Chính sánh đổi mới giấy phép lái xe cho những người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài hoặc những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam luôn là một trong những vấn đề quan trọng và cần được hiểu một cách rõ ràng và chính xác.

1. Đối tượng được thay đổi giấy phép lái xe

Theo quy định hiện hành của Việt Nam, những trường hợp điều khiển xe máy, xe ô tô lưu thông tại Việt Nam mà không cần phải là bằng lái xe Quốc tế bằng cách chuyển đổi giấy phép lái xe.

Căn cứ theo quy định tại Điểm g Khoản 5 Điều 37 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, đối tượng đủ điều kiện đổi giấy phép lái xe :

a) Người Việt Nam, người nước ngoài được đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại Việt Nam;

b) Người có giấy phép lái xe của ngành giao thông vận tải cấp bị hỏng;

c) Người Việt Nam, người nước ngoài định cư lâu dài ở Việt Nam đã có giấy phép lái xe Việt Nam đổi từ giấy phép lái xe nước ngoài, khi hết hạn nếu có nhu cầu được đổi giấy phép lái xe;

d) Người có giấy phép lái xe quân sự còn thời hạn sử dụng khi thôi phục vụ trong quân đội (phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp quốc phòng…), nếu có nhu cầu được đổi giấy phép lái xe;

đ) Cán bộ, chiến sĩ công an có giấy phép lái xe do ngành Công an cấp sau ngày 31 tháng 7 năm 1995 còn thời hạn sử dụng, khi ra khỏi ngành hoặc nghỉ hưu, nếu có nhu cầu được đổi giấy phép lái xe;

e) Người có giấy phép lái xe mô tô của ngành Công an cấp trước ngày 01 tháng 8 năm 1995 bị hỏng có nhu cầu đổi, có tên trong sổ lưu được xét đổi giấy phép lái xe mới;

g) Người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam, có giấy chứng minh thư ngoại giao, giấy chứng minh thư công vụ, thẻ tạm trú, thẻ cư trú, thẻ lưu trú, thẻ thường trú với thời gian từ 03 tháng trở lên, có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam;

h) Khách du lịch nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam;

i) Người Việt Nam (mang quốc tịch Việt Nam) trong thời gian cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài được nước ngoài cấp giấy phép lái xe quốc gia, còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam.

2. Thời hạn sử dụng giấy phép lái xe được đổi cho người nước ngoài

Căn cứ vào Khoản 7 Điều 49 Thông tư 58/2015/TT-BGTVT: Thời hạn sử dụng và hạng xe được phép điều khiển:

a) Thời hạn sử dụng giấy phép lái xe Việt Nam đổi cho người nước ngoài phù hợp với thời hạn ghi trong thị thực nhập cảnh hoặc thẻ tạm trú, phù hợp với thời hạn sử dụng giấy phép lái xe nước ngoài nhưng không vượt quá thời hạn quy định của giấy phép lái xe Việt Nam;

b) Thời hạn sử dụng giấy phép lái xe Việt Nam đổi cho khách du lịch nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với thời gian du lịch ở Việt Nam (từ khi nhập cảnh đến khi xuất cảnh) nhưng không vượt quá thời hạn quy định của giấy phép lái xe Việt Nam;

Đối với khách du lịch nước ngoài lái xe vào Việt Nam chưa có điều kiện xuất trình hộ chiếu và giấy phép lái xe nước ngoài, khi đổi giấy phép lái xe có thể căn cứ vào danh sách xuất nhập cảnh của Bộ Công an và bản dịch giấy phép lái xe (kèm theo bản sao giấy phép lái xe nước ngoài), làm sẵn giấy phép lái xe cho số người đăng ký. Giấy phép lái xe chỉ được cấp cho những người thực sự vào Việt Nam sau khi đối chiếu giấy phép lái xe nước ngoài và hộ chiếu;

c) Giấy phép lái xe quốc gia cấp cho người đổi được điều khiển nhiều hạng xe khác nhau được đổi sang giấy phép lái xe để điều khiển các hạng xe tương ứng của Việt Nam;

d) Giấy phép lái xe quân sự có hiệu lực được phép lái nhiều hạng xe khác nhau được đổi sang giấy phép lái xe ngành giao thông vận tải có hiệu lực lái các hạng xe tương ứng.

Nói tóm lại, thời hạn sử dụng giấy phép lái xe Việt Nam đổi cho người nước ngoài cần phù hợp với thời hạn ghi trong thị thực nhập cảnh hoặc thẻ tạm trú; phù hợp với thời hạn sử dụng giấy phép lái xe nước ngoài nhưng không vượt quá quy định của giấy phép lái xe Việt Nam.

Thời hạn sử dụng giấy phép lái xe Việt Nam đổi cho du khách nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với thời gian du lịch ở Việt Nam (từ khi nhập cảnh đến khi xuất cảnh) nhưng không vượt quá quy định của giấy phép lái xe Việt Nam.

3. Hồ sơ cần chuẩn bị

Theo khoản 1 Điều 41 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định về thủ tục đổi giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của người nước ngoài.

1. Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (nơi đăng ký cư trú, lưu trú, tạm trú hoặc định cư lâu dài). Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe (đối với người nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục 20 ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Bản dịch giấy phép lái xe nước ngoài ra tiếng Việt được bảo chứng chất lượng dịch thuật của cơ quan Công chứng hoặc Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam mà người dịch làm việc, đóng dấu giáp lai với bản sao giấy phép lái xe; trường hợp phát hiện có nghi vấn, cơ quan cấp đổi giấy phép lái xe có văn bản đề nghị Đại sứ quán, Lãnh sự quán của quốc gia cấp giấy phép lái xe tại Việt Nam xác minh;

c) Bản sao hộ chiếu (phần số hộ chiếu, họ tên và ảnh người được cấp, thời hạn sử dụng và trang thị thực nhập cảnh vào Việt Nam), hoặc bản sao thẻ cư trú, thẻ lưu trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy tờ xác minh định cư lâu dài tại Việt Nam đối với người nước ngoài; trường hợp phát hiện có nghi vấn, cơ quan cấp đổi giấy phép lái xe có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an, Phòng Quản lý xuất nhập Cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác minh.

Khi đến thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe, người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.

Cụ thể hồ sơ cần chuẩn bị như sau:

Đối với người Việt Nam xuất trình hợp pháp hóa lãnh sự giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài theo quy định của pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, trừ các trường hợp được miễn trừ theo quy định của pháp luật

  • Bản sao hộ chiếu (gồm phần số hộ chiếu, họ tên và ảnh người được cấp, thời hạn sử dụng và trang thị thực nhập cảnh vào Việt Nam);
  • Bản sao chụp một trong các giấy tờ sau đây: thẻ cư trú, thẻ lưu trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy tờ xác minh định cư lâu dài tại Việt Nam.
  • 2 ảnh 3×4 nền xanh như thẻ căn cước hoặc CMND.

Đối với Giấy phép lái xe Việt Nam đổi cho khách du lịch nước ngoài thì người lái xe lập hồ sơ và gửi trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải, bao gồm:

  • Đơn xin đề nghị đổi giấy phép lái xe;
  • Bản dịch giấy phép lái xe nước ngoài ra tiếng Việt được bảo chứng chất lượng dịch thuật của cơ quan công chứng hoặc Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam mà người dịch làm việc, đóng dấu giáp lai với bản sao giấy phép lái xe;
  • Bản sao có chứng thực danh sách xuất nhập cảnh của Bộ Công an hoặc bản sao hộ chiếu gồm phần: số hộ chiếu, họ tên và ảnh người được cấp, thời hạn sử dụng và trang thị thực nhập cảnh vào Việt Nam;
  • 01 ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm, nền ảnh màu xanh, kiểu chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân

* Lưu ý: Khi đến đổi giấy phép lái xe, người lái xe được Sở Giao thông vận tải chụp ảnh và phải xuất trình hộ chiếu còn thời hạn sử dụng, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy tờ xác minh định cư lâu dài tại Việt Nam và giấy phép lái xe nước ngoài để đối chiếu.

4. Thủ tục và thời hạn giải quyết đổi giấy phép lái xe

Điều 41 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định về thủ tục đổi giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài, thời gian giải quyết hồ sơ đổi giấy phép lái xe là không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định.

Trong trường hợp, người lái xe đã trải qua kiểm tra sát hạch giao thông và được cấp giấy phép lái xe của nước sở tại. Sau đó đề nghị được cấp song song cả giấy phép lái xe quốc tế và đã được cấp thì giấy phép lái xe đó sau này về Việt Nam có được sử dụng để lái xe.

Khoản 10 Điều 33 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định như sau:

Điều 33. Sử dụng và quản lý giấy phép lái xe

10. Người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam thực hiện như sau:

a) Nếu có giấy phép lái xe quốc gia phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam;

b) Trường hợp điều ước quốc tế về giấy phép lái xe mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Như vậy, theo quy định trên thì nếu bạn có Giấy phép lái xe quốc tế do cơ quan có thẩm quyền (là nước có tham gia Công ước Viên năm 1968) và còn thời hạn sử dụng thì bạn sẽ được lái loại xe quy định trong Giấy phép lái xe mà không phải đổi sang giấy phép lái xe Việt Nam.

5. Mức xử phạt khi tham gia giao thông không có giấy phép lái xe

Hành vi tham gia giao thông không có giấy phép lái xe sẽ bị xử phạt đối với từng trường hợp theo khoản 5 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt như sau:

Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;

b) Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia;

Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay số:1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật giao thông - Công ty luật Minh Khuê