1. Khái niệm đầu tư công

Khái niệm đầu tư công được quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật đầu tư công năm 2019:

“Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật đầu tư công".

Hoạt động đầu tư công bao gồm lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch, dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nghiệm thu, bàn giao chương trình, quyết toán dự án đầu tư công; theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công”

Đồng thời, theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 thì căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân loại như sau:

“a) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án;

b) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm a khoản này.”

Theo Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 92/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, phạm vi điều chỉnh không bao gồm: 

“1. Kinh phí để thực hiện các công trình sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội;

2. Xây dựng mới các hạng mục công trình trong các cơ sở đã có;

3. Các dự án sử dụng vốn đầu tư công; (4) Các công trình sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng có tính chất đặc thù đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật riêng”.

Theo các quy định nêu trên, các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất là dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, phải thực hiện theo quy trình lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14. Các hoạt động sửa chữa, bảo trì dự án thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Thông tư hướng dẫn số 92/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

 

2. Nguyên tắc quản lý đầu tư công

Nguyên tắc quản lý đầu tư công được quy định tại điều 12 Luật đầu tư công năm 2014 như sau:

  • Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
  • Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
  • Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí.
  •  Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công. Nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công bao gồm: Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công;  Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công; Nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm;  Kế hoạch, chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công;…

 

3. Vốn đầu tư công là gì?

Vốn đầu tư là tiền hay tài sản khác được sử dụng để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh.

Trong khi đó, Theo điều 4 Luật Đầu tư Công (2013):

“Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.”

Như vậy, vốn đầu tư công là khái niệm dùng để chỉ nguồn vốn mà Nhà nước chi tiền ngân sách ra, để đầu tư vào các dự án cần thiết phục vụ đời sống của nhân dân và sự phát triển của cộng đồng.

 

4. Đặc điểm của vốn đầu tư công

Dựa trên khái niệm vốn đầu tư công đã nêu trên và các điều luật liên quan chúng ta có thể nhận thấy 2 đặc điểm nổi bật của loại vốn này. Cụ thể như sau:

Theo điều 1, Luật Đầu tư Công, vốn đầu tư công bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư,…

Vốn đầu tư công được sử dụng để đầu tư vào các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

 

5. Vốn đầu tư công có những loại nào?

Sau khi đã biết được vốn đầu tư công là gì, bạn cần biết được các loại vốn đầu tư công. Có 5 loại vốn đầu tư công đó là:

+ Vốn ngân sách nhà nước:

Vốn ngân sách nhà nước là gì? Đây là nguồn vốn được quyết định và giải ngân vốn đầu tư công đến các bộ ngành, địa phương. Nguồn vốn giải ngân đầu tư công đến từ ngân sách nhà nước, được dùng để xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội. Đây là nguồn vốn không hoàn lại, không có khả năng thu hồi vốn hay thu hồi vốn chậm. Vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước có vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế nhà nước.

+ Vốn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ:

 Vốn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ là nguồn vốn đầu tư đến từ các chương trình hỗ trợ đầu tư quốc gia được quyết định bởi chính phủ nhà nước.

+ Vốn tín dụng đầu tư:

Vốn tín dụng đầu tư là nguồn vốn của nhà nước, được chính phủ cho vay với mức lãi suất bằng với nguồn vốn tự do hay vốn ODA. Vốn tín dụng này được sử dụng để đầu tư vào các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên của nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu nhất định.

+ Vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước:

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước gồm có giải ngân tiền vốn từ ngân sách nhà nước đã cấp cho doanh nghiệp, cùng với các khoản thu có lợi nhuận hoặc vốn vay của doanh nghiệp do Nhà nước bảo lãnh. Quản lý và phân bố sử dụng đúng cách vốn đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước ở các lĩnh vực được dùng để đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế đất nước. 

+ Vốn vay trong nước và nước ngoài:

Bên cạnh các nguồn vốn đến từ nguồn trong nước như ngân sách nhà nước, tín dụng đầu tư, thì nguồn vốn vay từ cả trong nước và nước ngoài cũng cần thiết để thực hiện những dự án cần thiết. Đây là nguồn vốn vay trong nước và nước ngoài đối với những dự án đầu tư trong nước. Nguồn vốn trong nước gồm trái phiếu địa phương hoặc trái phiếu chính phủ (phiếu ngoại tệ, phiếu kho bạc, trái phiếu đầu tư, công trái xây dựng…).

 

6. Các hành vi bị cấm trong đầu tư công

Các hành vi bị cấm trong đầu tư công được quy định tại điều 16 Luật đầu tư công năm 2019, gồm:

– Quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

– Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, vượt tổng vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công.

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

– Chủ chương trình, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng.

– Đưa, nhận, môi giới hối lộ.

– Yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

– Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.

– Làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu, liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.

– Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định, quyết định kế hoạch, chương trình, dự án, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án.

– Cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.

– Cản trở việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công.

 

7. Vai trò của đầu tư công đối với nền kinh tế Việt Nam

Từ lâu, người ta đã mặc định rằng thúc đẩy đầu tư công chính là động lực vô cùng to lớn để phát triển kinh tế, chính trị, xã hội tại Việt Nam, giúp cho nền kinh tế có được sự tăng trưởng tốt bảo đảm cuộc sống của người dân và cộng đồng sinh sống tại Việt Nam. Qua các khảo sát cũng như nghiên cứu qua lý thuyết và thực tế từ năm 1995 cho đến nay đã khẳng định rằng đầu tư công có vai trò đặc biệt quan trọng đến sự phát triển của Việt Nam.

Đầu tư được coi là động lực chính thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bản chất của mối quan hệ này đã được nghiên cứu trong nhiều nghiên cứu mang tính lý thuyết và thực nghiệm. Nhiều nghiên cứu ngoài nước phân biệt giữa đầu tư tư nhân và đầu tư công, theo đó đầu tư công thường được cho là đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Việc phân biệt như vậy rất có ý nghĩa vì đầu tư cho kết cấu hạ tầng có những điểm khác biệt với nguồn vốn được sử dụng trong các doanh nghiệp.

Kết cấu hạ tầng là vốn tồn tại bên ngoài doanh nghiệp và hỗ trợ hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp cũng như các hoạt động của các cá nhân. Do vậy, nhiều doanh nghiệp và cá nhân trong một khu vực có hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng đó mà không mất thêm chi phí hoặc ít nhất với chi phí thấp hơn nếu kết cấu hạ tầng đó phải được cung cấp cho người sử dụng thêm đó, nên kết cấu hạ tầng có thể coi như cung cấp những lợi ích ngoại lai cho những người sử dụng đó.

Tại Việt Nam, Luật Đầu tư công được ban hành vào năm 2014, trong đó có định nghĩa đầu tư công không bao gồm nguồn vốn của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng đầu tư và đóng vai trò quan trọng, quyết định tốc độ tăng trưởng của đầu tư nói chung. Trong giai đoạn 1995-2013, đầu tư công chiếm 40% tổng đầu tư, cao gấp đôi tỷ trọng FDI và đầu tư tư nhân. Sau khi giảm nhẹ trong năm 2010, năm 2011 tỷ trọng đầu tư công đã phục hồi đạt mức cao của năm 2009 (40,4% tổng vốn đầu tư). Tốc độ tăng trưởng 7,5% trong năm 2013 cũng tương quan mạnh mẽ với mức tăng trưởng đầu tư 7,3% của năm đó. Bất chấp sự tăng trưởng nhanh chóng này, cơ cấu đầu tư công vẫn được coi là có vấn đề ở chỗ là nó quá tập trung vào doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, có hiện tượng chèn ép đầu tư tư nhân và ít thu hút được các loại hình đầu tư khác.

 

8. Câu hỏi thường gặp liên quan đến đầu tư công

8.1 Đầu tư có nghĩa là gì? Thời gian đầu tư là bao lâu?

Đầu tư được định nghĩa là những hoạt động sử dụng các nguồn lực hiện tại nhằm mang đến cho nền kinh tế xã hội những kết quả lớn hơn trong tương lai so với nguồn lực đã sử dụng.

Để được xem là đầu tư, các hoạt động cần có thời gian dài tối thiểu là từ 2 năm trở lên và thậm chí là lên đến 50 năm. Nếu như ít hơn 1 năm thì không thể xem là đầu tư. Thời hạn đầu tư được ghi rõ trong quyết định đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư và được xem là đời sống của dự án.

 

8.2 Vốn đầu tư là gì? Đầu tư theo hình thức đối tác công tư?

Vốn đầu tư là tiền tích lũy của xã hội, đơn vị kinh doanh hoặc cá nhân huy động từ nhiều nguồn. Vốn có thể dùng để tái sản xuất, duy trì hoạt động cơ sở vật chất, kỹ thuật, đổi mới và bổ sung máy móc, dịch vụ nhằm mục tiêu tạo ra sự tăng trưởng và sinh lợi nhuận.

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp các dịch vụ công. Theo đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ký kết hợp đồng hợp tác công tư với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công.
 

8.3 Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh là gì?

Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh, gọi tắt là hợp đồng BTO là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)