1. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là gì?

- Sự thỏa thuận của các đương sự là sự bàn bạc và đưa đến thống nhất của các bên liên quan trong một vụ việc dân sự để giải quyết một phần hoặc toàn bộ nội dung vụ việc đang tranh chấp. Thỏa thuận được hình thành trên cơ sở tự nguyện, không vi phạm pháp luật hay đạo đức xã hội và không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

- Việc thỏa thuận chỉ xảy ra trong lĩnh vực dân sự bởi nguyên tắc thỏa thuận được ưu tiên công nhận trong các tranh chấp về dân sự. Do đó, đương sự ở đây là chỉ các đương sự trong vụ án dân sự bao gồm: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. 

- Như vậy, tùy vào từng giai đoạn trong thời gian giải quyết tranh chấp tại Tòa, các bên có quyền thỏa thuận để giải quyết nội dung vụ việc và biên bản hòa giải là văn bản để ghi nhận cho sự thỏa thuận đó. Tuy nhiên, trong trường hợp các đương sự có thể thỏa thuận được toàn bộ nội dung vụ việc thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (căn cứ theo Khoản 2 Điều 212 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

Theo đó, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là một văn bản do Tòa án ban hành ra nhằm xác nhận tính pháp lý của thỏa thuận giữa các đương sự trong vụ án dân sự ở từng giai đoạn tố tụng khác nhau. 

- Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được ban ra sau 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó. 

 

2. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có thể bị kháng cáo hay không?

- Điều 213 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về Hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:

"1. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

2. Quyết định công nhận nhân sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội."

Theo như quy định trên có thể hiểu quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khi có hiệu lực pháp luật thì không thể bị kháng cáo hay kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. 

- Bởi:

+ Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được ban ra dựa trên cơ sở là biên bản thỏa thuận của các đương sự mà trong đó, các đương sự đã có thời gian là 07 ngày từ khi lập biên bản hòa giải để đưa ra quyết định thay đổi hay có ý kiến, mong muốn thay đổi với sự thỏa thuận trước đó. Sau khi không nhận được phản hồi nào từ các đương sự về việc thay đổi ý kiến trong biên bản hòa giải thành thì Tòa án mới tiến hành ban Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. 

+ Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự là hành vi tư pháp nhằm xác nhận tính pháp lý của thỏa thuận giữa các đương sự; ghi nhận sự thỏa thuận đó làm cơ sở chứng minh cho việc tranh chấp đã được giải quyết theo sự thỏa thuận của các bên. Hiệu lực của quyết định này tương đương với bản án dân sự, cần được bảo đảm để các đương sự thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng thỏa thuận đã ký với nhau.

+ Thỏa thuận được lập trên cơ sở tự nguyện của các đương sự, không vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội nên việc kháng cáo sẽ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của những đương sự khác trong thỏa thuận. Vậy nên quyết định đó có hiệu lực pháp luật ngay từ khi ban hành và không thể bị kháng cáo bởi nó mang ý chí của các đương sự, đã tự thỏa thuận để giải quyết toàn bộ nội dung tranh chấp của mình. 

- Tuy nhiên, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Kháng nghị chỉ được chấp nhận khi có căn cứ cho rằng thỏa thuận đó là bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm những điều cấm của luật hay trái đạo đức xã hội.

Như vậy, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không thể bị kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.

 

2.1 Trường hợp được phép kháng cáo

- Như đã phân tích ở trên, quyết định công nhận sự thỏa thuận sẽ không bị kháng cáo vì bất  lý do gì. Do đó, không có trường hợp nào được phép kháng cáo.

-  Nếu như một trong các đương sự cảm thấy không đồng ý với những gì đã thỏa thuận trước đó hay là muốn thay đổi ý kiến của mình thì chỉ có thể yêu cầu thay đổi trong vòng 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải. Nghĩa là chỉ có thể thay đổi trước khi Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; còn một khi đã có quyết định thì không thể kháng cáo hay kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

- Nếu quá 07 ngày mà không có bất kỳ đương sự nào có ý kiến thì Tòa án thực hiện ra quyết định theo Khoản 1 Điều 212 Bộ luật tố tụng dân sự và từ thời điểm quyết định được ra, các đương sự sẽ không có quyền thay đổi ý kiến trong thỏa thuận của mình nữa. Bởi bản chất quyết định đó không phải là quyết định giải quyết của Tòa mà là ý chí thỏa thuận của các đương sự, Tòa chỉ thực hiện việc ghi nhận biên bản và xác nhận tính pháp lý bằng việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận đó mà thôi. Vậy nên, không có trường hợp nào được ghi nhận là có thể kháng cáo.

-  Tuy nhiên, nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép hay thỏa thuận đó vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì có thể thực hiện kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

- Căn cứ theo Khoản 23 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự thì đương sự có quyền Đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, tuy không thể kháng cáo nhưng đương sự khi có căn cứ cho rằng thỏa thuận đó vi phạm pháp luật và ảnh hưởng tới quyền lợi của mình thì có thể làm đơn yêu cầu để đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị xem xét và thực hiện kháng nghị quyết định công nhận đó theo thủ tục giám đốc thẩm.

2.2 Thủ tục kháng cáo

Do không thể kháng cáo đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nên phần này sẽ tập trung giới thiệu và phân tích thủ tục kháng nghị.

Đương sự khi phát hiện thỏa thuận đã được công nhận đó trái với pháp luật hay thời điểm lập thỏa thuận đó, bản thân bị lừa dối, ép buộc hoặc đe dọa làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của mình thì tiến hành đưa ra căn cứ để làm đơn đề nghị gửi tới cơ quan có thẩm quyền. 

Đầu tiên, muốn kháng nghị quyết định công nhận sự thỏa thuận thì cần phải có một trong các căn cứ sau, theo Điều 326 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

- Quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án

- Có vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng 

- Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật 

Tiếp theo, cơ quan có thẩm quyền xem xét đơn đề nghị, nếu có căn cứ quyết định công nhận sự thỏa thuận do Tòa án ban ra có vi phạm vào điều cấm của pháp luật hay trái với đạo đức xã hội hoặc có căn cứ cho rằng đương sự bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc bị cưỡng ép thì tiến hành kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

 

3. Lưu ý khi kháng cáo quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự

Đương sự không thể thực hiện việc kháng cáo quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự mà chỉ có thể làm đơn đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm tới cơ quan có thẩm quyền để họ tiến hành kháng nghị khi có đủ căn cứ. Vậy nên, đương sự cần lưu ý một số nội dung khi làm đơn đề nghị, cụ thể:

- Căn cứ theo khoản 1 Điều 327 Bộ luật tố tụng dân sự, đương sự nếu muốn làm đơn yêu cầu đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định công nhận sự thỏa thuận đó thì phải thực hiện làm đơn bằng văn bản và chỉ thực hiện được trong vòng 01 năm kể từ ngày quyết định đó có hiệu lực.

- Đơn đề nghị cần phải có những nội dung chính sau:

+ Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị

+ Tên và địa chỉ của người đề nghị

+ Tên quyết định đang được đề nghị xem xét

+ Lý do và yêu cầu của người đề nghị

+ Gửi kèm theo đơn đề nghị: quyết định của Tòa án, tài liệu và chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp.

+ Người đề nghị phải ký tên hoặc điểm chỉ đối với cá nhân; tổ chức/doanh nghiệp thì cần ký tên và đóng dấu.

Xem thêm: Mẫu đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm mới nhất 2023

Trên y là những thông tin chúng tôi cung cấp tới quý bạn đọc nội dung về việc kháng cáo, kháng nghị quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Nếu quý khách hàng có thêm câu hỏi hay thắc mắc cần tư vấn, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 19006162 hoặc qua email lienhe@luatminhkhue.vn. Chúng tôi cam kết sẽ đáp ứng nhu cầu của quý khách một cách nhanh chóng và chất lượng.