Cơ sở pháp lý và được sử dụng trong bài viết:

  • Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
  • Luật Giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;
  •  Luật Đấu giá tài sản ngày 17 tháng 11 năm 2016;
  • Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;
  • Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
  • Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá về thẩm định giá;
  • Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản;
  • Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
  • Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ;
  • Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
  • Quyết định 16/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet.

Về nội dung chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet được quy định cụ thể tại Chương III của Quyết định 16/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet. Theo đó, Luật Minh Khuê chúng tôi đã biên soạn tương ứng với các mục dưới đây. 

I. Chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông 

1. Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông

- Ngoài các điều kiện quy định lại khoản 2 Điều 49 của Luật Viễn thông, doanh nghiệp, tổ chức được phân bổ mã, số, khối số viễn thông thông qua đấu giá được phép chuyển nhượng quyền sử dụng mã, số, khối số này cho các doanh nghiệp, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này sau khi đã khai thác và sử dụng mã, số, khối số viễn thông trong thời gian ít nhất 03 năm, kể từ ngày được cấp, phân bổ mã, số, khối số viễn thông.

- Đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông là các doanh nghiệp, tổ chức đáp ứng yêu cầu tối thiểu quy định tại cuộc đấu giá mà doanh nghiệp chuyển nhượng tham gia.

2. Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông

Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông

Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông được lập thành 01 bộ, bao gồm:

- Văn bản đề nghị chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng có dấu và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, tổ chức chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này;

- Bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp, tổ chức chuyển nhượng và doanh nghiệp, tổ chức nhận chuyển nhượng về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng của việc chuyển nhượng;

- Tài liệu chứng minh của doanh nghiệp, tổ chức nhận chuyển nhượng về việc đáp ứng các yêu cầu tối thiểu tại cuộc đấu giá mà doanh nghiệp, tổ chức chuyển nhượng đã tham gia; bản cam kết của doanh nghiệp, tổ chức nhận chuyển nhượng.

Thủ tục chuyển nhượng

- Doanh nghiệp, tổ chức chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông nộp hồ sơ chuyển nhượng trực tiếp hoặc thông qua hệ thống bưu chính tại Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc thông qua hình thức trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia (http://dichvucong.vn) hoặc Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông (http://dichvucong.mic.gov.vn);

 - Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo bằng văn bản cho các doanh nghiệp, tổ chức về việc chấp thuận chuyển nhượng quyền sử dụng mã, số viễn thông;

Trường hợp không cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng mã, số viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp, tổ chức chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng biết và nêu rõ lý do từ chối;

- Sau khi nhận được văn bản chấp thuận cho phép chuyển nhượng mã, số viễn thông, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng và làm thủ tục xin phân bổ mã, số viễn thông theo quy định;

- Sau khi xác nhận việc doanh nghiệp, tổ chức đã hoàn thành nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông theo quy định của pháp luật về thuế, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phân bố mã, số viễn thông cho doanh nghiệp, tổ chức nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về viễn thông.

II. Chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền INTERNET

1. Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet

Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật Viễn thông, việc chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet quốc gia Việt Nam “.vn” và các tên miền Internet khác thuộc quyền quản lý của Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:

Trường hợp khoonh được chuyển nhượng tên miền Internet

Không được phép chuyển nhượng tên miền Internet đối với:

- Tên miền được ưu tiên bảo vệ, bao gồm tên miền là tên gọi của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và tên miền khác liên quan đến lợi ích, an ninh chủ quyền quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định;

  Tên miền Internet đang xử lý vi phạm, đang trong quá trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại hoặc đang bị tạm ngừng sử dụng.

Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet phải làm thủ tục đăng ký lại tên miền Internet và nộp phí, lệ phí đăng ký, duy trì sử dụng tên miền theo quy định về đăng ký, sử dụng tài nguyên Internet.

Quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet được thực hiện tại nhà đăng ký đang quản lý tên miền Internet đó.

Tên miền Internet đang trong quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng không được cấp cho các tổ chức, cá nhân khác ngoài các bên đang thực hiện việc chuyển nhượng.

Các bên tham gia chuyển nhượng tự chịu trách nhiệm nếu việc chuyển nhượng không thực hiện được do trong quá trình chuyển nhượng, tên miền Internet bị tạm ngừng hoặc thu hồi theo các quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet của Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet

Hồ sơ chuyển nhượng

Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet được lập thành 01 bộ gồm văn bản đề nghị chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng tên miền Internet theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định này. Văn bản phải có dấu và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của tổ chức hoặc chữ ký của cá nhân là chủ thể đang đứng tên đăng ký sử dụng tên miền Internet được chuyển nhượng; dấu và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của tổ chức hoặc chữ ký của cá nhân nhận chuyển nhượng tên miền Internet.

Thủ tục chuyển nhượng

- Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet nộp hồ sơ chuyển nhượng theo quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp, trực tuyến hoặc qua đường bưu chính về nhà đăng ký đang quản lý tên miền Internet đó;

- Trường hợp tên miền được cấp quyền sử dụng không thông qua đấu giá, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nhà đăng ký đang quản lý tên miền Internet xem xét điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet và thông báo bằng văn bản cho bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng về việc tên miền được chuyển nhượng;

- Trường hợp tên miền được cấp quyền sử dụng thông qua đấu giá, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nhà đăng ký đang quản lý tên miền xem xét điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet và gửi yêu cầu về Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) đề nghị chấp nhận yêu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền. Trường hợp yêu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền được duyệt, Nhà đăng ký đang quản lý tên miền thông báo bằng văn bản cho bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng về việc tên miền được chuyển nhượng trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo duyệt yêu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền từ Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam);

- Trường hợp tên miền Internet không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng, nhà đăng ký đang quản lý tên miền Internet thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ xin chuyển nhượng và nêu rõ lý do từ chối;

- Sau khi nhận được văn bản chấp thuận của nhà đăng ký đang quản lý tên miền Internet được chuyển nhượng, tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng;

- Sau khi các bên hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng theo quy định, bên nhận chuyển nhượng phải hoàn tất các thủ tục đăng ký lại tên miền Internet tại nhà đăng ký đang quản lý tên miền Internet theo quy định đăng ký và sử dụng tài nguyên Internet;

- Nhà đăng ký đang quản lý tên miền Internet thực hiện các thủ tục đăng ký lại tên miền Internet cho bên nhận chuyển nhượng, lưu giữ hồ sơ và thực hiện việc báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý trong trường hợp cần thiết.

Giao dịch chuyển nhượng bị coi là không hợp pháp trong các trường hợp: các bên tham gia quá trình chuyển nhượng không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet theo quy định của pháp luật về thuế; thực hiện chuyển nhượng không thông qua nhà đăng ký đang quản lý tên miền; có sự giả mạo về thông tin, hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền.

III. TRrách nhiệm các bên trong chuyển nhượng 

1. Trách nhiệm của bên chuyển nhượng

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet có trách nhiệm sau:

- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng của việc chuyển nhượng.

- Thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet theo quy định của pháp luật về thuế.

- Nộp lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet theo quy định.

- Tuân thủ các quy định của pháp luật về viễn thông.

2. Trách nhiệm của bên nhận chuyển nhượng

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet có trách nhiệm sau:

- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng của việc chuyển nhượng.

- Thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với hoạt động nhận chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet (nếu có) theo quy định của pháp luật về thuế.

- Nộp lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet theo quy định,

- Tuân thủ các quy định của pháp luật về viễn thông.

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).