chứng minh được ngoài việc mức lương của chồng bạn cao hơn thì bạn có thể chứng minh được chồng bạn không có thời gian chăm sóc, trông nom, giáo dục con, chồng bạn không biết cách chăm sóc con, cũng như gia đình bên nội không có đủ khả năng, điều kiện chăm sóc con.

Như vậy, việc Tòa án có đồng ý giao con cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng hay không sẽ căn cứ vào những bằng chứng bạn đưa ra, khi Thẩm phán giải quyết vụ án của vợ chồng bạn nhận thấy bạn thực sự đủ điều kiện, đủ khả năng để có thể chăm sóc tốt nhất cho con bạn thì Thẩm phán sẽ giao con cho bạn trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn.

>> Tham khảo thêm: Giành quyền nuôi con khi mẹ không có việc làm ổn định?

6. Không có việc làm có giành quyền nuôi con hai tháng tuổi được không?

Thưa luật sư! Tôi đang làm đơn ly hôn với chồng. Tôi muốn được quyền nuôi con. Con tôi chỉ mới được hai tháng tuổi, còn tôi hiện tại chưa có việc làm chỉ ở nhà chăm con.
Vậy cho tôi hỏi tôi có được quyền nuôi con khi ly hôn không ?
Xin cảm ơn luật sư đã tư vấn!

>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân trực tuyến, gọi:1900.6162

Trả lời:

Theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì về nguyên tắc thì con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng(trừ trường hợp bạn không đủ điều kiện nuôi con hoặc vợ chồng bạn có thỏa thuận khác). Chính vì vậy, trong trường hợp của bạn, mặc dù bạn không có việc làm ổn định nhưng bạn chỉ cần chứng minh bạn có đủ thời gian, có đủ tài chính để có thể chăm sóc cho con mình thì khi đó, bạn sẽ được Tòa án giao con cho nuôi dưỡng vì ở độ tuổi này con bạn cần có sự chăm sóc, giáo dục từ người mẹ để có thể phát triển tâm, sinh ly tốt nhất cho con. Tham khảo bài viết liên quan:Tư vấn thủ tục ly hôn khi con dưới 12 tháng tuổi? Quyền nuôi con thuộc về ai?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật Hôn nhân - Công ty luật Minh Khuê