Mục lục bài viết
- 1. Khái quát chung về đăng ký đất đai
- 2. Thời kì trước năm 1945
- 2.1 Thời kỳ Gia Long
- 2.2 Thời Minh Mạng
- 2.3 Thời kỳ Pháp thuộc
- 3. Thời kỳ Mỹ Ngụy tạm chiếm miền Nam (1954 - 1975)
- 4. Quan hệ đất đai của nhà nước cách mạng Việt Nam (từ cách mạng tháng 8/1945 đến nay)
- 4.1 Thời kỳ tháng 8/1945 – 1979
- 4.2 Thời kỳ từ năm 1980 – 1988
- 4.3 Thời kỳ từ khi Luật Đất đai 1993 đến trước khi Luật Đất đai 2003 ra đời
- 4.4 Thời kỳ từ khi Luật đất đai 2003, 2013 ra đời đến nay
1. Khái quát chung về đăng ký đất đai
Đối với nhà nước: Đối với mỗi quốc gia, đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất không gì thay thế được của ngành nông nghiệp, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố khu dân cư, xây dựng cơ sở kỹ thuật, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng. Song thực tế đất đai là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn về diện tích, có vị trí cố định trong không gian. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nó đã góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển mạnh mẽ đồng thời nhu cầu sử dụng đất cũng tăng lên và làm cho công tác quản lý sử dụng đất hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm cũng ngày càng trở nên phức tạp.
Quản lý thửa đất là một trong những nội dung quan trọng nhất của quản lý đất đai, quản lý đất đai là quản lý thửa đất với 3 nội dung chính là diện tích và ranh giới thửa đất, mục đích sử dụng của thửa đất và người chủ sử dụng của thửa đất. Công tác quản lý đất đai chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi mỗi thửa đất trong diện được cấp giấy chứng nhận đều được cấp giấy chứng nhận. Đối với nước ta, việc cấp giấy chứng nhận có ý nghĩa quyết định đối với việc giải quyết những vấn đề tồn đọng trong lịch sử về quản lý và sử dụng đất; giải quyết có hiệu lực hiệu quả về tranh chấp đất đai góp phần thúc đẩy nhanh và thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất.
Đồng thời với công tác đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận QSDĐ, nhà nước tiến hành xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính. Đây là tài liệu cơ sở pháp lý quan trọng để phục vụ cho việc theo dõi quản lý của nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến đất đai, là dữ liệu địa chính để xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
Đối với người sử dụng đất: Giấy chứng nhận là chứng thư pháp lý xác lập và bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất như quyền chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, bảo lãnh góp vốn bằng quyền sử dụng đất, bảo vệ lợi ích chính đáng của người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế…
Đối với xã hội: Hệ thống thông tin đất đai được xây dựng từ kết quả cấp giấy chứng nhận sẽ được kết nối với hệ thống các cơ quan có liên quan, với hệ thống các tổ chức tài chính, tín dụng khi được lên mạng thông tin điện tử sẽ giúp cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thể tìm hiều thông tin đất đai một cách thuận lợi và nhanh chóng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của xã hội. Giấy chứng nhận tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch bất động sản, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, tạo điều kiện để huy động nguồn vốn đầu tư thông qua hoạt động thế chấp vốn. Hệ thống thông tin đất đai có tác dụng đắc lực cho việc phòng chống tham nhũng về đất đai.
2. Thời kì trước năm 1945
Ở Việt Nam, công tác đạc điền và quản lý điền địa được bắt đầu làm từ thế kỷ thứ VI trở lại đây và nổi bật nhất là:
2.1 Thời kỳ Gia Long
Đất đai được quản lý bằng sổ địa bạ được lập cho từng xã phân biệt rõ đất công điền và đất tư điền. Và trong đó ghi rõ họ tên điền chủ, diện tích, tứ cận, đẳng hạng để tính thuế. Có 3 bộ được lưu ở 3 cấp: bản Giáp được lưu ở bộ Hộ, bản Bính ở dinh Bố Chánh, bản Đinh ở xã sở tại. Theo quy định, hàng năm thì tiểu tu, 5 năm thì phải đại tu một lần.
2.2 Thời Minh Mạng
Sổ Địa bộ được lập tới từng làng xã tiến bộ hơn sổ thời Gia Long vì nó được lập trên cơ sở đạc điền với sự chứng kiến của các chức sắc giúp việc trong làng. Các viên chức trong làng lập sổ mô tả ghi các thửa đất, ruộng kèm theo sổ Địa bộ có ghi diện tích, loại đất. Quan Kinh Phái và viên Thơ Lại có nhiệm vụ ký xác nhận vào sổ mô tả. Quan phủ căn cứ vào đơn thỉnh cầu của điền chủ khi cần thừa kế, cho, bán hoặc từ bỏ quyền phải xem xét ngay tại chỗ sau đó trình lên quan Bố Chánh và ghi vào sổ Địa bộ.
2.3 Thời kỳ Pháp thuộc
Thời kỳ này tồn tại nhiều chế độ điền địa khác nhau:
- Chế độ điền thổ tại Nam Kỳ: Pháp đã xây dựng được hệ thống bản đồ giải thửa được đo đạc chính xác và lập sổ điền thổ. Trong sổ điền thổ, mỗi trang sổ thể hiện cho một lô đất của mỗi chủ sử dụng trong đó ghi rõ: diện tích, nơi toạ đạc, giáp ranh và các vấn đề liên quan đến sở hữu và sử dụng.
- Chế độ quản thủ địa chính tại Trung Kỳ: đã tiến hành đo đạc bản đồ giải thửa, sổ địa bộ, sổ điền chủ, tài chủ bộ.
- Chế độ điền thổ và quản thủ địa chính tại Bắc Kỳ: Do đặc thù đất đai ở miền Bắc manh mún, phức tạp nên mới chỉ đo đạc được các lược đồ đơn giản và lập được hệ thống sổ địa chính. Sổ địa chính lập theo thứ tự thửa đất ghi diện tích, loại đất, tên chủ. Ngoài ra còn được lập các sổ sách khác như sổ điền chủ, sổ khai báo…
3. Thời kỳ Mỹ Ngụy tạm chiếm miền Nam (1954 - 1975)
Thời kỳ này tồn tại hai chính sách ruộng đất: một chính sách ruộng đất của chính quyền cách mạng và một chính sách ruộng đất của chính quyền Ngụy.
- Tân chế độ điền thổ: Hệ thống hồ sơ được thiết lập theo chế độ này gồm: bản đồ dải thửa kế thừa từ thời Pháp; sổ điền thổ lập theo lô đất trong đó ghi rõ: diện tích, nơi toạ đạc, giáp ranh, biến động, tên chủ sở hữu; sổ mục lục lập theo tên chủ ghi số liệu tất cả các thửa đất của mỗi chủ. Hệ thống hồ sơ trên được lập thành hai bộ lưu tại Ty Điền địa và xã Sở tại.
- Chế độ quản thủ điền địa cũng tiếp tục được duy trì từ thời Pháp thuộc. Hệ thống hồ sơ gồm: sổ địa bộ được lập theo thứ tự thửa đất (mỗi trang sổ lập cho 5 thửa), sổ điền chủ lập theo chủ sử dụng (mỗi chủ một trang), sổ mục lục ghi tên chủ để tra cứu.
- Giai đoạn 1960 – 1975: Thiết lập Nha Tổng Địa. Nha này có 11 nhiệm vụ trong đó có 3 nhiệm vụ chính là: xây dựng tài liệu nghiên cứu, tổ chức và điều hành tam giác đạc, lập bản đồ và đo đạc thiết lập bản đồ sơ đồ và các văn kiện phụ thuộc.
4. Quan hệ đất đai của nhà nước cách mạng Việt Nam (từ cách mạng tháng 8/1945 đến nay)
4.1 Thời kỳ tháng 8/1945 – 1979
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đặc biệt là sau cải cách ruộng đất năm 1957, Nhà nước đã tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân nghèo. Đến năm 1960 hưởng ứng phong trào hợp tác hoá sản xuất đại bộ phận nhân dân đã góp ruộng vào hợp tác xã làm cho hiện trạng sử dụng đất có nhiều biến động. Thêm vào đó là điều kiện đất nước khó khăn có nhiều hệ thống hồ sơ địa chính giai đoạn đó chưa được hoàn chỉnh cũng như độ chính xác thấp do vậy không thể sử dụng được vào những năm tiếp theo. Trước tình hình đó ngày 03/07/1958, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 344/TTg cho tái lập hệ thống Địa chính trong Bộ Tài chính.
Ngày 09/11/1979, Chính phủ đã ban hành Nghị định 404-CP về việc thành lập tổ chức quản lý ruộng đất trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng thống nhất quản lý Nhà nước đối với toàn bộ ruộng đất trên toàn bộ lãnh thổ.
4.2 Thời kỳ từ năm 1980 – 1988
Hiến pháp năm 1980 ra đời quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nhà nước mới chỉ quan tâm đến việc quản lý đất nông nghiệp cho nên mới xảy ra tình trạng giao đất, sử dụng đất tuỳ tiện đối với các loại đất khác.
- Thời kỳ từ năm 1988 – 1993: Năm 1988, Luật Đất đai lần đầu tiên được ban hành nhằm đưa công tác quản lý đất đai vào nề nếp. Tiếp đó Tổng cục quản lý ruộng đất đã ban hành Quyết định số 201/ĐKTK kèm theo đó là Thông tư số 302/TT-ĐKTK ngày 28/10/1989 hướng dẫn thi hành Quyết định số 201. Chính việc ban hành các văn bản này mà công tác quản lý đất đai đã có bước phát triển mới, công tác đăng ký đất đai có thay đổi mạnh mẽ và chúng được thực hiện đồng loạt vào những năm tiếp theo trên phạm vi cả nước.
4.3 Thời kỳ từ khi Luật Đất đai 1993 đến trước khi Luật Đất đai 2003 ra đời
Luật Đất đai 1993 ra đời khẳng định đất đai có giá trị và người dân có các quyền sau: chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp.
Do vậy, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giai đoạn này là việc làm cấp thiết để người dân khai thác được hiệu quả cao nhất từ đất. Vì vậy, công tác cấp giấy chứng nhận được triển khai mạnh mẽ nhất là từ năm 1997. Tuy nhiên, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều vướng mắc dù Nhà nước đã ban hành nhiều Chỉ thị về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và đã không hoàn thành theo yêu cầu của Chỉ thị số 10/1998/CT-TTg và Chỉ thị số 18/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông thôn vào năm 2000 và thành thị vào năm 2001.
4.4 Thời kỳ từ khi Luật đất đai 2003, 2013 ra đời đến nay
Luật đất đai 2003 được ban hành nhanh chóng đi vào đời sống và góp phần giải quyết những khó khăn vướng mắc mà Luật đất đai giai đoạn trước chưa giải quyết được. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định số 24/2004/QĐ-BTNMT ngày 01/11/2004 quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 1/11/2004, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định số 29/2004/QĐ-BTNMT về việc hướng dẫn lập, chỉnh lý, quản lý HSĐC.
Ngày 1/11/2004, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 09/2004/TT-BTNMT về việc hướng dẫn lập, chỉnh lý, quản lý HSĐC. Ngày 25/5/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2007/NĐ-CP quy định bổ sung việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.
Luật đất đai 2013 được ban hành nhanh chóng đi vào đời sống và góp phần giải quyết những khó khăn vướng mắc mà Luật đất đai giai đoạn trước chưa giải quyết được. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông tư số 23/2014/TT-BTNMT quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất và sau này là thông tư 33/2017/TT-BTNMT, thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính.
Mọi vướng mắc pháp lý vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật đất đai trực tuyến qua tổng đài: 1900.6162 để được tư vấn, hỗ trợ trực tiếp.