1. Có được miễn giảm lãi của ngân hàng khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh ?

Thưa luật sư, xin hỏi: Tôi là một doanh nghiệp hoạt động hợp pháp và tôi có vay nhiều khoản nợ của các ngân hàng khác nhau, hiện nay, địa phương tôi có văn bản chỉ đạo yêu cầu ngừng hoạt động của doanh nghiệp.
Vậy doanh nghiệp tôi có được hỗ trợ miễn giảm gì trong phàn lãi suất khi có dịch không?
Cảm ơn!
Trả lời:

Theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thì :

1. Đối tượng áp dụng về việc miễn giảm lãi, phí ngân hàng trong dịch covid 19 là như thế nào ?
Tổ chức tín dụng (không bao gồm ngân hàng chính sách), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh đó thì việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 thực hiện theo quy định tại Thông tư này; các nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, phân loại nợ không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ như thế nào ?

Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi (bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính;Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid - 19;Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ được thực hiện trong các trường hợp sau đây:Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký;Số dư nợ đã quá hạn (trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này) trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phù hợp mức độ ảnh hưởng của dịch Covid - 19 và đảm bảo các yêu cầu sau đây:
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.
Thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay, cho thuê tài chính (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký).

3. Miễn, giảm lãi, phí như thế nào cho doanh nghiệp ?

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid -19 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid - 19.

4. Khi nào thì được giữ nguyên nhóm nợ ?

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với số dư nợ sau đây:Số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ quy định tại Điều 4 Thông tư này;Số dư nợ được miễn, giảm lãi quy định tại Điều 5 Thông tư này;Số dư nợ quy định tại bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày 13/3/2020
Đối với số dư nợ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu lại theo quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.
Đối với số lãi phải thu của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1), kể từ ngày được cơ cấu lại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải hạch toán thu nhập (dự thu) mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
=> Như vậy thì doanh nghiệp của bạn là một doanh nghiệp đang hoạt động hợp pháp và có chịu ảnh hưởng bởi dịch covid 19 thì bạn hoàn toàn có quyền làm đơn kiến nghị lên phía bên ngân hàng mà bạn đã vay để phía bên ngân hàng có thể xem xét và giải quyết cho doanh nghiệp của bạn.
Trân trọng cảm ơn!

2. Thỏa thuận lãi suất vay nợ bằng miệng có đòi được không?

Kính chào các Quý luật sư Công ty tư vấn Luật Minh Khuê! Ngày 28 tháng 4 năm 2012 tôi có cho bà Nguyễn Thị Hồng Thanh mượn một số tiền là hai chỉ vàng (tương đương chín triệu Vietnamdong – theo tỉ giá vàng năm 2012), thời gian trả là ngày 28 tháng 5 năm 2012.

Vì là bạn bè nên tôi chỉ yêu cầu bà Thanh viết vài chữ vay nợ để cầm tin. Đến hạn trả, vì không có tiền nên bà Thanh có xin tôi cho bà Thanh tiếp tục vay mượn số tiền đó với số lãi một tháng là bốn trăm ngàn đồng (400.000 vnđ/ tháng), thời hạn vay là đến ngày 28 tháng 5 năm 2013. Đến tháng 5 năm 2013 bà Thanh vẫn tiếp tục không chịu hoàn trả số tiền nợ cho tôi và tiếp tục dây dưa trong vòng nhiều tháng. Ngày 20 tháng 4 năm 2014 tôi có yêu cầu bà Thanh trả lại số tiền đã vay mượn, bà Thanh nói sau khi bán nhà sẽ hoàn trả số tiền cho tôi. Khoảng một tháng sau, căn nhà mặt tiền ở đường Lê Thánh Tông – Cam Ranh, Khánh Hòa đã được vợ chồng bà Thanh bán để trả nợ cho các chủ nợ khác, thế nhưng bà Thanh vẫn tiếp tục không trả lại số nợ cùng với số lãi mà tôi cho bà Thanh vay mượn. Kể từ tháng 4 năm 2014 đến nay, bà Thanh không trả lãi cũng như không trả số nợ hai chỉ vàng mà bà Thanh đã vay nợ tôi vào ngày 28 tháng 4 năm 2012.

Nội dung giấy vay viết tay " Ngày 28/4/2012 tôi có mượn 2 chỉ vàng, đến tháng 5 tôi sẽ trả. kí tên: Nguyễn Thị Hồng Thanh" Giấy viết khá đơn sơ. Sau khi tôi viết đơn kiện gửi lên tư pháp phường thì được hồi đáp là vì số tiền lãi mà bà Thanh đã trả cho tôi (22 tháng) là 8 triệu 8 trăm ngàn, cao hơn mức tiền gốc với tỉ giá vàng năm 2014 (2 chỉ vàng = 7 triệu 6 trăm) và vì trong hợp đồng vay vốn không đề cập đến lãi suất 400k/tháng nên tòa án sẽ tính theo lãi suất ngân hàng.

Như vậy thực tế bà thanh đã trả đủ lãi và gốc cho tôi. Lời giải thích như trên có đúng hay không thưa luật sư? Và liệu tôi có thể tiếp tục gửi đơn kiện lên tòa án thành phố được không ?

Tôi xin chân thành cảm ơn và rất mong sự phản hồi từ các Quý Luật sư Công ty tư vấn Luật Minh Khuê. Tôi rất mong nhận được lời tư vấn vào địa chỉ email này. Kính thư.

>> Luật sư tư vấn luật dân sự về lãi suất, gọi: 1900.6162

Trả lời

Căn cứ quy định Bộ luật dân sự năm 2015:

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trong giấy vay nợ không có đề cập đến lãi suất mà chỉ đề cập đến số tiền đã vay và thời hạn phải trả nợ nên được xem là trường hợp cho vay không có lãi. Khi bạn khởi kiện thì phía bên vay chỉ có nghĩa vụ thanh toán cho bạn tiền gốc (2 chỉ vàng) và tiền lãi trong khoảng thời gian chậm trả là từ tháng 5/2013 - tháng 4/2014 là 11 tháng với mức lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước quy định. Trường hợp này tư pháp phường đã giải quyết cho bạn với mức lãi suất tương đương 22 tháng có nghĩa là coi hợp đồng vay của bạn là hợp đồng vay có lãi ngay từ đầu. Mặt khác, dù bạn có căn cứ chứng minh là hai bên thỏa thuận mức lãi suất 400k/tháng thì bạn cũng không được trả mức lãi suất đó vì điều 476 quy định:

"1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ."

mức lãi suất mà bạn áp dụng là 5%/tháng lớn hơn 150% mức lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước quy định. Ngoài ra, bạn còn bị xử phạt vi phạm hành chính vì cho vay nặng lãi. Như vậy, tư pháp phường giải quyết vụ việc của bạn như vậy là phù hợp với quy định của pháp luật.

Trân trọng cảm ơn!

3. Áp dụng mức lãi suất khi có tranh chấp trong hợp đồng vay tài sản ?

Kính chào Luật Minh Khuê, Tôi có một vấn đề mong các luật sư giải đáp: Thông tư liên tịch của TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Tư Pháp và Bộ Tài chính số 01/TT-LT ngày 19/06/1997 hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản, để thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của BLDS 1995. Nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản nào thay thế hay hủy hiệu lực của nó.

Vậy tôi muốn hỏi là:

1. Đối với BLDS 2005 thì nó có còn hiệu lực không ạ?

2. Khi giải quyết một hợp đồng vay tài sản mà có lãi suất cao hơn 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước tôi có được viện dẫn văn bản này để xử lý mức lãi suất đó xuống thành 150% mức lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước không ạ?

Tôi xin chân thành cám ơn.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: - 1900.6162

Trả lời:

Căn cứ vào Điều 154, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định về "Những trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực" như sau:

Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:

1. Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản.

2. Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó.

3. Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.

Điều 156, LBHVBQPPL quy định về "Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật" như sau:

1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.

2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.

5. Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.

- Đối chiếu với văn bản quy phạm pháp luật mà bạn đang muốn hỏi ở đây là Thông tư liên tịch của TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Tư Pháp và Bộ Tài chính số 01/TT-LT ngày 19/06/1997 thì:

1. Đối với Bộ luật Dân sự 2005 thì nó có còn hiệu lực không ?

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/07/1997 và hiện nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào thay thế hoặc hủy bỏ Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 nêu trên, nên Thông tư liên tịch này vẫn được áp dụng, trừ những nội dung không còn phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó là BLDS 2005 (ví dụ như: lãi đối với số tiền chậm trả theo “lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố” quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005 thay cho “lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định” theo quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự 1995).

2. Khi giải quyết một hợp đồng vay tài sản mà có lãi suất cao hơn 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước tôi có được viện dẫn văn bản này để xử lý mức lãi suất đó xuống thành 150% mức lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước không ?

Tại Điểm b, Khoản 4, Mục I của T​Thông tư liên tịch số 01/1997/TLLT ngày 19/06/1997 đã quy định:

"Nếu mức lãi suất do các bên thoả thuận vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại vay tương ứng tại thời điểm vay, thì toà án áp dụng khoản 1 Điều 473 Bộ luật dân sự (1995) buộc bên vay phải trả lãi bằng 150% mức lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại vay tương ứng."

Như vậy, Điều 468 BLDS 2015 đã quy định về "Lãi suất" như sau:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Do đó, bạn có thể áp dụng quy định về giải quyết vấn đề lãi suất đối với các hợp đồng vay tài sản có lãi suất vượt quá 20%/năm để giải quyết.

Nếu còn có gì thắc mắc, bạn có thể tiếp tục liên hệ với chúng tôi để được giải đáp sớm nhất có thể. Trân trọng./.

4. Mức lãi suất trong hợp đồng vay bao nhiêu là đúng quy định pháp luật ?

Xin chào công ty Luật Minh Khuê, tôi có vướng mắc kính mong quý luật sư của công ty tư vấn giúp tôi như sau: Tôi có một khoản tiền tiết kiệm, dự định sẽ gửi tiền vào ngân hàng nhưng có một người bạn của tôi cần góp vốn kinh doanh, nên anh ấy muốn vay tôi số tiền này. Vậy xin cho hỏi mức lãi suất trong hợp đồng vay bao nhiêu là đúng quy định pháp luật hiện nay? Số tiền tôi dự định cho bạn vay là 500 triệu đồng ? Mong sớm nhận được phản hồi của công ty, tôi xin cảm ơn!

Luật sư tư vấn về quy định mức lãi suất, gọi: 1900.6162

Luật sư tư vấn:

Căn cứ theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất:

"1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ."

Như vậy, theo quy định của pháp luật của pháp luật hiện hành, mức lãi suất đối với hợp đồng vay trước hết là do các bên thỏa thuận, trong đó, mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Theo đó, số tiền bạn cho bạn của bạn vay là 500 triệu đồng thì mức lãi suất bạn được thỏa thuận với bạn của bạn là không được vượt quá 20%/năm của 500 triệu đồng, tức là không được quá 100.000.000 đồng/năm.

Trong trường hợp hai bạn thỏa thuận về mức lãi suất vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực pháp luật. Chính vì vậy, hai bạn nên tự thỏa thuận với nhau về một mức lãi suất phù hợp, trước hết là đúng theo quy định của pháp luật, sau đó, căn cứ vào khả năng cũng như nhu cầu của các bên để lựa chọn một mức lãi suất phù hợp nhất, có lợi nhất cho các bên.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp.

5. Lãi suất cho vay như thế nào được coi là hợp lý ?

Kính gửi công ty Luật Minh Khuê, tôi có một câu hỏi mong quý công ty giải đáp giúp: Tôi có vay nóng của người bạn 40 triệu với lãi suất là 5000 đồng/ngày/triệu. Luật sư cho tôi hỏi lãi suất đó có cao không?
Tôi xin cảm ơn.

Tư vấn luật dân sự trực tuyến, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 476 Bộ luật dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Như vậy, đối với trường hợp các bên thỏa thuận về mức lãi thì lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Hiện nay, mức lãi suất cơ bản bản đồng Việt Nam mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra và áp dụng từ ngày 01/12/2010 là 9%/năm theo Quyết định số 2868/QĐ-N+HNN ngày 29/11/2010. Theo quy định này thì có thể xác định được mức lãi suất tối đa mà các bên có thể thỏa thuận khi cho vay tiền là:

+ Mức lãi suất năm: 9 x 150% = 13,5%/năm

+ Tương ứng mức lãi suất tính theo tháng: 13,5 : 12 = 1,125%/tháng.

+ Tương ứng mức lãi suất tính theo ngày: 13,5 : 365 = 0,037%/ngày (làm tròn chữ số thập phân thứ 3)

Trên đây là cách tính lãi suất dựa trên tỷ lệ phần trăm, tuy nhiên trên thực tế, nhiều giao dịch cho vay tính ra số tiền lãi cụ thể (VD: 2.000 VND/ngày). Có thể áp dụng cách tính trên như sau:

Hợp đồng vay tiền với số tiền cho vay là 1 triệu VND thì mức lãi suất tối đa mà các bên có thể thỏa thuận khi vay tiền là:

+ Số tiền lãi suất năm là: 1 triệu x 150 % = 135.000/năm

+ Tương ứng là 11.250 VND /tháng và 370 VND/ngày

Vậy tùy theo số tiền gốc có thể tính trực tiếp ra số tiền lãi tương ứng. Cho vay 40 triệu, thì số tiền lãi suất năm là: 40 triệu x 13,5% = 5.400.000 đồng. Tương ứng lãi suất tháng: 450.000 đồng và lãi theo ngày 14.800 đồng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật Minh Khuê