1. Cơ sở pháp lý tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

1.1 Khái quát chung

Cơ sở pháp lý tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội pham là những quy định của Nhà nước cho phép cơ quan có thẩm quyền tiến hành hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giac, tin báo về tội phạm. Những quy định đó được thể hiện trong văn bản quy phạm pháp luật gồm Bộ luật, luật và văn bản dưới luật của các bộ, liên bộ, ngành. Quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên. Hiện nay cơ sở pháp lý của hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được quy định ở nhiều văn bản khác nhau như Bộ luật TTHS, Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức CQĐT hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các đạo luật nêu trên. Cụ thể như sau:

1.2 Bộ luật TTHS là cơ sở pháp lý thực hiện tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm

Theo đó đã điều chỉnh các vấn đề sau:
+ Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh tội phạm nói chung và trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nói tiêng. Cơ quan nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật để xử lý và thông báo ngay cho CQĐT, VKS mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình. Thủ trưởng cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc không thông báo hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan trong lĩnh vực quản lý của mình cho CQĐT, VKS. Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội pham; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm
+ Quyền và nghĩa vụ của người tố giác, tin báo về tội phạm và người bị tố giác là người tham tố tụng: Quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm: Thứ nhất, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa; thứ hai, được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thứ ba, khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm phải có mặt  theo  yêu  cầu  của  cơ  quan  có  thẩm  quyền giải  quyết nguồn tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc. Quyền của người bị tố giác: Thứ nhất, được thông báo về hành vi bị tố giác; thứ hai, được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định; thứ ba, trình bày lời khai, trình bày ý kiến; thứ tư, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; thứ năm, trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; thứ sáu, tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; thứ bảy, được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố; thứ tám, khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Nghĩa vụ của người bị tố giác: Phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố
+ Trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm: CQĐT, VKS tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; cơ quan, tổ chức khác có trách nhiệm tiếp nhận mọi tố giác, tin báo về tội phạm và không được từ chối tiếp nhận. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm [78, tr.126]. Như vậy, bất kỳ cá nhân nào khi phát hiện hành vi hoặc vụ việc phạm tội đều có thể đến cơ quan, tổ chức nơi gần nhất để tố giác, báo tin. Cơ quan, tổ chức này có trách nhiệm tiếp nhận thông tin do cá nhân đến báo và chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền như chính quyền địa phương, cơ quan Công an, VKS,... CQĐT, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số HĐĐT giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình; VKS chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số HĐĐT có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà VKS đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục, việc quy định về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của VKS như trên là để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật tổ chức VKS nhân dân. Cùng với việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm. Quy định việc thông báo này cũng là một hình thức để người tố giác, báo tin về tội phạm giám sát việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền
Ngoài ra, Bộ luật TTHS năm 2015 quy định cụ thể về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm (Điều 146), thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (Điều 147), trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (Điều 148), phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (Điều 149), giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (Điều 150), trình tự, thủ tục tiếp nhận người phạm tội tự thú (Điều 152).
- Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi 2017: Bộ luật Hình sự quy định tội phạm, do vậy, để có căn cứ xác định một hành vi từ tố giác, tin báo có dấu hiệu của tội phạm hay không cần căn cứu vào quy định tại từng tội phạm trong các điều của Bộ luật Hình sự; đồng thời, Bộ luật Hình sự quy định trách nhiệm của cơ quan tố tụng là tạo điều kiện để cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015: Luật này quy định cụ thể về nhiệm vụ của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số HĐĐT, VKS trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Luật này cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; phân loại và trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
- Luật Tổ chức VKS năm 2014: Luật này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKS, trong đó, có chức năng quan trong là thực hiện quyền công tố trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm để bảo đảm hoạt động này đúng pháp luật, không bỏ tố giác, tin báo về tội phạm.
- Ngoài cơ sở pháp lý là Bộ luật TTHS năm 2015, Luật Tổ chức CQĐT hình sự, Luật Tổ chức VKS thì còn văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành hai đạo luật nêu trên. TTLT số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC- BNN&PTNN-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 hướng dẫn thi hành Bộ luật TTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã quy định cụ thể về nguyên tắc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (Điều 4); tổ chức tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (Điều 7); Phân loại tố giác, tin báo về tội phạm (Điều 8); quy trình giải quyết tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (Điều 9)...
Những quy định nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan có thẩm quyền.

2. Nguyên tắc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là một hoạt động TTHS của cơ quan có thẩm quyền, theo đó, hoạt động này tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định trong TTHS, trong đó, một số nguyên tắc mang tính đặc thù của hoạt động này gồm:

2.1Tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân

Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của  cơ quan, tổ chức, cá nhân là một trong những nguyên tắc cơ bản của TTHS. Đây là nguyên tắc Hiến định, là nguyên tắc có tính chất bao trùm, xuyên suốt trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào bị xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp. TTHS là lĩnh vực hoạt động nhà nước nhạy cảm liên quan đến quyền con người. Hơn ở đâu hết, quyền con người dễ bị xâm phạm nhất trong TTHS và hậu quả của sự xâm phạm đó thường là rất nghiêm trọng cả về vật chất, thể chất và tinh thần. Quyền con người trong lĩnh vực TTHS được ghi nhận và bảo vệ trên cơ sở cân nhắc rằng hoạt động TTHS gắn liền với vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhất là tội phạm và chức năng của Nhà nước là phát hiện nhanh chóng, kịp thời và xử lý công minh người phạm tội; nhưng đồng thời hoạt động TTHS cũng liên quan rất nhiều tới các quyền con người. Bảo đảm quyền con người được thực hiện trong pháp luật TTHS bằng các phương thức, biện pháp khác nhau. Trong đó, các biện pháp quan trọng nhất là bằng các quy định đúng đắn, hợp lý, khả thi trong pháp luật TTHS và đảm bảo thực hiện các quy định đó trên thực tế. Trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì nguyên tắc này thể hiện ở hai khía cạnh đó là bảo về quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân với tư cách là người tố giác, tin báo về tội phạm và quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân với tư cách là người bị tố giác, báo tin về tội phạm.

2.2  Mọi tố giác, tin báo về tội phạm phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết đầy đủ, kịp thời

theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật TTHS

Trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải tuân thủ nghiêm ngặt, đầy đủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục TTHS trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, cần có thái độ đúng mực khi tiếp xúc với người cung cấp tin về tội phạm. Quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cần đặc biệt chú ý đến những quy định của pháp luật về thời hạn xác minh, trả lời và có kết luận về việc xác minh, giải quyết tố giác, tin báo khi tiếp nhận. Các biện pháp xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và các biện pháp khác được áp dụng trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo phải phù hợp với quy định của pháp luật TTHS và pháp luật có liên quan. Đồng thời phải tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người báo tin tội phạm trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Đây là nguyên tắc bao trùm mọi hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Trong quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm luôn phải đảm bảo thực hiện đúng những quy định của pháp luật. Nguyên tắc này khẳng định việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải tuân theo quy định của pháp luật, không được tùy tiện, trái pháp luật. Trong mọi trường hợp, cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật TTHS phải luôn sẵn sàng và có nghĩa vụ tiếp nhận đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm, không phụ thuộc vào vụ việc đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hay không (thẩm quyền điều tra), có xảy ra ở địa bàn thuộc phụ trách hay không. Đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm với những lý do như tố giác, tin báo không đầy đủ, không đúng thẩm quyền. Nếu tố giác, tin báo không đầy đủ thì người tiếp nhận tố giác, tin báo phải yêu cầu người cung cấp tin giải thích những điểm chưa rõ, những mâu thuẫn, bổ sung thêm và áp dụng các biện pháp thu thập tài liệu bổ sung.
Nguyên tắc này yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải có tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Để thực hiện tốt nguyên tắc này, đòi hỏi Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết phân công lực lượng tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm một cách hợp lý, đảm bảo những yêu cầu cần thiết về trang thiết bị, cơ sở vật chất cho nơi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

2.3 Chỉ những cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết mới được tiến hành giải quyết

tố giác, tin báo về tội phạm

Chỉ những cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết mới được tiến hành giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Không phải cơ quan nào cũng có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, mà chỉ những cơ quan nhất định, theo quy định của pháp luật mới có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Khi thực hiện quyền hạn của mình, cơ quan, cá nhân phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Người làm trái pháp luật trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm cá nhân, cơ quan tiếp nhận không được tiết lộ nội dung tiếp nhận được cho cá nhân, cơ quan, tổ chức không có thẩm quyền. Phải giữ bí mật và hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân biện pháp, cách thức giữ bí mật những thông tin đã cung cấp, tố giác. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có trách nhiệm áp dụng hoặc đề nghị áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm và những người thân thích của họ. Khi hết thời gian kiểm tra, xác minh phải có trách nhiệm trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân đã báo tin, tố giác về tội phạm.
Đồng thời, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan, người có thẩm quyền phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình. Người làm trái pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nguyên tắc này giúp cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác này.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê