1. Mức phạt đối với xe máy khi vượt quá tốc độ ?

Thưa Luật sư! Luật sư có thể cho em biết quy định về việc điều khiển xe vượt quá tốc độ quy định như thế nào được không ạ? Em đang chuẩn bị đi phượt và muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này ?

Rất mong Luật sư phản hồi sớm. Xin cảm ơn Luật sư.

Luật sư tư vấn

Căn cứ cụ thể về việc xử phạt điều khiển xe máy vượt quá tốc độ được quy định nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:

* Đối với xe ô tô:

- Từ 05 - 10 km/h: Phạt tiền từ 800.000 đồng - 01 triệu đồng (trước đây bị phạt từ 600.000 - 800.000 đồng);

- Từ 10 - 20 km/h: Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 01 - 03 tháng (trước đây bị phạt từ 02 - 03 triệu đồng);

- Từ 20 - 35 km/h: Phạt tiền từ 06 - 08 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 02 - 04 tháng (trước đây bị phạt từ 05 - 06 triệu đồng và tước Bằng từ 01 - 03 tháng);

- Trên 35 km/h: Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 02 - 04 tháng (trước đây bị phạt từ 07 - 08 triệu đồng và tước Bằng từ 02 - 04 tháng).

* Đối với xe máy:

- Từ 05 - 10 km/h: Phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng (trước đây bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng);

- Từ 10 - 20 km/h: Phạt tiền từ 600.000 đồng - 01 triệu đồng (trước đây bị phạt từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng);

- Trên 20 km/h: Phạt tiền từ 04 - 05 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 02 - 04 tháng (trước đây bị phạt từ 03 - 04 triệu đồng).

Trên đây là tư vấn của chúng tôi, nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.6162 để được giải đáp.

>> Xem thêm: Điều khiển xe chạy quá tốc độ bị xử phạt bao nhiêu ? Hình phạt bổ sung lỗi quá tốc độ

2. Tốc độ lái xe cho phép khi đi vào khu vực đông dân cư ?

Xin chào luật sư Minh Khuê, xin luật sư cho tôi hỏi một chút ngày 8/11/2015 vừa rồi tôi có đi từ nhà tôi ở khu phố 3 thị trấn cổ phúc huyện trấn yên tỉnh yên bái tôi đi xe máy sang thái nguyên học khi tôi đi qua thành phố yên bái đến đoạn đường Nguyễn Tất Thành thì tôi bị CSGT bắt với lý do tôi đi quá tốc độ.

Tôi thắc mắc với đồng chí CSGT là tôi không thấy có biển giới hạn tốc độ hay biển báo khu vực đông dân cư thì đc CSGT nói với tôi rằng: biển báo khu vực đông dân cư cắm ở đầu vào thành phố tôi nghĩ là mình k để ý thấy biển báo nên tôi ký vào biên bản. Nhưng vài hôm sau tôi đi về và tôi đi lại đoạn đường đó thì không thấy có biển giới hạn tốc độ hay khu vực đông dân cư nào cả vậy luật sư cho tôi hỏi trường hợp của tôi phải làm thế nào?

Xin luật sư tư vấn giúp tôi.

Trả lời:

Với câu hỏi tốc độ tối đa khi đi vào khu vực đông dân cư Tổng đài tư vấn xin trả lời cho bạn như sau:

Thứ nhất, quy định về đường đi qua khu dân cư:

Theo quy định tại Khoản 3.7 Điều 3 của Quy chuẩn 41/2016 quy định như sau:

“3.7. Đường qua khu đông dân cư là đoạn đường bộ nằm trong khu vực nội thành phố; nội thị xã và những đoạn đường có dân cư sinh sống sát dọc theo đường; có các hoạt động có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ và được xác định bằng biển báo là đường qua khu đông dân cư (khi cần thiết có thể xác định theo từng chiều đường)”

Như vậy; khu vực đường đi qua khu đông dân cư được xác định bằng biển báo (Biển số 420 và 421). Là đường qua khu vực nội thành phố; nội thị xã và những đoạn đường có dân cư sinh sống sát dọc theo đường.

Thứ hai, tốc độ tối đa trong khu dân cư

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 4 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định:

“Điều 4. Nguyên tắc chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện trên đường bộ

1. Khi tham gia giao thông trên đường bộ, người điều khiển phương tiện phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe (thuộc chủng loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng) được ghi trên biển báo hiệu đường bộ.”.

Theo quy định trên, khi tham gia giao thông, người điều khiển phải chấp hành quy định về tốc độ được ghi trên biển báo hiệu đường bộ. Tuy nhiên, đối với những đoạn đường không có biển báo hiệu về tốc độ thì cần phải tuân thủ quy định tạiĐiều 6 Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT như sau:

“Điều 6. Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc)

Loại xe cơ giới đường bộ

Tốc độ tối đa (km/h)

Đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên

Đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới

Các phương tiện xe cơ giới, trừ các xe được quy định tại Điều 8 Thông tư này.

60

50

Như vậy, theo quy định này thì tốc độ tối đa của xe cơ giới khi đi vào khu vực đông dân cư quy định như sau:

– Đường đôi có dải phân cách hoặc đường một chiều có từ 2 làn xe là 60km/h

– Đường hai chiều không có dải phân cách giữa, đường 1 chiều có 1 làn xe là 50km/h

* Quy định về đặt biển báo hạn chế tốc độ như thế nào?

1. Việc đặt biển báo hạn chế tốc độ thực hiện theo quy định của pháp luật về báo hiệu đường bộ và phải căn cứ vào điều kiện thực tế của đoạn tuyến, tuyến đường về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, về lưu lượng, chủng loại phương tiện và về thời gian trong ngày.

Đối với dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo công trình đường bộ, lắp đặt đầy đủ biển báo hạn chế tốc độ trước khi đưa công trình vào sử dụng. Đối với đoạn tuyến, tuyến đường bộ đang khai thác thuộc phạm vi quản lý, cơ quan quản lý đường bộ phải chủ động, kịp thời lắp đặt biển báo hiệu đường bộ theo quy định.

2. Trên các đường nhánh ra, vào đường cao tốc, khi đặt biển báo hạn chế tốc độ, trị số tốc độ ghi trên biển không được dưới 50 km/h.

3. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này, quyết định đặt biển báo hiệu các trường hợp dưới đây:

a) Đối với đường đôi, đặt biển báo hạn chế tốc độ riêng cho từng chiều đường;

b) Đặt biển báo hạn chế tốc độ cho một khoảng thời gian trong ngày (biển phụ, biển điện tử);

c) Đặt biển báo hạn chế tốc độ riêng đối với các loại phương tiện có nguy cơ mất an toàn giao thông cao;

đ) Đặt biển báo hạn chế tốc độ có trị số lớn hơn 60 km/h (đối với đoạn đường trong khu vực đông dân cư), lớn hơn 90 km/h (đối với đoạn đường ngoài khu vực đông dân cư) cho các tuyến đường có vận tốc thiết kế lớn hơn vận tốc tối đa quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư này nhưng phải đảm bảo khai thác an toàn giao thông.

4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định đặt biển báo đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, bao gồm:

a) Bộ Giao thông vận tải đối với đường bộ cao tốc;

b) Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với hệ thống quốc lộ và đường khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải (trừ đường bộ cao tốc);

c) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý.

* Quy định về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông như thế nào?

1. Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo.

2. Khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường

a) Trong điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau:

Tốc độ lưu hành (km/h)

Khoảng cách an toàn tối thiểu (m)

V = 60

35

60 < V ≤ 80

55

80 < V ≤ 100

70

100 < V ≤ 120

100

Khi điều khiển xe chạy với tốc độ dưới 60 km/h, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông.

b) Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số được quy định tại điểm a Khoản này.

* Các trường hợp nào phải giảm tốc độ khi tham gia giao thông đường bộ?

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn trong các trường hợp sau:

1. Có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường;

2. Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế;

3. Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường vòng; đường có địa hình quanh co, đèo dốc; đoạn đường có mặt đường hẹp, không êm thuận;

4. Qua cầu, cống hẹp; đi qua đập tràn, đường ngầm, hầm chui; khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc;

5. Qua khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung nhiều người; khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường; khu vực đang thi công trên đường bộ; hiện trường xảy ra tai nạn giao thông;

6. Khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;

7. Có súc vật đi trên đường hoặc chăn thả ở sát đường;

8. Tránh xe chạy ngược chiều hoặc khi cho xe chạy sau vượt; khi có tín hiệu xin đường, tín hiệu khẩn cấp của xe đi phía trước;

9. Đến gần bến xe buýt, điểm dừng đỗ xe có khách đang lên, xuống xe;

10. Gặp xe ưu tiên đang thực hiện nhiệm vụ; gặp xe siêu trường, xe siêu trọng, xe chở hàng nguy hiểm; gặp đoàn người đi bộ;

11. Trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, vật liệu rơi vãi;

12. Khi điều khiển phương tiện đi qua khu vực trạm kiểm soát tải trọng xe, trạm cảnh sát giao thông, trạm giao dịch thanh toán đối với các phương tiện sử dụng đường bộ.

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email hoặc qua Tổng đài tư vấn: 1900.6162.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật giao thông - Công ty luật Minh Khuê