1. Nguyên tắc tự nguyện

Đây là nguyên tắc quan trọng của thương lượng tập thể, thể hiện ý chí và lí trí của các bên trong việc đề xuất yêu cầu thương lượng cũng như trong suốt quá trình tiến hành thương lượng. Theo đó, không bên nào được quyền dựa vào thế mạnh của mình để ép buộc bên kia tiến hành thương lượng hoặc phải tuân theo ý chí của bên mình. Các kết quả của quá trình thương lượng chỉ được thống nhất và thực hiện trên cơ sở ý chí của các bên.

Nguyên tắc thương lượng tự nguyện được xác định trên cơ sở bản chất tự nguyện của quan hệ lao động. Tuy nhiên, so với sự tự nguyện trong quan hệ dân sự thì nguyên tắc thương lượng tự nguyện trong quan hệ lao động có thể bị hạn chế ưong những trường họp cụ thể. Ví dụ, pháp luật quy định người sử dụng lao động buộc phải tiến hành thương lượng khi nhận được yêu cầu thương lượng của tổ chức đại diện người lao động . Song, cần lưu ý là, sự bắt buộc của pháp luật chỉ là bắt buộc phải thực hiện hình thức thương lượng, chứ không bắt buộc phải ra quyết định hoặc bắt buộc phải đạt được sự đồng thuận về mặt nội dung đối với vấn đề cụ thể. Ngoài ra, tính chất tương đối của nguyên tắc thương lượng tự nguyện còn thể hiện là các bên tiến hành thương lượng tập thể trên cơ sở quy định của pháp luật.

 

2. Nguyên tắc hợp tác

Nguyên tắc hợp tác trong thương lượng tập thể thể hiện ở việc các bên phải cùng phối hợp với nhau, coi nhau là “đối tác” cần thiết để tiến hành thực hiện quá trình thương lượng tập thể. Để có cơ sở tiến hành thương lượng cụ thể các quyền lợi, nghĩa vụ, các bên phải cung cấp các thông tin về điều kiện cụ thể của bên mình Khi tiến hành thương lượng tập thể, các bên phải cùng nhau bàn bạc nội dung, phương pháp họp tác để cùng có lợi. Các bên phải chia sẻ và cùng hiểu rằng, lợi ích, mục đích của bên này luôn gắn liền và bị chi phối bởi lợi ích, mục đích của bên kia và lợi ích chung. Nguyên tắc thương lượng hợp tác còn thể hiện ở việc các bên phải cùng hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp với nhau trong suốt quá trình đề xuất yêu cầu, tiến hành thương lượng và thông qua kết quả thương lượng cũng như thực hiện kết quả thương lượng.

 

3. Nguyên tắc thiện chí

Nguyên tắc thiện chí thể hiện ở việc người sử dụng lao động hoặc đại diện của người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động có ý định trung thực, thành thật và mong muốn, quyết tâm tiến hành thương lượng tập thể. Ngoài ra, biểu hiện rõ rệt của nguyên tắc thiện chí chính là phải tránh tư tưởng đối đầu, đồng thời phải luôn tôn trọng và thừa nhận các lợi ích phát sinh của mỗi bên từ quan hệ lao động. Việc hiểu và cùng hướng vào mục tiêu thương lượng chính là một trong những điều kiện quan trọng để thương lượng tập thể thành công. Trong quá trình thương lượng, các bên phải hiểu biết thực sự về điều kiện cụ thể của nhau. Muốn như vậy, mỗi bên phải cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin về điều kiện cụ thể cho phía bên kia (trừ một số thông tin). Khi nhận được yêu cầu của bên kia thì không được từ chối việc thương lượng và phải tuân theo quy định của pháp luật về thương lượng tập thể.

 

4. Nguyên tắc bình đẳng

Nguyên tắc bình đẳng thể hiện địa vị pháp lí của các bên trong quá trình thương lượng tập thể. Theo đó, các bên có sự tương đồng về vị trí, tư cách, hình thức thể hiện khi thương lượng tập thể. Mỗi bên đều có quyền được tôn trọng, được quyền đề xuất việc thương lượng, đưa ra ý kiến, nội dung, phương thức của mình và ý kiến của các bên đều được coi trọng như nhau. Không bên nào được dùng thế mạnh của mình hoặc bất kì hình thức nào thể hiện sự áp đảo, gây sức ép buộc phía bên kia phải chấp nhận đề nghị của bên mình, trừ những cách thức mà pháp luật cho phép (như đình công, bế xưởng...).

Do trong mối quan hệ lao động, người lao động luôn bị phụ thuộc vào người sử dụng lao động nên việc tạo ra vị thế bình đẳng giữa các bên trong thương lương lượng tập thể là rất quan trọng. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, để bảo đảm thực hiện nguyên tắc thương lượng bình đẳng, tổ chức đại diện người lao động phải thực sự vững mạnh, độc lập và hoạt động hiệu quả, đồng thời pháp luật cho phép các bên thực hiện các hành động công nghiệp (đình công, bế xưởng, tẩy chay, lãn công...) khi không đạt được thoả thuận trong thương lượng tập thể.

 

5. Nguyên tắc công khai

Nguyên tắc công khai là nguyên tắc có tính đặc thù trong thương lượng tập thể. Mục đích của nguyên tắc này nhằm không chỉ bảo đảm cho tất cả người lao động đều có quyền được biết và tham gia ý kiến về nội dung thương lượng tập thể, mà còn góp phần ngăn chặn sự thao túng, mua chuộc giữa các bên (chủ yếu từ phía người sử dụng lao động với tổ chức đại diện người lao động ) khi thương lượng tập thể. Bởi nhiều khi vì lợi ích của mình mà những người trong tổ chức đại diện người lao động có thể có những thoả thuận gây thiệt hại, thậm chí đi ngược lại quyền và lợi ích của người lao động .

Nguyên tắc công khai được thể hiện ở hầu hết các giai đoạn của quá trình thương lượng tập thể, từ giai đoạn đề xuất yêu cầu, tiến hành thương lượng đến giai đoạn kết thúc phiên họp thương lượng tập thể. Mục đích là để người lao động được biết các nội dung thương lượng, các nội dung đã đạt được thoả thuận trong quá trình thương lượng, nội dung còn có những ý kiến khác nhau để từ đó họ được đóng góp ý kiến phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của mình, bảo đảm đúng bản chất của thương lượng tập thể là nhằm đạt được một thoả thuận chung.

 

6. Nguyên tắc minh bạch

Nguyên tắc minh bạch thể hiện ở sự rõ ràng, rành mạch về những số liệu, tài liệu trong thông tin các bên cung cấp cho nhau trước khi tiến hành thương lượng tập thể. Các yêu cầu thương lượng, nội dung thương lượng... phải cụ thể, xuất phát từ yêu cầu, nhu cầu của các bên và phải được bảo đảm thực thi trên thực tế. Nói chung, tất cả những vấn đề đều được tường minh, được “đặt trên bàn nghị sự” để thảo luận, đánh giá, quyết định. Việc thương lượng tập thể phải được lập biên bản, có chữ kí của các bên thẩm quyền trong biên bản, công khai biên bản phiên họp... là những biểu hiện cụ thể của nguyên tắc minh bạch. Việc minh bạch xét trên một ý nghĩa nào đó cũng đồng nghĩa với nguyên tắc công khai, tuy nhiên có sự khác nhau ở chỗ, công khai cơ bản là giải pháp về phương thức, còn minh bạch là biểu hiện yêu cầu và đòi hỏi về tính chất của hoạt động thương lượng. Cả hai nguyên tắc đều có sự bổ sung cho nhau trong thương lượng tập thể.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)