Mục lục bài viết
- 1. Phùng - Một trái tim nghệ sĩ tâm huyết, trân trọng, thăng hoa trước cái đẹp
- 2. Phùng - Một trái tim nghệ sĩ nhạy cảm, gắn bó với cuộc đời
- 3. Phùng - Người nghệ sĩ với những hạn chế trong cách nhìn nhận cuộc sống và con người
- 4. Phùng - Người nghệ sĩ nhân ái đã nhận thức và vỡ lẽ ra những oái oăm của cuộc đời
- 5. Tổng kết nội dung, nghệ thuật
- 6. Đánh giá mở rộng (lý luận văn học)
Bài phân tích nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa chọn lọc hay nhất
"Văn học ra đời để gìn giữ trong từng con người - một cái gì hết sức mong manh và luôn luôn run rẩy... một cái gì đó thật là như vậy, nhưng thiếu nó trong con người thì y rằng con người ấy không thể sống giữa quần thể loài người được, và trở thành một tai họa cho loài người" - trích "Nhật ký" - Nguyễn Minh Châu. Được coi là "người mở đường tinh anh và tài năng nhất" (Nguyên Hồng), Nguyễn Minh Châu - cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới đã có nhiều tác phẩm ấn tượng. Một trong những tác phẩm thành công của ông là "Chiếc thuyền ngoài xa". Truyện ngắn được sáng tác năm 1983 đến năm 1987 in trong truyện ngắn cùng tên. Truyện ngắn tiêu biểu cho cảm hứng đời tư thế sự, tiêu biểu cho xu hướng chung của văn học thời kỳ đổi mới. TRuyện ngắn có một tình huống truyện hết sức độc đáo. Tình huống ấu được thể hiện qua nhãn quang của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Nhân vật này được coi là nhân vật thể hiện triết lý cũng như quan điểm của tác giả, là phương tiện để tác giả mang suy nghĩ của mình đưa đến cho người đọc.
Tình huống truyện trong tác phẩm là tình huống nhận thức, một tình huống bất ngờ đầy nghịch lý. Tình huống nhận thức này được dành cho nhân vật Phùng. Phùng là nghệ sĩ nhiếp ảnh, theo yêu cầu của trưởng phòng, anh tới một vùng biển từng là chiến trường xưa của anh để chụp những bức ảnh cho tấm lịch nghệ thuật thuyền và biển. Tại đây anh đã nhận thức được nhiều điều. Cảm xúc của nhân vật này qua những phát hiện của mình đã thể hiện nội tâm cũng như suy nghĩ của anh, giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp nơi con người này.
1. Phùng - Một trái tim nghệ sĩ tâm huyết, trân trọng, thăng hoa trước cái đẹp
Hình tượng "người nghệ sĩ" đã hiện lên trong nhiều trang tuyệt bút, đó là nghệ sĩ thư pháp trong "Chữ người tử tù", người nghệ sĩ Vũ Như Tô đã dốc cả đời cho Cửu Trùng Đài, người nghệ sĩ Lor-ca đi tìm chân lý và tự do vĩnh hằng và một trong số đó là người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu. Đó là một nhiếp ảnh gia luôn tìm kiếm cái đẹp của nghệ thuật và tin rằng cái đẹp chính là đạo đức. Đó còn là một anh chàng có lòng nhiệt thành của tuổi trẻ và sau nhiều biến cố, anh trưởng thành và thấu hiểu sâu sắc muôn sự trong đời người. Một anh chàng nghệ sĩ hiện lên với nhân cách cao đẹp, trái tim nhạy cảm với đời và một lý tưởng nghề nghiệp đáng quý.
Nguyễn Minh Châu được xem là một trong những nhà văn tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học, văn của ông giản dị mà sâu sắc, thấm thía nhiều dư vị về cuộc đời, thấm đẫm nghệ thuật, cái mà ông luôn xem là bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Trong "Chiếc thuyền ngoài xa", nghệ sĩ Phùng là nhân vật kể chuyện xưng "tôi", người dẫn dắt câu chuyện, là lăng kính của nhà văn trong việc soi chiếu, kiếm tìm những hạt ngọc ẩn giấu. Câu chuyện nghịch lý và vỡ lẽ của anh bắt đầu từ khi anh nhận nhiệm vụ đi thực tế chụp bổ sung một bức ảnh với cảnh biển buổi sáng có sương mù, để xuất bản một bộ lịch nghệ thuật về thuyền và biển theo yêu cầu của trưởng phòng. Nhân chuyến đi thăm Đẩu - người bạn cùng chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Phùng trở về một miền biển và "phục kích" nhiều ngày liền để chụp được bức ảnh thuyền đánh cá thu lưới vào lúc bình minh. Từ đây, bao triết lý về nghệ thuật và cuộc đời được hiện lên rõ ràng và sâu sắc.
Trước hết, Phùng hiện lên như một người nghệ sĩ tâm huyết với nghề. Anh sẵn sàng dốc lòng, dốc sức "mai phục" cả tuần để bắt được khoảnh khắc đẹp của buổi sớm bình minh. Anh không nề hà hay ngại ngần sự lạnh giá của bãi biển vào buổi sáng, vì một bức ảnh đẹp mà bỏ rất nhiều tâm huyết. Đây cũng là biểu hiện của một người nghệ sĩ nhiếp ảnh yêu cái đẹp và tận tụy với nghề. Ở họ, tình yêu dành cho nghệ thuật đã xua tan đi mọi trở ngại, họ không chờ đợi sự may mắn ngẫu nhiên, mà luôn làm nghệ thuật với tâm thế nghiêm túc, cống hiến và dành tâm huyết trọn vẹn cho nghề. Lúc này, Phùng biết mình không chỉ đang tìm kiếm một cảnh đẹp thiên nhiên, mà còn là vẻ đẹp của đời sống ở một miền biển thơ mộng. Nơi đây ngày trước là chiến trường, nhưng giờ đây lại là nơi dung chứa những vẻ đẹp tuyệt vời của thế gian. Thế rồi, trời đã không phụ lòng người, Phùng nhìn thấy "một cảnh đắt trời cho" và cảm xúc trong anh như reo vui nhảy múa bởi điều đó: "Trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung ảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi...". Trước vẻ đẹp của chiếc thuyền trong sương sớm, "một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích", Phùng cảm thấy bối rối, trái tim như có gì bóp thắt vào. Anh thấy trong tâm hồn mình tràn ngập hạnh phúc, thấy cõi lòng thật thanh sạch, như trút bỏ đi hết bao lấm bẩn ngoài kia, chỉ còn lâng lâng cảm xúc cùng nghệ thuật. Khoảnh khắc khám phá phát hiện ra cái đẹp của thiên nhiên, của tạo vật và con người - "cái đẹp tuyệt đỉnh" đã khiến Phùng xúc động, và trong giây phút đó, Phùng đã đồng tình với quan điểm: "Cái đẹp chính là đạo đức" - "Tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn".
2. Phùng - Một trái tim nghệ sĩ nhạy cảm, gắn bó với cuộc đời
Từ trước Cách mạng, quan điểm "nghệ thuật vị nghệ thuật" và "nghệ thuật vị nhân sinh" luôn được các nhà văn, nhà thơ quan tâm và bàn luận. Trong truyện ngắn "Trăng sáng", nhà văn hiện thực xuất sắc Nam Cao đã viết: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than." Không chỉ ở địa hạt văn chương, mà trong bất kì lĩnh vực nào cũng thế, nghệ thuật, cái đẹp luôn cần gắn bó với cuộc đời, gắn với từng mảng đời, từng số phận. Chỉ có như thế, nghệ thuật mới không hời hợt, mới trở nên thâm trầm và sâu sắc, bền bỉ với thời gian - vốn như một sát thủ vô tình giết chết những tác phẩm nghệ thuật sáo rỗng. "Chiếc thuyền ngoài xa" đã bộc lộ quan điểm về nghệ thuật nói chung qua những nghịch lý và vỡ lẽ của nghệ sĩ Phùng khi chứng kiến đời sống của những con người sống trên chiếc thuyền đẹp đẽ kia. Đầu tiên, khi chứng kiến cảnh gã đàn ông đánh vợ, Phùng bất bình trước những hành động vũ phu, tàn nhẫn. Anh kinh ngạc đến độ vứt cả chiếc máy ảnh xuống, dù biết rằng chiếc máy ảnh chứa trong đó là cả một gia tài nghệ thuật. "Tất cả mọi việc xảy đến khiến tôi kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn. Thế rồi chẳng biết từ bao giờ, tôi đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới." Hành động ấy cho thấy Phùng là người nghệ sĩ có tấm lòng nhân ái, biết thương yêu con người, bênh vực bảo vệ con người. Người nghệ sĩ này đã đặt cuộc đời lên trên nghệ thuật và nhận ra: "Cái đẹp không bao giờ là đạo đức. Phía sau vẻ đẹp hào nhoáng là những góc khuất u uẩn phía sau, khó có thể giãi bày."
Khi chứng kiến cảnh bạo hành lần thứ hai, Phùng đã lao đến và đánh gã đàn ông một trận ra trò, không phải bằng bàn tay của một người nghệ sĩ, mà là của một người lính đã từng chiến đấu để bảo vệ mảnh đất này. Lúc bấy giwof, Phùng muốn hành động để bảo vệ những người bị ức hiếp, cũng như cách người lính Phùng năm xưa xả thân mình để bảo vệ dân tộc. Như vậy, Phùng là người nghệ sĩ biết gắn mình với đời sống, bất bình, phẫn nộ trước những hành động vũ phu, tàn nhẫn của con người.
Không chỉ thế, Phùng còn bất bình trước thái độ cam chịu của con người. Từ trong sâu thẳm, Phùng luôn muốn bảo vệ cái thiện, xóa bỏ sự bất công, tàn nhẫn. Tại tòa án huyện, khi nghe câu nói của người đàn bà hàng chài: "Quý tòa bắt tội con cũng được, bỏ tù con cũng được, nhưng đừng bắt con bỏ nó", Phùng đã cảm thấy bầu không khí như ngột ngạt, như bị hút cạn đi. Điều đó chứng tỏ, trái tim nhân ái của người nghệ sĩ này, anh đang bất bình không chỉ cái xấu, cái ác, anh còn bất bình trước sự cúi đầu, cam chịu trước cái xấu, cái ác.
Nhận xét về áng văn của Nguyễn Minh Châu, nhà văn Tô Hoài đã chia sẻ: "Những cái tưởng như bình thường, lặt vặt trong cuộc sống hàng ngày, dưới con mắt và ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý". Với diễn biến tâm lí từ những nghịch lí, nhận thức và vỡ lẽ của nhiếp ảnh Phùng, tác giả đã gửi gắm những quan niệm sâu sắc về nghệ thuật và cuộc đời, về mối giao thoa và sự gắn kết giữa vẻ đẹp bên ngoài và sự thật bên trong. Qua đó, nhà văn cũng bộc lộ những hạn chế của nhiếp ảnh Phùng, mà nếu thiếu đi sự non nớt ấy, nhân vật và bạn đọc sẽ không thể vỡ lẽ và thấu hiểu những đa đoan trong đời.
3. Phùng - Người nghệ sĩ với những hạn chế trong cách nhìn nhận cuộc sống và con người
- Phùng có cái nhìn đơn giản, dễ dãi về con người và cuộc sống:
Đứng trước một cảnh bạo lực gia đình, bất kì người tử tế nào cũng đều muốn nó dừng lại, chấm dứt. Nhất là những người luôn theo đuổi công bằng và chân lý. Thế nhưng cuộc đời không chỉ có hai gam màu là trắng và đen, nó còn muôn vàn góc khuất mà đôi khi, ta sẽ không thể nào giải quyết triệt để những khổ sở mà con người phải chịu đựng trong góc khuất ấy. Phùng đã có cái nhìn đơn giản, thậm chí thiếu sâu sắc, ngây thơ về cuộc sống, về người đàn bà hàng chài. Dù đã từng đi lính và xông pha bảo vệ Tổ quốc, có công với đất nước, nhưng phùng vẫn thiếu kinh nghiệm sống, nhất là cuộc sống trong thời bình lúc bấy giờ. Anh không tài nào hiểu được cuộc sống của một người đàn bà hàng chài trên một con thuyền không có đàn ông. Anh không thể nào hình dung được hơn mười đứa trẻ nếu không có cha thì một mình người mẹ sẽ gánh vác như thế nào. Phùng không hiểu được vị xương rồng luộc chấm muối, cơn giận dữ những ngày biển động... Tất thảy đều là những việc bản thân người nghệ sĩ này chưa từng trải qua và chưa từng thấu thị. Phùng chỉ nhìn ra được một khía cạnh trong tổng thể bức tranh, phần ngọn chứ chưa thấu phần gốc. Cảnh bạo lực gia đình chỉ là một hệ quả, không phải là nguyên nhân gốc rễ. Vì thế, dù rất mong muốn giải quyết triệt để những cơn bạo hành vô cớ của người đàn ông vũ phu, dù muốn người đàn bà hàng chài mạnh mẽ ly hôn, Phùng cũng không bao giờ có thể giải quyết thấu triệt vấn đề.
Khi chứng kiến lão đàn ông đánh vợ bằng chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, Phùng đã có cái nhìn định kiến với người đàn ông hàng chài khi hỏi người đàn bà rằng: "Lão ta hồi trước bảy nhăm có đi lính cho ngụy không?". Bởi có lẽ, với Phùng, chỉ có đi lính cho ngụy, hắn mới đánh vợ bằng chiếc thắt lưng to bản của ngụy, và đánh vũ phu, tàn nhẫn đến như thế. Bởi Phùng đinh ninh rằng chỉ có những kẻ quay lưng lại với đất nước mới không còn tính người, không biết yêu thương người khác như thế. Cách nhìn này đã thể thể hiện phần thiển cận trong con người Phùng, mang đầy sự quy chụp và áp đặt.
- Phùng đã thất bại, bất lực trong việc giải phóng con người khỏi nghèo đói, túng quẫn và bạo lực gia đình:
Trước mặt Phùng là một người vợ luôn bị chồng đánh "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng", Phùng bằng tấm lòng đã nỗ lực đã nỗ lực hành động để giúp người đàn bà ấy thoát khỏi khổ đau, bất hạnh. Thậm chí, trong lần thứ hai gặp lại, giải pháp của Phùng là dùng bạo lực để chống bạo lực. Nhưng giải pháp đó không mang lại hiệu quả. Nó chỉ là sự bộc phát nhất thời. Bởi lẽ, ai sẽ đảm bảo rằng sau khi người chồng bị đánh, hắn sẽ thôi đánh chị vợ? Ai sẽ đảm bảo rằng sau khi Phùng rời khỏi, người đàn bà hàng chài không phải chịu những đòn roi nặng nề hơn trước? Vì thế, những cố gắng của Phùng mặc dù xuất phát từ tấm lòng hào hiệp, nhân ái, nhưng nó vẫn chỉ là một hành động bộc phát, không mang lại kết quả lâu dài.
Tiếp đó, Phùng cùng với Đẩu đã cố gắng giải quyết giúp người đàn bà hàng chài bằng cách dựa vào pháp luật, mong muốn chị ta từ bỏ người chồng vũ phu. Phùng mong muốn mình có thể dựa vào pháp luật để giải phóng, giúp đỡ con người thoát khỏi mọi đau khổ, thế nhưng vẫn chưa đủ, vẫn không thể giải thoát con người khỏi nghèo đói, bế tắc và túng quẫn. Bởi câu chuyện về đói nghèo vẫn luôn là câu chuyện khiến người ta trăn trở từ bấy lâu nay, đó là căn nguyên của những bộc phát sai lầm, những hành động nông nổi, dại dốt.
"Văn chương là hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng." (Nhà phê bình văn học Hoài Thanh). Văn chương tái hiện những số phận, bộc lộ những sai lầm trong cách giải quyết của nhân vật, đồng thời cũng để nhân vật nhận thức và vỡ lẽ ra một cuộc sống nhiều chiều phức tạp.
4. Phùng - Người nghệ sĩ nhân ái đã nhận thức và vỡ lẽ ra những oái oăm của cuộc đời
"Người nghệ sĩ chèo lái con thuyền nghệ thuật vừa phải hiểu sâu sắc con thuyền nghệ thuật, vừa phải nắm bắt rõ những luồng lạch, độ nông sâu của biển cả cuộc đời." Nghĩa là người nghệ sĩ không chỉ cần nhìn gần, nhìn thẳng vào hiện thực mà còn phải nhìn sâu, nhìn kĩ, nhìn đa diện, tổng thể. Ở nghệ sĩ Phùng, ban đầu, khi nghe người đàn bà từ chối sự giúp đỡ của Phùng và Đẩu, anh đã không thể hiểu nổi. Điều đó cho thấy sự đơn giản trong cái nhìn về cuộc đời và con người của anh. Nhưng về sau, Phùng đã dần hiểu ra những nguyên cớ sâu xa khiến người phụ nữ hàng chài không thể bỏ chồng. Anh cũng hiểu được rằng trong cuộc đời này, để tồn tại, mưu sinh, có những nghịch lí mà người ta bắt buộc phải chấp nhận. Người nghệ sĩ trẻ ấy đã có nhiều nhận thức sâu sắc, mới mẻ về con người, nghệ thuật và cuộc sống. Anh hiểu hơn về giới hạn của lòng tốt và luật pháp, về cách nhìn nhận và đánh giá con người.
Cuộc cách mạng trong nghệ thuật và cả trong đời sống đều phải bắt đầu từ sự thay đổi cách nhìn về hiện thực và quan niệm về con người và đời sống. Đừng xa vời hiện thực, lý tưởng hóa hay lãng mạn hóa, đừng phủ sương hồng, hãy nhìn gần, nhìn thẳng, nhìn thật vào hiện thực. Nếu không, ngòi bút của người nghệ sĩ sẽ không chạm tới được cái chân - thiện - mĩ đích thực, đủ đầy của hiện thực đời sống và nghệ thuật. Trong tác phẩm này, Phùng đã có những cảm nhận mới mẻ về chiếc thuyền ngoài xa. Vẫn là khoảng cách xa xôi, nhưng sau khi đã thấu hiểu lẽ đời, anh đã thấy nó không còn bình yên thi vị nữa, mà đó là con thuyền phải vật lộn, chống trả trước phong ba, bão tố để có thể tồn tại, mưu sinh. Cuối thiên truyện, nghệ sĩ Phùng vẫn luôn ám ảnh về hình dáng người đàn bà hàng chài giữa đám đông, nghĩa là cuộc đời ngoài kia như nước biển mặn chát, chất chứa những giọt lệ buồn của bao người phụ nữ phải chìm trong đau khổ, bạo lực và đói nghèo. Và Phùng, Đẩu, hay chính chúng ta đều đang đi tìm và nỗ lực trả lời cho những tiếng kêu thống thiết ngoài kia...
5. Tổng kết nội dung, nghệ thuật
- Tình huống nhận thức, mang ý nghĩa khám phá, phát hiện đời sống chứa đựng những suy ngẫm, phát hiện sâu sắc của nhà văn về cách để nhìn nhận, đánh giá con người, cuộc sống và về mối quan hệ giữa nghệ thuật với hiện thực, người nghệ sĩ với cuộc đời.
+ Cuộc đời không đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng nhiều nghịch. Cần nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng trong hoàn cảnh cụ thể của nó và trong môi quan hệ với nhiều yếu tố khác nữa.
+ Muốn giúp đỡ con người không chỉ dựa vào thiện chí hay kiến thức sách vở mà phải thấu hiểu cuộc sống của họ và có những biện pháp thiết thực.
+ Con người ta luôn phải nhìn lại mình. Hoạt động tự ý thức khiến con người ngày càng hoàn thiện hơn.
+ Nghệ thuật chân chính không bao giờ rời xa cuộc sống. Nghệ thuật chân chính là cuộc sống và phải luôn luôn vì cuộc sống.
- Người kể chuyện là nhân vật Phùng, xưng tôi. Ngôn ngữ người kể chuyện, vừa là ngôn ngữ nhân vật.
+ Người kể chuyện là nhân vật Phùng, đó là sự hóa thân của tác giả.
+ Ngôn ngữ nhân vật phù hợp với đặc tính của từng người.
+ Việc sử dụng ngôn ngữ linh hoạt sáng tạo đã góp phần khắc sâu thêm chủ đề, tư tưởng của truyện ngắn.
- Cách khắc họa nhân vật, cốt truyện hấp dẫn kết hợp với ngôn ngữ sử dụng rất linh hoạt, sáng tạo góp phần làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
- Giọng điệu: chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở phù hợp với tình huống nhận thức. Đồng thời cũng làm nên nét đặc trưng phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.
6. Đánh giá mở rộng (lý luận văn học)
Nếu như trước kia, trong văn học 1945 - 1975, khi đề cập đến số phận con người thì bao giờ các nhà văn cũng đề cao vào khả năng con người vượt qua nghịch cảnh và những tác động của môi trường, của xã hội mới sẽ giúp con người tìm thấy hạnh phúc. Khi diễn tả sự vận động của tính cách con người, các nhà văn cũng thường nói về sự vận động theo chiều hướng tích cực, từng bước vượt lên hoàn cảnh, hồi sinh tâm hồn. Nguyễn Minh Châu không đi theo con đường mòn đó. Trong "Chiếc thuyền ngoài xa", nhà văn đã nói về những nghịch lý tồn tại như một sự thật hiển nhiên trong đời sống con người. Bằng thái độ cảm thông và sự hiểu biết sâu sắc về con người, ông đã cung cấp cho ta cái nhìn toàn diện về cái đẹp cuộc sống, hiểu cả về mặt lẫn chiều sâu. Nguyễn Minh Châu đã từng phát biểu: "Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người" (Phỏng vấn đầu xuân 1986 báo Văn nghệ), "Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm các công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực" (Ngồi buồn viết mà chơi). Tư tưởng ấy được thể hiện trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" như một minh chứng cho tấm lòng hướng về con người, khả năng giải mã những mặt phức tạp của cuộc đời. Bức thông điệp trong tác phẩm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống là nhận thức đầy thấm thía: " Cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật, và rằng con người ta cần có một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật nhưng nếu muốn khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời." (Lê Ngọc Chương - "Chiếc thuyền ngoài xa", một ẩn dụ nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu). Kết thúc tác phẩm, người nghệ sĩ đã hoàn thành kiệt tác của mình đem đến cho công chúng những cảm nhận về vẻ đẹp tuyệt mỹ của tạo hóa, thế nhưng mấy ai biết được sự thật nằm sau vẻ đẹp tuyệt vời kia? Phần kết của tác phẩm để lại nhiều suy ngẫm: "Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kỹ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hào lẫn trong đám đông." Cuộc sống vốn vậy, vẫn tươi đẹp, vẫn êm ả, nhưng nếu không có tấm lòng để nhận ra những uẩn khúc số phận thì những vẻ đẹp như màu hồng của ánh sương mai kia cũng trở nên vô nghĩa, người nghệ sĩ phải nhận ra sự thật ẩn khuất sau màn sương huyền ảo kia, phải tiếp cận sự thật để nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống và con người.
Hy vọng bài viết trên của Luật Minh Khuê đã cung cấp cho quý bạn đọc những kiến thức hữu ích, trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi!