1. Khái niệm về lãnh sự danh sự
Lãnh sự danh dự là người không nằm trong biên chế của bô máy cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện ngoại giao nhưng thực hiện một số chức năng lãnh sự nhất định do nước cử lãnh sự giao cho, sau khi có sự đồng ý của nước tiếp nhận lãnh sự.
Lãnh sự danh dự được bổ nhiệm từ những luật gia, những nhà kinh doanh, nhà hoạt động xã hội, nghề nghiệp. Họ thường là công dân của nước sở tại và có vị trí xứng đáng trong giới hoạt động chính trị, giới chuyên môn nghề nghiệp và kinh doạnh. Một số nước đã ban hành quy chế về lãnh sự danh dự, trong đó quy định tiêu chuẩn đòi hỏi đối với người được bổ nhiêm làm lãnh sự danh dự, đó là các tiêu chuẩn về vị trí trong xã hội, về chuyên môn nghiệp vụ, về phẩm chất... để có thể hoàn thành chức năng lãnh sự của mình. Lãnh sự danh dự do bộ trưởng bộ ngoại giao của nước cử lãnh sự (hoặc cử đại diện) bổ nhiệm, theo đề nghị của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của mình ở nước tiếp nhận.
Chế định lãnh sự danh dự được áp dụng rộng rãi ở các nước châu Mỹ La-tinh và châu Âu. Số lượng lãnh sự danh dự có nhiều nhất ở Anh và Mỹ. Ở Việt Nam cũng có lãnh sự danh dự trong lãnh sự quán của các nước: Vương quốc Bỉ, Cộng hoà liên bang Braxin, Vương quốc Na Uy, Cộng hoà Pêru, Cộng hoà Philipin, Thụy Điển, Liên bang Thụy Sĩ.
2. Chức năng lãnh sự danh dự
Trên thực tế, chức năng lãnh sự danh dự về cơ bản, giống với chức năng lãnh sự chính thức. Tuy nhiên, lãnh sự danh dự không thực hiện mọi chức năng của người đứng đầu cơ quan lãnh sự mà chỉ thực hiện một số chức năng nhất định theo sự ủy nhiệm của cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao.
Lãnh sự danh dự thường được bổ nhiệm để thực hiện chức năng của người đứng đầu cơ quan lãnh sự ở những nơi mà viên chức lãnh sự nước cử lãnh sự không có khả năng thực hiện. Khi thực hiên chức năng của mình, lãnh sự danh dự được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ gần như viên chức lãnh sự.
3. Nhiệm kỳ Lãnh sự danh dự theo luật của Việt Nam
Theo quy định tại điều 02, thông tư số 01/2020/TT-BNG về lãnh sự danh dự của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì:
Lãnh sự danh dự do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm với nhiệm kỳ 03 (ba) năm theo đề nghị của người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lãnh sự.
Khi kết thúc nhiệm kỳ, Lãnh sự danh dự có thể được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm lại theo đề nghị của người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lãnh sự.
4. Nguyên tắc thực hiện chức năng lãnh sự
Theo Điều 7, thì thông tư số 01/2020/TT-BNG về Nguyên tắc thực hiện chức năng lãnh sự
1. Lãnh sự danh dự thực hiện một số hoặc toàn bộ các chức năng lãnh sự quy định tại các Điều từ 8 đến 13 của Thông tư này theo sự ủy nhiệm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên cơ sở không trái với pháp luật hoặc tập quán của nước tiếp nhận.
Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có thể ủy nhiệm cho Lãnh sự danh dự thực hiện những chức năng lãnh sự khác quy định tại Điều 8 Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
2. Lãnh sự danh dự không được ủy quyền cho người khác thực hiện những chức năng lãnh sự quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho phép.
5. Chức năng bảo hộ lãnh sự
Điều 8, thông tư số 01/2020/TT-BNG quy định về chức năng bảo hộ lãnh sự
1. Lãnh sự danh dự áp dụng mọi biện pháp thích hợp để bảo hộ lãnh sự đối với lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam trong khu vực lãnh sự phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
2. Lãnh sự danh dự có nghĩa vụ thông báo về mọi thông tin có được trong trường hợp công dân Việt Nam bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù trong khu vực lãnh sự cho Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc cho Cục Lãnh sự và thực hiện những chỉ thị có liên quan của các cơ quan này.
Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)