1. Khái quát về Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC)

Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) là một doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, được công nhận Doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt theo Quyết định số 55/2004/QĐ - TTg ngày 06/04/2004 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, vật tư ứ đọng kém, mất phẩm chất (gọi tắt là nợ và tài sản tồn đọng) góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi các DNNN.

Mục đích thành lập công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC):

Một là, Hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung mà Doanh nghiệp nhà nước nói riêng lành mạnh hoá tình hình tài chính trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua các hoạt động mua bán, xử lý nợ và các tài sản tồn đọng của doanh nghiệp;

Hai là, Góp phần giải quyết những tồn tại về tài chính nhằm thúc đẩy quá trình sắp xếp, cổ phần hoá, giao, bán, khoán và cho thuê doanh nghiệp thông qua việc xử lý triệt để các tài sản và các khoản công nợ "tồn đọng" trước khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp; thay mặt Nhà nước xử lý dứt điểm các khoản nợ và tài sản được loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp;

Ba là, Thúc đẩy tiến trình hình thành, phát triển và tạo thêm nguồn hàng hoá cho thị trường tài sản và thị trường vốn. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường trong nền kinh tế quốc dân đi đôi với việc tạo lập khung pháp luật đảm bảo sự quản lý và giám sát của Nhà nước;

Bốn là, Xây dựng mô hình mẫu và định hướng cho việc hình thành và phát triển của một số định chế tài chính trung gian như các Công ty Mua bán nợ, dịch vụ đòi nợ thuộc các thành phần kinh tế khác

 

2. Cơ sở pháp lý trực tiếp cho hoạt động của Công ty:

- Quyết định số 1494/QĐ-BTC ngày 30/06/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của Doanh nghiệp thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam do Nhà nước làm chủ sở hữu;

- Thông tư 135/2015/TT-BTC ngày 31/08/2015 ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam;

- Quyết định số 2857/QĐ-BTC ngày 09/11/2012 về việc ban hành Quy chế Quản lý Tài chính của Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam;

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (lần 5) Công ty TNHH một thành viên, mã số doanh nghiệp 0101431355 do Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp ngày 05/07/2016.

- Nghị định 129/2020/NĐ-CP về Chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam có hiệu lực từ 10/12/2020.

- Thông tư 42/2021/TT-BTC về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20/7/2021.

 

3. Nhiệm vụ của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC)

Căn cứ Điều 9 Thông tư  33/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc “Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp”, quy định nhiệm vụ của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) như sau:

Điều 9. Nhiệm vụ của Công ty:

1. Mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các chủ nợ và chủ tài sản (bao gồm cả tài sản và quyền sử dụng đất được sử dụng để bảo đảm cho các khoản nợ).

a) Đối tượng mua nợ và tài sản tồn đọng: là doanh nghiệp có tài sản tồn đọng và chủ nợ có nhu cầu bán các khoản nợ phải thu; trong đó tập trung ưu tiên  sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư để mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng đối với khách nợ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước gắn với việc thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu. Việc mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các đối tượng khác ngoài doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phải đảm bảo khả năng thu hồi và có hiệu quả theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Hình thức mua nợ và tài sản tồn đọng:

- Thoả thuận trực tiếp với chủ nợ, chủ tài sản.

- Tham gia đấu thầu, đấu giá mua nợ và tài sản tồn đọng.

- Thực hiện mua theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ.

c) Nguyên tắc trong hoạt động mua nợ và tài sản tồn đọng:

- Việc mua nợ và tài sản tồn đọng chỉ được thực hiện khi có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Trong phương án mua nợ và tài sản tồn đọng phải xác định rõ phương án xử lý có hiệu quả các khoản nợ và tài sản được mua.

- Không xem xét mua nợ và tài sản tồn đọng đối với những trường hợp sau:

+ Khoản nợ và tài sản không có đủ hồ sơ pháp lý chứng minh quyền chủ nợ, quyền sở hữu.

+ Phương án xử lý nợ và tài sản không khả thi hoặc khách nợ không có khả năng khôi phục sau khi thực hiện tái cơ cấu.

- Người quyết định mua nợ của các đối tượng khác ngoài doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và những người có liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán nợ của những doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm về mọi tổn thất do không thu hồi được nợ xảy ra.

2. Tiếp nhận để xử lý các khoản nợ và tài sản đã được loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

Việc tiếp nhận các khoản nợ và tài sản đã được loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo có đầy đủ hồ sơ pháp lý, có hiện vật và được thực hiện thông qua Biên bản bàn giao theo quy định. Trường hợp không có đủ hồ sơ, không còn tài sản thì Công ty mua, bán nợ có văn bản thông báo với cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp biết lý do chưa tiếp nhận để có phương án xử lý theo quy định, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính.

3. Xử lý các khoản nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận bằng các hình thức sau:

a) Tổ chức đòi nợ trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức khác cung cấp dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Trong quá trình đòi nợ, Công ty mua, bán nợ được phép:

- Cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ bằng các hình thức: khoanh nợ, giãn nợ cho phù hợp với khả năng trả nợ của khách nợ. Trường hợp doanh nghiệp cam kết thanh toán hoàn trả nợ ngay trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày mua nợ thì Hội đồng quản trị công ty được xem xét xóa nợ lãi vay theo tiến độ trả nợ gốc nhưng phải đảm bảo không vượt quá chênh lệch giữa giá trị khoản nợ mua và giá mua nợ.

- Điều chỉnh mức lãi suất của khoản nợ cho phù hợp với khả năng trả nợ của khách nợ, cụ thể:

+ Đối với các khoản nợ mà khách nợ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước gắn với việc thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu thì mức lãi suất điều chỉnh không được thấp hơn mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước công bố trong từng thời kỳ.

+ Đối với các khoản nợ của các đối tượng khác, mức lãi suất điều chỉnh không thấp hơn mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước công bố trong từng thời kỳ cộng (+) 1%/năm.

- Thực hiện tái cơ cấu lại doanh nghiệp cùng với việc chuyển nợ, tài sản  thành vốn góp của Công ty mua, bán nợ. Trong trường hợp này, Công ty mua, bán nợ được phép thực hiện giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ cho khách nợ theo nguyên tắc:

+ Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ phải gắn với phương án chuyển nợ thành vốn góp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Mức xoá nợ tối đa không quá số âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính gần nhất của khách nợ và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ.

+ Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho các khách nợ không làm thay đổi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã gây ra tổn thất tài chính trước đây.

+ Có tài liệu chứng minh khách nợ không có khả năng trả nợ một phần hoặc toàn bộ khoản nợ tại thời điểm thực hiện tái cơ cấu lại doanh nghiệp.

+ Các khoản nợ và tài sản chuyển thành vốn góp phải được xác định giá trị bởi tổ chức định giá được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

+ Việc chuyển nợ và tài sản thành vốn góp phải được chủ sở hữu của doanh nghiệp khách nợ thống nhất theo đúng quy định của pháp luật.

b) Bán các khoản nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận theo phương thức thoả thuận trực tiếp, chào giá cạnh tranh hoặc tổ chức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật. Công ty mua, bán nợ được áp dụng phương thức thoả thuận trực tiếp sau khi đã thực hiện đấu giá công khai hoặc chào giá cạnh tranh nhưng không thành công.

c) Bảo quản, sửa chữa, nâng cấp những tài sản đã mua, tiếp nhận để bán, cho thuê, đầu tư, tổ chức sản xuất kinh doanh, liên doanh khai thác tài sản.

4. Tư vấn, môi giới xử lý nợ và tài sản tồn đọng

- Tư vấn, môi giới cho các doanh nghiệp đòi nợ và xử lý các khoản nợ , tài sản tồn đọng.

- Tư vấn xây dựng cơ chế, chính sách có liên quan đến việc xử lý, cơ cấu lại các khoản nợ để làm lành mạnh tài chính và sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp theo yêu cầu của doanh nghiệp hoặc theo nhiệm vụ Nhà nước giao.

 

4. Quyền hạn của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC)

4.1. Quyền hạn của Công ty mua, bán nợ về tổ chức bộ máy quản lý kinh doanh

Căn cứ Điều 10 Thông tư  33/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc “Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp”, quy định quyền hạn của Công ty mua, bán nợ về tổ chức bộ máy quản lý kinh doanh như sau:

- Tổ chức bộ máy quản lý, kinh doanh phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ Nhà nước giao.

- Thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện của Công ty phù hợp với yêu cầu hoạt động kinh doanh và quy định của pháp luật.

- Tuyển, thuê, bố trí, sử dụng, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật đối với người lao động, lựa chọn các hình thức trả lương, thưởng, quyết định mức lương theo hiệu quả hoạt động và các quyền khác của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Luật lao động và các quy định khác của pháp luật.

- Được mời đối tác kinh doanh trong nước và nước ngoài tham gia các hoạt động của Công ty; cử đại diện Công ty ra nước ngoài công tác, học tập, khảo sát theo quy định của pháp luật.

 

4.2. Quyền hạn của Công ty mua, bán nợ về tổ chức kinh doanh

Căn cứ Điều 11 Thông tư  33/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc “Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp”, quy định về quyền hạn của Công ty mua, bán nợ về tổ chức kinh doanh như sau”

- Chủ động kinh doanh các lĩnh vực phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh và nhiệm vụ Nhà nước giao; mở rộng qui mô kinh doanh theo khả năng và nhiệm vụ từng thời kỳ theo chiến lược phát triển kinh doanh được đại diện chủ sở hữu phê duyệt phù hợp với quy định của pháp luật.

- Được sử dụng vốn và các Quỹ hợp pháp của công ty để kinh doanh theo nguyên tắc bảo toàn và có hiệu quả.

- Được áp dụng các hình thức huy động vốn để mở rộng kinh doanh theo qui định của pháp luật.

- Được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để mua một khoản nợ nhất định có giá trị lớn, có tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật.

- Được quyền bảo lãnh cho các doanh nghiệp mà Công ty có góp vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 242/2009/TT-BTC ngày 30/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ.

- Được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí khi thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ và tài sản tồn đọng tại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ định của cấp có thẩm quyền; hưởng chế độ trợ cấp, trợ giá hoặc chế độ ưu đãi khác của Nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao.

- Được sử dụng lợi nhuận để trích lập Quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác sau khi đã hoàn thành tất cả nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Được khai thác thông tin, dữ liệu có liên quan để thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng các dữ liệu, thông tin theo quy định của pháp luật.

- Công ty có quyền yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đã sắp xếp, chuyển đổi sở hữu thuộc đối tượng chuyển giao nợ và tài sản tồn đọng đã loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp kèm theo các tài liệu liên quan khi chuyển giao nợ.

- Thực hiện các quyền quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

 

5. Nghĩa vụ của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC)

Căn cứ Điều 12 Thông tư  33/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc “Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp”, quy định về nghĩa vụ của Công ty mua, bán nợ như sau:

Công ty có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và các nghĩa vụ sau:

1. Nhận và sử dụng vốn, tài nguyên, đất đai và các nguồn lực khác được Nhà nước giao để thực hiện mục tiêu kinh doanh và nhiệm vụ do Nhà nước giao có hiệu quả, bảo toàn, phát triển.

2. Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của Bộ Luật lao động.

4. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê, kế toán tài chính, báo cáo định kỳ theo quy định của Nhà nước; chịu trách nhiệm về tính xác thực của các báo cáo.

5. Chịu sự giám sát của đại diện chủ sở hữu; tuân thủ các qui định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính và của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

6. Công bố công khai báo cáo tài chính hàng năm, các thông tin khác về hoạt động của Công ty theo quy định của Nhà nước.

Cung cấp cho khách hàng đầy đủ thông tin có liên quan đến hoạt động mua, bán các khoản nợ và tài sản tồn đọng do công ty thực hiện.