Mục lục bài viết
1. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chất lượng mỹ phẩm
Theo quy định tại Điều 41 Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25 tháng 01 năm 2011 về quản lý mỹ phẩm (Được sửa đổi bởi: Thông tư 32/2019/TT-BYT), cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chất lượng mỹ phẩm:
+ Cơ quan kiểm tra chất lượng mỹ phẩm ở Trung ương là: Cục Quản lý dược - Bộ Y tế.
Khi thực hiện hoạt động kiểm tra chất lượng mỹ phẩm thì Cục Quản lý dược phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế; Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương; Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai và giám sát các hoạt động về hậu mại đối với các sản phẩm mỹ phẩm.
Cục Quản lý dược - Bộ Y tế là cơ quan kết luận chất lượng mỹ phẩm trên phạm vi toàn quốc dựa trên kết quả kiểm nghiệm mỹ phẩm của các cơ quan kiểm nghiệm nhà nước.
+ Cơ quan kiểm tra chất lượng mỹ phẩm ở địa phương là: Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai các hoạt động về hậu mại đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước, mỹ phẩm nhập khẩu lưu thông trên địa bàn và xử lý các vấn đề về chất lượng mỹ phẩm theo quy định của pháp luật. Theo dõi, thống kê tình hình quản lý chất lượng mỹ phẩm tại địa phương.
Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ kết luận chất lượng mỹ phẩm trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm mỹ phẩm của cơ sở kiểm nghiệm nhà nước tại địa phương.
+ Hệ thống kiểm nghiệm của nhà nước về mỹ phẩm, gồm: (1) hệ thống kiểm nghiệm của nhà nước về mỹ phẩm ở Trung ương (Viện Kiểm nghiệm thuộc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh); (2) hệ thống kiểm nghiệm của nhà nước về mỹ phẩm ở địa phương (Trung tâm kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Thủ trưởng của các cơ quan kiểm nghiệm chất lượng mỹ phẩm chịu trách nhiệm về kết luận kết quả kiểm tra chất lượng mỹ phẩm trước pháp luật.
2. Hình thức, nội dung kiểm tra, thanh tra mỹ phẩm
2.1 Hình thức kiểm tra, thanh tra mỹ phẩm:
Có 02 hình thức kiểm tra, thanh tra mỹ phẩm, gồm:
+ Kiểm tra, thanh tra định kỳ: kiểm tra, thanh tra định kỳ sẽ được cơ quan có thẩm quyền thông báo trước cho đơn vi được kiểm tra để đơn vị chuẩn bị về việc thanh tra trước khi tiến hành hoạt động kiểm tra, thanh tra.
+ Kiểm tra, thanh tra đột xuất: kiểm tra, thanh tra đột xuất khi phát hiện những sản phẩm không đạt chất lượng, không tuân thủ quy định lưu thông trên thị trường hoặc do các khiếu nại của khách hàng. Đối với trường hợp khẩn cấp thì cơ quan có thẩm quyền có quyền kiểm tra, thanh tra mà không cần báo trước.
2.2 Nội dung kiểm tra, thanh tra mỹ phẩm:
Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về sản xuất, buôn bán mỹ phẩm:
+ Xác định việc tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn "thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm" của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN) hoặc tương đương được Hội đồng mỹ phẩm ASEAN thừa nhận
+ Ghi nhãn hàng hóa
+ Hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) theo quy định của ASEAN
+ Quảng cáo mỹ phẩm
Kiểm tra, thanh tra việc giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về chất lượng và các nội dung khác liên quan đến mỹ phẩm (nếu có). Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra có thể kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thông báo thu hồi mỹ phẩm theo quy định.
Khi tiến hành kiểm tra, thanh tra giám sát hậu mại mỹ phẩm cần tập trung tại các đơn vị nhập khẩu, phân phối, sản xuất và thứ tự ưu tiên trong việc kiểm tra giám sát hậu mại mỹ phẩm dựa vào loại sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng, thương hiệu công ty, thành phần công thức sản phẩm theo hướng dẫn của ASEAN về kiểm tra giám sát hậu mại.
Xây dựng chiến lược kiểm tra hậu mại thì cần tập trung vào yếu tố sau: (1) Dạng sản phẩm: lấy mẫu mỹ phẩm kiểm hậu mại cần tập trung vào sản phẩm làm trắng da, phấn rôm hoặc các sản phẩm có chứa khoáng chất, sản phẩm dùng cho mắt, môi, sản phẩm nhuộm tóc, sản phẩm dành cho trẻ em hoặc phụ nữ có thai; (2) Nguồn gốc xuất xử của sản phẩm: chú ý những sản phẩm có xuất xứ từ các nước mà có luật khác so với các nước ASEAN, các nước có tiền sử về các sản phẩm không đạt quy định; (3) công ty, nhãn hàng: kiểm tra dựa trên dữ liệu về tiền sử vi phạm, chú ý các công ty ít tên tuổi, chưa được biết tới.; (4) thành phần: chú ý những nguyên liệu có nguy cơ có thể chứa một số tạp chất gây độc như kim loại nặng, amiăng, một số nguyên liệu có nguy cơ có thể chứa một số tạp chất không được phép như TEA độ tinh khiết phải trên 99% hoặc các tạp chất có thể có tương tác với các thành phần khác như tác nhân nitro hóa...
Quá trình kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phần nào kiểm soát, theo dõi chất lượng của những sản phẩm do cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán hay nhập khẩu mỹ phẩm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
3. Kết quả sau khi tiến hành kiểm tra, thanh tra mỹ phẩm
Sau khi tiến hành kiểm tra, thanh tra mỹ phẩm, cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán, nhập khẩu mỹ phẩm có những hành vi vi phạm, hành vi thực hiện không đúng với quy định của pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa ra:
Thứ nhất, đình chỉ lưu hành và thu hồi mỹ phẩm.
Căn cứ vào Điều 45 Thông tư 06/2011/TT-BYT, mỹ phẩm bị đình chỉ lưu hành và thu hồi khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
(1) Mỹ phẩm lưu thông khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
(2) Mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng;
(3) Mỹ phẩm lưu thông có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố;
(4) Mỹ phẩm lưu thông có chứa các thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm, các chất có nồng độ, hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép;
(5) Mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố hoặc không đáp ứng quy định về ghi nhãn sản phẩm, tùy vào từng mức độ vi phạm có thể bị đình chỉ lưu hành và thu hồi;
(6) Mỹ phẩm hết hạn sử dụng hoặc quá thời hạn theo khuyến cáo của nhà sản xuất;...
Thứ hai, thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm được quy định tại Điều 46 Thông tư 06/2011/TT-BYT.
Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
(1) Mỹ phẩm lưu thông có 2 lô không đạt chất lượng do cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng mỹ phẩm kết luận;
(2) Mỹ phẩm lưu thông có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố;
(3) Mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi sai lệch nguồn gốc, xuất xứ;
(4) Mỹ phẩm lưu thông có nhãn ghi sai lệch bản chất tính năng vốn có của sản phẩm;
(5) Mỹ phẩm không an toàn cho người sử dụng;
(6) Mỹ phẩm lưu thông có chứa thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm, các chất có nồng độ, hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép;....
Cơ quan có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: Cục Quản lý dược - Bộ Y tế (thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm sản xuất trong nước do Cục Quản lý cấp số tiếp nhận trước ngày 25/04/2009, mỹ phẩm nhập khẩu trong phạm vi toàn quốc; Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thu hồi số phiếu tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm sản xuất tại địa phương do đơn vị mình cấp); Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị (thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do đơn vị mình cấp).
Thứ ba, tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm, hồ sơ đăng ký quảng cáo mỹ phẩm, tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu mỹ phẩm.
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm 06 tháng đối với các tổ chức, cá nhân khi:
(1) Kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
(2) Kinh doanh mỹ phẩm chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp sổ tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
(3) Không thực hiện thu hồi mỹ phẩm vi phạm theo thông báo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp sổ tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
(4) Sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm tại cơ sở không tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn "thực hành tốt sản phẩm mỹ phẩm" của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP - ASEAN) hoặc tượng đương được Hội đồng mỹ phẩm ASEAN thừa nhận;
(5) Sử dụng nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm đã bị nước sản xuất công bố cấm lưu thông trên thị trường;
(6) Giả mạo tài liệu, sử dụng con dấu giả hoặc giả mạo chữ ký, dấu của cơ quan chức năng Việt Nam hoặc nước ngoài, của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm;....
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo mỹ phẩm, tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu mỹ phẩm 06 tháng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi:
+ Chưa có Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo mỹ phẩm, tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu mỹ phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp;
+ Các sản phẩm mỹ phẩm chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm
+ Quảng cáo mỹ phẩm làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc; quảng cáo mỹ phẩm có sử dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, thư tín của tổ chức y dược, của cán bộ y tế hay quảng cáo mỹ phẩm có đưa ra tính năng công dụng chưa đủ cơ sở khoa học.
Sau khi đơn vị đã khắc phục đầy đủ các vi phạm và có báo cáo, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ tiếp tục xem xét, tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm, hồ sơ đăng ký quảng cáo mỹ phẩm, tổ chức hội thảo, sự kiện giới thiệu sản phẩm mỹ phẩm của đơn vị.
Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp lý trực tuyến qua số 1900.6162 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!.