Mục lục bài viết
Cách giải thích vậy là hợp lý, là đúng; nhưng người tu thiền tuệ (vipassanā) họ hiểu rằng: “Ai thấy thập nhị nhân duyên tức thấy Pháp, ai thấy Pháp tức thấy Như Lai”. Và pháp, bao giờ cũng thiết thực hiện tại, ta phải có bổn phận thấy ngay lập tức (sandiṭṭhiko) không bị hạn cuộc trong thời gian (akāliko) có thể trở lại và thấy ngay, chính nơi sự sống đang vận hành (ehipassiko) bằng cách chú tâm, chánh niệm ở đây và bây giờ (opanayiko); và mỗi người có thể chứng nghiệm nó trong lòng mình (paccattaṃ veditabbo viññūhi).
Do vậy, người tu tuệ quán có thể quán sát và thấy rõ sự vận hành của Thập nhị nhân duyên ở trong mỗi bước đi, mỗi hơi thở, mỗi cử chỉ, mỗi hành động, mỗi cảm thọ hoặc mỗi nhận thức. Nói cách khác ta phải thấy rõ, biết rõ, hiện quán, thực chứng Pháp ấy ngay thực tại hiền tiền bây giờ và ở đây.
1. Vô minh, hành
Bất cứ khi nào chúng ta không sáng suốt, định tĩnh hoặc những khi bị hôn trầm thụy miên, nghi, trạo cử làm che mờ, làm cho dao động, bất an thì khi ấy ta đang bị vô minh và hành chi phối.
2. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc thọ
Cái quả do vô minh và hành đem lại làm cho thức của ta khởi động, phóng dật lung tung. Vì thức này vốn bị tham sân si (ở trong hành) chi phối nên nó cứ bất an, dao động theo các đối tượng. Thức bất an, dao động thì tức khắc khởi sinh các yếu tố tâm lý nội tại (tâm sở), đồng thời tác động lên thân sắc. Trọn vẹn sự tập hợp tâm sinh lý ấy được gọi là danh sắc. Danh sắc này được hiện tướng là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn. Khi va đụng thì tạo nên lục xúc. Có lục xúc thì có lục thọ.
Tất cả thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, vốn là quả, là dị thục, là nghiệp cũ, chưa tạo nghiệp mới.
Có 15 dị thục thiện và bất thiện: 7 bất thiện dị thục vô nhân tâm và 8 thiện dị thục vô nhân tâm.
Như vậy, những cảm giác dễ chịu, thích thú (lạc) và những cảm giác khó chịu, bực bội (khổ) khi chưa được “tưởng, tư” chế biến đều là những cảm thọ bình thường, thuần túy.
3. Ái, thủ, hữu
- Khi có một cảm giác không khổ, không lạc (xả), ta cảm thấy nó trống không, vô vị, ta liền đi tìm kiếm những đối tượng dục lạc khác rồi rơi vào sự điều động của ái, thủ, hữu.
Và từ đó, ái, thủ, hữu tạo nên nghiệp: Nghiệp hữu và sanh hữu.
Để hiểu rõ những tiến trình duyên khởi, tại đây và bây giờ của thức, danh-sắc, lục nhập, xúc thọ, ái, thủ, hữu ấy, ta có thể chiêm nghiệm qua ví dụ sau đây:
“- Hôm kia, tôi đang thiu thiu ngủ, bất chợt có tiếng động lớn làm tôi choàng mình thức dậy. Bước ra hiên, tôi thấy một ly trà bị vỡ và có một con mèo đen chạy núp trong khóm cây. Biết mèo là thủ phạm, tôi chụp vội cây roi rượt đuổi nó đến tận nhà bếp”.
Ở đây, tiếng động lớn làm tôi choàng tỉnh là thức sinh. Thức sinh thì đồng thời, trạng thái tâm sinh lý nội tại đồng khởi sinh: danh sắc sinh. Danh sắc sinh thì nhĩ nhập sinh, nhãn nhập sinh - tức là nghe và thấy ly trà bị vỡ. Lúc nhĩ nhập sinh và nhãn nhập sinh thì liền phát sanh nhãn xúc và nhĩ xúc. Và rồi có xúc liền có thọ: Có cảm giác tức giận mới cầm roi rượt đuổi mèo, tạo ý nghiệp bất thiện, thân nghiệp bất thiện. Như vậy, sau thọ đi liền theo là ái, thủ, hữu (Cả hàng chục, hàng trăm lộ trình tâm, duyên khởi đồng diễn ra xoay quanh một câu chuyện, nhiều đối tượng).
Ví dụ khác:
“- Tôi đang ngồi chơi bên hiên thì có một người bạn thân cách biệt 10 năm ghé thăm (thức sinh). Tôi bồi hồi xúc động (danh sắc, lục nhập, xúc, thọ sinh), đứng dậy, vồn vã cầm tay bạn, mời ngồi, uống trà cùng hàn huyên tâm sự... (thọ, ái, thủ, hữu sinh)”.
4. Sinh, lão tử - sầu bi khổ ưu não
Lúc có ái, thủ, hữu sinh là ta đã tạo nhân mới, nghiệp mới, tức là dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, rồi tái sanh, đầu thai khắp ba cõi, sáu đường. Trong đời sống hiện tại, ở đây và bây giờ, thức của ta cũng tái sanh khắp các cảnh giới như thế.
- Khi ta hận thù một ai (thức sinh) ta thấy mật gan như bị lửa đốt (danh sắc sinh), muốn tìm kiếm đối tượng ấy để đánh, giết cho hả giận (xúc, thọ, ái, thủ, hữu).
- Khi ta yêu thương một người, mới nghĩ đến người ấy (thức sinh) là cảm nghe xao xuyến, tim đập bồi hồi (danh sắc sinh), rồi trọn vẹn con người mình đầu tư vào hình ảnh ấy (danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu).
Như vậy, từ khi thức sinh - thì trọn vẹn thời gian tiếp theo, toàn bộ tâm sinh lý của chúng ta (danh sắc) đều phải bị biến đổi, già lụn, tan rã (lão, tử) đồng thời phải nhận chịu những quả đương nhiên sẽ tiếp diễn trên lộ trình ấy (sầu, bi, khổ, ưu, não).
Ta có thể tóm tắt như sau:
(căn bản) (6) Vô minh Hành (quá khứ) (vô thức) |
Thức Danh-sắc Lục nhập Xúc Thọ |
Ái Thủ Hữu |
Tức |
(chi mạt) (7) Vô minh Hành (hiện tại) (hữu thức) |
|
Quả hiện tại |
Nhân hiện tại |
|
|
(chi mạt) Vô minh Hành (hiện tại) (hữu thức) |
Ái Thủ Hữu |
Sinh, Lão tử |
|
Sầu Bi Khổ Ưu Não |
Nhân hiện tại |
|
|
Quả vị lai |
(6) Căn bản vô minh: Tức là vô minh gốc, vô minh chi phối chúng sanh từ vô lượng kiếp trong dòng nghiệp (nó chính là vô minh quá khứ - vô minh, hành…)
(7) Chi mạt vô minh: Tức là cành, nhánh của vô minh. Trong hiện tại, lúc ta không có định, tuệ chính là lúc ta bị vô minh cành nhánh này chi phối.
Đấy là tiến trình sinh khởi của thập nhị nhân duyên, hay là sự vận hành duyên khởi của thập nhị nhân duyên theo chiều thuận. Bây giờ, ta hãy xem sự vận hành ấy theo chiều nghịch, tức là theo chiều thập nhị nhân duyên diệt.
2. Thập nhị nhân duyên diệt
2.1 Vô minh và hành diệt
Trong đời sống thường nhật, lúc ta sáng suốt, nghĩa là có tuệ chiếu soi thì lúc ấy ta không có vô minh, không bị vô minh chi phối. Lúc ta an nhiên, định tĩnh thì các hành đều vắng lặng; ái dục, tham sân không khởi động. Đây được gọi là vô minh và hành diệt.
2.2 Thức, danh-sắc, lục nhập, xúc thọ diệt
Khi không có vô minh và hành thì thức của ta trở nên trong sáng, thanh lương. Toàn bộ tâm sinh lý của ta đều an ổn, vắng lặng, bình an (danh-sắc), lục xúc, lục thọ theo đó cũng an ổn, vắng lặng, bình hòa (lục nhập, xúc, thọ).
Vì an ổn, vắng lặng, bình hòa nên gọi là diệt, chứ không phải diệt là chết mất. Vả chăng, thức danh-sắc, lục nhập, xúc, thọ là quả, ta không thể diệt quả theo nghĩa cụ thể nhân quả. Các bậc giác ngộ, giải thoát rồi vẫn còn mang quả dị thục của 23 dị thục đã tạo từ trước (15 thiện, bất thiện vô nhân tâm + 8 đại thiện dị thục). Do vậy, trong trường hợp xúc thọ diệt, có nghĩa là do định tuệ chiếu soi, không có vô minh và hành thì xúc lúc ấy là xúc và thọ lúc ấy đều như thực (paramattha). Các cảm thọ khởi sinh ở thân và tâm, tạo ra khổ, lạc, xả, hỷ, ưu đều là những cảm thọ như thực.
2.3 Ái, thủ, hữu, diệt
Khi những cảm thọ đều được định tuệ nhìn ngắm như thực tướng (paramattha) thì ái, thủ, hữu không thể phát sanh, chế biến (paññatti) nên được gọi là ái, thủ, hữu diệt.
- Trường hợp ái khởi (tham, sân), nhưng nếu có định, tuệ chiếu soi; hoặc có chánh niệm, tỉnh giác kịp thời ghi nhận (tham à! sân à!...) thì lúc ấy ái cũng diệt.
- Trường hợp sau khi ái khởi, các thủ (dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã chấp thủ) đồng khởi theo, nhưng nếu có định tuệ, chánh niệm, tỉnh giác kịp thời ghi nhận... (đam mê à, chấp thủ à...) thì lúc ấy, thủ cũng diệt.
- Trường hợp cetanā đã khởi rồi; hoặc thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp đã khởi rồi; nhưng ngay tức khắc, ta có chánh niệm, tỉnh giác ghi nhận, quán niệm chúng (cố ý à, chủ ý à...) thì lúc ấy hữu cũng diệt (giai đoạn này rất khó).
Tuy nhiên, tiến trình ấy xảy ra rất nhanh, người tu tập tuệ quán thường chọn lựa để cắt đứt tiến trình duyên khởi sinh tử này từ các cảm thọ, dễ hơn là ở tâm (thân, thọ, tâm, pháp) - như trong kinh Niệm Xứ: tham biết tham, sân biết sân!
Ở đây, ta có thể đưa một ví dụ:
- Ta bị người kia mắng chửi, nhục mạ trong lúc ta thường có chánh niệm, tỉnh giác (định, tuệ); nhờ vậy, mặc dù tai ta khó chịu (khổ thọ) nhưng tâm ta vẫn vắng lặng, an nhiên, bình hòa (ái, tham, sân diệt). Ái diệt thì chấp ngã diệt (thủ diệt) và ta không tạo ra các vọng nghiệp qua thân, khẩu, ý (hữu diệt).
2.4 Sinh, lão tử - sầu bi khổ ưu não diệt
Vì không có ái, thủ, hữu nên không tạo nghiệp. Vì không tạo nghiệp nên ta sẽ không nhận chịu quả của ái, thủ, hữu ấy. Nói cách khác, ta sẽ không nhận chịu tiến trình tâm sinh lý từ sinh đến lão tử
- sầu bi khổ ưu não do ái thủ hữu tác động, tạo nên. Ta không có vọng tâm (ái) nên không tạo vọng nghiệp (thủ, hữu) nên không tạo thêm tử sinh trên dòng sống, mà trả lại muôn đời cho thực tại như thị, như chúng là, như pháp thực tánh (paramattha-dhamma).
Nói tóm lại, khi ta bị vô minh và hành chi phối thì toàn bộ thế giới tâm sinh vật lý (căn, trần, thức) đều điên đảo: đó là 12 nhân duyên sinh khởi. Nhưng nếu ta có định tuệ chiếu soi, có chánh niệm, tỉnh giác, thì vô minh và hành không sinh khởi thì toàn bộ thế gian, thế giới (căn-trần-thức) đều vắng lặng, an ổn, thanh bình, đó là 12 nhân duyên diệt.
Lưu ý: Thập nhị nhân duyên theo chiều thuận là tiến trình sinh khởi tâm sinh vật lý ở phương diện tục đế; do vậy nó có đầy đủ cả Khổ Đế và Tập Đế. Trái lại, thập nhị nhân duyên theo chiều nghịch, chiều diệt là sự chấm dứt vọng tâm, vọng nghiệp ở phương diện chân đế; do vậy nó có đầy đủ cả Đạo Đế và Diệt Đế.
3. Bảng tóm tắt Thập Nhị Nhân Duyên
- Vô minh (avijjā): Tình trạng thiếu sáng suốt, không tỉnh thức để thấy, biết và thực chứng rõ ràng, như thực chính bản thân mình (thân, tâm và đối tượng).
- Hành (saṅkhāra): Tâm vọng động, tạo tác khởi trong quá khứ theo duyên căn-trần-thức. Nó chính là ái, thủ, hữu trong quá khứ.
- Thức (viññāṇa): Tâm sinh khởi trong hiện tại, mang tính chất (kết quả) của vô minh, hành trước, mở đầu cho tiến trình nhân duyên hiện tại. Nếu giải thích theo hiện tượng tái sanh thì đây chính là kiết sinh thức, nối liền kiếp sống quá khứ với hiện tại.
- Danh sắc (nāma-rūpa): Thức vừa mới khởi sinh (danh) liền kết hợp với yếu tố sinh lý (sắc) để tạo thành một hợp nhất giữa thân (sinh lí, sắc) và tâm (tâm lí, danh). Nếu giải thích theo hiện tượng tái sinh thì đây là giai đoạn hình thành thai nhi: Tinh trùng + noãn châu (sắc) + kiết sinh thức (danh).
- Lục nhập (salāyatana): Kết hợp danh-sắc hiện rõ chức năng 6 căn để nhận thức 6 trần. Nếu giải thích theo hiện tượng tái sinh thì đây là giai đoạn hình thành 6 giác quan của thai nhi khi sinh ra đời.
- Xúc (phassa): Tùy đối tượng nhận thức mà phát sanh nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc.
- Thọ (vedanā): Cảm giác khổ-ưu, lạc-hỷ và xả.
Ở đây thọ kiêm nhiệm công tác tri giác của tưởng để xác định đối tượng nhận thức.
- Ái (taṇhā): Phi hữu ái (sân) phát sinh với thọ khổ. Hữu ái (tham) phát sinh với thọ lạc. Dục ái (si) phát sinh với thọ xả.
- Thủ (upādāna): Ái nếu được cũng cố, tăng cường thì trở thành cố chấp, kiến thủ. Thủ ở đây chính là dục thủ nếu ái đối với trần cảnh, kiến thủ nếu ái đối với tri kiến, ngã thủ nếu ái đối với bản ngã và giới cấm thủ nếu ái đối với hình thức, lễ nghi, giới cấm.
- Hữu (bhava): Ái tăng cường thành sức mạnh (thủ), sức mạnh đó tạo thành nghiệp (hữu) thiện, bất thiện hay bất động; hữu là lực tạo tác để trở thành (bhava) nghĩa là tạo năng lực tái hiện hữu trong tương lai. Có 3 hữu: Dục hữu (nghiệp tạo cõi dục), sắc hữu (nghiệp tạo cõi sắc), vô sắc hữu (nghiệp tạo 4 vô sắc thiền).
- Sinh (jāti): Là tiến trình sinh khởi kế tiếp trong tương lai, do nghiệp hữu đang tạo trong hiện tại: Thức (kết sinh), danh sắc, lục nhập, xúc, thọ (phát sinh trong tương lai). Nếu giải thích theo hiện tượng tái sinh thì đây là sự tái sinh trong kiếp vị lai.
- Lão tử (jarāmaraṇa): Một tiến trình luôn luôn có 3 giai đoạn: Sinh (upāda) - trụ (ṭhiṭi) - diệt (bhaṅga). Trong 12 nhân duyên, 3 giai đoạn đó gọi là sinh-lão-tử, nói gọn là sinh tử. Sinh bắt đầu bằng kiết sinh thức làm khởi sinh một tiến trình tâm hoặc khởi sinh một kiếp sống. Tử chính là tử tâm (cuti) chấm dứt lộ trình tâm hoặc chấm dứt một kiếp sống.
Nguồn: Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Tỳ-khưu Giới Đức - Sīlaguṇa Bhikkhu) – Phật học tinh yếu