1.Chứng khoán là gì?

Chứng khoán là gì và có nên đầu tư vào thị trường chứng khoán hay không là câu hỏi của khá nhiều nhà đầu tư, kể cả với những nhà đầu tư đã tham gia thị trường lâu năm.

Có thể nói, chứng khoán là một bằng chứng xác nhận sự sở hữu hợp pháp của người sở hữu đó với tài sản hoặc phần vốn của công ty hay tổ chức đã phát hành.

Cụ thể, một cổ phần đại diện cho quyền sở hữu hợp pháp của một doanh nghiệp. Các tập đoàn sẽ phát hành cổ phiếu (cổ phiếu thông thường và cổ phiếu ưu đãi). Cổ phiếu khi được hoán đổi cho nhau thì sẽ được gọi là “chứng khoán”. Như vậy, đầu tư vào thị trường chứng khoán nghĩa là bạn đang mua quyền sở hữu một hay nhiều doanh nghiệp.

Theo quy định tại Điều 4, Luật Chứng khoán năm 2019:

1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;

c) Chứng khoán phái sinh;

d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Cụ thể, theo Điều 4 các loại tài sản là chứng khoán được quy định như sau:

- Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

- Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

- Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.

- Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.

- Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

- Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.

- Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

- Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

 

2.Thị trường chứng khoán hoạt động như thế nào?

Khoản 14 Điều 4 Luật Chứng khoán quy định, hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng và các hoạt động khác được quy định tại Luật này.

Bên cạnh đó, cũng tại Điều 4, đầu tư chứng khoán là việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Hiện nay, theo Điều 5 Luật Chứng khóan, thị trường chứng khoán được Nhà nước tổ chức hoạt động theo nguyên tắc:

1. Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân.

2. Công bằng, công khai, minh bạch.

3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

4. Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.

Đồng thời, để phát triển và quản lý thị trường chứng khoán, theo Điều 6, Nhà nước đã và đang thực hiện các chính sách:

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư và hoạt động trên thị trường chứng khoán nhằm huy động các nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho đầu tư phát triển.

- Quản lý, giám sát bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả.

- Đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin cho hoạt động của thị trường chứng khoán, phát triển nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Như vậy, chứng khoán và thị trường chứng khóan tại Việt Nam đều được pháp luật quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

 

3. Chào bán chứng khoán là gì? Ai được quyền chào bán chứng khoán?

Chào bán chứng khoán là hoạt động phát hành chứng khoán để thu hút vốn nhằm thỏa mãn nhu cầu về vốn của chủ thể chào bán. Gồm các đặc điểm sau:

  • Chủ thể chào bán chứng khoán đa dạng, có thể là Chính phủ (trái phiếu), Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp (cổ phiếu, trái phiếu)
  • Đối tượng của chào bán chứng khoán là chứng khoán. Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn góp của tổ chức phát hành.
  • Chào bán chứng khoán chỉ được thực hiện trên thị trường sơ cấp. Thị trường này là nơi diễn ra giao dịch trực tiếp giữa tổ chức chào bán và nhà đầu tư. Theo đó, chứng khoán được chào bán lần đầu cho nhà đầu tư.
  • Có hai phương thức chào bán: chào bán riêng lẻ và chào bán ra công chúng.

Chủ thể có thể thực hiện hoạt động chào bán chứng khoán rất đa dạng, có thể là Chính phủ, Chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư.

  • Chính phủ thường chào bán trái phiếu chính phủ để huy động vốn từ các nguồn lực trong xã hội nhằm đáp ứng các nhu cầu chi ngân sách của Chính phủ. Trong nhiều trường hợp, Chính phủ có thể chào bán trái phiếu chính phủ trên thị trường quốc tế để huy động vốn.
  • Chính quyền địa phương thường chào bán trái phiếu chính quyền địa phương để huy động các nguồn lực trong và ngoài địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu ngân sách của địa phương.
  • Các doanh nghiệp: là công ty cổ phần, công ty Trách nhiệm hữu hạn. Đây là chủ thể có nhu cầu lớn về chào bán chứng khoán để huy động nguồn lực trong xã hội. Chứng khoán mà các doanh nghiệp có thể chào bán là cổ phiếu và trái phiếu.
  • Quỹ đầu tư cũng được coi là một trong những chủ thể được phép chào bán chứng khoán. Các quỹ đầu tư chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư nhằm tập hợp các nguồn vốn nhỏ lẻ từ các nhà đầu tư để tạo thành nguồn vốn lớn đưa vào đầu tư trên thị trường chứng khoán.

 

4. Thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam sai quy định có bị xử phạt hay không?

Vi phạm quy định về thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng là một trong những vi phạm khá phổ biến hiện nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 01/01/2021, sẽ phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi đưa ra nhận định hoặc đảm bảo với nhà đầu tư về giá chứng khoán trong tương lai, về mức thu nhập, lợi nhuận đạt được trên khoản đầu tư hoặc đảm bảo không bị thua lỗ, trừ trường hợp chào bán trái phiếu không chuyển đổi ra công chúng.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

Thứ nhất, sử dụng thông tin ngoài Bản cáo bạch hoặc thông tin sai lệch với thông tin trong Bản cáo bạch để thăm dò thị trường trước khi được phép thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng; thực hiện phân phối chứng khoán ra công chúng không đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, không chuyển số tiền thu được từ đợt chào bán vào tài khoản phong tỏa; giải tỏa hoặc sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán trước khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả chào bán.

Thứ ba, không công bố báo cáo sử dụng vốn được kiểm toán xác nhận tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc không thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng trong báo cáo tài chính năm được kiểm toán xác nhận.

Cũng theo Điều 10, sẽ phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với tổ chức bảo lãnh phát hành khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng khi không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật; Thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng theo hình thức cam kết chắc chắn với tổng giá trị chứng khoán lớn hơn vốn chủ sở hữu hoặc vượt quá 15 lần hiệu số giữa giá trị tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tính theo báo cáo tài chính quý gần nhất.

Ngoài ra, mức xử phạt cũng sẽ cao hơn, có thể lên tới từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

Thứ nhất, chào bán chứng khoán ra công chúng không đúng với phương án đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Thứ hai, thay đổi mục đích hoặc phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không thông qua Đại hội đồng cổ đông hoặc khi chưa được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền thực hiện hoặc thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng với giá trị thay đổi từ 50% trở lên số tiền thu được từ đợt chào bán, trừ trường hợp chào bán trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền theo phương án được Hội đồng quản trị thông qua; sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng không đúng với mục đích, phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua hoặc nội dung đã công bố thông tin cho nhà đầu tư hoặc nội dung đã báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

Thứ nhất, chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Thứ hai, chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp, trừ trường hợp chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp được quy định tại Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Điều 14, khoản 6 Điều 15 Luật Chứng khoán.

Thứ ba, chào bán chứng khoán ra công chúng nhimg không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc đã nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng;

Thứ tư, không thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng theo cam kết bảo lãnh phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.

Đặc biệt, sẽ phạt nặng với số tiền lên đến từ 600 triệu đồng đến 700 triệu đồng đối với tổ chức nước ngoài chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam vi phạm cam kết không chuyển vốn huy động được ra nước ngoài hoặc vi phạm cam kết không rút vốn tự có đối ứng trong thời hạn dự án được cấp phép.

Bên cạnh đó, ngoài các hình phạt nêu trên thì sẽ phải chịu thêm hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng theo hình thức cam kết chắc chắn với tổng giá trị chứng khoán lớn hơn vốn chủ sở hữu hoặc vượt quá 15 lần hiệu số giữa giá trị tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tính theo báo cáo tài chính quý gần nhất.

5. Thực hiện phát hành thêm cổ phiếu không đúng với phương án đã báo cáo hoặc đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt như thé nào?

Chủ thể thực hiện phát hành thêm cổ phiếu không đúng với phương án đã báo cáo hoặc đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đến 150.000.000.theo quy định tại k1 điều 12 nghị định 152/2020 NĐ/CP.

Mọi vướng mắc vui lòng liên hệ Luật Sư Tư Vấn Pháp Luật Miễn Phí Online 24/2419006162 để được hỗ nhanh nhất.