Mục lục bài viết
1. Lực lượng 141 là gì?
Trước tình hình hoạt động mạnh của tội phạm về an toàn giao thông, trật tự trên địa bàn cả nước ngày càng gia tăng, phức tạp, Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương, biện pháp mạnh, đồng bộ và quyết liệt để giải quyết. Thực hiện Kế hoạch số 141/KH-CAHN-PV11, tổ công tác 141 được thành lập. Theo đó, lực lượng 141 được hiểu là sự kết hợp của lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, cảnh sát ma túy, phù hợp với quy định của Nghị định 27/2010/NĐ-CP về việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.
Lực lượng 141 là một lực lượng có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác giữ gìn trật tự an ninh, an toàn giao thông, đây là lực lượng đặc trưng riêng của thủ đô. Lực lượng 141 hoạt động theo phương thức cắm chốt tại một số địa điểm và thực hiện hoạt động phát hiện, kiểm sát, tuần tra và kịp thời xử lý nhanh chóng các hành vi vi phạm. Theo quy định thì trang phục của lực lượng 141 sẽ tùy thuộc vào các lực lượng cụ thể, không mang tính thống nhất. Trong đó, chỉ có cảnh sát hình sự, cảnh sát ma túy có thể được mang thường phục mà không phải quân phục như cảnh sát cơ động hoặc cảnh sát giao thông.
2. Người dân có quyền quay phim, chụp hình lực lượng 141 không?
Ngày nay, với sự phát triển của thời đại công nghệ cao và lối sống của giới trẻ ngày nay, làm gì, sinh hoạt ra sao đều được họ cập nhật liên tục lên các trang mạng xã hội. Và việc quay phim, chụp hình lực lượng 141 khi lực lượng đang thi hành nhiệm vụ cũng không phải một ngoại lệ. Trên các trang mạng xã hội giải trí như facebook, tik tok gần đây luôn rầm rộ các clip quay chụp của người dân về lực lượng 141 kèm theo những câu từ chất vấn luật, học luật online, "ra vẻ" biết luật và thậm chí là những câu chửi rủa của những người quay clip. Ngay sau khi những hành vi này diễn ra, lực lượng Công an đã tiến hành mời người quay hình về Công an phường, xã để làm rõ nguyên do, mục đích và động cơ ghi hình là gì. Nhiều người dân còn e ngại, lo sợ hành vi quay hình là trái quy định của pháp luật và chỉ cần nghe thấy "lên phường" là đã tự tạo ra tâm lý sợ hãi. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp trong lúc người dân định mở máy ghi hình thì lực lượng 141 đã lên giọng đe dọa người dân không có quyền quay hình họ và sẽ bị khởi kiện ra Tòa về hành vi tự ý quay hình người khác mà không được sự cho phép của họ. Hành vi ghi hình này luôn luôn tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều, một bên ủng hộ hành vi quay hình của người dân để tăng cường sự giám sát, tuân thủ pháp luật của lực lượng chức năng, một bên lại kịch liệt phản đối bởi hành vi này xâm phạm đến quyền riêng tư của cá nhân, gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của lực lượng 141 và dễ bị kẻ xấu lợi dụng sơ hở. Do vậy, để giải quyết được vấn đề này chúng ta cần đặt nó dưới góc độ pháp luật. Câu hỏi đặt ra ở đây chính là, dưới góc độ pháp lý thì người dân có thật sự bị cấm quay phim, chụp hình lực lượng 141 hay không?
Và Luật Minh Khuê xin gửi câu trả lời đến quý độc giả là hiện nay pháp luật chưa có một văn bản nào quy định về việc cấm người dân thực hiện hành vi quay phim, chụp hình lực lượng 141. Do vậy người dân hoàn toàn được làm những việc mà pháp luật không cấm. Bên cạnh đó, đây còn được xem là quyền giám sát của người dân với lực lượng cơ quan nhà nước trong thi hành công vụ. Cụ thể, tại Điều 5 Luật Công an nhân dân năm 2018 có quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công an nhân dân, trong đó có quy định "Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; cấp dưới phục tùng cấp trên; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Theo quy định đó thì lực lượng 141 khi đang làm nhiệm vụ đều phải chịu sự giám sát của người dân. Người dân có thể giám sát bằng việc quay phim, chụp hình là hoàn toàn không trái với quy định của pháp luật. Chỉ trừ những trường hợp quay hình ở khi vực cấm như các khu vực an ninh, quốc phòng hoặc các khu vực hạn chế người dân, phóng viên quay phim, chụp hình thì công dân sẽ bắt buộc phải tuân thủ bí mật nhà nước.
Dẫn chứng cho việc giám sát của công dân thông qua hành động quay phim, chụp hình là quyền của người dân chính là Điều 11 Thông tư 67/2019 của Bộ Công an:
Điều 11. Hình thức giám sát của Nhân dân
1. Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng
2. Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật
3. Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ
4. Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
5. Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:
a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ
b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông)
c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Như vậy người dân hoàn toàn có quyền quay hình, chụp ảnh lực lượng 141 khi đang thi hành nhiệm vụ để đảm bảo việc thực thi pháp luật một cách khách quan, ngăn chặn được các hành vi tiêu cực. Đó là quyền được giám sát của người dân đối với cơ quan nhà nước, nhà nước của dân, do dân và vi dân, dân làm chủ nhà nước. Điều này được quy định chi tiết tại Điều 8 Hiến pháp năm 2013 như sau: "Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền".
Có thể thấy, quyền giám sát của người dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật phân tích ở trên. Do đó hành vi quay phim, chụp ảnh lực lượng 141 không phải là hành vi vi phạm pháp luật và việc công an mời người dân thực hiện hành động đó về phường, xã để giải quyết là không có căn cứ pháp lý, trừ khi hành vi đó gây cản trở hoạt động thi hành nhiệm vụ của lực lượng 141 hoặc bị cấm trong một số trường hợp như đã phân tích ở trên. Vì vậy người dân không phải mang tâm lý e ngại, lo sợ cho hành vi của mình nếu không phạm phải các điều cấm của pháp luật. Nếu phía lực lượng chức năng có gây khó khăn, đe dọa hay làm những hành vi trái với quy định của pháp luật khi thấy người dân quay hình, lúc này người dân có thể thực hiện thủ tục khiếu nại hoặc tố cáo hành vi đó.
Như vậy trên đây là toàn bộ nội dung về Người dân có quyền quay phim, chụp hình lực lượng 141 không? do Công ty Luật Minh Khuê biên soạn và muốn gửi đến quý khách mang tính chất tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách. Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!