1. Khái niệm khu chế xuất

Khu chế xuất là khu công nghiệp tập trung chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, có ranh giới địa lí xác định, do Chính phủ thành lập hoặc cho phép thành lập.

Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập, tổ chức hoạt động theo các điều kiện, trình tự và thủ tục quy định của pháp luật. Trong khu chế xuất không có dân cư sinh sống.

 

2. Điều kiện thành lập khu chế xuất

Điều kiện cấp giấy chứng nhập đầu tư dự án khu chế xuất, khu công nghiệp cũng chính là điều kiện thành lập khu chế xuất, khu công nghiệp.

Theo khoản 2 Điều 5 Nghị Định 164/2013/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư để đầu tư mới, mở rộng khu chế xuất:

+ Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp;

+ Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

+ Khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60%.

+ Khu công nghiệp đã xây dựng và đưa vào sử dụng công trình xử lý nước thải tập trung.

Nếu có đầy đủ các điều kiện trên thì được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với khu chế xuất và được phép thành lập khu chế xuất đó.

Theo khoản 1 Điều 5 Nghị Định 164/2013/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư để đầu tư mới, mở rộng khu công nghiệp:

+ Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp;

+ Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

+ Tổng diện tích đất công nghiệp của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn lãnh thổ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất ít nhất là 60%.

Thỏa mãn được 3 điều kiện trên thì được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với khu công nghiệp và được phép thành lập khu công nghiệp đó.

Ngoài ra, đối với khu công nghiệp có quy mô diện tích từ 500 ha trở lên và có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng – kinh doanh kết cấu hạ tầng theo từng khu riêng biệt hoặc khu công nghiệp gắn liền với khu đô thị, khu kinh doanh tập trung khác trong một đề án tổng thể phải lập quy hoạch chung xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng trước khi lập quy hoạch chi tiết.Đối với khu công nghiệp có quy mô diện tích từ 200 ha trở lên hoặc có vị trí cạnh các tuyến quốc lộ, gần các khu vực quốc phòng, khu bảo tồn di tích lịch sử, khu danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn sinh thái của vùng và quốc gia, nằm trong các đô thị loại II, loại I và loại đặc biệt phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan về quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

 

3. Trình tự thành lập, mở rộng khu chế xuất

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư:

Trường hợp khu công nghiệp hoặc mở rộng khu công nghiệp có trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp hoặc có trong Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được phê duyệt thì Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép thành lập khu công nghiệp;

Trường hợp khu công nghiệp hoặc mở rộng khu công nghiệp chưa có trong Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp đã được phê duyệt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thủ tục bổ sung hoặc mở rộng khu công nghiệp vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp theo quy định tại Điều 6 và Điều 12 Nghị định này.

Quyết định thành lập, mở rộng khu công nghiệp:

a) Hồ sơ thành lập, mở rộng khu công nghiệp được lập theo quy định tại Điều 10 Nghị định 29/2008/NĐ-CP,

b) Quyết định thành lập, mở rộng khu công nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 29/2008/NĐ-CP

 

4. Ưu đãi với doanh nghiệp chế xuất

Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp chế xuất được hưởng những ưu đãi riêng so với các doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp, khu kinh tế như:

Điều 30. Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất

1. Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu. Doanh nghiệp chế xuất được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư.

2. Trong khu công nghiệp có thể có các phân khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp chế xuất. Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất hoặc phân khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan, quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

3. Doanh nghiệp chế xuất được mua vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam để xây dựng công trình, phục vụ cho điều hành bộ máy văn phòng và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chế xuất, người bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu đối với vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam.

4. Thủ tục hải quan, kiểm tra và giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo pháp luật về hải quan.

5. Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này và các trường hợp không làm thủ tục hải quan do Bộ Tài chính quy định.

Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi nhập khẩu; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép nhập khẩu đồng ý bằng văn bản.

6. Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất khi mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất và ngược lại không phải khai báo hải quan.

7. Doanh nghiệp chế xuất khi được phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải mở sổ kế toán hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam và bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế xuất hoặc thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này.

8. Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất quy định tại Điều này nếu đáp ứng được các điều kiện tại khoản 2 Điều này, được thành lập trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế và hạch toán phụ thuộc vào doanh nghiệp chế xuất.

 

5. Ưu đãi về thuế của doanh nghiệp chế xuất

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC, Doanh nghiệp chế xuất được hưởng mức thuế suất 17% kể từ 01/01/2016, khi doanh nghiệp chế xuất thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP, nay là Phụ lục II Nghị định 118/2014/NĐ-CP (Điều 66 Nghị định 118/2014/NĐ-CP). Và bản thân doanh nghiệp chế xuất cũng là một doanh nghiệp thuộc địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn theo quy định tại Mục 55 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP.

Đồng thời, doanh nghiệp chế xuất còn được miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 4 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như trên (Điều 6 Thông tư 151/2014/TT-BTC).

Ưu đãi tiền sử dụng đất

Doanh nghiệp chế xuất được miễn tiền thuê đất 7 năm (điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định 46/2014/NĐ-CP)

Ưu đãi thuế xuất khẩu – nhập khẩu

Căn cứ điểm c khoản 4 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu 2016, Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác thì không phải là đối tượng chịu thuế.

Doanh nghiệp chế xuất nằm trong khu phi thuế quan, do đó sẽ không phải chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp trên.

 

6. Những ưu đãi dành cho doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất

• Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm và giảm 50% cho 4 năm tiếp theo

• Miễn tiền thuê đất 7 năm

• Ưu đãi giá cả thuê mướn mặt bằng sản xuất

• Được nhập khẩu không hạn chế nguyên vật liệu sử dụng cho quá trình sản xuất

• Được ưu tiên làm nhanh các thủ tục hải quan khi nhập nguyên liệu hay xuất khẩu hàng

• Được sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng đầu tư bài bản: bưu chính viễn thông quốc tế, bưu điện, giao thông vận tải…

Sở dĩ các doanh nghiệp trong khu chế xuất hưởng nhiều ưu đãi là vì hoạt động của những doanh nghiệp này giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu của nước ta, nhằm bù bớt phần thâm hụt trong cán cân thanh toán. Đồng thời là động lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đổ vào Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)