Mục lục bài viết
Tối ngày 25/5/2020 chúng tôi có tổ chức đánh bạc và bị công an bắt. Sau đó công an có điều tra và kết luận tổng số tiền dùng để đánh bạc chưa đủ để khởi tố hình sự và chỉ truy cứu vi phạm hành chính. Sau đó 5 người chúng tôi đã lên nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tiến hành nộp phạt và 4 người kia đã được trả lại điện thoại nhưng riêng điện thoại của tôi thì họ chưa trả. Thấy thắc mắc nên tôi đã gọi điện lên cơ quan điều tra để hỏi nhưng đến nay họ vẫn chưa có một câu trả lời cụ thể cho tôi.
Nay tôi muốn làm đơn để yêu cầu họ trả lại tài sản thu giữ của tôi nên kinh mong luật sư có thể hướng dẫ tôi mẫu đơn dùng để gửi lên ạ ?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Xử phạt vi phạm hành chính về tội đánh bạc:
Theo quy định tại Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ–CP nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, Điều 26 có quy định về hành vi đánh bạc trái phép như sau:
“Điều 26. Hành vi đánh bạc trái phép
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:
a)Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;
b)Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c)Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;
d)Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a)Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;
b)Che giấu việc đánh bạc trái phép.”
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:
a)Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;
b)Dùng nhà, chỗ ở của mình hoặc phương tiện, địa điểm khác để chứa bạc;
c)Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;
d)Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
……
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có đối với hành vi quy định tại Khoản 1; Khoản 2; Điểm a Khoản 3; Điểm b, c, d Khoản 4 và Khoản 5 Điều này...”
Như vậy, theo như quy định trên và căn cứ vào tình huống bạn đưa ra thì việc công an lập biên bản và thu giữ số tiền của mỗi người ở ngoài chiếu bài tổng là 1.500.000 đồng phạt hành chính đối với bạn là đúng theo như quy định của điều luật này.
2. Thời hạn tạm giữ tài sản:
Thời gian tạm giữ tài sản của bạn sẽ do cơ quan điều tra xem xét và quyết định mà không có quy định cụ thể nào về thời gian tạm giữ tang vật trong các giai đoạn tố tụng. Thông thường, nếu đây là những vật được xác định là tang vật, phương tiện phạm tội thì sẽ bị thu nộp ngân sách nhà nước, còn những tài sản không phải là vật chứng hoặc vật chứng không ảnh hưởng đến việc điều tra xét xử hay thi hành án sẽ được trả ngay cho chủ sở hữu. Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về xử lý vật chứng như sau:
"Điều 106. Xử lý vật chứng
1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;
d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự".
3. Trường hợp này bạn có thể yêu cầu lấy lại điện thoại không ?
Theo thông tin bạn cung cấp thì công an đã ra kết luận điều tra và đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính và có khẳng định rằng điện thoại không bị coi là tài sản dùng để đánh bạc. Đặc biệt là khi những người khác cùng hành vi giống bạn đã được trả lại điện thoại.
Vậy căn cứ theo quy định Khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
"Điều 106. Xử lý vật chứng
3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án".
Như vậy bạn hoàn toàn có căn cứ để yêu cầu cơ quan điều tra trả lại tài sản cho bạn.
4. Làm thế nào để biết thông tin về tài sản ?
Để nhận được thông tin về việc có được nhận lại tài sản và thời gian giải quyết trả lại tài sản, bạn nên thực hiện các bước sau:
- Liên hệ trực tiếp với cơ quan công an để hỏi lý do giữ tài sản.
- Nếu liên hệ trực tiếp không có kết quả, bạn nên làm đơn gửi lên cơ quan công an đề nghị cho biết lý do giữ tài sản của bạn, nếu trả lại tài sản cho bạn thì ảnh hưởng như thế nào tới việc xử lý vụ án.
5. Mẫu đơn yêu cầu trả lại tài sản:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
……………., ngày…. tháng….. năm ……
ĐƠN YÊU CẦU TRẢ LẠI TÀI SẢN ĐANG BỊ TẠM GIỮ
(V/v: ông ………… xin lấy lại tài sản (điện thoại) bị cơ quan Công an ……………………….. tạm giữ ngày….. tháng….. năm……)
- Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012
- Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015
Kính gửi: Công an.................................................................................................
Tôi tên là: ..........................................................................................................................
CMND: ……………………….. cấp tại...................... ngày cấp ........................................
Hộ khẩu thường trú tại : ...................................................................................................
Địa chỉ hiện tại: ................................................................................................................
Số điện thoại: ..................................................................................................................
Tôi làm đơn này nhằm trình bày một sự việc như sau:
Ngày …... tháng ...… năm ...… , tôi có Đánh bạc tại …………………………………………..
Sau đó, công an đã tịch thu điện thoại của tôi theo đúng quy định về hành vi ……………. của tôi, và cơ quan công an đã lập biên bản thu giữ tiền và điện thoại của tôi. Sau quá trình điều tra cơ quan điều tra đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về tội đánh bạc và có kết luận là điện thoại của tôi không bị coi là tài sản để đánh bạc. Vậy theo quy định tại khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có quy định:
"3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
thì tài sản này sau khi điều tra nếu nhận thấy không phải là vật chứng phạm tội thì sẽ phải trả lại cho chủ sở hữu....."
Đến nay mặc dù đã hết thời hạn nhưng cơ quan công an vẫn giữ tài sản của tôi và cũng không có văn bản nào giải thích cho tôi được biết là lý do tại sao vẫn chưa trả lại tài sản cho tôi.
Hôm nay, ngày...... tháng....... năm......, tôi làm đơn này, đề nghị cơ quan công an những yêu cầu sau đây:
- Thứ nhất: giải thích bằng văn bản cho tôi biết lý do vì sao đã 2 tháng kể từ khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn chưa tiến hành trả lại tài sản cho tôi.
- Thứ hai: yêu cầu quý cơ quan thực hiện đúng quy định nếu không có căn cứ để tiếp tục giữ lại tài sản của tôi thì yêu cầu trả lại tài sản của tôi.
Tôi xin cam đoan những thông tin trên là đúng sự thật và xin chịu trước pháp luật những điều đã trình bày ở trên. Kính mong quý cơ quan xem xét và nhanh chóng giải quyết.
Tôi xin gửi kèm theo đơn này 01 bản tạm giữ tài sản của tôi theo quyết định số……….. mà đồng chí công an đã lập ngày….../…..../……..
Tôi xin chân thành cám ơn.
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự - Công ty luật Minh Khuê