1. Biện pháp áp giải, dẫn giải trong Bộ luật tố tụng hình sự 2003

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì biện pháp áp giải và dẫn giải chưa được quy định thành một mục riêng như trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhưng nó đã được quy định cụ thể trong các điều 49, 50, 55 thuộc chương IV (Người tham gia tố tụng), điều 130 thuộc Chương X (Khởi tố bị can và hỏi cung bị can), điều 134 thuộc Chương XI (Lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Đối chất và nhận dạng). Theo đó áp giải và dẫn giải đã được coi là một biện pháp cưỡng chế trong hoạt động tố tụng hình sự, được áp dụng trong các trường hợp bị can, bị cáo, người làm chứng cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án mà không có lý do chính đáng và việc không có mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên qua thực tiễn áp dụng cũng đã có những điểm chưa phù hợp gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.

2. Áp giải và dẫn giải được áp dụng trong các trường hợp nào?

Để khắc phục những hạn chế trong BLTTHS 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định riêng một mục về biện pháp cưỡng chế (nằm trong Chương VII - Biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế). Trong đó, đã dành ra 2 điều (điều 126, 127) quy định cụ thể áp giải và dẫn giải là một trong 4 biện pháp cưỡng chế và trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng để bảo đảm cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tuân thủ đúng pháp luật.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì áp giải và dẫn giải được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Áp giải có thể áp dụng đối với:

+ Bị can, bị cáo trong trường hợp đã được triệu tập nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng;

+ Người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp;

+ Người bị buộc tội.

- Dẫn giải có thể áp dụng đối với:

+ Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

+ Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

+ Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

3. Thẩm quyền áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải

Chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải bao gồm Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử. Việc trao quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế áp giải, dẫn giải cho những người trực tiếp tiến hành hoạt động điều tra như Điều tra viên, Kiểm sát viên không chỉ góp phần giải quyết vụ án được nhanh chóng, mà quan trọng hơn, sẽ tăng cường tính độc lập, nâng cao trách nhiệm của những người “trực tiếp” tiến hành tố tụng. Đây cũng là xu hướng lập pháp tố tụng hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, Bộ luật TTHS năm 2015 cũng đã quy định cụ thể các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định áp giải, đó là Cơ quan Công an nhân dân và Quân đội nhân dân có thẩm quyền.

4. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải

Theo trình tự, thủ tục của Bộ luật TTHS năm 2015, biện pháp áp giải, dẫn giải khi thực hiện đều phải có Quyết định của chủ thể có thẩm quyền với nội dung cụ thể bao gồm, ngày tháng năm ban hành quyết định, số quyết định, căn cứ áp dụng, nhân thân của đối tượng bị áp dụng biện pháp áp giải (ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú), thời gian, địa điểm áp giải và chữ ký của người có thẩm quyền ra quyết định. Bên cạnh đó, người thi hành quyết định áp giải, dẫn giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải, dẫn giải. Biên bản phải ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động áp giải, người thực hiện áp giải, đối tượng bị áp giải, người chứng kiến… và phải có chữ ký của những người liên quan đến hoạt động áp giải. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, nếu như một số biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tạm giam đòi hỏi trong một số trường hợp phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát trước khi thi hành thì Bộ luật TTHS năm 2015 lại cho phép các chủ thể có thẩm quyền được phép ra quyết định áp giải, dẫn giải mà không cần có sự phê chuẩn từ Viện kiểm sát.

5. Một số lưu ý khi tiến hành áp giải, dẫn giải

Để đảm bảo cho biện pháp áp giải vừa mang tính cưỡng chế nghiêm khắc, vừa thể hiện tính nhân đạo, mềm mỏng trong các tình huống có thể, khoản 6, Điều 127 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: “Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế”. Quy định trên quy định thủ tục tố tụng riêng của áp giải trong một số trường hợp đặc biệt đó là: Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm. Ban đêm được tính từ 22 giờ tối hôm nay đến 6 giờ sáng hôm sau. Đây là thời điểm nhạy cảm cho các hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là các hoạt động có ảnh hưởng đến thân thể, sức khoẻ, cũng như danh dự, nhân phẩm của người khác dễ dẫn đến sự phản ứng, gây dư luận không tốt, ngay cả biện pháp có tính cưỡng chế cao như biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam cũng quy định “không được bắt người vào ban đêm”, do đó việc Bộ luật TTHS không cho phép thực hiện áp giải vào ban đêm là hoàn toàn đúng đắn, đảm bảo cho biện pháp áp giải được thực hiện đúng nguyên tắc pháp luật, đảm bảo quyền con người được tôn trọng tối đa. Một vấn đề mới, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo khi quy định biện pháp áp giải của Bộ luật TTHS năm 2015 là việc quy định các đối tượng cụ thể không áp dụng biện pháp áp giải. Các đối tượng đó bao gồm người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế. Những người này hiện có sức khoẻ yếu, tinh thần không ổn định, không đảm bảo cho quá trình di chuyển từ nơi này đến nơi khác, việc áp giải có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ hoặc có thể gây tổn hại đến thể chất, tinh thần của họ, từ đó có thể xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

6. Một số điểm mới về quy định áp giải, dẫn giải trong BLTTHS 2015

Hai biện pháp cưỡng chế này được quy định trong cùng một điều luật cho thấy về bản chất chúng có điểm tương đồng đều là sự hạn chế quyền tự do đi lại của cá nhân, buộc người bị áp dụng phải di chuyển đến địa điểm nhất định. Bên cạnh đó, thông qua định nghĩa của Bộ luật mới về áp giải và dẫn giải chúng ta có thể thấy giữa chúng có sự khác biệt nhất định. Áp giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử. Còn dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định. Như vậy, sự khác biệt giữa hai biện pháp này là ở đối tượng bị áp dụng.

So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì Bộ luật mới đã mở rộng phạm vi áp dụng của hai biện pháp này. Ngoài bị can, bị cáo, áp giải có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ. Còn dẫn giải có thể áp dụng không chỉ đối với người làm chứng mà còn có thể áp dụng với người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án khi những người này được triệu tập hoặc yêu cầu có mặt để thực hiện giám định mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan. Ngoài Điều tra viên, Bộ luật mới đã mở rộng phạm vi chủ thể có quyền quyết định áp dụng hai biện pháp cưỡng chế này như cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử. Yêu cầu về nội dung của quyết định áp giải, quyết định dẫn giải, điều kiện, trình tự thi hành (không bắt đầu thực hiện vào ban đêm và đối với người già yếu, bệnh nặng) và cơ quan có trách nhiệm thi hành cũng được quy định rõ.

Với vai trò là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự nên áp giải, dẫn giải cũng mang nhiều ý nghĩa tích cực đảm bảo cho hoạt động tố tụng của các chủ thể tiến hành tố tụng diễn ra bình thường: Một là, góp phần tăng cường pháp chế, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của nhân dân, đặc biệt là những người tham gia tố tụng khiến cho họ phải luôn ý thức tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ của mình, bắt buộc phải có mặt theo giấy triệu tập khi có yêu cầu. Hai là, giúp cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được diễn ra một cách nhanh chóng, kịp thời và góp phần bảo vệ các quyền lợi cơ bản của người bị buộc tội. Ba là, có những đóng góp tích cực về mặt kinh tế khi tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho quá trình giải quyết vụ án. Bởi trên thực tế có nhiều vụ án, Tòa án triệu tập những người tham gia tố tụng gần như đầy đủ nhưng vẫn còn thiếu bị cáo mặc dù những người này đã được triệu tập hợp lệ tuy nhiên vẫn cố tình vắng mặt gây trở ngại cho quá trình xác định sự thật khách quan của vụ án, gây khó khăn cho hoạt động xét xử của Tòa án.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)