1. Lý luận chung về hình phạt bổ sung

Hình phạt bổ sung là hình phạt được áp dụng kèm theo hình phạt chính (bổ sung cho hình phạt chính). Nếu người bị kết án không bị áp đụng hình phạt chính thì tòa án không được áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ. Ví dụ: Một người được miễn hình phạt, thì Tòa án không được áp dụng bất cứ loại hình phạt bổ sung nào đối với họ.

Mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính, nhưng lại có thể bị áp dụng nhiều loại hình phạt bổ sung cho mỗi tội phạm. Ví dụ: Một người bị kết án về tội buôn bán hàng giả bị Tòa án phạt mười năm tù và bị phạt tiền 20.000.000 đồng, cấm hành nghề bán nước giải khát bốn năm.

Trong trường hợp một người bị kết án về nhiều tội, thì hình phạt bổ sung của tội nào chỉ áp dụng đối với tội ấy không áp dụng hình phạt bổ sung chung cho tất cả các tội. Thực tiễn xét xử do không nắm chắc nguyên tắc này, nên có một số Tòa án đã tuyên hình phạt bổ sung chung cho tất cả các tội mà người bị kết án đã phạm. Ví dụ: Trần Văn Đ bị kết án về các tội: "Cướp tài sản, trộm cắp tài sản và giết người”. Sau khi đã áp dụng hình phạt chính đối với từng tội, Tòa án quyết định phạt quản chế người bị kết án năm năm, nhưng không nói rõ quản chế về tội gì?

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

Tòa án có thể quyết định dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự.

Ví dụ: Khoản 4 Điều 176 Bộ luật hình sự quy định "người phạm tội có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định ở Điều 46 Bộ luật hình sự Tòa án có thể chỉ phạt người bị kết án dưới mười triệu đồng. Lý do của việc chỉ phạt người bị kết án dưới mười triệu đồng phải ghi rõ trong bản án.

Bộ luật hình sự năm 1999 cũng có một số bổ sung sửa đổi như: Thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định Bộ luật hình sự năm 1985 là 2 năm đến 5 năm, nay là 1 năm đến 5 năm; về hình phạt tước một số quyền công dân, Bộ luật hình sự năm 1999 tước thêm quyền ứng cử đại biểu các cơ quan quyền lực Nhà nước và bỏ tước quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức xã hội.

Hình phạt bổ sung được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 cũng được cấu tạo khác hơn so với Bộ luật hình sự năm 1985. Trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia, vẫn quy định hình phạt bổ sung ở một điều luật riêng (Điều 92). Đối với tất cả các tội phạm khác trong các Chương còn lại, hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật quy định về tội phạm đó. Nếu điều luật quy định “thì bị phạt” là bắt buộc Tòa án phải tuyên hình phạt bổ sung; nếu điều luật quy định “có thể bị phạt” thì Tòa án có thể áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt bổ sung.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Bộ luật hình sự, thì hình phạt bổ sung gồm: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính. 

 

​2. Cấm đảm nhiệm chức vụ

Cấm đảm nhiệm chức vụ là Tòa án cấm người bị kết án giữ một hoặc một sô' chức vụ nào đó mà nếu để họ đảm nhiệm các chức vụ đó, thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

Theo quy định tại Điều 277 Bộ luật hình sự thì người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Như vậy, khái niệm về chức vụ trong luật hình sự tương đối rộng, Tòa án có thể áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ đô'i với người phạm tội cũng rất đa dạng, miễn là nếu để họ đảm nhiệm chức vụ đó có thể gây nguy hại cho xã hội. Tuy nhiên, khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ đôi với người bị kết án cần phải cá thể hoá, cấm đảm nhiệm chức vụ gì phải ghi rõ trong bản án. Tòa án có thể cấm đảm nhiệm một chức vụ, nhưng cũng có thể cấm đảm nhiệm nhiều chức vụ, nhưng phải ghi cụ thể trong bản án đó là chức vụ gì. Ví dụ: Nguyễn văn A là Trưởng phòng tổ chức, cán bộ Công ty vật tư, bị kết án về tội nhận hối lộ. Tòa án phạt A ba năm tù và cấm đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng hoặc Phó trưởng phòng tổ chức, cán bộ trong thời hạn ba năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Thực tiễn xét xử, nhiều Tòa án thường ghi trong bản án một cách chung chung như: "Cấm Trần Văn H đảm nhiệm những chức vụ có liên quan đến việc quản lý kinh tế, tài chính trong thời hạn năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù". Cách tuyên này có vẻ chặt chẽ vì nó bao hàm tất cả các chức vụ có liên quan đến quản lý kinh tế, tài chính và việc thi hành án cũng đơn giản, người bị kết án chỉ có mỗi việc là không đảm nhiệm bất cứ chức vụ gì là xong. Tuy nhiên xét về nguyên tắc các thể hóa hình phạt, thì cách tuyên như trên là không đúng, bởi vì hình phạt bao giờ cũng được cụ thể hoá, không có hình phạt chung chung. Vì vậy khi áp dụng loại hình phạt này, Tòa án cần tuyên cụ thể cấm đảm nhiệm chức vụ gì, thời gian cấm là bao nhiêu.

Khi cấm đảm nhiệm chức vụ đốì với người bị kết án phải xuất phát từ yêu cầu phòng ngừa của loại hình phạt này là nếu để họ đảm nhiệm đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội. Thông thường chức vụ người phạm tội đảm nhiệm khi thực hiện tội phạm có liên quan đến hành vi phạm tội của họ như: Xã đội trưởng xâm phạm tính mạng người khác trong khi thi hành công vụ; Kế toán, thủ quỹ xí nghiệp tham ô tiền của xí nghiệp; Giám đô'c cô' ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; Chủ tịch xã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ... Tòa án không nên cấm đảm nhiệm những chức vụ không liên quan đến hành vi phạm tội của người bị kết án. Ví dụ: Đặng Xuân Đ là Trưởng phòng kế hoạch Công ty vật kỹ thuật tỉnh K, tren đường từ nhà đến cơ quan bằng phương tiện xe máy. Do vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nên đã gây tai nạn làm chết người nên bị Tòa án phạt hai năm tù, nhưng cho hưởng án treo và cấm Đặng Xuân Đ không được đảm nhiệm chứ vụ Trưởng phòng trong thời hạn năm năm sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Việc Tòa án quyết định cấm đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng đối với Đặng Xuân Đ rõ ràng là không phù hợp, vì chức vụ Trưởng phòng mà Đ đang đảm nhiệm không liên quan gì đến hành vi phạm tội của Đ.

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật hình sự năm 1999, thì thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ là từ một năm đến năm năm, Đây cũng là điểm mới so với Bộ luật hình sự năm 1985. Bộ luật hình sự năm 1985 thời hạn này là từ hai năm đến năm năm. Thời hạn cấm được tính bắt đầu từ khi chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

 

​3. Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định

Nghề nghiệp và công việc là hai khái niệm khác nhau, nhưng lại có liên quan đến nhau. Nghề nghiệp là công việc hàng ngày làm để mưu sống như Nghề thợ mộc, thợ tiện, lái xe, bác sỹ, giáo viên.v.v... Khi nói đến nghề, tức là công việc của một người gắn liền với cuộc sông của họ, công việc đó phải được đào tạo hoặc có kinh nghiệm lâu dài, cha truyền con nối. Còn khi nói đến công việc nhất định là việc làm không ổn định, có tính chất thời vụ như: Ngoài việc sản xuất nông nghiệp, vào thời gian công việc đồng áng nhàn rỗi, người nông dân ra thành phố, thị xã làm thuê một số việc khuân vác, sửa chữa nhà cửa, phụ giúp bán hàng, giúp việc trong gia đình, trông giữ trẻ... Việc phân biệt rạch ròi thể nào là nghề và thế nào là công việc nhất định là việc phức tạp. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay có những việc đốì với người này là một nghề, nhưng đốì với người khác lại là công việc. Ví dụ: một Giám đổc doanh nghiệp tự lái xe ôtô của mình, thì việc lái xe không phải một nghề của giám đốc mà chỉ là công việc nhất định. Nếu người Giám đốc này gây tai nạn và bị kết án về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì ngoài hình phạt chính, Tòa án có thể cấm người này lái xe trong một thời gian nhất định.

Cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định là một loại hình phạt bổ sung mà Tòa án áp dụng đôì với người bị kết án, khi xét thấy nếu để người bị kết án hành nghề hoặc làm công việc đó, thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

Khi áp dụng hình phạt này đốì với người bị kết án, Tòa án cũng phải tuyên rô trong bản án là cấm hành nghề gì hoặc cấm làm công việc gì, không nên tuyên "cấm hành những nghề hoặc cấm làm công việc có thể gây nguy hại cho xã hội". Tuyên như vậy là trái với nguyên tắc cá thể hóa hình phạt và mặc nhiên Tòa án đã tước bỏ quyền lao động kiếm sống của người bị kết án sau khi họ chấp hành xong hình phạt tù. Tuy nhiên, khi Tòa án cấm người bị kết án hành nghề gì hoặc cấm làm công việc gì phải căn cứ vào hành vĩ phạm tội của người bị kết án, nếu hành vi phạm tội có liên quan đến nghề nghiệp của họ thì mới cấm họ hành nghề đó. Ví dụ: Đào Thị Xuân L là dược sỹ đã bán nhầm thuốc cho người bệnh dẫn đến người bệnh bị chết, L bị Tòa án phạt ba năm tù và cấm L hành nghề dược ba năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù về tội vi phạm quy định về bán thuốc theo khoản 1 Đièu 242 Bộ luật hình sự.

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật hình sự năm 1999, thì thời hạn cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định là từ một năm đến năm năm, Đây cũng là điểm mới so với Bộ luật hình sự năm 1985. Bộ luật hình sự năm 1985 thời hạn này là từ hai năm đến năm năm. Thời hạn cấm được tính bắt đầu từ khi chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.​

 

4. Cấm cư trú

Cấm cư trú là buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú và thường trú ở một số địa phương nhất định.

Người bị phạt cấm cư trú phải rời khỏi nơi ở của mình để đến cư trú ở nơi khác mà nơi đó không bị Tòa án cấm cư trú, nếu nơi người bị kết án đang cư trú bị Tòa án cấm. Ví dụ: Hoàng Văn Ng trú quán tại phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự, Tòa án phạt Hoàng Vản Ng tám năm tù và cấm cứ trú tại các quận nội thành của thành phố Hà Nội trong thời hạn năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Cấm cư trú chỉ áp dụng đối với người bị kết án bị phạt tù, nhưng không phải tất cả những người bị phạt tù đều bị cấm cư trú, mà chỉ đối với một số người bị kết án bị phạt tù nếu để họ cư trú ở những địa phương nhất định sẽ có nguy cơ gây nguy hại cho xã hội. Trước hết, hình phạt cấm cư trú được áp dụng đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia (từ Điều 78 đến Điều 91 Bộ luật hình sự). Ngoài ra, hình phạt cấm cư trú còn được áp dụng đối với một số tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mà điều luật đối với tội đó có quy định hình phạt cấm cư trú như: Tội giết người (Điều 93); tội mua bán phụ nữ (Điều 119); tội cướp tài sản (Điều 133); tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134); tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221); tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 230); tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 232); tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thộ sơ hoặc công cụ hỗ trợ (Điều 233); tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ (Điều 236); tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc (Điều 238); tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới (Điều 273). Như vây, đôi vởi hình phạt cấm cư trú chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt mà Bộ luật hình sự có quy định.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử trong nhiều năm qua, loại hình phạt này nếu Tòa án có áp dụng thì việc thi hành cũng rất khó khăn, người bị cấm cư trú sau khi chấp hành xong hình phạt tù vẫn trở về sinh sống cùng với gia đình ở nơi cư trú trước đây, tuy họ không được nhập hộ khẩu trở lại, nhưng họ cũng không bị buộc phải rời khỏi nơi ở đi cư trú ở nơi khác, lý do thì nhiều, nhưng lý do chủ yếu là vì việc tổ chức thi hành loại hình phạt này như thế nào chưa được các cơ quan chức năng hướng dẫn. Thông thường, người bị kết án bị cấm cư trú ở địa phương nào thì địa phương đó rất hài lòng vì mối nguy hại cho xã hội được loại bỏ, nhưng người bị kết án lại khó có thể xin được cư trú ở địa phương mà Tòa án không cấm họ cư trú, vì chính quyền và nhân dân ở địa phương này không muốn "chuốc vạ vào thân". Vì vậy, có ý kiến cho rằng thay hình phạt "cấm cư trú" bằng hình phạt "cư trú bắt buộc”, đồng thời quy định trách nhiệm cho chính quyền địa phương nơi người bị kết án cư trú bắt buộc phải tiếp nhận và có trách nhiệm theo dõi giáo dục người bị kết án. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1999 vẫn giữ loại hình phạt cấm cư trú. Do đó, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể về việc thi hành hình phạt này. Theo chúng tôi, khi áp dụng hình phạt cấm cư trú đối với người bị kết án phạt tù, thì cần quy định rõ trách nhiệm cho chính quyền địa phương nơi người bị kết án muốn đến sinh sống làm ăn, trong thời gian bị cấm cứ trú phải tiếp nhận và tạo điều kiện để người bị kết án sinh sống và làm việc.

Khi quyết định hình phạt cấm cư trú đối với người phạm tội, Tòa án phải tuyên cụ thể trong bản án là cấm cư trú ở địa phương nào, không nên tuyên một cách chung chung như: "cấm bị cáo cư trú ở các thành phố, thị xã " mà phải tuyên cụ thể cấm cư trú ở thành phố nào, tỉnh nào. Nếu chỉ cấm bị cáo cư trú trong nội thành thì phải tuyên "cấm cư trú ở các quận trong nội thành".

Thời hạn cấm cư trú là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Hết thời hạn này, người bị kết án có quyền về nơi cư trú cũ của họ hoặc có quyền đến cư trú ở bất cứ nơi nào trong lãnh thổ Việt Nam. Trong thời hạn cấm cư trú, người bị kết án phải tự chọn cho mình một chỗ ở và khi đến cư trú nơi nàọ phải đăng ký với chính quyền địa phương nơi đó; trong thời gian bị câm, nếu được sự đồng ý của chính quyền địa phương nơi đang cư trú, người bị kết án có thể được đến chữa bệnh, đến thi cử hoặc tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao do các cơ quan Nhà nước tổ chức, đến thăm những người thân bị ốm nặng, đến công tác... ở địa phương bị cấm cư trú.

Muốn thi hành hình phạt cấm cư trú có hiệu quả, trước hết phải làm tốt công tác quản lý hành chính về hộ khẩu hộ tịch; về khai báo tạm trú, tạm vắng; chống tình trạng di dân tự do, có như vậy thì hình phạt cấm cư trú mới có ý nghĩa đối với người bị kết án và mục đích của hình phạt này mới đạt được.

 

5. Quản chế

Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương.

Hình phạt quản chế chính là một hình thức cư trú bắt buộc, nhưng có kèm theo điều kiện là phải cải tạo ở nơi cử trú, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dầh địa phương nơi họ đến cư trú sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú và bị tước một số quyền công dân, bị cấm hành nghề hoặc bị cấm làm công việc nhất định. Như vậy, khi áp dụng hình phạt quản chế thì bắt buộc Tòa án phải áp dụng thêm hình phạt tước một số quyền công dân, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Thực tiễn xét xử, trong nhiều trường hợp Tòa án áp đựng hình phạt quản chế đối với người phạm tội, nhưng trong bản án tuyên không rõ ràng, cụ thể mà chỉ thường tuyên "phạt quản chế bị cáo năm năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù" nên việc thi hành hình phạt này gặp khó khăn. Để việc áp dụng và thi hành hình phạt quản chế, Tòa án khi áp áp dụng hình phạt này đối với người bị kết án, cần tuyên cụ thể trong bản án là buộc người bị kết án phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo địa phương nào? Bị tước quyền công dân nào và bị cấm hành nghề hoặc công việc gì? Nếu chỉ tuyên bị phạt quản chế chung chung như từ trước đến nay thì rất khó thi hành.

Hình phạt quản chế chỉ áp dụng đối với người bị kết án bị phạt tù về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp do Bộ luật hình sự quy định như: Tội giết người (Điều 93); tội mua bán người (Điều 119); tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120); tội cướp tài sản (Điều 133); tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134); tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); tội chiếm đoạt tàu bay, tầu thuỷ (Điều 221); tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 230); tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 232); tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ (Điều 233); tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ (Điều 236); tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc (Điều 238); tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người thành niên phạm tội (Điều 252); tội chứa mại dâm (Điều 254). Như vậy, hầu hết các tội có quy định hình phạt cấm cư trú đều quy định hình phạt quản chế và ngược lại, trừ tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới (Điều 273) không quy định hình phạt quản chế và các tội quy định tại các Điều 252, 254 không quy định hình phạt cấm cư trú.

Thời hạn quản chế là từ một năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

 

6. Tước một số quyền công dân

Tước một số quyền công dân là việc Tòa án cấm người bị kết án thực hiện một số quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật của nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo quy định của Hiến pháp, thì công dân có rất nhiều quyền về các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội như: Quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân; quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền sở hữu; quyền học tập, nghiên cứu khoa học; quyền tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tán ngưỡng; quyền bất khả về thân thể, về chỗ ở; quyền khiếu nại, tố cáo.v.v... Nhưng người bị kết án chỉ có thể bị tước một hoặc một số quyền sau:

-     Quyền ứng cử, quyền bầu cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;

-     Quyền làm việc trong các cơ quan Nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo quy định tại Điều 83 và Điều 119 Hiến pháp năm 1992, thì cơ quan qụyền lực Nhà nước là quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Vì vậy, tước quyền ứng cử, quyền bầu cử đại biểu cơ quan qụyền lực Nhà nước là Tòa án cấm người bị kết án ứng cử và bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nếu Tòa án chỉ tước quyền ứng cử thì người bị kết án vẫn được bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Tước quyền làm việc trong các cơ quan Nhà nước là Tòa án cấm người bị kết án thi tuyển vào làm việc trong bất cứ cơ quan Nhà nước nào từ trung ương đến địa phương, tức là người bị kết án không được trở thành cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước. Theo quy định tại Điều 1 Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 26-2-1998 của ủy ban thường vụ Quốc hội, thì cán bộ, công chức là công dân Việt Nam, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Cơ quan Nhà nước là một bộ phận của bộ máy Nhà nước, thay mặt Nhà nước thực hiện những chức năng và nhiệm vụ nhất định, có quyền hạn và chức năng nhất định, có cơ cấu phạm vi hoạt động riêng. Căn cứ vào Hiến pháp năm 1992, các cơ quan Nhà nước bao gồm: Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp (cơ quan quyền lực); Chính phủ, các bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, ủy ban nhân các cấp, các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân (cơ quan hành pháp); các Tòa án, các Viện kiểm sát (cơ quan tư pháp).

Tước quyền phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân là cấm người bị kết án phục vụ trong các đơn vị Quân đội và Công an. Các đơn vị Quân đội và Công an không được tuyển những người bị Tòa án cấm phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân.

So với Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật hình sự năm 1999 không tước quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức xã hội. Việc nhà làm luật bỏ loại hình phạt tước quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức xã hội là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của xã hội, vì ở nước ta hiện nay có rất nhiều tổ chức xã hội, có tổ chức với quy mô rộng lớn, được tổ chức chặt chẽ và là thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, nhưng cũng có tổ chức chỉ mang tính chất nghề nghiệp hoặc tôn giáo với quy mô nhỏ. Việc cấm người bị kết án đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức này không có ý nghĩa phòng ngừa tội phạm.

Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tước một số quyền công dân đối với người bị kết án là công dân Việt Nam, bị phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp quy định bởi Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, ngoài các tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Bộ luật hình sự không quy định trường hợp phạm tội nào người bị kết án bị tước một sô' quyền công dân với ý nghĩa là một loại hình phạt độc lập. Tuy nhiên, loại hình phạt tước một số quyền công dân được áp dụng trong trường hợp người bị kết án bị phạt quản chế.

 

7. Tịch thu tài sản

Tích thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án sung quỹ Nhà nước.

Tịch thu tài sản là hình phạt bổ sung và nó chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp do Bộ luật hình sự quy định. Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp phạm tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng đều bị tịch thu tài sản, mà chỉ áp dụng đối với trường hợp do phạm tội mà người bị kết án có một khôi tài sản bất chính (thu nhập bất chính) hoặc nếu không tịch thu tài sản của họ thì có thể họ dùng tài sản đó để thực hiện tội phạm mới, như đối với người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quôe gia, tuy họ không có thu nhập bất chính nhưng nếu khônlg tịch thu tài sản của họ thì sẽ có nguy cơ họ lại tiếp tục phạm tội. Trong các trường hợp không phải người bị kết án phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì hình phạt tịch thu tài sản chủ yếu áp dụng đối với người bị kết án phạm các tội có liên quan đến tài sản. Ví dụ: Phùng Long Thất trong vụ án Tân Trường Sanh bị kết án về tộị nhận hối lộ số tiền nhận hối lộ cơ quan điều tra chỉ chứng minh; được khoảng gần 2 tỷ đồng, nhưng Phùng Long Thất có một khối tài sản bất minh gần 4000 lượng vàng do đó Tòa án đã áp dụng hình phạt tịch thu toàn bộ tài sản của Phùng Long Thất để sung quỹ Nhà nước.

Khác với hình phạt cấm cư trú và quản chế chỉ ảp dụng đối với người bị kết án phạt tù, hình phạt tịch thu tài sản áp dụng đối với cả người bị kết án bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất hoặc được hưởng án treo.

Về nguyên tắc, khi áp dụng hình phạt tịch thu tài sản thì không có nghĩa là Tòa án không dược áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người bị kết án nữa. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử các Tòa án thường chỉ áp dụng một trong hai loại hình phạt, hoặc là tịch thu tài sản hoặc là phạt tiền, nếu áp dụng hình phạt tiền mà mức tiền phạt theo quy định của Bộ luật hình sự chưa có tác dụng tước đoạt những khoản thu nhập bất chính của người bị kết án, thì Tòa án áp dụng hình phạt tịch thu tài sản, nếu điều luật quy định cả hai loại hình phạt này. Ví dụ: Vũ Xuân Trường trong vụ mua bán vận chuyển trái phép các chất ma túy, nếu áp dụng hình phạt tiền thì mức phạt cao nhất mà điều luật quy định là năm trăm triệu đồng, nhưng Vũ Xuân Trường do mua bán ma túy nhiều năm nên đã có một khối tài sản rất lớn gấp nhiều lần năm trăm triệu đồng. Do đó Tòa án đã không áp dụng hình phạt tiền mà áp dụng hình phạt tịch thu tài sản đốì với Vũ Xuân Trường.

Việc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản của người bị kết án là căn cứ vào tính chất mức độ nghiêm trọng của tội phạm do người bị kết án gây ra, căn cứ vào tình hình tài sản của người bị kết án, những khoản thu nhập bất chính có liên quan đến tội phạm. Trong trường hợp tịch thu một phần tài sản, Tòa án phải tuyên rõ tịch thu những tài sản gì, phần tài sản nào, không nên tuyên tịch thu 1/3 hoặc 1/2 tài sản của người bị kết án sẽ gây khó khăn trong việc thi hành án. Trong trường hợp tuyên tịch thu toàn bộ tài sản, thì Tòa án vẫn phải để lại cho người bị kết án và gia đình họ một số tài sản để họ có điều kiện sinh sống, trong bản án phải ghi rõ để lại những tài sản nào. Các tài sản như: đồ nữ trang, quần áo, các vật đụng thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình người bị kết án không được tịch thu.

Chỉ tịch thu tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án, đối với tài sản thuộc sở hữu chung theo phần hoặc sở hữu chung hợp nhất, trước khi tuyên bố tịch thu phần của người bị kết án, phải xác định phần quyền sở hữu của người bị kết án là bao nhiêu, là những thứ gì, nếu tài sản không thể chia được, thì tuyên tịch thu phần giá trị của tài sản đó và quyết định kê biên tài sản đó để bảo đảm thi hành án.

 

8. Phạt tiền, khỉ không áp dụng là hình phạt chính

Phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật hình sự quy định. Khác với hình phạt chính, là hình phạt bổ sung, phạt tiền chỉ áp dụng đôi với người phạm các tội về tham nhũng, về ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật hình sự quy định. Theo quy định tại Mục A chương XXI Bộ luật hình sự thì các tội sau đây là tội về tham nhũng: Tội tham ô (Điều 278); tội nhận hối lộ (Điều 279); tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281); tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283) và tội giả mạo trong công tác (Điều 284). Đối với các tội về ma túy được quy định tại Chương XVIII từ Điều 192 đến Điều 201. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp phạm tội khác, Bộ luật hình sự cũng quy định phạt tiền là hình phạt bổ sung.

So với Bộ luật hình sự năm 1985, thì Bộ luật hình sự năm 1999 mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền nhiều hơn, nhất là đối với các tội xâm phạm sở hữu; các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội phạm về môi trường; các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng; các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Việc mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là một bước tiến trong việc xây dựng pháp luật ở nước ta, và nó cũng phù hợp với nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Là hình phạt, nên phạt tiền cũng có mức tối thiểu và mức tối đa. Theo quy định tại khản 3 Điều 30 Bộ luật hình sự thì mức tối thiểu không dưới một triệu đồng. Tuy nhiên, trong từng tội phạm cụ thể khung hình phạt tiền có mức tối thiểu lớn hơn một triệu đồng. Ví dụ: Khoản 5 Điều 143 Bộ luật hình sự quy định về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có khung hình phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. Tòa án có thể phạt người bị kết án dưới mười triệu đồng nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng không được dưới một triệu đồng và dù có nhiều tình tiết tăng nặng, thì Tòa án cũng không được phạt người bị kết án trên một trăm triệu đồng. Cũng như đô'i với hình phạt chính, Tòa án có thể cho người bị kết án nộp khoản tiền phạt làm nhiều lần trong thời hạn nhất định, nhưng phải ghi rõ trong bản án. Ví dụ: Phạt Bùi Huy T năm trăm triệu đồng, nộp làm năm lần, mỗi lần một trăm triệu đồng trong thời gian ba năm phải nộp đủ.​

 

9. Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính

Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật hình sự, thì hình phạt trục xuất chỉ áp dụng đối với người nước ngoài bị Tòa án nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kết án, cần buộc họ rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trong trường hợp Tòa án không áp dụng hình phạt trục xuất là hình phạt chính đối với người bị kết án mà xét thấy cần buộc người bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, thì áp dụng hình phạt này là hình phạt bổ sung. Vấn đề đặt ra là: Trong trường hợp nào Tòa án áp dụng hình phạt trục xuất là hình phạt bổ sung mà không áp dụng là hình phạt chính và việc thi hành hình phạt này như thế nào?

Về lý thuyết, nếu người bị kết án bị áp dụng hình phạt chính là hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân, thì việc áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt trục xuất chỉ được thi hành sau khi chấp hành xong hình phạt chính, nếu hình phạt trục xuất được thi hành ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì hình phạt chính không còn ý nghĩa nữa. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử các Tòa án chỉ áp dụng hình phạt trục xuất là hình phạt bổ sung, khi hình phạt chính đốì với người bị kết án là hình phạt cảnh cáo và phạt tiền, nếu là hình phạt cảnh cáo thì việc trục xuất người bị kết án ra khỏi Việt Nam không có vấn đề gì vướng mắc, nhưng nếu là hình phạt tiền thì việc trục xuất người bị kết án chỉ có thể được thực hiện khi người bị kết án nộp đủ số tiền phạt. Việc buộc người bị kết án nộp đủ tiền phạt sau đó mới trục xuất, trong nhiều trường hợp sẽ ảnh hưởng đến tính thời sự của việc trục xuất, bởi vì khi Tòa án xét thấy cần áp dụng hình phạt trục xuất là phải tính đến khả năng không thể để người bị kết án ở lại Việt Nam lâu hơn nữa.