1. Mô hình quản lý theo Lý thuyết Z

Căn cứ theo kết quả nghiên cứu, William Ouchi cho rằng hiệu quả quản lý kinh doanh ở Nhật nói chung cao hơn ở Mỹ. Do đó, ông đề nghị các xí nghiệp ở Mỹ nên kết hợp những đặc điểm của Mỹ và phương thức quản lý xí nghiệp của Nhật Bản để hình thành một phương thức quản lý của riêng mình. Ông gọi phương thức quản lý này là phương thức quản lý “Z”. Ông đã khái quát về mặt lý luận phương thức quản lý này và phát triển nó thành một lý luận về tổ chức, quản lý. Cuốn sách “Lý luận Z” của ông xuất bản năm 1981 ở Mỹ đã được giới quản lý và các nhà nghiên cứu về quản lý đánh giá cao và là một trong những ấn phẩm bán rất chạy. Ngoài ra, ông còn viết một số sách và luận vãn về khoa học quản lý để phát triển tư tưởng quản lý của mình.

2. Lý luận Z

Thuyết Z còn được biết đến dưới cái tên "Quản lý kiểu Nhật" và được phổ biến khắp thế giới vào thời kỳ bùng nổ kinh tế của các nước châu Á thập niên 1980. Khác với Thuyết X (có cái nhìn tiêu cực vào người lao động) và Thuyết Y (quá lạc quan về người lao động). Thuyết Z chú trọng vào việc gia tăng sự trung thành của người lao động với công ty bằng cách tạo ra sự an tâm và mãn nguyện cho người lao động cả trong và ngoài khi làm việc.

Cốt lõi của thuyết này là làm thỏa mãn và gia tăng tinh thần cho người lao động để đạt được năng suất chất lượng trong công việc.

Các lý thuyết của Thuyết Z này dựa trên nền tảng lý luận và thực tiễn đã được Tiến sĩ W. Edwards Choid Deming đúc kết và phát kiến trước đó.

Thuyết Z được đánh giá là một lý thuyết quan trọng về quản trị nhân sự (OB) hiện đại, bên cạnh Thuyết X và Thuyết Y. Thuyết Z đưa đến thành công của nhiều công ty nên các công ty này được phân loại là các Công ty Z (Z companies).

Tên gọi đầy đủ của cuốn sách là “Lý luận z - Các xí nghiệp Mỹ làm thế nào để đối phó với sự thách thức của Nhật Bản?”. Ánh hưởng của cuốn sách này vô cùng lớn. Sau khi xuất bản, cuốn sách đã được phổ biến khắp nước Mỹ và nhanh chóng được truyền bá trong giới nghiên cứu về quản lý trên toàn cầu. Năm 1984, Trung Quốc cũng đã xuất bản bản dịch cuốn sách này.

3. Quan điểm của Ouchi về quản lí theo Z

William Ouchi vạch rõ, phương thức quản lý của Nhật có những ưu điểm so với phương thức quản lý của Mỹ. Ưu điểm chủ yếu của nó là coi trọng việc huy động tính tích cực của công nhân, thực hiện phương thức quản lý có sự tham gia của công nhân. Căn cứ vào kết quả điều tra và phân tích nhiều sự kiện, ông đã lấy phương thức quản lý kiểu Nhật Bản làm hình mẫu để đề ra những kiến nghị của “lý luận Z”. Nói một cách cụ thể hơn, ông đã gợi ý với mọi người rằng, làm cho công nhân quan tâm đến xí nghiệp là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động. Nội dung thứ nhất trong “lý luận Z” là sự tin cậy đối với con người. Nội dung thứ hai là sự khôn khéo trong quan hệ giữa người với người. Năng suất lao động, sự tin cậy và sự khôn khéo trong quan hệ giữa người với người không phải là ba mặt cô lập với nhau và nếu chúng được phối hợp một cách hữu hiệu thì không những có thể nâng cao năng suất lao động mà còn có thể làm cho ba mặt đó gắn kết chặt chẽ với nhau.

Ngay từ đầu cuốn sách, ông đã viết rằng, nếu muốn biết chúng ta có thể học tập được gì ở Nhật Bản thì cần phải nghiên cứu tỉ mỉ tính chất phức tạp, khôn khéo trong phương thức quản lý Nhật Bản, phải nghiên cứu những tính chất cơ bản của các xí nghiệp Nhật Bản và so sánh với các xí nghiệp phương Tây.

4. Nội dung của “Lý luận Z”

Nội dung cơ bản của lý luận Z mà William Ouchi đề ra là:

- Thể chế quản lý phải đảm bảo cho cấp trên nắm được tình hình của cấp dưới một cách đầy đủ. Phải tạo điều kiện cho công nhân viên tham gia quyết sách, kịp thời phản ánh tình hình cho cấp trên, đặc biệt là trước khi đưa ra một quyết định quan trọng, phải khuyến khích công nhân trực liếp sản xuất đưa ra những đề nghị của họ rồi sau đó cấp trên mới quyết định.

- Nhà quản lý ở cấp cơ sở phải có đủ quyền xử lý những vấn đề ở cấp cơ sở, lại phải có năng lực điểu hòa, phối hợp tư tưởng và quan điểm của công nhân, phát huy tính tích cực của mọi người, khuyến khích họ động não, đưa ra những phương án, đề nghị của mình.

- Nhà quản lý cấp trung gian phải thực hiện được vai trò thống nhất tư tưởng, thống nhát chỉnh lý và hoàn thiện những ý kiến của cấp cơ sở, kịp thời báo cáo tình hình với cấp trên và dưa ra những kiến nghị của mình.

- Xí nghiệp phải thuê dùng công nhân lâu dài để họ yên lâm và tăng thêm tinh thần trách nhiệm, cùng xí nghiệp chia sẻ vinh quang và khó khăn, gắn bó vận mệnh của họ vào vận mệnh của xí nghiệp.

- Nhà quản lý phải thường xuyên quan tâm đến phúc lợi của công nhân, tìm cách để công nhân cảm thấy thoải mái, tạo thành sự hòa hợp, thân ái, không cách biệt giữa cấp trên và cấp dưới.

- Nhà quản lý không thể chỉ quan tâm đến nhiệm vụ sản xuất mà còn phải làm cho công nhân cảm thấy công việc của họ không khô khan, không đơn điệu.

- Phải chú ý đào tạo công nhân, nâng cao năng lực công tác thực tế về mọi mặt của họ.

- Việc quan sát biểu hiện của công nhân không nên chỉ đóng khung trong một số ít mặt mà phải quan sát một cách toàn diện, trong thời gian dài để có cãn cứ chính xác.

Trong quá trình đọc cuốn sách này, chúng ta dễ dàng phát hiện “lý luận z” có nhiều điểm tương tự với thuyết “Khích lệ nội tâm”. Trên thực tế, việc phổ biến rộng rãi “lý luận z” đã có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ thuyết “Khích lệ nội tâm” và tư tưởng của nó.

Theo William Ouchi, nếu ví toàn bộ các xí nghiệp của Mỹ như một quần thể thì trong quần thể đó, các loại hình tổ chức theo mô hình A đã chiếm vị trí thống trị trong thời gian dài, nhưng trong đó cũng tồn tại các tổ chức theo mô hình Z như Công ty Thiết bị thương mại quốc tế (IBM)... Hiện nay, trong khi nhu cầu đổi mới ngày càng rõ rệt, nhiều tổ chức khác trong quần thể đó đang học tập các tổ chức thuộc mô hình z. Cũng giống như trong bất kỳ một môi trường tự nhiên mang tính cạnh tranh nào, một quá trình lựa chọn sẽ được diễn ra. Nếu tổ chức theo mô hình z tốt hơn thì nó sẽ có được những nhân viên tốt nhất và những sản phẩm, dịch vụ có mức giá cạnh tranh nhất. Tổ chức đó sẽ tiếp tục tồn tại, còn các tổ chức khác sẽ bị đào thải.

Ông cho rằng, bất kỳ tổ chức xí nghiệp nào cũng phải không ngừng đổi mới cơ cấu xã hội trong nội bộ của nó để đáp ứng yêu cầu mới của quá trình cạnh tranh, đồng thời đáp ứng lợi ích cá nhân của công nhân viên. Tổ chức theo mô hình z có lẽ là loại hình tổ chức gần gũi với những yêu cầu đó.

Mặc dù xu thế của lý luận z và mô hình quản lý Nhật Bản hiện nay vẫn tương đối mạnh nhưng giới kinh doanh và giới nghiên cứu quản lý đã gặp phải một số sức cản. Đó là lý do mà có người gọi nó là “Kiểu tóc thời trang”. Nhưng tác giả Ouchi cho rằng, mặc dù có mà không hoàn thiện, những quan điểm của lý luận z và phương thức quản lý Nhật Bản vẫn rất có ý nghía. Nó đã nâng cao sự hiểu biết của con người về khoa học quản lý, thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiện quản lý giữa các nước. Mặt khác, mô hình quản lý mà họ đề ra và việc nghiên cứu thực tế quản lý cũng có giá trị học thuật. Nhưng chúng ta cũng không nên coi thường những ý kiến đối lập, đặc biệt là những ý kiến dựa trên việc nghiên cứu vấn đề một cách khoa học. Những ý kiến đó không phải là sự phủ định mà là sự bổ sung, sửa chữa đối với những lý luận đã được đưa ra.

5. Hai quan điểm về “Lý luận Z”

Trong việc nghiên cứu lý luận z, có hai quan điểm cần chú ý:

Một , cần xem xét việc miêu tả phương thức quản lý của Nhật Bản có khoa học hay không? Hiện nay, sự miêu tả đó xem ra không phải là khoa học lắm.

Hai là, xem xét phương pháp quản lý theo quy phạm có mang lại hiệu quả cao hay không? Về phần mình, chúng tôi cho rằng phương pháp quản lý này sẽ mang lại hiệu quả cao trong những điều kiện nhất định mà chủ yếu là sự khích lệ nội tâm. Về mặt này, một ưu điểm lớn của William Ouchi là đã đưa ra được những ví dụ cụ thể để chúng ta tham khảo và vận dụng.

6. Việc vận dụng Lý thuyết Z

Nội dung của Thuyết Z được đúc rút từ kinh nghiệm quản lí của các doanh nghiệp Nhật Bản nên nó chịu đựng những đặc điểm tư duy của phương Đông. Điều nổi bật trước tiên phải nói đến là người Nhật nói riêng và người phương Đông nói chung rất coi trọng sự trung thành và lòng tự trọng.

Người Nhật đã vận dụng được điều đó để đưa vào phương pháp quản lí của mình. Bên cạnh đó người phương Đông thường luôn cố gắng hướng đến sự hòa hợp; trong thuyết Z ta thấy sự hòa hợp của ba yếu tố đó là năng suất lao động, sự tin cậy và sự khôn khéo trong quan hệ giữa người với người.

Lý thuyết Z được nhiều công ty Nhật ủng hộ và ứng dụng vào thực tế. Việc áp dụng thuyết này đã đem lại thành công cho rất nhiều công ty Nhật và đưa nước Nhật thành cường quốc thế giới, làm nhiều công ty Nhật trở thành hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của họ, vượt qua các nước Âu Mỹ.

Các công ty Âu Mỹ sau đó đã phải nhìn nhận lại vấn đề, học hỏi thuyết Z và tìm cách ứng dụng để cạnh tranh lại với các công ty Nhật.

Tuy nhiên, thuyết Z cũng có những điểm yếu căn bản, đặc biệt là tạo ra sức ỳ lớn trong các công ty Nhật ( điều mà từ đó đến nay các công ty Nhật đang ra sức nghiên cứu và thay đổi).

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và Biên tập)

(Nguồn tham khảo: Sách “Tinh hoa quản lý”, TS. Hàn Mạnh Tiến (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo về quản lý), dịch từ nguyên tác “Trong một lúc, đọc hết 25 tác phẩm kinh điển về quản lý" của Lý Bằng và Viên Hạ Huy.)

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.