1. Đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định pháp luật

Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nếu như đại biểu Hội đồng nhân dân không còn đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động, thục hiện quyền đại biểu của mình thì có thể đề nghị thôi làm nhiệm vụ đại biểu.

Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.Đại biểu Hội đồng nhân dân bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.

Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định, khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.Thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của Ủy ban nhân dân cùng cấp.Ban của Hội đồng nhân dân là cơ quan của Hội đồng nhân dân, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình Hội đồng nhân dân, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.

Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương là người liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo những vấn đề mà cử tri vướng mắc bức xúc. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người có trách nhiệm vận động Nhân dân thực hiện theo quy định Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước.

2. Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật

Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân trước tiên phải đáp ứng là có quốc tịch Việt Nam .Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, hết lòng phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân. Là một đại biểu Hội đồng nhân dân phải biết liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến ý kiến của người nhân dân giải quyết và trả lời các kiến nghị, băn khoăn bức xúc các vấn đề của mọi cử tri.

3. Quy định của luật bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân

Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá IX, kì họp thứ 4 thông qua ngày 26.11.2003. Đây là đạo luật về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thứ tư trong lịch sử lập pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật này thay thế cho Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ngày 21.6.1994.

Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đầu tiên trong lịch sử lập pháp của nước ta được ban hành ngày 26.12.1983. Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thứ hai trong lịch sử lập pháp nước ta được ban hành ngày 30.6.1989 và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 1994, đạo luật thứ ba, được ban hành trong bối cảnh Hiến pháp mới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa (Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kì đổi mới) được thông qua.

Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 được ban hành sau khi Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung. Luật gồm 79 điều và được chia làm 10 chương.

Chương l - Những quy định chung (Điều 1 đến Điều 8);

Chương II - Số đại biểu Hội đồng nhân dân, đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu (Điều 9 đến Điều 14);

Chương IIl - Các tổ chức phụ trách bầu cử (Điều 15 đến Điều 22)

Chương IV - Danh sách cử tri (Điều 23 đến Điều 28),

Chương V - Ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 29 đến Điều 47);

Chương VI - Trình tự bầu cử (Điều 48 đến Điều 54); Chương VII - Kết quả bầu cử (Điều 55 đến Điều 67);

Chương VIII - Việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 68 đến Điều 75), Chương lX - Xử lí những hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử (Điều 76 đến Điều 77);

Chương X - Điều khoản thi hành (Điều 79). Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 quy định rõ chế độ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là một chế độ bầu cử dân chủ, theo đó, nguyên tắc bầu cử "phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” được công nhận và thể chế hoá. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám (18) tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt (21) tuổi trở lên có quyền ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật, trừ những người mất trí và những người bị pháp luật hoặc Toà án nhân dân tước các quyền đó.

4. Khái quát sự ra đời của Hội đồng bầu cử quốc gia

Xét từ góc độ cơ quan hiến định độc lập thì Hội đồng bầu cử quốc gia là một cơ quan mới trong bộ máy nhà nước Việt Nam. Song nếu xét từ góc độ lịch sử của chế độ bầu cử của Việt Nam thì Hội đồng bầu cử quốc gia là một cơ quan vừa cũ vừa mới. Trong Báo cáo số 287/BC-UBDTSĐHP gửi đại biểu Quốc hội ngày 17 tháng 5 năm 2013 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lí Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân có giải trình như sau: “Việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia thực chất là việc hiến định vai trò, địa vị pháp lý Hội đồng bầu cử trung ương hiện đang được quy định trong luật bầu cử nhằm phát huy dân chủ, bảo đảm được tính khách quan trong công tác tổ chức bầu cử ở nước ta”.

Ở giai đoạn trước Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (Luật bầu cử năm 2015), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội với một số nhiệm vụ, quyền hạn như: quyền công bố và chủ trì bầu cử đại biểu Quốc hội;1 quyền ấn định và công bố ngày bầu cử (Điều 4 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997, 2001 và Điều 4 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997, 2001); quyền ấn định số lượng đơn vị bầu cử trong cả nước, xác định đơn vị bầu cử và ấn định số lượng đại biểu bầu ở mỗi đơn vị bầu cử (Điều 11 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997, 2001). Công bố và chủ tri bầu cử, ấn định và công bố ngày bầu cử là những quyền mang tính biểu tượng ấn định thời điểm để người dân đi thực hiện quyền chính trị quan trọng nhất của mình. Ấn định số lượng đơn vị bầu cử và xác định số đơn vị bầu cử trong cả nước có nghĩa là khoanh vùng các khu vực dân cư để từ đó bầu ra các đại biểu. Ấn định số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử có nghĩa là quyết định tới tỉ lệ đại biểu được bầu tương ứng với số dân, tức là mỗi người dân trong một đơn vị bầu cử được bao nhiêu người đại diện. Tất cả những quyền này đều nằm ở trung tâm, trực tiếp thể hiện bản chất của chế độ bầu cử để hình thành Quốc hội và qua đó gián tiếp hình thành bộ máy nhà nước. Trong khi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại là cơ quan thường trực của Quốc hội. Thành phần của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều là các đại biểu Quốc hội, thậm chí đều là các đại biểu Quốc hội giữ trọng trách cao nhất trong Quốc hội. về mặt lí luận việc các đại biểu Quốc hội quyết định và chủ trì quá trình bầu cử người nắm giữ vị trí mà minh đang nắm giữ là không thể hiện tính khách quan, rất có thể ảnh hưởng tới tính dân chủ của một cuộc bầu cử. Chính vì vậy, Uỷ ban dự thảo Hiến pháp năm 2013 đã đề xuất và Quốc hội đã nhất trí thông qua việc giao thẩm quyền ấn định và công bố ngày bầu cử cho Quốc hội và những quyền còn lại trong số các quyền nói trên cho Hội đồng bầu cử trung ương trên cơ sở nâng cấp thành Hội đồng bầu cử quốc gia và quy định cơ quan này trong Hiến pháp nhằm nâng cao địa vị của nó trong bộ máy nhà nước, tương xứng với chức năng và vai trò mà nó thực hiện trong lĩnh vực bầu cử.

Như vậy, để khái quát về hoàn cảnh ra đời của Hội đồng bầu cử quốc gia, có thể nói Hội đồng bầu cử quốc gia là “phiên bản” nâng cấp và được hiến định của Hội đồng bầu cử trung ương theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 (2001) nhằm làm cho quá trình bầu cử được dân chủ, khách quan hơn. về khung pháp lý, hiện nay tổ chức và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia được quy định tại Điều 117 Hiến pháp năm 2013Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

5. Đại biểu Hội đồng nhân dân có những quyền gì?

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu; kiến nghị tổ chức phiên họp chuyên đề, phiên họp để giải quyết các công việc phát sinh đột xuất, phiên họp kín của Hội đồng nhân dân và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu thấy cần thiết.

Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)