Tăng giảm cỡ chữ:

Nội dung, trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí

Nội dung kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí như thế nào? Luật Minh Khuê xin giải đáp vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý:

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;

Nghị định 08/2021/NĐ-CP

1. Nội dung kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí

Nội dung chính của kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí được quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Bảo vệ môi trường. Một số nội dung được quy định chi tiết như sau:

1.1 Về đánh giá công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí cấp quốc gia

Về đánh giá công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí cấp quốc gia; nhận định các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí:

a) Hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường không khí quốc gia trong giai đoạn tối thiểu 03 năm gần nhất; tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí và phân bố phát thải theo không gian tự các nguồn ô nhiễm điểm, nguồn ô nhiễm di động, nguồn ô nhiễm diện; ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường không khí tới sức khỏe cộng đồng;

b) Kết quả thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng môi trường không khí, các trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng môi trường không khí và khí thải công nghiệp; việc sử dụng số liệu quan trắc phục vụ công tác đánh giá diễn biến và quản lý chất lượng môi trường không khí trong giai đoạn tối thiểu 03 năm gần nhất;

c) Hiện trạng công tác quản lý chất lượng môi trường không khí cấp quốc gia giai đoạn tối thiểu 03 năm gần nhất; các vấn đề bất cập, tồn tại trong công tác quản lý chất lượng môi trường không khí;

d) Nhận định các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí.

1.2 Mục tiêu quản lý chất lượng môi trường không khí:

a) Mục tiêu tổng thể: tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng môi trường không khí phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường theo kỳ kế hoạch;

b) Mục tiêu cụ thể: định lượng các chỉ tiêu nhằm giảm thiểu tổng lượng khí thải phát sinh từ các nguồn thải chính; cải thiện chất lượng môi trường không khí.

1.3 Nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí:

a) Về cơ chế, chính sách;

b) Về khoa học, công nghệ nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí;

c) Về quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí.

Lưu ý:

+ Chương trình, dự án ưu tiên để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí

+ Quy chế phối hợp, biện pháp quản lý chất lượng môi trường không khí liên vùng, liên tỉnh phải thể hiện đầy đủ các nội dung, biện pháp phối hợp xử lý, quản lý chất lượng môi trường không khí; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý chất lượng môi trường không khí liên vùng, liên tỉnh, thu thập và báo cáo, công bố thông tin trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm.

1.4 Tổ chức thực hiện kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí

Tổ chức thực hiện kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí, bao gồm:

a) Phân công trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp trong việc thực hiện kế hoạch;

b) Cơ chế giám sát, báo cáo, đôn đốc thực hiện;

c) Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch;

d) Cơ chế phân bổ nguồn lực thực hiện.

2. Trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí

- Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí được ban hành theo quy định sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan tổ chức lập, phê duyệt, triển khai đề án điều tra, đánh giá, xây dựng dự thảo kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi dự thảo kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan để lấy ý kiến góp ý bằng văn bản; nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo kế hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm: tờ trình, dự thảo kế hoạch, dự thảo quyết định ban hành kế hoạch; báo cáo tổng hợp, giải trình tiếp thu dự thảo kế hoạch; văn bản góp ý của các cơ quan có liên quan.

- Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Trường hợp quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia chưa được ban hành, kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí phải phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và phải được rà soát, cập nhật phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia khi được ban hành.

- Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí được xây dựng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm. Trước ngày 30 tháng 6 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, cơ quan phê duyệt kế hoạch chỉ đạo tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện kế hoạch kỳ trước, xây dựng, phê duyệt kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo để làm cơ sở đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn.

3. Nội dung kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh

3.1 Nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh

Nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh được quy định tại khoản 4 Điều 13 Luật Bảo vệ môi trường. Một số nội dung được quy định chi tiết như sau:

- Về đánh giá chất lượng môi trường không khí ở địa phương: hiện trạng chất lượng môi trường không khí khu vực đô thị, nông thôn và các khu vực khác.

- Về đánh giá công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; quan trắc môi trường không khí; xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính; kiểm kê phát thải; mô hình hóa chất lượng môi trường không khí; thực trạng và hiệu quả của các giải pháp quản lý chất lượng không khí đang thực hiện; hiện trạng các chương trình, hệ thống quan trắc; tổng hợp, xác định, đánh giá các nguồn phát thải chính (nguồn ô nhiễm điểm, nguồn ô nhiễm di động, nguồn ô nhiễm diện); thực hiện kiểm kê các nguồn phát thải chính và mô hình hóa chất lượng môi trường không khí.

- Phân tích, nhận định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí: nguyên nhân khách quan từ các yếu tố khí tượng, thời tiết, khí hậu theo mùa, các vấn đề ô nhiễm liên tỉnh, xuyên biên giới (nếu có); nguyên nhân chủ quan từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội làm phát sinh các nguồn khí thải gây ô nhiễm không khí (nguồn ô nhiễm điểm, nguồn ô nhiễm di động, nguồn ô nhiễm diện).

- Về đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng: thông tin, số liệu về số ca bệnh do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí (nếu có); kết quả đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe người dân tại địa phương.

- Mục tiêu và phạm vi quản lý chất lượng môi trường không khí: hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí, hiện trạng công tác quản lý chất lượng môi trường không khí ở địa phương.

3.2 Nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí:

a) Về cơ chế, chính sách;

b) Về khoa học, công nghệ nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí;

c) Về quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí.

3.3 Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, bao gồm:

a) Phân công trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp trong việc thực hiện kế hoạch;

b) Cơ chế giám sát, báo cáo, đôn đốc thực hiện;

c) Cơ chế phân bổ nguồn lực thực hiện.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh

- Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh được ban hành theo quy định sau:

a) Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan lập, phê duyệt và thực hiện đề án điều tra, đánh giá, xây dựng dự thảo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh;

b) Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh gửi dự thảo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh đến các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan và cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giáp ranh trong trường hợp cần thiết để lấy ý kiến góp ý bằng văn bản; nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo kế hoạch, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ban hành.

- Hồ sơ trình ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh bao gồm: tờ trình; dự thảo kế hoạch; dự thảo quyết định ban hành kế hoạch; báo cáo tổng hợp, giải trình tiếp thu hoàn thiện dự thảo kế hoạch; văn bản góp ý của các cơ quan có liên quan.

- Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Trường hợp quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được ban hành, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh phải phù hợp yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và phải được rà soát, cập nhật phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh khi được ban hành.

- Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh được xây dựng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm. Trước ngày 30 tháng 6 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, cơ quan phê duyệt kế hoạch chỉ đạo tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện kế hoạch kỳ trước, xây dựng, phê duyệt kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo để làm cơ sở đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn.

MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng.
5 sao của 1 đánh giá

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Chat zalo Liên hệ theo Zalo Liên hệ theo SĐT Liên hệ qua Facebook Messenger Liên hệ qua Email
Mở Đóng