Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn như sau:

1. Vợ có bắt buộc phải nhập hộ khẩu về nhà chống không?

Sau khi hai người nam, nữ xác lập quan hệ vợ, chồng thì phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng. Một trong số đó là nghĩa vụ sống chung với nhau. Cụ thể, khoản 2 Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 nêu rõ:

Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.

Tuy nhiên, Điều 20 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 lại quy định:

Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.

Bên cạnh đó, Điều 43 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về nơi cư trú của vợ, chồng như sau:

Điều 43. Nơi cư trú của vợ, chồng

1. Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.

2. Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thỏa thuận.

Đồng thời, Điều 14 của Luật Cư trú 2020 cũng quy định về nơi cư trú của vợ, chồng như sau:

Điều 14. Nơi cư trú của vợ, chồng

1. Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.

2. Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

Đặc biệt, dù ở hai nơi khác nhau nhưng vợ, chồng vẫn phải đáp ứng và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng theo quy định tại Chương III, Mục 1 Luật Hôn nhân và Gia đình như:

Điều 17. Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng

Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.

- Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng;

- Bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng;

- Tình nghĩa vợ chồng: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau…

Không chỉ vậy, điểm a khoản 2 Điều 20 của Luật Cư trú 2020 quy định "a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;" vợ về ở với chồng là trường hợp đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình và sẽ được nhập hộ khẩu vào nhà chồng nếu được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý

Trong khi đó, quy định cũ tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi 2013 đang quy định, người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình.

Căn cứ các quy định trên, pháp luật cho phép vợ được nhập hộ khẩu vào nhà chồng nếu có nhu cầu mà không phải là yêu cầu bắt buộc. Trường hợp không nhập hộ khẩu vào nhà chồng thì cũng không bị coi là hành vi vi phạm và không phải chịu chế tài xử phạt.

Tuy nhiên trên thực tế, nếu hai vợ chồng có cùng nơi cư trú ở nhà chồng thì nên làm thủ tục nhập hộ khẩu theo chồng nhằm giúp cơ quan Nhà nước theo dõi thực trạng biến động về hộ tịch, từ đó bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và hộ gia đình.

Như vậy, có thể khẳng định, sau khi quan hệ hôn nhân của nam, nữ được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì thông thường, vợ, chồng phải có nghĩa vụ chung sống với nhau. Tuy nhiên, đây cũng không phải quy định bắt buộc. Nếu hai vợ, chồng có thỏa thuận thì có thể ở hai nơi khác nhau.

2. Thủ tục nhập hộ khẩu theo chồng như thế nào?

Trước ngày 01/7/2021, thủ tục nhập khẩu về nhà chồng của vợ được thực hiện theo Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi 2013. Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2021 trở đi, thủ tục này sẽ thực hiện theo Luật Cư trú năm 2020.

Điều kiện nhập khẩu cho vợ vào nhà chồng

Trường hợp vợ về ở với chồng thì thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu củ mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý.

Hồ sơ đăng ký thường trú

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình (Đăng ký kết hôn), trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;

Cơ quan thực hiện

Cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú, Cụ thể là cơ quan Công an cấp quận, huyện đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công an cấp xã , phương đối với các tỉnh thành còn lại.

Thời gian thực hiện

- 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Nếu từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến cư trú

Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến cư trú được quy định tại Điều 7 Luật Cư trú năm 2020, cụ thể như sau:

- Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú.

- Lạm dụng việc sử dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú làm điều kiện để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

- Đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú.

- Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật.

- Thu, quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật.

- Tự đặt ra thời hạn, thủ tục, giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư trú.

- Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ, tài liệu về cư trú trái với quy định của pháp luật.

- Lợi dụng việc thực hiện quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú.

- Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.

- Giải quyết cho đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú khi biết rõ người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó.

- Đồng ý cho người khác đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó.

- Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

4. Quyền và nghãi vụ của công dân về cư trú

Quyền và nghĩa vụ của Công dân về cư trú được quy định tại Điều 8 và Điều 9 Luật Cư trú năm 2020, cụ thể như sau:

4.1 Quyền của công dân về cư trú

Công dân cư trú tại Việt Nam có các quyền sau:

- Lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, đăng ký cư trú phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.

- Được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu.

- Được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu.

- Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình khi có yêu cầu.

- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền tự do cư trú.

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật

4.2 Nghĩa vụ của cá nhân về cư trú

Công dân cư trú tại Việt Nam có các nghĩa vụ sau:

- Thực hiện việc đăng ký cư trú theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, giấy tờ, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, giấy tờ, tài liệu đã cung cấp.

- Nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng  để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư Tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật Minh Khuê