Căn cứ pháp lý:

Luật thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Nghị định 69/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương.

1. Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất là gì ?

1.1 Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất cấp khi nào?

- Bộ Công Thương cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa khi doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 23 hoặc Điều 24 hoặc Điều 25 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, cụ thể:

Điều 23. Điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh

Doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh thuộc Phụ lục VII Nghị định này phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Có số tiền ký quỹ là 10 tỷ đồng Việt Nam nộp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có kho, bãi theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Có kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh, cụ thể:

a) Kho, bãi có sức chứa tối thiểu là 100 công-ten-nơ lạnh loại 40 feet, diện tích tối thiểu là 1.500 m2. Kho, bãi được ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào cứng, được xây dựng với chiều cao tối thiểu là 2,5 m; có đường dành cho xe chở công-ten-nơ di chuyển ra vào kho, bãi; có cổng ra vào và biển hiệu của doanh nghiệp sử dụng kho, bãi.

b) Kho, bãi có đủ nguồn điện (gồm điện lưới và máy phát điện dự phòng có công suất tương đương) và các thiết bị chuyên dùng kèm theo để vận hành các công-ten-nơ lạnh theo sức chứa của kho, bãi.

c) Kho, bãi phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê; phải nằm trong khu vực quy hoạch hệ thống kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh hoặc trong khu vực do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quy định sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Điều 24. Điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt

Doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Phụ lục VIII Nghị định này phải có số tiền ký quỹ là 7 tỷ đồng Việt Nam nộp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Điều 25. Điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng

Doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng thuộc Phụ lục IX Nghị định này phải có số tiền ký quỹ là 7 tỷ đồng Việt Nam nộp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

1.2 Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất là gì ?

- Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo quy định tại Điều này là Mã số riêng đối với từng nhóm hàng hóa. Doanh nghiệp được cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất nhóm hàng hóa nào thì được kinh doanh tạm nhập, tái xuất các mặt hàng thuộc phạm vi của nhóm hàng hóa đó.

- Đối với kho, bãi đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh và để được cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất, doanh nghiệp không được cho doanh nghiệp khác thuê lại để sử dụng vào mục đích xin cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh.

- Trường hợp hàng hóa nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các tỉnh biên giới phía Bắc thì chỉ doanh nghiệp có Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất của nhóm hàng hóa đó mới được đứng tên trên tờ khai nhập kho ngoại quan và tờ khai xuất kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất. Hàng hóa gửi tại kho ngoại quan thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.

- Hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Phụ lục VII, VIII, IX Nghị định này, trong đó doanh nghiệp không thực hiện tái xuất qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc không thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện và không phải có Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Trong trường hợp cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng quy định về cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các cửa khẩu biên giới không thuộc phía Bắc.

2. Hồ sơ, quy trình cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất

- Doanh nghiệp gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ Công Thương. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất: 1 bản chính.

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp.

c) Văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận về việc doanh nghiệp nộp số tiền ký quỹ theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 hoặc Điều 24 hoặc Điều 25 Nghị định 69/2018/NĐ-CP: 1 bản chính.

d) Tài liệu chứng minh doanh nghiệp sở hữu kho, bãi hoặc hợp đồng thuê kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định 69/2018/NĐ-CP: 1 bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp.

đ) Văn bản của cơ quan điện lực nơi doanh nghiệp có kho, bãi xác nhận về việc kho, bãi có đủ nguồn điện lưới để vận hành các công-ten-nơ lạnh theo sức chứa: 1 bản chính.

Trường hợp doanh nghiệp xin cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc hàng hóa đã qua sử dụng thì không phải nộp các giấy tờ nêu tại Điểm d và Điểm đ ở trên.

- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.

- Đối với Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có kho, bãi kiểm tra, xác nhận điều kiện về kho, bãi. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra điều kiện kho, bãi, Bộ Công Thương xem xét cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh cho doanh nghiệp.

Đối với Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt và Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương xem xét cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất cho doanh nghiệp.

Trường hợp không cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Trường hợp bổ sung, sửa đổi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất, cấp lại do mất, thất lạc Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất, doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, cấp lại Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất cho doanh nghiệp.

3. Thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong những trường hợp nào ?

Bộ Công Thương thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo đề nghị của doanh nghiệp trên cơ sở xác nhận của các cơ quan liên quan về các nội dung sau:

- Doanh nghiệp đã tái xuất hết hàng hóa tạm nhập ra khỏi Việt Nam.

- Hoàn thành nghĩa vụ phát sinh trong quá trình vận chuyển, lưu giữ hàng hóa tạm nhập, tái xuất theo quy định của Nghị định này (nếu có).

Bộ Công Thương thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất khi doanh nghiệp có vi phạm trong các trường hợp sau:

- Gian lận trong việc kê khai các điều kiện theo quy định tại Nghị định này.

- Không duy trì điều kiện theo quy định tại Nghị định này trong quá trình sử dụng Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

- Không nộp bổ sung đủ số tiền ký quỹ trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương có thông báo theo quy định.

- Không thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về điều tiết hàng hóa tạm nhập, tái xuất theo quy định.

- Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa mà không có Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất do Bộ Công Thương cấp theo quy định.

- Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

- Từ chối trách nhiệm xử lý đối với những lô hàng đã về đến cảng, cửa khẩu Việt Nam theo hợp đồng nhập khẩu đã ký.

- Tự ý chuyển tiêu thụ nội địa hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

- Tự ý phá mở niêm phong hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Doanh nghiệp bị thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong các trường hợp sau không được cấp lại Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong vòng 2 năm kể từ ngày bị thu hồi, gồm các trường hợp:

- Gian lận trong việc kê khai các điều kiện theo quy định tại Nghị định này.

- Không duy trì điều kiện theo quy định tại Nghị định này trong quá trình sử dụng Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

- Không nộp bổ sung đủ số tiền ký quỹ trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương có thông báo theo quy định.

- Không thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về điều tiết hàng hóa tạm nhập, tái xuất theo quy định.

- Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa mà không có Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất do Bộ Công Thương cấp theo quy định.

- Tự ý chuyển tiêu thụ nội địa hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

- Tự ý phá mở niêm phong hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Doanh nghiệp bị thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất trpng các trường hợp dưới đây không được xem xét cấp lại Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất:

- Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Từ chối trách nhiệm xử lý đối với những lô hàng đã về đến cảng, cửa khẩu Việt Nam theo hợp đồng nhập khẩu đã ký.

4. Đình chỉ tạm thời hiệu lực Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất

- Bộ Công Thương xem xét đình chỉ tạm thời hiệu lực Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong trường hợp doanh nghiệp bị cơ quan chức năng điều tra các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này hoặc theo đề nghị của cơ quan chức năng.

- Thời gian tạm thời đình chỉ hiệu lực Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất là 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 1 năm tùy trường hợp cụ thể hoặc theo đề nghị của cơ quan chức năng.

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!