Mục lục bài viết
1. Điều kiện kinh doanh than như thế nào? Cơ sở pháp lý
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 14/2013/TT-BCT quy định về điều kiện kinh doanh than do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Căn cứ vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020 thì kinh doanh than là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại mục 60 của danh mục này. Theo đó, để được phép hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh than, công ty bạn cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Thông tư 14/2013/TT-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2013 về điều kiện kinh doanh than.
Căn cứ vào Điều 4 của thông tư về Điều kiện kinh doanh than như sau:
"Điều 4. Điều kiện kinh doanh than
1. Chỉ doanh nghiệp mới được phép kinh doanh than.
2. Doanh nghiệp kinh doanh than phải được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh than.
3. Doanh nghiệp kinh doanh than tùy thuộc hoạt động kinh doanh cụ thể phải đảm bảo các điều kiện sau:
a) Sở hữu hoặc thuê địa điểm kinh doanh, phương tiện vận tải, phương tiện bốc rót, kho bãi, bến cảng, phương tiện cân, đo khối lượng than để phục vụ hoạt động kinh doanh và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, điều kiện an toàn, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ theo các quy định hiện hành.
b) Phương tiện vận tải phải có trang bị che chắn chống gây bụi, rơi vãi, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông.
c) Địa điểm, vị trí các cảng và bến xuất than, nhận than phải phù hợp với quy hoạch bến cảng của địa phương, có kho chứa than, có trang thiết bị bốc rót lên phương tiện vận tải đảm bảo an toàn, có biện pháp bảo vệ môi trường.
d) Kho trữ than, trạm, cửa hàng kinh doanh than phải có ô chứa riêng biệt để chứa từng loại than khác nhau; vị trí đặt phải phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương, bảo đảm các yêu cầu về môi trường, trật tự an toàn giao thông theo quy định hiện hành. Đối với than tự cháy phải có biện pháp, phương tiện phòng cháy - chữa cháy được cơ quan phòng cháy - chữa cháy địa phương kiểm tra và cấp phép.
đ) Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân viên trực tiếp mua bán than, nhân viên trực tiếp thực hiện dịch vụ kinh doanh than phải có chứng chỉ hành nghề được cấp theo các quy định hiện hành.
4. Doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh than có nguồn gốc hợp pháp."
Tuy nhiên đây là quy định cũ, hiện tại đã bị bãi bỏ bởi Điều 1 quy định tại Thông tư 27/2016/TT-BTC về SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, BÃI BỎ MỘT SỐ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ KINH DOANH TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
2. Điều kiện xuất khẩu than được quy định ra sao ?
Theo khoản 2 điều 1 thông tư 27/2016/TT- BCT đã bãi bỏ khoản 1 Điều 4 Thông tư số 15/2013/TT-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về xuất khẩu than, và hiện nay chưa có văn bản nào quy định về vấn đề này. Tuy nhiên bạn vẫn có thể tham khảo
Điều 4. Điều kiện xuất khẩu than
2. Than được phép xuất khẩu khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
a) Đã qua chế biến và đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc tương đương tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
b) Có nguồn gốc hợp pháp như quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định về điều kiện kinh doanh than.
c) Các quy định khác (nếu có) theo sự điều hành của Chính phủ về hoạt động xuất nhập khẩu từng thời kỳ.
3. Quy trình thủ tục xuất khẩu than như thế nào?
Căn cứ quy định tại điều 5 về thủ tục xuất khẩu than đã bị bãi bỏ bởi khoản 4 Điều 7 Thông tư 13/2020/TT-BCT tuy nhiên chúng tôi vẫn cung cấp để cho quý bạn đọc có thể tham khảo như sau
1. Doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu than, ngoài các chứng từ theo quy định của Hải quan, cần phải xuất trình các loại giấy tờ sau:
a) Phiếu phân tích mẫu để xác nhận sự phù hợp về tiêu chuẩn, chất lượng của lô than xuất khẩu, do một phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS cấp.
b) Hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của than xuất khẩu.
2. Hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của than xuất khẩu gồm:
a) Đối với doanh nghiệp khai thác than: Giấy phép khai thác, Giấy phép khai thác tận thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.
b) Đối với doanh nghiệp chế biến than: Giấy chứng nhận đầu tư cơ sở chế biến than và Hợp đồng mua than có nguồn gốc hợp pháp để chế biến.
c) Đối với doanh nghiệp thương mại hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu than: Hợp đồng mua bán kèm theo bản sao hóa đơn giá trị gia tăng hoặc Hợp đồng ủy thác xuất khẩu than ký với doanh nghiệp nêu tại điểm a hoặc điểm b khoản này; hoặc chứng từ hợp lệ mua than do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu, phát mại
4. Báo cáo về xuất khẩu than
- Nội dung báo cáo về xuất khẩu than:
+ Kết quả thực hiện về chủng loại, khối lượng, kim ngạch xuất khẩu than, nguồn gốc than xuất khẩu.
+ Tình hình chấp hành các quy định về xuất khẩu than.
- Chế độ báo cáo: Doanh nghiệp xuất khẩu than có trách nhiệm định kỳ 6 tháng một lần (vào đầu các quý I, III hàng năm) báo cáo việc thực hiện xuất khẩu. Báo cáo được gửi về Bộ Công Thương và Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi doanh nghiệp thực hiện việc xuất khẩu than.
- Doanh nghiệp xuất khẩu than chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu, thông tin báo cáo.
- Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu báo cáo đột xuất về tình hình xuất khẩu than để phục vụ công tác quản lý, doanh nghiệp xuất khẩu than có trách nhiệm phải thực hiện yêu cầu đó.
5. Thực trạng ngành than hiện nay ở nước ta
Hiện nay, trong ngành than Việt Nam có hai đơn vị chủ chốt sản xuất, kinh doanh than là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp 95% sản lượng than sản xuất trong nước. Việt Nam đã chuyển từ một nước xuất khẩu than thành nước nhập khẩu than ròng. Theo số liệu thống kê, than xuất khẩu từ 24 triệu tấn (năm 2009) theo chủ trương ưu tiên cho than sử dụng trong nước chỉ xuất khẩu than cục, cám cho chất lượng mà trong nước chưa có nhu cầu nên giảm xuống còn 12 triệu tấn (năm 2013), đến nay chỉ còn khoảng 1 ÷ 3 triệu tấn/năm, than nhập khẩu tăng nhanh từ 2,3 triệu tấn (2013) lên 14,7 (2017) đến năm 2019 đạt 43,85 triệu tấn và sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu than nhập khẩu. Thực trạng sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu than trên đây là phản ánh kết quả của quá trình đầu tư trong quá khứ, phản ánh những tác động không chỉ điều kiện địa chất mỏ, điều kiện sản xuất, nhân tố thị trường, mà đặc biệt là những cơ chế chính sách quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh than vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể là:
Thứ nhất: Về cơ chế điều hành:
Cơ chế sản xuất và tiêu thụ than hiện hành chưa rõ ràng, chưa nhất quán, chưa đảm bảo mục tiêu: Sản xuất, cung cấp than kịp thời, đủ, ổn định trên cơ sở lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh làm trọng. Khâu sản xuất thì theo kế hoạch, quy hoạch, nhưng khâu tiêu thụ có lúc theo kế hoạch, có lúc can thiệp vào thị trường bằng biện pháp hành chính, nhưng có lúc lại theo thị trường.
Thứ hai: Về cơ chế giá than:
Giá bán than cho điện hiện hành được xác định trên cơ sở hiệp thương giữa TKV, TCT Đông Bắc và EVN với vai trò trọng tài trung gian của Bộ Tài chính. Nguyên tắc xây dựng giá bán than là đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế, có lợi nhuận hợp lý, phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư cải tạo, mở rộng và nâng công suất các mỏ hiện có và xây dựng các mỏ mới nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng than trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ ba: Về chính sách thuế:
Chính sách thuế phí đối với than không ngừng tăng và cao hơn các nước trong khu vực. Các khoản thuế phí khác đối với hoạt động khoáng sản cũng tăng. Phí môi trường đối với than theo Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 đối với than 10.000 đồng/tấn; đối với đất đá thải mỏ 200 đồng/m3. Ngoài ra, doanh nghiệp phải nộp lệ phí cấp giấy phép thăm dò, cấp phép khai thác; ký quỹ cải tạo môi trường, thuế phục hồi môi trường, hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất, tài liệu thăm dò địa chất, nhưng các doanh nghiệp khai thác than hàng năm vẫn phải trích vào giá thành 1,0÷1,5% doanh thu để thực hiện các dự án môi trường tập trung và chi 0,3÷0,5% tổng chi phí của các đơn vị sản xuất than cho công tác môi trường thường xuyên. Như vậy, tổng các khoản thuế phí chiếm tới 16% giá thành tiêu thụ than. Những chính sách đó không những gây ảnh hưởng đến cân đối tài chính và quá trình tái sản xuất của ngành than mà còn gián tiếp tác động làm tổn thất tài nguyên tăng lên do điều kiện khai thác khó khăn, giá thành cao.
Tóm lại, việc khai thác than trong nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nếu không có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ sẽ khó có thể đạt được mức sản lượng đề ra trong QH 403/2016, chẳng hạn sản lượng đề ra cho năm 2016 và 2017 là 41 ÷ 44 triệu tấn, nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 38 triệu tấn, dẫn đến thiếu than cho đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và đòi hỏi sản lượng than nhập khẩu tăng lên.
Nguyên nhân chính là do:
- Nguồn tài nguyên than có mức độ thăm dò còn rất hạn chế, độ tin cậy rất thấp, đặc biệt tại các vùng mỏ truyền thống đã có dấu hiệu sắp bước vào thời kỳ suy giảm. Tổng trữ lượng và tài nguyên chắc chắn, cộng tin cậy chỉ chiếm 7,23% tổng tài nguyên than. Trong khi đó, việc đầu tư thăm dò nâng cấp trữ lượng có nhiều rào cản (từ việc cấp phép, tới chồng lấn quy hoạch) nên thực hiện chậm so với tiến độ đề ra trong QH 403/2016.
- Hiện nay phần trữ lượng than có điều kiện khai thác thuận lợi đã cạn kiệt, hầu hết các mỏ than đều khai thác xuống sâu và đi xa hơn nên mức độ nguy hiểm, rủi ro ngày càng tăng, theo đó chi phí đầu tư, giá thành than ngày càng tăng cao. Ngoài ra, chính sách thuế, phí đối với than tăng cao cũng làm cho giá thành than được đà tăng vọt.
- Thời gian tới chuyển sang khai thác hầm lò là chủ yếu. Đây là loại hoạt động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhiều rủi ro, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người lao động, gây ra nhiều bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, cho nên rất khó thu hút lao động, trong khi thời gian đào tạo công nhân hầm lò tương đối dài (2÷3 năm).
- Chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh than và tiêu thụ, sử dụng than còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa phù hợp với kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước gắn liền với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhất là chính sách thuế, phí ngày càng tăng cao theo hướng tận thu tài chính cho ngân sách, đi ngược lại với chính sách khuyến khích khai thác tận thu tối đa, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên than được coi là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.