Thưa luật sư, xin luật sư giải đáp giúp tôi thắc mắc như sau ạ. Sự việc là như thế này, vừa qua công ty có cho quản lý nhân sự nói chuyện với tôi về việc sẽ cho tôi nghỉ việc nhưng tôi không đồng ý với quyết định này, tôi nói tôi sẽ kiện nếu công ty chấm dứt hợp đồng lao động thì người quản lý này có nói là tôi thưa công ty sẽ không được lợi ích gì vì công ty làm đúng và nếu trường hợp tôi thua kiện thì sẽ phải trả cho công ty phí thuê luật sư tư vấn cho công ty để theo vụ kiện này và chi phí phát sinh khác nhue tiền bỏ ra để chuẩn bị tài liệu cung cấp cho tòa án.... Vậy luật sư cho tôi hỏi, những gì người quản lý này nói có đúng không? Có quy định pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này hay không? Rất mong nhận được phản hồi từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người hỏi: Thanh Tuyết - Bình Dương

1. Cơ sở pháp lý

- Bộ luật lao động năm 2019

- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

- Luật công chứng năm 2014

- Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

2. Nghĩa vụ trả chi phí luật sư cho công ty khi thua kiện

Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Chi phí cho luật sư là khoản tiền phải trả cho luật sư theo thỏa thuận của đương sự với luật sư trong phạm vi quy định của tổ chức hành nghề luật sư và theo quy định của pháp luật. Chi phí cho luật sư do người yêu cầu chịu, trừ trường hợp các bên đương sự có sự thỏa thuận khác. Theo đó, ngoại trừ trường hợp giữa người lao động và công ty có thỏa thuận trong hợp đồng lao động về việc bên thua kiện sẽ phải chịu chi phí luật sư còn nếu không có thỏa thuận nào về vấn đề này thì người lao động sẽ không phải trả chi phí luật sư cho doanh nghiệp. Trên thực tế thì việc yêu cầu bên thua kiện thanh toán các chi phí luật sư tại các Tòa án Việt Nam thường không được chấp nhận ngay cả khi các bên có thỏa thuận về việc đó trong hợp đồng lao động đã giao kết.

3. Các chi phí phát sinh khác trong quá trình tham gia vụ kiện

Khi tham gia vụ kiện thì công ty sẽ phải cử người tham gia và sẽ có nghĩa vụ chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu cung cấp cho Tòa án để chứng minh quyết định đã ban hành đối với người lao động là đúng quy định pháp luật, do đó sẽ phát sinh các chi phí như sao chụp, dịch thuật, công chứng tài liệu. Vậy khi thua kiện, người lao động có phải trả cho công ty những chi phí này hay không?

Bộ luật tố tụng dân sự quy định Đương sự giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp (khoản 3 Điều 96). Theo quy định này thì trách nhiệm giao nộp chứng cứ cho Tòa án kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp là thuộc về công ty. 

Tại khoản 1 và khoản 3 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Chi phí cho người phiên dịch là khoản tiền phải trả cho người phiên dịch trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo thỏa thuận của đương sự với người phiên dịch hoặc theo quy định của pháp luật. Chi phí cho người phiên dịch do người yêu cầu chịu, trừ trường hợp các bên đương sự có thỏa thuận khác.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự cũng có quy định rõ rằng đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được tòa án chấp nhận trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm. Như vậy, thực tế không có quy định pháp luật nào ràng buộc trách nhiệm của người thua kiện phải trả chi phí phát sinh trong quá trình theo kiện cho người thắng kiện (trừ án phí).

Tuy nhiên, cần lưu ý thêm công ty (bị đơn) trong vụ án, theo quy định tại khoản 4 Điều 72 Bộ luật tố tụng dân sự thì công ty có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với yêu cầu của nguyên đơn. Đối với các yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền và nghĩa của nguyên đơn theo quy định pháp luật tố tụng dân sự. Khi đó, chi phí phát sinh đối với công ty khi phải theo vụ kiện có thể được công ty coi là thiệt hại thực tế mà doanh nghiệp đã phải gánh chịu do các yêu cầu không có cơ sở của người lao động, và nếu công ty đưa ra được các căn cứ chứng minh thiệt hại do yêu cầu của người lao ddoognj gây ra thì có thể yêu cầu phản tố sẽ được Tòa án chấp nhận.

4. Doanh nghiệp có chi nhánh tại tỉnh khác trụ sở chính thì người lao động gửi đơn kiện đến Tòa án nào?

Thưa luật sư, hiện tại tôi đang làm việc tại chi nhánh ở Hải Phòng của công ty SB, nhưng công ty có trụ sở chính ở Bắc Ninh, tôi thì có hộ khẩu ở Hà Giang. Công ty ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với tôi không thỏa đáng, tôi muốn kiện công ty thì gửi đơn kiện tới tòa án ở tỉnh nào thì sẽ được tiếp nhận giải quyết? Rất mong nhận được tư vấn của luật sư. Tôi xin cảm ơn!

Người hỏi: Nguyễn Lan - Hà Giang

Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan , tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. 

Bên cạnh đó tại điểm đ khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự quy định Nguyên đơn có yêu cầu tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết nếu tranh chấp lao động thuộc trường hợp là tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động.

Theo đó, trường hợp quý khách hỏi thì có hai lựa chọn về thẩm quyền giải quyết của tòa án đó là:

- Tòa án nơi quý khách làm việc (chi nhánh công ty ở Hải Phòng); hoặc 

- Tòa án nơi quý khách đăng ký thường trú (Hà Giang)

Căn cứ quy định tại Điều 32 và Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì quý khách có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện nơi quý khách đang cư trú hoặc Tòa án nhân dân huyện nơi chi nhánh làm việc để được thụ lý giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Vụ án dân sự phải được thụ lý bởi Tòa án có thẩm quyền, nếu vụ án dân sự đã được thụ lý mà không thuộc thẩm quyền của Tòa án đã thụ lý thì Tòa án đã thụ lý sẽ phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý của mình.

Như vậy, để thuận tiện cho việc đi lại trong quá trình giải quyết vụ việc tại Tòa án quý khách có thể cân nhắc lựa chọn tòa án nơi quý khách đăng ký thường trú để giải quyết và nộp đơn khởi kiện tại đây. 

Lưu ý, công ty có thể thay đổi Tòa án giải quyết tranh chấp vè nơi chi nhánh công ty ở Hải Phòng nếu như quý khách đồng ý với việc đó.

5. Tài liệu bằng tiếng Trung Quốc khi cung cấp cho tòa án lựa chọn phương thức dịch thuật công chứng nào sẽ hợp pháp?

Khoản 3 Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự quy định đương sự giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Như vậy, nghĩa vụ của người được yêu cầu là phải cung cấp kèm theo bản dịch sang tiếng Việt và phải được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Trên thực tế sẽ có 03 cách thức để thực hiện dịch thuật, công chứng tài liệu tiếng nước ngoài hợp pháp. Cụ thể:

Cách thứ nhất. Chứng thực chữ ký người dịch tại Phòng tư pháp. Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì thẩm quyền chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt do Trưởng phòng, phó trưởng phòng tư pháp huyện, quận, thị xa, thành phố thuộc tỉnh) thực hiện và ký chứng thực, đóng dấu của Phòng Tư pháp. Bản dịch được chứng thực tại Phòng tư pháp được xem là hợp lệ và có thể nộp cho Tòa án có thẩm quyền để làm chứng cứ chứng minh.

Cách thứ hai. Công chứng bản dịch của công chứng viên thuộc Văn phòng công chứng tư nhân. Công chứng viên tiếp nhận bản chính của giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của Văn phòng công chứng tư nhân thực hiện. Công chứng viên sẽ chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái với đạo đức xã hội; Bản dịch có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Như vậy chứng thực bản dịch của công chứng viên thuộc Văn phòng công chứng tư nhân là hợp pháp và có thể nộp cho Tòa án có thẩm quyền để làm chứng cứ chứng minh.

Cách thứ ba. Cung cấp cho tòa án bản dịch của doanh nghiệp có chức năng cung cấp dịch vụ dịch thuật. Trường hợp này thì thường áp dụng đối với những tài liệu như email, tin nhắn điện thoại, tin nhắn trên các mạng xã hội mà không dịch công chứng, chứng thực tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc Phòng Tư pháp. Khi đó, lựa chọn doanh nghiệp có chức năng cung cấp dịch vụ dịch thuật tin cậy để dịch nội dung và cung cấp cho tòa án có thẩm quyền dể làm cơ sở xem xét, đánh giá trong quá trình giái quyết vụ án.

1900.6162

Luật Minh Khuê (Tổng hợp và phân tích)