Hiện nay, vấn đề môi trường đang là vấn đề nhức nhối được quan tâm hàng đầu. Ngày nay cuộc sống con người phát triển không ngừng với đa dạng hoạt động dịch vụ tiện ích, công nghệ phát triển, tuy nhiên cùng với đó là các vấn đề xã hội nhức nhối, nổi cộm lên nhất ở các đô thị lớn là vấn đề xả rác bừa bãi. Ở nước ta, ý thức bảo vệ môi trường của người dân vẫn còn rất kém, trong đó hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, gây mất mỹ quan đường phố, đô thị.

 

1. Nghĩa vụ bảo vệ môi trường của công dân

Bảo vệ môi trường không chỉ đơn thuần là công việc của Đảng, Nhà nước, của một cơ quan hay tổ chức nào mà đó là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội.

 

1.1 Bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư

Theo quy định tại Điều 57 Luật bảo vệ Môi trường năm 2020 thì:

Bảo vệ môi trường khu đô, khu dân cư tập trung phải thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử và bảo đảm tỷ lệ không gian xanh, yêu cầu về cảnh quan, vệ sinh môi trường theo quy hoạch.

Khu đô thị, khu dân cư tập trung phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường bao gồm:

- Mạng lưới cấp thoát nước, công trình vệ sinh nơi công cộng đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; hệ thống thu gom, xử lý nước đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; trường hợp khu đô thị, khu dân cư tập trung đã hình thành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải thì phải thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 86 của Luật này;

- Thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom. lưu trữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với lượng, chất thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trong khu đô thị, khu dân cư tập trung;

- Có diện tích cây xanh, mặt nước, không gian thoáng trong khu đô thị, khu dân cư tập trung theo quy định của pháp luật.

Công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, đường giao thông công cộng, hệ sinh thái thiên nhiên phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, bảo vệ môi trường và không được lấn chiếm, san lấp, sử dụng sai mục đích.

Khu dân cư, cụm dân cư phân tán phải có địa điểm lưu giữ tạm thời chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường trước khi vận chuyển đến địa điểm xử lý theo quy định.

Chủ dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung phải thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định.

 

1.2 Bảo vệ môi trường nơi công cộng 

- Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào từng loại thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.

- Tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm sau đây:

  • Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường phạm vi quản lý; có nhân sự, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát;
  • Xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
  • Ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý;
  • Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy xây dựng đối với đối tượng quy định theo pháp luật về xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, thiết bị thu gom và lưu chứa tạm thời chất thải trong quá trình thẩm định, cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Chính phủ.

 

1.3 Bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân

- Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm sau đây:

  • Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định;
  •  Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định; không để vật nuôi gây mất vệ sinh trong khu dân cư;
  • Không phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh;
  • Chi trả kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;
  • Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư;
  • Có công trình vệ sinh theo quy định. Trường hợp chưa có công trình, thiết bị xử lý nước thải, khi xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại đô thị, khu dân cư tập trung, phải xây lắp công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

- Chuồng trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình phải bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm tiếng ồn, phát tán mùi khó chịu; chất thải từ hoạt động chăn nuôi phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan

- Cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy xây dựng đối với công trình xây dựng, nhà ở của hộ gia đình, cá nhân ở đô thị theo quy định của pháp luật về xây dựng có trách nhiệm thẩm định, cấp giấy phép xây dựng trong đó bao gồm công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

 

1.4 Bảo vệ môi trường ở nông thôn

Yêu cầu về bảo vệ môi trường nông thôn được quy định như sau:

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, chế biến phải phù hợp với quy hoạch, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng môi trường xung quanh; chất thải phải được thu gom, tái sử dụng, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

- Cụm dân cư nông thôn phải có hệ thống thoát nước và biện pháp xử lý nước thải phù hợp; điểm tập kết chất thải phải được bố trí hợp lý; không chăn, thả động vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng; khuyến khích hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường;

- Cảnh quan, cây xanh, ao hồ, hệ sinh thái nước mặt; nguồn nước phải được giữ gìn, bảo vệ, phục hồi và cải tạo;

- Chất thải phát sinh trên địa bàn nông thôn phải được quản lý theo quy định của pháp luật; chất thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải từ chăn nuôi, chế biến và phụ phẩm nông nghiệp phải được thu hồi, tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu sản xuất;

- Chất lượng môi trường nông thôn phải được theo dõi, đánh giá; khu vực ô nhiễm phải được xác định, khoanh vùng, xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường và thực hiện biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường.

 

2. Mức xử phạt đổ rác không đúng nơi quy định?

Theo quy định điểm c và d Khoản 18 Điều 1 Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì hành vi vứt rác thải bừa bãi bị xử phạt như sau:

c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;

d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác sinh hoạt sinh hoạt trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì hành vi đổ rác không đúng nơi quy định bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng với tổ chức thực hiện hành vi đổ rác ra đường bộ không đúng nơi quy định, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 6 Điều này; khoản 3, khoản 4 Điều Nghị định này.

Đồng thời tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi đổ rác như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng: Vứt rác hoặc bỏ bất cứ vật gì khác lên tường rào và khu vực liền kề với mục tiêu bảo vệ;

 - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng: Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng góc bảo vệ mục tiêu;

- Các hành vi vi phạm hành chính về giữ gìn vệ sinh chung được xử lý, xử phạt theo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Trên đây là những chia sẻ của Luật Minh Khuê về quy định mức phạt đối với hành vi vứt rác ra đường bộ không đúng nơi quy định và cung cấp nội dung liên quan. Hi vọng bài viết đã mang tới quý bạn đọc những thông tin hữu ích. Trân trọng cảm ơn!