Mục lục bài viết
1. Các lọai gấy phép, chứng chỉ hành nghề về giống cây trồng
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Trồng trọt 2018 thì giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn.
Căn cứ Khoản 1 Điều 16 Nghị đinh 31/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ 28/7/2023) các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề về giống cây trồng sẽ bao gồm:
- Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc Quyết định công nhận giống cây trồng mới
- Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng
- Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng
- Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ kiểm định ruộng giống
- Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng
- Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng
- Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng.
2. Cố ý tẩy xóa, sửa chữa Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng thì bị xử phạt như thế nào?
Việc xử lý đối với hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng được quy định tại Điều 16 Nghị định 31/2023/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 28/7/2023) quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt như sau:
Vi phạm quy định về quản lý giấy phép, chứng chỉ hành nghề về giống cây trồng:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề về giống cây trồng của tổ chức, cá nhân khác để hành nghề, bao gồm:
- Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc Quyết định công nhận giống cây trồng mới;
- Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng;
- Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng;
- Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ kiểm định ruộng giống; Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng;
- Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng;
- Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung một trong các giấy phép, chứng chỉ hành nghề về giống cây trồng quy định nêu trên.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm
- Buộc nộp lại các loại quyết định, giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ hành nghề về giống cây trồng đối với hành vi vi phạm cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp quyết định, giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó.
Đồng thời căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 31/2023/NĐ-CP có quy định mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền của tổ chức sẽ gấp 2 lần cá nhân.
Như vậy, hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng đến mức làm sai lệch nội dung của Giấy phép thì bị xử lý như sau:
- Phạt tiền:
- Đối với cá nhân vi phạm: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
- Đối với tổ chức vi phạm: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng
- Buộc nộp lại Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng.
Nếu tổ chức, cá nhân cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, sẽ bị buộc thu hồi các loại giấy tờ, hồ sơ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đó.
3. Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu và nhập khẩu giống cây trồng
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 94/2019/NĐ-CP như sau:
Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép xuất khẩu giống cây trồng theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Trồng trọt:
- Trình tự, thủ tục cấp phép xuất khẩu giống cây trồng:
- Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đến Cục Trồng trọt. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định; thông báo cho tổ chức, cá nhân trong trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung. Trường hợp tổ chức, cá nhân không hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Cục Trồng trọt, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp lại hồ sơ theo quy định
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép xuất khẩu theo Mẫu số 03.XK Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này; đăng thông tin trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, hiện nay, trình tự, thủ tục cấp phép xuất khẩu giống cây trồng được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép xuất khẩu giống cây trồng
Tổ chức, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu giống cây trồng theo Mẫu số 01.XK Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP;
- Tờ khai kỹ thuật (mỗi giống chỉ nộp một lần khi xuất khẩu lần đầu) theo Mẫu số 02.XK Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận Đầu tư hoặc Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân đối với cá nhân đăng ký xuất khẩu;
- Bản sao thỏa thuận hợp tác bằng tiếng nước ngoài kèm theo bản dịch công chứng sang tiếng Việt đối với trường hợp xuất khẩu phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, hợp tác quốc tế;
- Giấy xác nhận hoặc Giấy mời tham gia hội chợ, triển lãm của đơn vị tổ chức đối với trường hợp xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm.
Bước 2: Nộp hồ sơ xin giấy phép xuất khẩu giống cây trồng đến cơ quan có thẩm quyền
Sau khi chuẩn bị hồ sơ trên, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu giống cây trồng nộp hồ sơ đến Cục Trồng trọt.
Bước 3: Kiểm tra, thẩm định hồ sơ xin giấy phép xuất khẩu giống cây trồng
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Trồng trọt có trách nhiệm tổ chức thẩm định hồ sơ xin giấy phép xuất khẩu giống cây trồng và thông báo cho tổ chức, cá nhân trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Trường hợp tổ chức, cá nhân không hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Cục Trồng trọt, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nộp lại hồ sơ.
Bước 4: Cấp giấy phép xuất khẩu giống cây trồng
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép xuất khẩu theo Mẫu số 03.XK Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP; đăng thông tin trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt. Trường hợp không cấp giấy phép xuất khẩu giống cây trồng, Cục Trồng trọt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Để được thực hiện hoạt động nhập khẩu các giống cây trồng có nguồn gốc nước ngoài vào Việt Nam, các tổ chức, cá nhân cần phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp.
Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, quý khách hàng có thể tìm hiểu tại bài viết của Luật Minh Khuê:
- Thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng
- Mẫu văn bản đề nghị nhập khẩu giống cây trồng cập nhật mới nhất
Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật lao động miễn phí trực tuyến 24/24: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!