Mục lục bài viết
- 1. Khái nhiệm quản lý nhà nước về đất đai
- 2. Mục đích, yêu cầu của quản lý nhà nước về đất đai
- 3. Nguyên tắc của quản lý nhà nước về đất đai
- 4. Đối tượng của quản lý nhà nước về đất đai
- 5. Các chủ thể quản lý và sử dụng đất đai
- 5.1 Các chủ thể quản lý đất đai
- 5.2 Đất đai
- 6. Phương pháp quản lý nhà nước về đất đai
1. Khái nhiệm quản lý nhà nước về đất đai
Các quan hệ đất đai là các quan hệ xã hội trong lĩnh vực kinh tế, bao gồm; quan hệ về sở hữu đất đai, quan hệ về sử dụng đất đai, quan hệ về phân phối các sản phẩm do sử dụng đất mà có.
Quan hệ về sở hữu đất đai ở nước ta kể từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn và tương ứng với mỗi giai đoạn đó là các hình thức sở hữu về đất đai đã tồn tại ở nước ta. Trong đó hình thức sở hữu toàn dân về đất đai được đánh dấu từ quy định tại Hiến pháp 1980 đến nay và Nhà nước là người đại diện quyền sở hữu về đất đai, thực hiện quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật. Là chủ sở hữu về đất đai Nhà nước có đầy đủ các quyền năng của một chủ sở hữu đối với loại tài sản đặc biệt là đất đai, đó là quyền chiếm hữu đất đai, quyền sử dụng đất đai và quyền định đoạt đất đai. Để thực hiện các quyền năng này Nhà nước đã thực hiện trực tiếp bằng việc xác lập chế độ pháp lý về quản lý và sử dụng đất đai, đồng thời xác lập một hệ thống cơ quan nhà nước do Nhà nước lập ra đảm nhận.
* Hoạt động thứ nhất là nắm chắc tình hình đất đai: đây là hoạt động giúp Nhà nước nắm rõ về các thông tin đất đai cả về số lượng, chất lượng và tình hình hiện trạng của công tác quản lý và sử dụng đất đai. Cụ thể:
- Nắm chắc về số lượng đất đai: là Nhà nước nắm chắc tình hình đất đai trong phạm vi cả nước, trong từng vùng hoặc khu vực kinh tế, trong từng đơn vị hành chính ở các địa phương; nắm vững diện tích của mỗi loại đất và sự phân bổ mỗi loại đất này trên bề mặt lãnh thổ đồng thời nắm vững diện tích của từng chủ sử dụng,…
- Nắm vững về chất lượng đất đai: là Nhà nước nắm vững về đặc điểm lý tính, hóa tính của từng loại đất, độ phì của đất, kết cấu đất, hệ số sử dụng của đất, …
- Nắm vững về hiện trạng đất đai: là Nhà nước nắm vững tình hình thực tế của công tác quản lý và sử dụng có hợp lý, hiệu quả hoặc có phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
* Hoạt động thứ hai là Nhà nước thực hiện việc phân phối và phân phối lại đất đai: giữ vai trò là chủ sở hữu về đất đai, do vậy Nhà nước thực hiện việc quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật. Do vậy ở hoạt động cơ bản này Nhà nước thực hiện việc phân bổ đất đai theo các mục đích đảm bảo nhu cầu cho các mục tiêu chung của các ngành, lĩnh vực trong phạm vi của từng địa phương, khu vực hoặc trong phạm vi cả nước. Đây là hoạt động chỉ về việc Nhà nước căn cứ vào quỹ đất đai của mình và nhu cầu về việc sử đất của các ngành trong một thời gian nhất định để phân bổ, sắp xếp về số lượng, chất lượng và vị trí đất đai cho các nhu cầu đó, hay còn gọi là hoạt động lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai. Từ kết quả quy hoạch và kế hoạch đã thực hiện Nhà nước căn cứ vào nhu cầu cụ thể của các đối tượng có nhu cầu sử dụng đất theo các mục đích đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà tiếp tục phân phối lại quỹ đất đai này cho họ theo quy định của pháp luật.
* Hoạt động thứ ba là Nhà nước tiến hành thanh tra, giám sát tình hình quản lý và sử dụng đất đai: Đây là hoạt động chỉ về việc Nhà nước thực hiện quyền giám sát các chủ thể là các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và các chủ sử dụng đất đối với việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời thông qua hoạt động này mà Nhà nước tham gia vào công tác giải quyết, xử lý các sai phạm, bất đồng mâu thuẫn về đất đai xảy ra trên thực tế.
* Hoạt động thứ tư là Nhà nước thực hiện quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất: Nhà nước thực hiện hoạt động này thông qua hoạt động tài chính về đất đai. Đó là hoạt động xác định giá các loại đất; tiền sử dụng đất đối với các đối tượng sử dụng đất ở các mục đích; các loại thuế có liên quan đến việc sử dụng đất.
Các hoạt động trên có mối quan hệ trong một thể thống nhất nhằm mục đích là bảo vệ và thực hiện quyền sở hữu Nhà nước đối với đất đai. Do đó ta có thể hiểu và đưa ra khái niệm về quản lý nhà nước về đất đai như sau:
“Quản lý nhà nước về đất đai là tổng hợp các hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu của Nhà nước đối với đất đai, bao gồm: hoạt động nắm chắc tình hình đất đai; phân phối và phân phối lại đất đai; kiểm tra giám sát tình hình quản lý và sử dụng đất đai; điều tiết các nguồn lợi từ đất đai”.
2. Mục đích, yêu cầu của quản lý nhà nước về đất đai
Quản lý nhà nước về đất đai nhằm các mục đích sau:
- Bảo vệ quyền sở hữu nhà nước đối với đất đai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất;
- Đảm bảo sử dụng hợp lý quỹ đất đai của quốc gia;
- Tăng cường hiệu quả sử dụng đất;
- Bảo vệ đất, cải tạo đất, bảo vệ môi trường.
Yêu cầu của công tác quản lý đất đai là phải đăng ký, thống kê đất đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật đất đai ở từng địa phương theo các cấp hành chính.
3. Nguyên tắc của quản lý nhà nước về đất đai
Trong quản lý nhà nước về đất đai cần chú ý các nguyên tắc sau:
- Đảm bảo sự quản lý tập trung và thống nhất của Nhà nước
- Đảm bảo kết hợp hài hòa giữa quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất đai, giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người trực tiếp sử dụng
- Tiết kiệm và hiệu quả
4. Đối tượng của quản lý nhà nước về đất đai
Đối tượng của quản lý nhà nước về đất đai gồm 2 nhóm:
- Các chủ thể quản lý đất đai và sử dụng đất đai
- Đất đai
5. Các chủ thể quản lý và sử dụng đất đai
5.1 Các chủ thể quản lý đất đai
Khi nói đến chủ thể quản lý đất đai là chỉ về hệ thống cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương thay mặt nhân dân thực hiện quyền quản lý đất đai. Chủ yếu là các cơ quan hành chính nhà nước như Chính phủ, UBND các cấp và bên cạnh hệ thống cơ quan này còn có hệ thống cơ quan chuyên môn về đất đai có trách nhiệm giúp Nhà nước thực hiện vai trò quản lý đất đai trong phạm vi cả nước hoặc trong phạm vi hành chính các cấp. Ngoài các cơ quan nói trên có chức năng quản lý đất đai, thì trong Luật đất đai năm 2013 còn quy đinh thêm một loại hình chủ thể cũng có chức năng tham gia vào quản lý đất đai đó là Ban quản lý các Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế, Khu Công nghệ cao. Quyền quản lý đất đai của loại hình chủ thể này không đầy đủ các nội dung như các cơ quan Nhà nước nói trên, mà nó bị hạn chế và chỉ được thực hiện một số nội dung trong 13 nội dung quản lý nhà nước về đất đai đã được quy định trong Luật đất đai năm 2013. Các quyền của loại hình chủ thể này là được phép chuyển giao quyền sử dụng đất cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng đất trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao theo các hình
thức là giao hoặc cho thuê.
* Các chủ thể sử dụng đất đai
Theo quy định trong Luật đất đai năm 2013 thì chủ thể sử dụng đất đai gồm các đối tượng sau:
- Cơ quan, tổ chức trong nước;
- Cơ sở tôn giáo;
- Cộng đồng dân cư;
- Hộ gia đình;
- Cá nhân trong nước;
- Tổ chức nước ngoài;
- Cá nhân nước ngoài;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài
5.2 Đất đai
Đất đai là nhóm đối tượng thứ hai của quản lý Nhà nước về đất đai. Để thực hiện quản lý đối với đối tượng là đất đai Nhà nước đã chia đối tượng này thành các nhóm chính và trong các nhóm đó còn chia thành các loại và mục đích sử dụng cụ thể để tiện ích cho công tác quản lý. Cụ thể đất đai được chia thành 3 nhóm và 14 loại.
6. Phương pháp quản lý nhà nước về đất đai
Phương pháp quản lý Nhà nước về đất đai là tổng thể những cách thức tác động có chủ đích của Nhà nước lên hệ thống đất đai và chủ thể sử dụng đất nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra trong những điều kiện cụ thể về không gian và thời gian nhất định. Các phương pháp quản lý Nhà nước nói chung và quản lý đất đai nói riêng có vai trò rát quan trọng trong hệ thống quản lý. Các phương pháp quản lý nhà nước về đất đai được hình thành từ các phương pháp quản lý nhà nước nói chung. Vì vậy về cơ bản vẫn phải tuân thủ theo các phương pháp của quản lý nhà nước, nhưng nó được cụ thể hóa trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể:
* Phương pháp thu thập thông tin đất đai: đây là phương pháp được thực hiện bằng các phương pháp cụ thể như sau:
- Phương pháp thống kê: đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong quá trình nghiên cứu về các vấn đề kinh tế, xã hội, sử dụng phương pháp này cần tiến hành điều tra, tổng hợp và phân tích thống kê để từ đó biết được tình hình, nguyên nhân của sự vật và hiện tượng mà có thể tìm ra được tính quy luật và rút ra những kết luận đúng đắn về sự vật, hiện tượng đó.
Ứng dụng phương pháp này trong lĩnh vực đất đai để có thể nắm được tính hình số lượng, chất lượng đất đai và các thông tin khác về đất đai, để từ đó Nhà nước có kế hoạch quản lý đất đai được tốt hơn.
- Phương pháp toán học: cùng với tiến bộ của khoa học công nghệ, toán học ở đây đã có vai trò quan trọng trong công tác quản lý của Nhà nước nói chung và đất đai nói riêng. Từ phương pháp này mà giúp Nhà nước có thể tính toán quy mô, thiết kế, quy hoạch hoặc đưa ra được loại hình sử dụng đất tối ưu và khoa học nhất.
- Phương pháp điều tra xã hội học: đây là phương có tính hỗ trợ, bổ xung nhưng cũng có vai trò quan trọng trong quản lý của Nhà nước đối với đất đai.
* Phương pháp tác động đến con người: trong quản lý đất đai Nhà nước sử dụng các phương pháp tác động đến con người như sau:
- Phương pháp hành chính: là phương pháp tác động mang tính trực tiếp, phương pháp này dựa vào mối quan hệ tổ chức của hệ thống quản lý, nó mang đậm bản chất của mối quan hệ giữa quyền uy và phục tùng. Nhà nước sử dụng phương pháp này tác động lên các chủ thể trong quan hệ đất đai bằng các biện pháp, các quyết định mang tính mệnh lệnh bắt buộc. nó đòi hỏi các chủ thể chịu sự tác động phải chấp hành nghiêm chỉnh, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Do vậy trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, các quyết định hành chính do các cơ quan có thẩm quyền ban hành muốn đạt kết quả tốt thì phải là những quyết định có tính khoa học, dựa trên những căn cứ khoa học nhất định và phải đảm bảo tính khách quan.
- Phương pháp kinh tế: đây là phương pháp tác động gián tiếp lên đối tượng bị quản lý, không trực tiếp như phương pháp hành chính. Trong quản lý nhà nước về đất đai phương pháp này giúp Nhà nước tác động một cách gián tiếp vào đối tượng sử dụng đất thông qua các lợi ích kinh tế của người sử dụng đất, để họ nhận thức và lựa chọn phương án hoạt động của mình sao cho có hiệu quả nhất. Đồng thời đây cũng là phương pháp mềm dẻo nhất và có sức thu hút nhất. Do vậy khi sử dụng phương pháp này giúp Nhà nước giảm được một số khâu công việc mang tính sự vụ hành chính, từ đó vừa tiết kiệm được chi phí quản lý và cũng giảm được tính cứng nhắc trong điều hành của Nhà nước.
- Phương pháp tuyên truyền giáo dục: là cách thức Nhà nước tác động vào nhận thức và tình cảm của con người nhằm nâng cao tính tự giác và lòng nhiệt tình của họ trong quản lý đất đai nói riêng và trong hoạt động kinh tế - xã hội nói chung.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Đất đai - Công ty luật Minh Khuê