1. Sự hình thành công ty

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 109/2003/QĐ - TTg ngày 05/06/2003 thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp. Công ty chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004, được công nhận Doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt theo Quyết định số 55/2004/QĐ - TTg ngày 06/04/2004 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, vật tư ứ đọng kém, mất phẩm chất (gọi tắt là nợ và tài sản tồn đọng) góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi các DNNN.  Ngày 30/06/2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 1494/QĐ-BTC về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của Doanh nghiệp thành Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam do Nhà nước làm chủ sở hữu. Ngày 29/4/2014, Công ty đã chính thức chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) do Nhà nước làm chủ sở hữu. Ngày 01/11/2015, Công ty được tăng vốn điều lệ là 6.000 tỷ đồng theo quy định tại Thông tư số 135/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Ngày 27/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 129/2020/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam có hiệu lực từ 10/12/2020. Ngày 20/7/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 42/2021/TT-BTC về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam.

Kể từ khi thành lập tới nay, với tiềm năng sẵn có với sự nhiệt huyết, sáng tạo của đội ngũ cán bộ nhân viên và sự nhạy bén, dày dạn kinh nghiệm từ Ban Lãnh đạo, Công ty đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, đổi mới, ngày một lớn mạnh với từng bước đi vững chắc, gây dựng niềm tin ở các nhà đầu tư và tạo sự tín nhiệm đối với khách hàng. Hiện nay, phạm vi hoạt động của Công ty đã được mở rộng, ngoài Trụ sở chính tại Hà Nội còn có thêm Chi nhánh, Trung tâm tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và các đơn vị thành viên khác trên khắp địa bàn trong cả nước.

 

2. Cơ sở pháp lý trực tiếp cho hoạt động của Công ty:

- Quyết định số 1494/QĐ-BTC ngày 30/06/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của Doanh nghiệp thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam do Nhà nước làm chủ sở hữu;

- Thông tư 135/2015/TT-BTC ngày 31/08/2015 ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam;

- Quyết định số 2857/QĐ-BTC ngày 09/11/2012 về việc ban hành Quy chế Quản lý Tài chính của Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam;

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (lần 5) Công ty TNHH một thành viên, mã số doanh nghiệp 0101431355 do Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp ngày 05/07/2016.

- Nghị định 129/2020/NĐ-CP về Chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam có hiệu lực từ 10/12/2020.

- Thông tư 42/2021/TT-BTC về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20/7/2021.

 

3. Mục tiêu hoạt động của Công ty:

- Hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN;

- Bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại DATC và vốn của DATC đầu tư tại các doanh nghiệp khác;

- Hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao.

 

4. Nhiệm vụ, ngành nghề và hoạt động kinh doanh của Công ty:

- Ngành nghề kinh doanh chính của DATC thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính, trong đó tập trung chủ yếu vào các hoạt động sau:

+ Mua, bán, xử lý các khoản nợ và tài sản (bao gồm cả tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản trên đất được sử dụng để bảo đảm cho các khoản nợ).

+ Tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản đã loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

+ Mua, bán, xử lý các khoản nợ và tài sản gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp.

- Ngành nghề hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính:

+ Tư vấn xử lý nợ, tài sản.

+ Tư vấn mua, bán, sáp nhập, tái cơ cấu doanh nghiệp.

+ Quản lý, xử lý, khai thác tài sản đảm bảo khoản nợ, tài sản nhận gán nợ và tài sản đã mua (bao gồm cả tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản trên đất được sử dụng để bảo đảm cho các khoản nợ).

+ Thực hiện các hoạt động thẩm định giá, đấu giá trên cơ sở đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

+ Dịch vụ quản lý nợ và thu nợ.

+ Kinh doanh những ngành nghề khác hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính theo quy định của pháp luật.

 

5. Nguyên tắc hoạt động của Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam

Nguyên tắc hoạt động của Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam quy định tại Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 62/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:

- Công ty được xác lập quyền sở hữu, quyền quản lý và sử dụng đối với nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận; thực hiện quản lý, sử dụng và hạch toán theo dõi các khoản nợ và tài sản theo quy định tại Quy chế này và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.

- Mỗi khoản nợ mua của Công ty (theo thỏa thuận hoặc chỉ định) được xác định là một loại hàng hóa, Công ty có trách nhiệm tổ chức hạch toán, theo dõi từng khoản nợ mua.

- Đối với các khoản nợ và tài sản tiếp nhận từ các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc tiếp nhận theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, sau khi tiếp nhận, Công ty quản lý, theo dõi ngoài Báo cáo tình hình tài chính và xử lý theo quy định của pháp luật và Quy chế này.

- Việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu được thực hiện theo phương án đã thỏa thuận (bằng văn bản) với cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, phù hợp quy định của pháp luật về sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp khác, việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận với chủ sở hữu doanh nghiệp.

- Việc sử dụng các khoản nợ và tài sản để góp vốn theo nguyên tắc có hiệu quả trên cơ sở phương án mua, xử lý nợ và tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Các tài sản (không bao gồm nợ) trước khi góp vốn phải được xác định lại giá trị bởi các tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

- Khi thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, Công ty triển khai thực hiện trên cơ sở phương án phù hợp với ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và quy định tại Điều lệ của Công ty.

- DATC không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có vốn góp chi phối của DATC thông qua tái cơ cấu nợ theo hình thức chuyển nợ thành vốn góp.

DATC thực hiện thoái vốn trong thời hạn 05 năm kể từ ngày DATC chính thức trở thành cổ đông tại các doanh nghiệp có vốn góp chi phối thông qua tái cơ cấu. Trường hợp quá thời hạn 05 năm mà DATC chưa thực hiện thoái vốn, DATC báo cáo nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý để Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến bằng văn bản.

- DATC thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

 

6. Nguyên tắc huy động vốn

Để huy động vốn, DATC phải căn cứ chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của Công ty. Phương án huy động vốn đảm bảo có hiệu quả và khả năng thanh toán nợ. Người phê duyệt phương án huy động vốn chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra, bảo đảm vốn huy động được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

Việc huy động vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài, vay hoặc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công và quy định của pháp luật có liên quan; Huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Công ty;

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng quy định, việc huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh đảm bảo đúng nguyên tắc tổng số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu của Công ty được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của Công ty tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn.

Trong đó: Vốn chủ sở hữu ghi trên Báo cáo tình hình tài chính trong báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của Công ty được xác định không bao gồm chỉ tiêu “nguồn kinh phí và quỹ khác”;

Nợ phải trả ghi trên Báo cáo tình hình tài chính trong báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của Công ty được xác định không bao gồm các chỉ tiêu: Quỹ khen thưởng, phúc lợi; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; các Quỹ thành lập tại DATC theo Quyết định của cấp có thẩm quyền để thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định, các khoản nợ phải trả phát sinh từ việc phát hành trái phiếu, hối phiếu và công cụ nợ khác có bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định.

Nôi dung này, tại Quy chế cũng nêu rõ, việc huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh, bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng đối với công ty con quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và đối với doanh nghiệp tái cơ cấu do DATC nắm giữ trên 50% vốn điều lệ quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP).

Cùng với các nguyên tắc trên, Bộ Tài chính cũng xác định cụ thể thẩm quyền huy động vốn, đó là: Hội đồng thành viên Công ty thực hiện việc huy động vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Hội đồng thành viên phân cấp cho Tổng Giám đốc quyết định phương án huy động vốn thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên.

Trường hợp huy động vốn trên mức quy định tại điểm a khoản này, huy động vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Hội đồng thành viên báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt.

>> Xem thêm: Công ty TNHH một thành viên là gì? Có đặc điểm, quyền nghĩa vụ gì?