Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Lao động của Công ty luật Minh Khuê

Kính chào luật Minh Khuê tôi là Nguyễn Văn C địa chỉ cư trú tại TP Hồ Chí Minh hiện tại tôi đang tìm hiểu quy định về Người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, Nguyên tắc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, Nội dung và hình thức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, như thế nào, nhưng không biết quy định của luật có quy định như thế nào. Kính mong nhận được sự hổ trợ của quý công ty. Xin chân thành cảm ơn.

>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900 6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Luật sư tư vấn:

1. Người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư theo quy định

Người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư bao gồm:

Người hoàn thành thời gian tập sự theo quy định của Luật Luật sư và Thông tư 10/2021/TT-BTP;

Người không đạt yêu cầu kiểm tra trong các kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư trước đó;

Người có Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hết hiệu lực.

Những người sau đây không đủ điều kiện tham dự kiểm tra:

Người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư 10/2021/TT-BTP mà vẫn đăng ký tập sự;

Người có hành vi khai gian dối trong hồ sơ tham dự kiểm tra;

Người đăng ký tập sự lại khi chưa hết 01 năm, kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức tạm đình chỉ việc tập sự hành nghề luật sư từ 03 tháng đến 06 tháng có hiệu lực hoặc chưa hết 03 năm, kể từ ngày quyết định xử lý kỹ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách người tập sự của Đoàn Luật sư có hiệu lực.

Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư nơi đăng ký tập sự lập danh sách, đề nghị cho tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đối với những trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 15.

Người đạt yêu cầu kiểm tra được cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Giấy chứng nhận có hiệu lực trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp. Sau thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận, người đạt yêu cầu kiểm tra không đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư thì phải tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Thông tư 10/2021/TT-BTP.

Người không đạt yêu cầu trong 03 kỳ kiểm tra kết quả tập sự thì không được tham dự kiểm tra và phải đăng ký tập sự lại theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 10/2021/TT-BTP.

2. Nội dung và hình thức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư theo quy định

Nội dung kiểm tra bao gồm:

Kỹ năng tham gia tố tụng;

Kỹ năng tư vấn pháp luật;

Kỹ năng đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác;

Pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;

Kỹ năng khác theo quy định tại Điều 6 của Thông tư 10/2021/TT-BTP.

Hình thức kiểm tra bao gồm kiểm tra viết và kiểm tra thực hành.

Kiểm tra viết bao gồm hai bài kiểm tra:

Bài kiểm tra viết thứ nhất về các kỹ năng tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác. Thời gian làm bài kiểm tra viết thứ nhất là 180 phút.

Bài kiểm tra viết thứ hai về pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Thời gian làm bài kiểm tra viết thứ hai là 90 phút.

Kiểm tra thực hành:

Thí sinh trình bày, bảo vệ quan điểm về một vụ, việc tự chọn mà mình tham gia trong thời gian tập sự và trả lời câu hỏi của thành viên Ban Chấm thi thực hành có liên quan đến vụ, việc.

3. Tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư theo quy định

Việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được tổ chức ít nhất 06 tháng 01 lần.

Chậm nhất là ngày 15 của tháng cuối quý, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư gửi danh sách người tập sự được đề nghị tham dự kiểm tra cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Sở Tư pháp nơi có trụ sở của Đoàn Luật sư.

Hồ sơ tham dự kiểm tra gồm có:

Giấy đề nghị tham dự kiểm tra theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BTP;

Bản sao Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư;

Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;

Báo cáo quá trình tập sự hành nghề luật sư kèm theo Sổ nhật ký tập sự theo quy định của Thông tư 10/2021/TT-BTP;

Bản sao giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp được giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 của Luật Luật sư.

Đối với người có Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hết hiệu lực, hồ sơ tham dự kiểm tra được gửi đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Hồ sơ gồm có:

Giấy đề nghị tham dự kiểm tra theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BTP;

Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hết hiệu lực.

Thành lập Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư:

Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư (sau đây gọi chung là Hội đồng kiểm tra) bao gồm từ 05 đến 07 thành viên do Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam quyết định thành lập. Hội đồng kiểm tra làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận tập thể và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Hội đồng kiểm tra được sử dụng con dấu của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Thông tư 10/2021/TT-BTP.

Thành phần Hội đồng kiểm tra gồm có:

Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng kiểm tra;

Đại diện Ban chủ nhiệm của một số Đoàn Luật sư và luật sư là thành viên Hội đồng kiểm tra.

Giúp việc cho Hội đồng kiểm tra có Ban Đề thi, Ban Thư ký, Ban Coi thi, Ban Phách, Ban Chấm thi viết, Ban Chấm thi thực hành và Ban Phúc tra (sau đây gọi chung là Ban giúp việc) do Hội đồng kiểm tra thành lập.

Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch Hội đồng kiểm tra làm Trưởng Ban Đề thi, Ban Phách, Ban Phúc tra. Trưởng các Ban giúp việc khác và thành viên các Ban giúp việc do Chủ tịch Hội đồng kiểm tra quyết định.

Thành viên Hội đồng kiểm tra, Ban giúp việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần trách nhiệm cao;

Nắm vững nghiệp vụ tổ chức kiểm tra;

Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật.

Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản này, thành viên Ban Đề thi, Ban Chấm thi viết, Ban Chấm thi thực hành, Ban Phúc tra phải là người có năng lực chuyên môn tốt.

Người có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng tham dự kiểm tra thì không được tham gia Hội đồng kiểm tra và Ban giúp việc.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra quyết định thành lập Ban Giám sát của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để thực hiện giám sát việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Thành phần Ban Giám sát gồm từ 03 đến 05 luật sư. Danh sách cụ thể, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Giám sát do Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định. Thành viên Ban Giám sát phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại khoản 4 Điều 19.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng kiểm tra theo quy định 

Hội đồng kiểm tra có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

Ban hành Kế hoạch kiểm tra và nội quy kỳ kiểm tra;

Thành lập các Ban giúp việc của Hội đồng kiểm tra;

Quyết định danh sách thí sinh đủ điều kiện tham dự kiểm tra, thời gian, địa điểm kiểm tra và thông báo cho các Đoàn Luật sư có thí sinh tham dự kiểm tra chậm nhất là 30 ngày trước ngày tổ chức kiểm tra; trong trường hợp cần thiết, thành lập Đoàn xác minh hồ sơ tham dự kiểm tra;

Tổ chức kiểm tra, chấm điểm kiểm tra, phúc tra bài kiểm tra, công bố kết quả kiểm tra và thông báo điểm kiểm tra cho Đoàn Luật sư và Sở Tư pháp nơi có người tập sự tham dự kiểm tra;

Công nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư;

Hủy bỏ kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư của thí sinh khi có căn cứ cho rằng thí sinh đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 15 của Thông tư 10/2021/TT-BTP hoặc có hành vi gian dối, vi phạm khác làm thay đổi kết quả tập sự, kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư;

Gửi Bộ Tư pháp các quyết định, nội quy, quy chế kiểm tra, các biên bản được lập trong kỳ kiểm tra và kết quả kiểm tra trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành;

Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến kỳ kiểm tra;

Báo cáo và cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu liên quan đến việc tổ chức kiểm tra theo quy định hoặc yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kết luận kiểm tra, thanh tra;

Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Thông tư 10/2021/TT-BTP.

Chủ tịch Hội đồng kiểm tra có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều 20;

Phân công trách nhiệm cho từng thành viên Hội đồng kiểm tra;

Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban giúp việc;

Chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm an toàn và bảo mật cho đề kiểm tra, bài kiểm tra, phách, kết quả kiểm tra và các tài liệu khác có liên quan;

Xử lý các trường hợp vi phạm quyết định, nội quy, quy chế kiểm tra;

Báo cáo Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam về kết quả kiểm tra, các vấn đề về tài chính và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam về việc tổ chức kiểm tra và kết quả kiểm tra;

Cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư cho các thí sinh đạt yêu cầu kiểm tra; thu hồi Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư trong trường hợp kết quả kiểm tra bị hủy bỏ theo quy định của Thông tư 10/2021/TT-BTP;

Các nhiệm vụ khác theo quy định của Thông tư 10/2021/TT-BTP.

Các thành viên Hội đồng kiểm tra thực hiện công việc theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng kiểm tra.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam quyết định hủy bỏ kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư của thí sinh thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 20 sau khi Hội đồng kiểm tra đã giải thể.

5. Nhiệm vụ quyền hạn của các Ban giúp việc cho Hội đồng kiểm tra theo quy định

Ban Đề thi có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

Tổ chức soạn thảo, thẩm định, chỉnh lý đề kiểm tra;

Hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của đề chính thức và đề dự bị;

In sao đề kiểm tra đúng quy định, đủ số lượng theo yêu cầu của Hội đồng kiểm tra;

Đóng gói, niêm phong, bảo quản đề kiểm tra, bàn giao đề kiểm tra gốc và đề kiểm tra cho Hội đồng kiểm tra;

Bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn cho đề kiểm tra, hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm từ lúc bắt đầu soạn thảo đề kiểm tra cho đến hết thời gian kiểm tra của môn cuối cùng của kỳ kiểm tra.

Thành viên của Ban Đề thi làm việc độc lập và trực tiếp với Trưởng Ban Đề thi; mỗi thành viên của Ban Đề thi phải chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung của đề thi và bảo đảm bí mật, an toàn đề thi theo đúng chức trách của mình và theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Ban Phách có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

Nhận bài kiểm tra được đóng trong các túi còn nguyên niêm phong từ Ban Thư ký;

Làm phách, bảo mật số phách bài kiểm tra;

Niêm phong và bảo quản đầu phách theo chế độ mật trong suốt thời gian chấm kiểm tra cho đến khi hoàn thành chấm kiểm tra;

Bàn giao bài kiểm tra đã làm phách được đóng trong túi còn nguyên niêm phong của Ban Phách cho Ban Thư ký;

Bàn giao đầu phách được đóng trong túi còn nguyên niêm phong của Ban Phách cho Hội đồng kiểm tra sau khi việc chấm kiểm tra đã hoàn thành;

Thực hiện việc ghép phách, lên điểm kiểm tra.

Ban Phách làm việc độc lập với các Ban giúp việc khác của Hội đồng kiểm tra theo sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng kiểm tra; chỉ được thực hiện nhiệm vụ khi có mặt của Đoàn Kiểm tra, Ban Giám sát và Trưởng Ban Phách; những người trong Ban Phách không được là thành viên của Ban Chấm thi viết và Ban Phúc tra.

Ban Chấm thi viết có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

Lập kế hoạch chấm kiểm tra, tổ chức giao nhận bài kiểm tra và phân công giám khảo chấm thi viết;

Trước khi chấm, tổ chức cho giám khảo chấm thi viết thảo luận, nắm vững hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm;

Đề nghị Chủ tịch Hội đồng kiểm tra thay đổi hoặc đình chỉ việc chấm kiểm tra đối với giám khảo chấm thi viết thiếu trách nhiệm, chấm thi sai sót nhiều hoặc vi phạm quy chế kiểm tra;

Có trách nhiệm kiểm tra, xác minh khi có bất thường xảy ra; xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm thi viết và kịp thời báo cáo Chủ tịch Hội đồng kiểm tra;

Quản lý bài kiểm tra viết, phiếu điểm, biên bản được lập trong quá trình chấm thi viết; bảo mật thông tin liên quan đến kết quả chấm;

Sau khi chấm xong, tổ chức họp giám khảo chấm thi viết để tổng kết, rút kinh nghiệm, bàn giao bài kiểm tra viết cho Ban Thư ký và bàn giao kết quả kiểm tra cho Hội đồng kiểm tra.

Ban Chấm thi thực hành có nhiệm vụ quy định tại các điểm a, c, d, đ và e khoản 3 Điều 21.

Ban Phúc tra có nhiệm vụ kiểm tra các sai sót trong việc cộng điểm, ghi điểm bài kiểm tra; kiểm tra, rà soát các lỗi kỹ thuật; chấm lại các bài kiểm tra theo đề nghị của thí sinh; trình Chủ tịch Hội đồng kiểm tra ký phê duyệt điểm bài kiểm tra sau khi đã chấm phúc tra.

Quy trình ra đề và bảo mật đề kiểm tra viết, in sao, vận chuyển, bàn giao đề kiểm tra viết, sử dụng và bảo quản để kiểm tra viết; phương thức làm phách, bàn giao bài kiểm tra đã làm phách và những nội dung khác liên quan đến việc kiểm tra được thực hiện theo quy định hiện hành về Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban giúp việc khác do Chủ tịch Hội đồng kiểm tra quy định.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động - Công ty luật Minh Khuê