Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc chung đối với hoạt động khuyến mại
Nguyên tắc chung đối với hoạt động khuyến mại được quy định như sau:
- Chương trình khuyến mại phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác.
- Thương nhân thực hiện Chương trình khuyến mại phải bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho khách hàng trúng thưởng nhận giải thưởng và có nghĩa vụ giải quyết các khiếu nại (nếu có) liên quan đến chương trình khuyến mại.
- Thương nhân thực hiện khuyến mại có trách nhiệm bảo đảm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại và hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.
- Việc thực hiện khuyến mại phải đảm bảo:
+ Không đưa ra điều kiện để khách hàng được hưởng khuyến mại là phải từ bỏ, từ chối hoặc đổi hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức khác;
+ Không có sự so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác.
- Không được sử dụng kết quả xổ số để làm kết quả xác định trúng thưởng, làm căn cứ để tặng, thưởng trong các chương trình khuyến mại theo hình thức quy định tại Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 9 Điều 92 Luật thương mại 2005.
2. Thuốc chữa bệnh có được dùng làm hàng hóa khuyến mại không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, dùng để khuyến mại thực hiện theo quy định của Luật thương mại 2008 và các quy định cụ thể sau:
- Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không bao gồm rượu, xổ số, thuốc lá, sữa thay thế sữa mẹ, thuốc chữa bệnh cho người kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của Bộ Y tế (trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc) dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở y tế công lập, dịch vụ giáo dục của cơ sở công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hàng hóa, dịch vụ bị cấm lưu hành tại Việt Nam và các hàng hóa, dịch vụ khác bị cấm khuyến mại theo quy định của pháp luật.
- Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại không bao gồm rượu, xổ số, thuốc lá, thuốc chữa bệnh cho người kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của Bộ Y tế (trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc), hàng hóa, dịch vụ bị cấm lưu hành tại Việt Nam và các hàng hóa, dịch vụ bị cấm khuyến mại khác theo quy định của pháp luật.
- Tiền có thể được sử dụng như hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trừ các trường hợp khuyến mại theo quy định tại các Điều 8, Điều 10, Điều 11 Nghị định 81/2018/NĐ-CP.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thuốc chữa bệnh cho người kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của Bộ Y tế không được sử dụng để làm hàng hóa khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc khác.
Các hình thức khuyến mãi thuốc thường ít xuất hiện trong thực tế do chúng chủ yếu nhắm đến đối tượng là người tiêu dùng trực tiếp sử dụng thuốc. Theo quy định của pháp luật, khuyến mãi thuốc chỉ được thực hiện cho các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, và không được phép thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào khác. Dưới đây là một số hình thức khuyến mãi thuốc thường không được áp dụng:
- Bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng, nhằm chọn người trúng thưởng theo quy định và giải thưởng đã công bố.
- Bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham gia vào chương trình khuyến mại có tính chất may mắn.
- Khuyến mãi hàng hóa hoặc dịch vụ thông qua các kênh trực tuyến và các phương tiện điện tử khác.
- Bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ kèm theo việc cung cấp phiếu mua hàng hoặc phiếu sử dụng dịch vụ.
Điều này phản ánh sự tuân thủ theo quy định của pháp luật, hạn chế các hình thức khuyến mãi mà người kinh doanh thuốc có thể sử dụng để quảng bá sản phẩm đối với người tiêu dùng.
3. Hạn mức tối đa có thể khuyến mại khi kinh doanh thuốc?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định về hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại như sau:
- Giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Trường hợp thương nhân thực hiện khuyến mại không trực tiếp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa hoặc không trực tiếp cung ứng dịch vụ dùng để khuyến mại, giá trị được tính bằng giá thanh toán của thương nhân thực hiện khuyến mại để mua hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại hoặc giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại tại thời điểm công bố;
+ Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa của thương nhân đó trực tiếp sản xuất, nhập khẩu hoặc cung ứng dịch vụ, giá trị được tính bằng giá thành hoặc giá nhập khẩu của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.
Theo đó, trong trường hợp không trực tiếp sản xuất, nhập khẩu thuốc thì giá được khuyến mãi tối đa bằng giá tiền bạn mua hàng hóa đó. Lưu ý, việc khuyến mại này chỉ được khuyến mại đối với thương nhân kinh doanh thuốc.
4. Sử dụng thuốc chữa bệnh làm hàng khuyến mại bị xử phạt thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP) quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng; rượu, xổ số, thuốc lá, sữa thay thế sữa mẹ, thuốc chữa bệnh cho người kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của Bộ Y tế (trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc), dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở y tế công lập, dịch vụ giáo dục của cơ sở công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hàng hóa, dịch vụ bị cấm lưu hành tại Việt Nam hoặc các hàng hóa, dịch vụ khác bị cấm khuyến mại theo quy định của pháp luật;
- Sử dụng hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng; rượu, xổ số, thuốc lá, thuốc chữa bệnh cho người kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của Bộ Y tế (trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc), hàng hóa, dịch vụ bị cấm lưu hành tại Việt Nam và các hàng hóa, dịch vụ bị cấm khuyến mại khác theo quy định của pháp luật;
- Khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng;
- Khuyến mại để tiêu thụ hàng hóa không bảo đảm chất lượng theo quy định;
- Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
- Nội dung chương trình thi của chương trình khuyến mại theo hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam;
- Thực hiện khuyến mại theo mô hình đa cấp, trong đó đối tượng khuyến mại gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, người trước được hưởng lợi ích từ việc mua hàng của người sau mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Như vậy, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi dùng thuốc chữa bệnh cho người kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của Bộ Y tế làm hàng hóa để khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc khác.
Xem thêm: Một số trường hợp khuyến mại mà không cần thông báo với Sở Công thương?
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Có được dùng thuốc chữa bệnh làm hàng hóa khuyến mại không? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!