1. Chuyển tiền bằng bưu kiện từ nước ngoài có hợp pháp?

Thưa luật sư, xin hỏi: Tôi có người thân đang ở vương quốc anh. Cô ấy muốn chuyển cho tôi số tiền 200.000 đô la từ anh về việt nam. Và cô ấy nói rằng sẽ gửi qua dịch vụ royal express cargolux delivery service. Cô ấy bảo rằng tôi sẽ phải trả phí hải quan. Tôi muốn hỏi phí hải quan cho việc gửi số tiền trên là bao nhiêu. Và dịch vụ này có đảm bảo an toàn không? Có vi phạm pháp luật hay không?

Tôi xin cảm ơn.

Trả lời:

Cơ sở pháp lý căn cứ công ước Bưu chính thế giới các nghị định thư cuối cùng 1999 và Luật Bưu chính năm 2010 có thể phân tích chi tiết như sau:

Dựa trên nội dung mà bạn cung cấp, người thân của bạn có vẻ đang muốn sử dụng dịch vụ chuyển phát bưu điện để gửi tiền cho bạn trong bưu kiện từ Anh chuyển về Việt Nam và bạn sẽ chịu phí hải quan cho kiện hàng này. Tuy nhiên, bạn và người thân của bạn cần lưu ý trước khi chuyển tiền qua bưu kiện:

Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định về vật phẩm, hàng hóa cấm vận chuyển qua đường bưu chính tại Điều 12 của Luật Bưu chính năm 2010 như sau:

Điều 12. Vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính

1. Vật phẩm, hàng hóa mà pháp luật của Việt Nam quy định cấm lưu thông.

2. Vật phẩm, hàng hoá từ Việt Nam gửi đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu.

3. Vật phẩm, hàng hoá từ các nước gửi về Việt Nam mà pháp luật Việt Nam quy định cấm nhập khẩu.

4. Vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo đó, tại Khoản 5 Điều 25 của Công ước Bưu chính thế giới các nghị định thư cuối cùng năm 1999 mà Việt Nam là một trong các thành viên có quy định về các hàng hóa, vật phẩm không được vận chuyển:

Điều 25: Các bưu gửi không được chấp nhận. Cấm gửi

5- Cấm không được đưa các loại tiền kim loại, tiền giấy, chứng khoán, các loại séc du lịch bạch kim, vàng hoặc bạc đã được gia công hoặc chưa, các loại đá quý, đồ trang sức hoặc các vật phẩm có giá trị khác vào...

Như vậy, tiền là một trong số những hàng hóa, vật phẩm cấm gửi qua đường bưu chính, nếu người thân của bạn cố tình gửi tiền trong bưu kiện thì sẽ không được chấp nhận và thậm chí có thể bị phạt tiền, tịch thu tang vật khi bị phát hiện. Nếu người thân bạn muốn gửi tiền về cho bạn thì các bạn có thể tham khảo một số dịch vụ hợp pháp về gửi tiền từ nước ngoài về Việt Nam thay vì gửi qua bưu kiện.

 

2. Mạo danh nhân viên hải quan yêu cầu nộp tiền tại ngân hàng?

Chào Luật sư, tôi có một người bạn ở nước ngoài, gần đây người đó nói cần tôi giúp chuyển đồ giúp cho gia đình và có hậu tạ tôi 15 ngàn đô gửi kèm trong thùng đồ chuyển phát nhanh. Nhưng tôi chưa nhận được hàng thì đã thấy có một người gọi điện tự xưng là nhân viên hải quan báo là hàng chuyển cho tôi đã bị hải quan tạm giữ, nếu tôi muốn nhận hàng thì phải tới ngân hàng nộp tiền phạt là 43 triệu đồng. Tôi đã gửi đủ số tiền này vào một tài khoản cá nhân tại ngân hàng nhưng mấy hôm sau chị ta lại gọi cho tôi yêu cầu nộp thêm tiền thì mới giúp đỡ tôi nhận hàng về được. Vì trong kiện hàng có 15 ngàn đô nên tôi rất muốn nhận hàng về nhưng hiện nay thì tôi không còn đủ tiền để nộp phạt nữa, tôi có thể bảo người ta mở hàng lấy tiền để bù vào tiền cần nộp rồi lấy hàng về không? Có cách nào khác để tôi được nhận hàng và tiền trong đó không?

Rất mong được Luật sư giúp đỡ. Tôi xin cảm ơn Luật sư.

Trả lời:

Thứ nhất, Khoản 4 Điều 12 của Luật Bưu chính năm 2010 quy định về hàng hóa, vật phẩm không được gửi qua đường bưu chính như sau:

Điều 12. Vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính

4. Vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo đó, Điều 5 của Công ước Bưu chính thế giới các nghị định thư cuối cùng năm 1999 mà Việt Nam là một trong các thành viên, quy định về các hàng hóa, vật phẩm không được vận chuyển có bao gồm tiền kim loại, tiền giấy... Do đó, việc người bạn của bạn gửi cho bạn tiền mặt kèm trong bưu kiện hàng là không hợp pháp bởi đây là hàng hóa, vật phẩm không được vận chuyển qua đường bưu chính và sẽ bị từ chối vận chuyển ngay khi bị kiểm tra và phát hiện.

Thứ hai, đối với hàng hóa được gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, việc thực hiện nộp thuế, phí hải quan được thực hiện theo quy định tại Điều 14 của Thông tư 191/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 56/2019/TT-BTC:

1. Hình thức thu nộp tiền thuế, phí hải quan thực hiện theo quy định tại Thông tư 126/2014/TT-BTC ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định một số thủ tục về kê khai, thu nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
...
4. Trách nhiệm của người khai hải quan:
a) Doanh nghiệp chuyển phát nhanh:
a.1) Tự khai, tự tính thuế, tự nộp thuế, phí hải quan và tự chịu trách nhiệm đối với các tờ khai hải quan có thuế, lệ phí đã được làm thủ tục hải quan; tự xác định số tiền thuế, phí hải quan phải được nộp trước vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai tại Kho bạc Nhà nước;
a.2) Thực hiện thu, nộp phí hải quan theo quy định tại Điều 45 Thông tư số 38/2015/TT-BTC;
a.3) Trường hợp nộp tiền vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan quy định tại khoản 2 Điều này: khi khai báo tờ khai hải quan phải kê khai chỉ tiêu “người nộp thuế” là mã 2; kê khai chỉ tiêu “mã xác định thời hạn nộp thuế” là mã D. Số tiền thuế phải nộp của từng tờ khai hải quan phát sinh trong ngày được trừ vào số tiền nộp trước tại tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai để được thông quan hàng hóa.
a.4) Trường hợp sử dụng bảo lãnh chung quy định tại khoản 3 Điều này, việc xử lý thanh toán trừ lùi, cập nhật số dư và quản lý bảo lãnh thực hiện theo khoản 4, khoản 5 Điều 43 Thông tư 38/2015/TT-BTC;
a.5) Trường hợp doanh nghiệp chuyển phát nhanh sử dụng biên lai đặc thù:
a.5.1) Được phát hành Biên lai thu thuế và Biên lai thu phí hải quan để trả cho chủ hàng;
a.5.2) Việc in, phát hành, quản lý, sử dụng Biên lai thu thuế và Biên lai thu lệ phí thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ in, phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế;
a.5.3) Doanh nghiệp chuyển phát nhanh có trách nhiệm phối hợp với Chi cục Hải quan thực hiện việc đối chiếu các chứng từ thu nộp ngân sách đảm bảo việc nộp thuế, phí hải quan chính xác và đúng quy định hiện hành.
b) Trách nhiệm của người khai hải quan khác (không phải là doanh nghiệp chuyển phát nhanh): thực hiện nộp thuế, lệ phí theo quy định tại Mục 5 Chương II Thông tư số 38/2015/TT-BTC
c) Trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan thực hiện nộp thuế, phí hải quan theo quy định tại Mục 5 Chương II Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
5. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan:
a) Đối với trường hợp nộp thuế, phí hải quan bằng tiền mặt:
a.1) Phát hành Biên lai thu thuế và Biên lai thu phí hải quan cho từng tờ khai hải quan có số tiền thuế, phí hải quan đã nộp và thực hiện các quy định tại Mục 5 Chương II Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
a.2) Đối với tổng số tiền thuế, lệ phí thu được trong ngày làm việc, Chi cục quan hải quan phải lập hồ sơ nộp tiền vào ngân sách nhà nước chuyển nộp Kho bạc Nhà nước theo quy định gom: Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước chuyển nộp Kho bạc Nhà nước theo quy định (01 bản chính) và Bản kê tờ khai - tiền thuế phát sinh chuyển nộp Ngân sách Nhà nước thu được của từng lô hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu trong ngày theo Mẫu HQ 03-BKTK-TT tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này (01 bản chính).
b) Đối với trường hợp doanh nghiệp chuyển phát nhanh nộp tiền trước vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai tại Kho bạc Nhà nước:
b.1) Công chức hải quan căn cứ nội dung tính thuế trên tờ khai hải quan, để xác định số tiền thuế phải nộp của từng tờ khai hải quan phát sinh thuế trong ngày trừ vào số tiền nộp trước;
b.2) Định kỳ hàng ngày hoặc một tuần/01 (một) lần, Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai lập giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định, kèm theo Bản tổng hợp tiền thuế trích từ tài khoản tiền gửi chuyển nộp Ngân sách Nhà nước (tổng hợp chi tiết số tờ khai hải quan, sắc thuế, số tiền doanh nghiệp chuyển phát nhanh kê khai đã trừ lùi để trích tiền từ tài khoản tiền gửi chuyển nộp Ngân sách Nhà nước) theo Mẫu HQ 04-BTH-TT tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này và gửi 01 bản cho doanh nghiệp chuyển phát nhanh khi có yêu cầu để đối chiếu số tiền đã nộp;…

Căn cứ vào quy định trên, việc nhân viên hải quan gọi điện yêu cầu bạn nộp tiền phạt vào tài khoản ngân hàng của cá nhân là không phù hợp. Trong trường hợp này, bạn nên xác minh lại toàn bộ sự việc để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.

 

3. Làm gì khi bị lừa đảo chuyển tiền qua ngân hàng?

Dạ chào luật sư, hôm nọ có một người bạn thân đang ở Mỹ của cháu nhắn tin qua facebook hỏi vay tiền cháu số tiền là 4 triệu đồng. Vì thân thiết và tin tưởng nên cháu chỉ hỏi lý do cần tiền và đã chuyển ngay. Thế mà sau đó mẹ bạn ấy gọi điện bảo cháu là tài khoản của bạn ấy đã bị hack và dặn cháu đừng cho tiền gì hết nhưng cháu đã lỡ chuyển rồi. Số tiền này với cháu không lớn lắm nhưng cháu nghĩ người đó là người quen thì mới biết chúng cháu thân nhau để nhắn vay tiền nên cháu rất muốn tìm ra đó là ai để xử lý. Bây giờ cháu phải làm sao ạ? Luật sư có thể cho cháu lời khuyên được không ạ?

Cháu rất cảm ơn ạ.

Trả lời:

Theo nội dung bạn cung cấp, với số tiền lừa đảo bạn là 4 triệu đồng, người thực hiện hành vi lừa đảo bạn qua tin nhắn facebook có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ96.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g)97 (được bãi bỏ)

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b)98 (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b)99 (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, bạn nên đến cơ quan công an để tố giác về hành vi phạm tội này. Khi đến làm việc tại cơ quan công an, bạn cần cung cấp đầy đủ các thông tin để cơ quan tiếp nhận tin báo như các tin nhắn giữa hai bên, bằng chứng tiến hành giao dịch, thông tin từ phía người bạn của bạn về việc tài khoản facebook bị hack... Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xác minh để làm rõ có hay không dấu hiệu của hành vi phạm tội trong trường hợp này. Nếu có dấu hiệu phạm tội họ sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp cho bạn.

 

4. Những hàng hóa, vật phẩm nào không được lưu thông, vận chuyển?

Vận chuyển hàng hóa, vật phẩm qua đường bưu chính hiện được sử dụng rất thường xuyên do thuận tiện và không tốn nhiều thời gian cùng những ưu đãi của các đơn vị vận chuyển. Tuy nhiên, người sử dụng các dịch vụ vận chuyển bưu chính cần lưu ý những hàng hóa, vật phẩm không được lưu thông, vận chuyển qua phương tiện này để tránh tốn thời gian, tiền bạc và những rủi ro không đáng có.

Điều 12 của Luật Bưu chính năm 2010 quy định:

Điều 12. Vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính

1. Vật phẩm, hàng hóa mà pháp luật của Việt Nam quy định cấm lưu thông.

2. Vật phẩm, hàng hoá từ Việt Nam gửi đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu.

3. Vật phẩm, hàng hoá từ các nước gửi về Việt Nam mà pháp luật Việt Nam quy định cấm nhập khẩu.

4. Vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Các loại hàng hóa, vật phẩm mà pháp luật Việt Nam cấm lưu thông được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, có thể kể đến một số hàng hóa như:

+ Vũ khí, đạn dược, trang thiết bị kỹ thuật quân sự;

+ Các chất dễ cháy nổ, chất phóng xạ hoặc các chất nguy hiểm;

+ Tiền mặt, tiền Việt Nam, giấy bạc ngân hàng, tiền giấy, tiền xu;

+ Vàng, bạc, bạch kim, đá quý và các kim loại quý khác;

+ Các vật phẩm, văn hóa phẩm, ấn phẩm, tài liệu đồi trụy, phản động nhằm phá hoại trật tự công cộng, chống lại Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam;

+ Thuốc phiện, các hợp chất từ thuốc phiện, chất kích thích thần kinh, chất gây nghiện, các chất ma túy...

Ngoài ra, Điều 25 của Công ước bưu chính thế giới và các nghi định thư cuối cùng năm 1999 mà Việt Nam là thành viên cũng quy định cụ thể về các trường hợp hàng hóa, vật phẩm cấm gửi:

Điều 25: Các bưu gửi không được chấp nhận. Cấm gửi

1- Bưu gửi không đáp ứng được các điều kiện đã nêu trong Công ước và các thể lệ sẽ không được chấp nhận.

2- Trừ các trường hợp ngoại lệ nêu trong các thể lệ, cấm chứa các nội dung sau trong tất cả các loại Bưu gửi.

2.1- Các chất ma tuý và kích thích thần kinh.

2.2- Các chất dễ nổ, dễ cháy hoặc các chất nguy hiểm khác hay chất phóng xạ.

2.2.1- Những nội dung sau không tuân theo điều cấm trên:

2.2.1.1- Các chất sinh học được gửi trong bưu phẩm quy định tại Điều 44.

2.2.1.2- Các chất phóng xạ được gửi trong bưu phẩm hay bưu kiện được nêu ở Điều 26.

2.3- Các vật phẩm dâm ô, đồi bại.

2.4- Động vật sống trừ một số loại đã được quy định ở đoạn 3.

2.5- Các vật phẩm bị cấm nhập và cấm lưu hành trong nước nhận.

2.6- Các vật phẩm do bản chất hoặc do cách gói bọc có thể gây nguy hiểm cho nhân viên hoặc làm hỏng các vật phẩm khác hoặc các thiết bị bưu chính.

2.7- Các tài liệu có tính chất thông tin hiện thời và riêng tư trao đổi giữa những cá nhân không phải là người gửi, người nhận hay những người ở cùng với họ.

3- Tuy nhiên, các trường hợp sau được chấp nhận.

3.1- Trong bưu phẩm trừ bưu phẩm khai giá.

3.1.1- Ong, đỉa, tằm

3.1.2- Các vật ký sinh và các nhân tố diệt trừ sâu bọ có hại dùng vào việc kiểm soát các loại sâu bọ đó trao đổi giữa các Viện nghiên cứu được chính thức công nhận.

3.2- Trong bưu kiện: động vật sống, nếu pháp luật của các nước liên quan cho phép vận chuyển qua đường bưu điện;

4- Cấm chứa những vật phẩm sau đây trong bưu kiện:

4.1- Tài liệu có tính chất thông tin hiện thời và riêng tư trao đổi giữa người gửi và người nhận hay những người ở cùng với họ.

4.2- Thư từ các loại trao đổi giữa các cá nhân không phải là người gửi và người nhận hoặc những người ở cùng với họ.

5- Cấm không được đưa các loại tiền kim loại, tiền giấy, chứng khoán, các loại séc du lịch bạch kim, vàng hoặc bạc đã được gia công hoặc chưa, các loại đá quý, đồ trang sức hoặc các vật phẩm có giá trị khác vào:

5.1- Trong bưu phẩm không khai giá, tuy nhiên, nếu luật pháp nước gửi và nước nhận cho phép thì những vật phẩm trên vẫn có thể được gửi trong phong bì dán kín như một Bưu gửi ghi số;

5.2- Trong bưu kiện không khai giá được trao đổi giữa hai nước chấp nhận mở dịch vụ bưu kiện khai giá; ngoài ra, bưu chính các nước có quyền cấm gửi vàng nén trong các bưu phẩm khai giá hoặc không khai giá đi hoặc đến lãnh thổ nước mình hoặc quá giang gửi rời qua nước đó. Các nước có quyền giới hạn giá trị thực tế đối với các loại vật phẩm này.

6- Ấn phẩm và học phẩm người mù:

6.1- Không được chứa các tài liệu có tính chất thông tin hiện thời và riêng tư cá nhân;

6.2- Không được chứa các tem cước phí hoặc các ấn phẩm trả cước cho dù những ấn phẩm này đã sử dụng hay chưa hoặc bất kỳ loại giấy tờ có giá trị về mặt tiền tệ.

 

5. Xử phạt khi vận chuyển hàng hóa, vật phẩm bị cấm qua đường bưu chính?

Tôi có vấn đề rất gấp mong luật sư trả lời sớm, con gái tôi đi du học có để một số đồ ở nhà và qua bển trước rồi tôi gửi đồ cho cháu sau. Tôi có đi gửi đồ cho cháu thì bị hải quan giữ lại và yêu cầu nộp phạt nhưng trong đó chỉ có mấy cái lắc tay tranh sức con gái cùng quần áo. Vậy hải quan bắt tôi nộp phạt là đúng hay sai hả luật sư?

Mong luật sư sớm giải đáp cho tôi vấn đề này.

Trả lời:

Khoản 4 Điều 12 của Luật Bưu chính năm 2010 quy định về hàng hóa, vật phẩm không được gửi qua đường bưu chính như sau:

Điều 12. Vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính

4. Vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo đó, Điều 5 của Công ước Bưu chính thế giới các nghị định thư cuối cùng năm 1999 mà Việt Nam là một trong các thành viên, quy định về các hàng hóa, vật phẩm không được vận chuyển có bao gồm vàng hoặc bạc đã được gia công hoặc chưa, các loại đá quý, đồ trang sức. Như vậy, trong bưu kiện bạn gửi cho con gái có chứa những đồ trang sức thuôc các trường hợp nói trên thì sẽ không được chấp nhận vận chuyển.

Với hành vi này, bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính linh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử:

Điều 9. Vi phạm các quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

... d) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng./.