Mục lục bài viết
1.Giao dịch thương mại điện tử là gì ?
Giao dịch thương mại điện tử được hiểu là phương thức thực hiện một số hoặc toàn bộ hoạt động kinh tế bằng phương tiện điện tử. Có thể hiểu rõ hơn giao dịch thương mại điện tử là việc mua bán sản phẩm, dịch vụ thông qua Internet và các phương tiện điện tử khác. Các hoạt động giao dịch này bao gồm tất cả các hoạt động như việc mua, bán trên mạng, thanh toán, đặt hàng, quảng cáo và giao hàng… được thực hiện trên nền tảng điện tử.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt thương mại điện tử
Tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử, trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới;
Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh;
Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;
Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa đăng ký hoặc chưa được cấp phép theo các quy định của Nghị định này;
Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử không đúng với thông tin trong hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép;
Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thực hiện các thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử, đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đăng ký hoặc xin cấp phép các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử.
Vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử:
Giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử;
Sử dụng biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử khi chưa được những chương trình này công nhận;
Sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác trên website thương mại điện tử để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;
Sử dụng đường dẫn để cung cấp những thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với thông tin được công bố tại khu vực website có gắn đường dẫn này.
Vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử:
Thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử;
Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử;
Can thiệp vào hệ điều hành và trình duyệt Internet tại các thiết bị điện tử truy cập vào website nhằm buộc khách hàng lưu lại website trái với ý muốn của mình.
Đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
Giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc để gây nhầm lẫn, gây mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân đó.
3. Các nguyên tắc về truy cập và sử dụng Internet cho Thương mại điện tử
Tùy thuộc vào các chính sách, luật pháp và quy định được áp dụng, các Bên công nhận lợi ích của người tiêu dùng từ việc có các quyền như sau trên lãnh thổ của mình:
Truy cập và sử dụng các dịch vụ và ứng dụng trên Internet theo chọn lựa của người tiêu dùng, trên cơ sở việc mạng lưới được quản trị một cách hợp lý ;
Kết nối các thiết bị của người dùng cuối với Internet theo chọn lựa của người tiêu dùng, miễn là các thiết bị đó không gây tổn hại cho mạng lưới; và truy cập các thông tin về các biện pháp quản trị mạng lưới từ nhà cung cấp kết nối Internet của người tiêu dùng
Lưu chuyển thông tin xuyên biên giới bằng phương tiện điện tử
Các Bên thừa nhận rằng mỗi Bên có thể có những yêu cầu quản lý riêng đối với việc lưu chuyển thông tin bằng các phương tiện điện tử.
Mỗi Bên sẽ cho phép việc lưu chuyển thông tin xuyên biên giới bằng các phương tiện điện tử, bao gồm cả thông tin cá nhân, nếu việc lưu chuyển này phục vụ cho hoạt động kinh doanh của một pháp nhân được bảo hộ;
Không có gì trong Điều này ngăn cản một Bên áp dụng hoặc duy trì các biện pháp không phù hợp với khoản 2 để thực hiện mục tiêu chính sách công cộng chính đáng, miễn là biện pháp đó:
không được áp dụng để nhằm mục đích tạo ra sự phân biệt đối xử tùy tiện hoặc vô lý, hoặc cản trở thương mại một cách trá hình.
không áp đặt các hạn chế hơn mức cần thiết đối với các hoạt động lưu chuyển thông tin để thực hiện mục tiêu chính sách công cộng chính đáng.
Chia sẻ cước kết nối Internet Các Bên ghi nhận rằng một nhà cung cấp có nhu cầu kết nối Internet quốc tế nên được phép đàm phán với các nhà cung cấp của một Bên khác trên cơ sở thương mại. Các hoạt động đàm phán này có thể bao gồm đàm phán về bồi thường cho việc thiết lập kết nối, vận hành và bảo trì các thiết bị của các nhà cung cấp.
4. Các mô hình giao dịch thương mại điện tử hiện nay
B2B: Business to Business – Doanh nghiệp với Doanh nghiệp
B2C: Business to Consumer – Doanh nghiệp với Khách hàng
B2E: Business to Employee – Doanh nghiệp với Nhân viên
B2G: Business to Government – Doanh nghiệp với Chính phủ
G2B: Government to Business – Chính phủ với Doanh Nghiệp
G2G: Government to Government – Chính phủ với Chính phủ
G2C: Government to Citizen – Chính phủ với Công dân
C2C: Consumer to Consumer – Khách hàng với Khách hàng
C2B: Consumer to Business – Khách hàng với doanh nghiệp
Bên cạnh đó thì Việt Nam có 3 phương thức giao dịch thương mại điện tử chính như sau:
Thứ nhất, mô hình B2B
B2B (Business to Business): Được hiểu là quan hệ mua bán giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử . Mô hình B2B được nhiều công ty ưa chuộng bởi những ưu điểm của nó như giảm chi phí nghiên cứu thị trường, tiếp thị hiệu quả, khả năng hiển thị cao hơn, tăng cơ hội hợp tác giữa nhiều công ty. Doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm qua hệ thống, tìm kiếm khách hàng, đặt hàng, ký hợp đồng và thanh toán. Mô hình này đã giúp các công ty phát triển kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh quốc tế.
Ví dụ: Thương mại điện tử B2B điển hình ở Việt Nam mà bạn có thể quen thuộc bao gồm Alibaba.com-trang web hàng đầu thế giới và là mô hình thương mại điện tử B2B điển hình. Alibaba đã thành lập một thị trường thương mại điện tử, nhằm mục đích tạo ra một môi trường và đoàn kết hàng nghìn công ty từ nhỏ đến lớn. Tất cả các giao dịch trên thị trường đều minh bạch, đầy đủ và nhanh chóng, đồng thời có thể giúp các công ty giảm chi phí tiếp thị và phân phối.
Thứ hai, mô hình B2C
Hiện nay các dạng mô hình B2C được sử dụng chính ở Việt nam bao gồm:
Các Website thương mại điện tử: là website thông tin điện tử phục vụ một phần hoặc toàn bộ quá trình hoạt động mua bán
Sàn giao dịch thương mại điện tử: là website thương mại điện tử cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân (không phải là chủ sở hữu website) thực hiện một phần hoặc toàn bộ quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ nêu trên.
Website khuyến mại trực tuyến: Là website thương mại điện tử do các doanh nghiệp, thương nhân, tổ chức thành lập nhằm mục đích quảng bá hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác (ví dụ website chia sẻ mã giảm giá, coupon.
Trang đấu giá trực tuyến: là trang thương mại điện tử cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân (không phải chủ sở hữu trang) có thể tổ chức đấu giá hàng hóa của mình.
Từ đây cũng có thể thấy được rằng công ty kinh doanh thành công và ngày càng phát triển trên thế giới theo mô hình này là Amazon.com, Best Buy, AliExpress…Còn ở Việt Nam có một số công ty lớn tiêu biểu như Tiki, Shopee, Lazada, ……Ngoài ra còn ở Việt Nam có các nhà bán lẻ trực tuyến độc quyền cũng sử dụng mô hình này bao gồm BigC, Elise, HoangPhuc.
Ưu điểm của mô hình này đối với các công ty là tiết kiệm được các chi phí bán hàng, chỉ cần xây dựng một website thương mại điện tử là có thể thu hút một lượng lớn khách hàng thông qua mạng Internet, sẽ không mất tiền thuê mặt bằng, người bán hàng, … người tiêu dùng. Để việc lựa chọn sản phẩm và mua hàng nhanh chóng hơn, sản phẩm được vận chuyển đến tận nhà mà không mất thời gian đi lại.
Thứ ba, mô hình C2C
Với mô hình C2C. Với ưu điểm riêng biệt của mình, mô hình này tạo điều kiện cho người tiêu dùng tham gia giao dịch thương mại điện tử thuận tiện hơn như:
C2C (Consumer-to-Consumer): Được hiểu đơn giản là thương mại điện tử giữa cá nhân và người tiêu dùng, không phải là doanh nghiệp. Đây là hình thức kinh doanh phát triển nhanh và ngày càng phổ biến. Một số hoạt động của mô hình C2C: Nổi tiếng nhất của mô hình này là hoạt động đấu giá (mua); Giao dịch hối đoái (không sử dụng tiền tệ); Hỗ trợ giao dịch (bảo trì, trung gian thanh toán …); Bán tài sản ảo (trò chơi trực tuyến nổi tiếng nhất).
Việt Nam có những trang web hoạt động theo phương thức C2C như chodientu.com; heya.com.vn; 1001shoppings.com … Có thể kể đến một số cái tên như Sendo.vn hay Shopee, … Các công ty thương mại điện tử này đã thiết lập một hệ thống chợ thương mại điện tử trong đó các đối tác kinh doanh có thể tiếp thị và bán sản phẩm của họ cho người tiêu dùng. Khi cá nhân có thể bán cho cá nhân thì hoạt động của mô hình này vừa mới lạ, vừa tiện lợi, cá nhân bán hàng có thể trở thành người kinh doanh hàng hóa mà không cần phải là pháp nhân.
5. Xử lý vi phạm pháp luật về giao dịch thương mại điện tử
Hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động) có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
- Không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
- Nhận chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử mà không làm thủ tục chuyển nhượng hoặc không tiến hành đăng ký lại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
- Triển khai cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không đúng với hồ sơ đăng ký;
- Gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử;
- Giả mạo thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử;
- Sử dụng biểu tượng đã đăng ký để gắn lên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử khi chưa được xác nhận đăng ký của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
Hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng, cụ thể: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
- Lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động;
- Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác.
Hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bị áp dụng mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới
Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
+ Thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không được sự đồng ý trước của chủ thể thông tin;
+ Thiết lập cơ chế mặc định buộc người tiêu dùng phải đồng ý với việc thông tin cá nhân của mình bị chia sẻ, tiết lộ hoặc sử dụng cho mục đích quảng cáo và các mục đích thương mại khác;
+ Sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng không đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo.
Hành vi vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
- Lợi dụng hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử để thu lợi bất chính;
- Tiếp tục hoạt động sau khi đã chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký, chấm dứt hoặc bị thu hồi Giấy phép hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong thương mại điện tử.