>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động trực tuyến, gọi: 1900.6162
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về thư mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn, chúng tôi đưa ra phương án tư vấn như sau:
Luật sư trả lời:
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, quyền của cá nhân, đối với hình ảnh được quy định cụ thể tại Điều 32, theo đó:
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại Điều 38 quy định Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình:
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Vậy trong trường hợp này, việc lắp đặt camera trong lớp học có đang vi phạm hai nội dung quyền trên hay không? Có thể thấy việc lắp đặt camera trong trường hợp này phải được hiểu là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo an toàn cho cả giáo viên và học sinh, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng trong thời gian qua, đông thời cũng là một trong các phương pháp để ban quản lý nhà trường giám sát tốt nhất việc dạy và học của cán bộ, giáo viên, cũng như các hoạt động của học sinh trong nhà trường.
Pháp luật cũng có quy định, việc sử dụng trái phép hình ảnh của cá nhân; thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư một cách trái phép có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự, ngoài ra có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi sử dụng hình ảnh trái phép đó gây ra. Vì vậy việc lắp đặt camera tại lớp học với mục đích quản lý hiệu quả hơn công tác dạy, học của nhà trường trong trường hợp này không thể coi là vi phạm pháp luật. Khi có cá nhân, tổ chức nào đó sử dụng trái phép hình ảnh thu được trên camera đó thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động - Công ty luật Minh Khuê