Mục lục bài viết
- 1. Lợi ích của việc cho trẻ ăn hải sản
- 2. Khi nào nên bắt đầu cho trẻ ăn hải sản?
- 2.1 Trẻ mấy tháng ăn được cá?
- 2.2. Trẻ mấy tháng ăn được tôm?
- 2.3 Trẻ mấy tháng ăn được cua biển?
- 2.4 Trẻ mấy tháng ăn được hải sản có vỏ?
- 2.5 Những loại hải sản nào không nên cho bé ăn?
- 3. Cách chế biến hải sản cho trẻ ăn dặm
- 4. Một vài lưu ý khác khi cho trẻ ăn hải sản
1. Lợi ích của việc cho trẻ ăn hải sản
Hải sản thường giàu đạm và các dưỡng chất cần thiết khác. Hải sản cũng rất ít chất béo no và chứa axit béo không no omega-3, là chất béo thiết yếu cho cơ thể. Hải sản còn giàu vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B) và khoáng chất (canxi, kẽm, sắt, đồng, kali…). Do đó, hải sản sẽ góp phần đa dạng cho chế độ ăn cân đối, khỏe mạnh và giúp trẻ tăng trưởng.
2. Khi nào nên bắt đầu cho trẻ ăn hải sản?
2.1 Trẻ mấy tháng ăn được cá?
Khi quan tâm trẻ mấy tháng ăn được hải sản, mẹ có thể quan tâm đến những loại hải sản tốt cho bé. Trong số các loại hải sản, cá biển là thực phẩm tuyệt vời đối với sức khỏe do chứa đạm có giá trị sinh học cao với tỷ lệ cân đối, phù hợp với cơ thể người. Cá còn rất giàu chất béo không no omega-3 cần để tạo màng tế bào thần kinh và có tác dụng phòng chống bệnh tim mạch. Do đó, ăn cá ít nhất 3 lần/tuần rất có lợi cho sức khoẻ. Gan cá còn rất giàu vitamin A và D.
Hầu hết các loại hải sản là thực phẩm giàu canxi (nhất là các loại cá nhỏ ăn được cả xương) nên rất cần cho xương và răng. Nhưng nếu không biết lựa chọn, bảo quản, chế biến hải sản đúng cách và ăn có mức độ thì có thể “lợi bất cập hại”.
Cá đồng tuy không chứa nhiều các axit béo chưa no như cá biển nhưng cũng chứa nhiều chất đạm quý dễ hấp thu, lại ít gây dị ứng hơn cá biển. Vì vậy, khi trẻ mới bắt đầu ăn cá các bà mẹ nên cho ăn cá đồng trước, nên chọn cá nạc ít xương như: cá quả (cá lóc), cá trắm, cá trê… Cá biển: nên ăn cá hồi, cá thu, cá ngừ. Các loại cá này chứa nhiều omega-3 (các acid béo chưa no rất tốt cho sự phát triển thần kinh và thị giác của trẻ, phát triển trí não giúp bé thông minh hơn).
2.2. Trẻ mấy tháng ăn được tôm?
Tôm cũng là thức ăn giàu đạm và canxi. Vậy trẻ mấy tháng ăn được tôm để hấp thụ canxi? Từ tháng thứ 7 trở đi các bà mẹ có thể cho con ăn tôm đồng, tôm biển. Cua đồng là thức ăn chứa hàm lượng canxi cao, vì vậy nên cho trẻ ăn thường xuyên để cung cấp canxi cho trẻ.
2.3 Trẻ mấy tháng ăn được cua biển?
Thật ra có rất nhiều ý kiến xoay quanh thắc mắc việc trẻ mấy tháng ăn được cua biển. Một số chuyên gia dinh dưỡng cho rằng với loại hải sản có vỏ như cua, mẹ chỉ nên cho bé ăn khi bé được 1 tuổi nhưng phải tập ăn từng chút một. Vì hàm lượng chất đạm có trong cua nói riêng hay hải sản nói chung rất dễ gây dị ứng cho bé. Nếu sau ăn bé không hề bị mẫn cảm hay dị ứng thì khi đó mới tăng dần lượng thịt cua trong bữa ăn của trẻ.
Trái lại, nếu mẹ cho con ăn lượng thịt cua biển nhiều ngay từ đầu thì bên cạnh nguy cơ dị ứng, việc này có thể gây hại cho hệ tiêu hóa còn non yếu của bé. Bé có thể bị đầy bụng, nôn, tiêu chảy. Trong khi đó, với các loại cá đồng, cá chứa ít thủy ngân thì mẹ có thể tập cho bé ăn cá ở tháng thứ 9.
Tùy theo độ tuổi mà lượng thịt cua dùng cho bé sẽ khác nhau.
Trẻ 12 tháng có thể ăn 3-4 bữa/tuần, 20-30g thịt cua/bữa.
Trẻ 1-3 tuổi có thể ăn một bữa/ngày, 30-40g/bữa.
Trẻ 4 tuổi trở lên có thể ăn một đến hai bữa/ngày, 50-60g thịt cua hoặc nửa con cua/bữa.
2.4 Trẻ mấy tháng ăn được hải sản có vỏ?
Các loại hải sản có vỏ như: hàu, ngao, hến, trai… nên cho bé ăn khi đã 1 tuổi, dùng nước nấu cháo, còn thịt xay băm nhỏ, các loại hải sản này chứa nhiều kẽm, một vi chất quan trọng đối với trẻ em.
2.5 Những loại hải sản nào không nên cho bé ăn?
Không phải cứ tìm hiểu trẻ mấy ăn được hải sản thì mẹ có thể nhanh chóng cho con ăn bất chấp các loại hải sản
Một số loại cá chứa hàm lượng thủy ngân và các chất ô nhiễm cao có thể gây hại cho bé. Vì thế, mẹ nên tránh cho bé ăn cá mập, cá kình, cá lưỡi kiếm (cá cờ), cá thu lớn, cá ngừ lớn. Điều quan trọng nhất là khi cho bé ăn hải sản, các mẹ phải chọn loại còn tươi, không ăn hải sản đã chết vì dễ gây ngộ độc thức ăn cho bé.
3. Cách chế biến hải sản cho trẻ ăn dặm
Ở độ tuổi ăn dặm, cách tốt nhât để chế biến hải sản cho trẻ dễ ăn là lọc lấy thịt, xay hoặc nghiền nhỏ, sau đó nấu chung với thức ăn dặm (bột, cháo) của bé. Nếu là cá đồng nhiều xương, mẹ nên luộc chín cá rồi gỡ xương; cá biển nạc có thể xay sống như xay thịt rồi cho vào nấu bột, nấu cháo cho bé; với cua đồng thì giã lọc lấy nước để nấu bột, cháo. Với các loại hải sản có vỏ thì luộc chín lấy nước nấu cháo, bột, thịt xay băm nhỏ cho vào cháo, bột.
Trong quá trình chế biến, các mẹ cần đảm bảo nấu chín, tránh để cho trẻ ăn hải sản chưa được chín. Các mẹ có thể tìm hiểu một số món ăn dặm hải sản dành cho bé như: cháo tôm, cháo ngao mồng tơi, cháo cua bông cải, cháo cá thu, súp ghẹ…
4. Một vài lưu ý khác khi cho trẻ ăn hải sản
– Không nên cho trẻ ăn hoa quả ngay sau khi ăn hải sản: Những chất dinh dưỡng phong phú như đạm, canxi chứa trong tôm, cá sẽ bị giảm đi rất nhiều nếu kết hợp với các loại quả như hồng, nho, … Nó không chỉ ảnh hưởng đến sự hấp thụ protein, canxi trong hải sản của cơ thể mà lượng tannin trong trái cây kết hợp với protein và canxi này tạo thành canxi không hòa tan kích thích đường tiêu hóa, và thậm chí sẽ gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa.
– Nếu trong gia đình có tiền sử bị dị ứng với hải sản, mẹ nên cho bé ăn thực phẩm này muộn hơn một chút. Khi cho con ăn cần hết sức từ từ từng chút một để xem bé có phản ứng dị ứng không.
– Khi cho trẻ ăn hải sản, uyệt đối không cho bé thử những loại hải sản lạ.
– Không nên cho trẻ ăn nhiều những món hải sản chiên bởi khi chiên, dầu mỡ sẽ bão hòa lượng chất béo không no khiến hàm lượng chất dinh dưỡng suy giảm và sản sinh ra peroxit lipid có hại cho sức khỏe.
Mỗi lần chỉ giới thiệu một loại hải sản
Hải sản là một nhóm thực phẩm gồm nhiều loại cá, tôm, cua, mực… Vì vậy, khi chưa biết phản ứng của cơ thể bé đối với các món này là gì thì cách tốt nhất là bạn nên cho con thử một loại duy nhất tại mỗi thời điểm. Đồng thời, bạn cần chú ý xay nhuyễn hoặc tán mịn thức ăn để giúp bé dễ nhai nuốt. Đối với các loại hải sản thì bạn cần tránh cho trẻ tự cầm thức ăn có kích thước bằng đầu ngón tay, chẳng hạn như nguyên con tôm, cho đến khi khả năng cầm nắm của trẻ tốt hơn và trẻ có thể tự nhai/nuốt thức ăn thô mà không gặp vấn đề gì.
Chờ ít nhất 3 ngày trước khi cho trẻ chuyển sang ăn loại hải sản khác
Như đã đề cập, hải sản là một trong những nguồn thực phẩm gây dị ứng hàng đầu. Do đó, khi cho con làm quen với các loại cá, tôm… khác nhau, ngoài việc cho trẻ thử ăn mỗi loại một lần thì bạn nên đợi ít nhất 3 ngày rồi mới chuyển sang loại khác. Trong thời gian này, bạn sẽ quan sát xem trẻ có dị ứng với thực phẩm đó hay không để có giải pháp ngăn ngừa.
Theo dõi các dấu hiệu của dị ứng thực phẩm ở trẻ
Nhìn chung, bất cứ khi nào cho trẻ ăn một loại hải sản mới, bạn nên quan sát theo dõi xem trẻ có các triệu chứng của dị ứng hay không? Một số dấu hiệu, triệu chứng đáng chú ý bao gồm phát ban trên da, sưng mặt, môi hoặc lưỡi, thở khò khè, nôn mửa, tiêu chảy… Nếu nhận thấy trẻ bị dị ứng hải sản, bạn nên nhanh chóng đưa con nhập viện để được chăm sóc y tế đúng cách và điều trị kịp thời.
Luôn nấu chín thức ăn cho trẻ
Trẻ ở độ tuổi ăn dặm không được khuyến khích ăn những món chưa nấu chín. Bởi vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa đủ khả năng để xử lý vi khuẩn, virus từ thực phẩm sống nên trẻ có thể ốm nặng nếu không ăn chín uống sôi. Do đó, dù là cho con ăn hải sản hoặc bất kỳ thực phẩm nào thì bạn cũng nên nấu chín kỹ. Tránh tuyệt đối việc cho trẻ ăn sushi ở giai đoạn này.