Mục lục bài viết
- 1. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa
- 1.1. Bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một tất yếu, khách quan
- 1.2. Mục tiêu bảo vệ tổ quốc là bảo vệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi công dân
- 1.3. Sức mạnh bảo vệ tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, cả nước, kết hợp với sức mạnh thời đại
- 1.4. Đảng cộng sản Việt nam lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa
- 2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào bảo vệ tổ quốc Việt Nam hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của quá trình cách mạng Việt Nam. Trong đó, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một trong những nội dung lớn và đặc biệt quan trọng, được hình thành và phát triển trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Người, góp phần to lớn làm nên thắng lợi của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ tổ quốc.
1. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa
1.1. Bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một tất yếu, khách quan
Bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công cuộc đổi mới, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ nền văn hóa dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tính tất yếu khách quan của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
"Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Ý chí giữ nước của Người vô cùng sâu sắc và kiên quyết, do đó trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/1/2/1946, Người nói:
"Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!...".
"Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, Đảng phái, dân tộc. Ai có súng thì dùng súng, ai có gươm thì dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước... Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta".
Bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa xuất phát từ yêu cầu bảo vệ thành quả cách mạng. Cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa không chỉ là cuộc chiến tranh chống bọn chống phá phản cách mạng, giành lại đất nước chủ nghĩa xã hội mà còn là cuộc chiến tranh để bảo vệ và giữ gìn chủ nghĩa xã hội ấy với tư cách là tổ quốc.
>> Xem chi tiết: Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Nội dung cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh
1.2. Mục tiêu bảo vệ tổ quốc là bảo vệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi công dân
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ tổ quốc là sự gắn bó chặt chẽ giữa mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là sự thống nhất giữa nội dung dân tộc, nội dung giai cấp và nội dung thời đại.
Tự do cho đồng bào, độc lập cho tổ quốc là mục đích của Hồ Chí Minh khi quyết định rời quê hương để ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Người đã khẳng định: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Ngay cả trước khi từ trần, Người cũng chỉ đau đáu một nỗi lo làm sao để đất nước thống nhất, độc lập, dân chỉ và giàu mạnh. Trong tư tưởng của Người, đối với một dân tộc thì không có gì quý hơn độc lập, tự do.
Về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Người cho rằng độc lập dân tộc là cơ sở, tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội còn chủ nghĩa xã hội chính là điều kiện để bảo đảm nền độc lập dân tộc vững chắc. Vào đầu thế kỷ XX, vấn đề giải phóng dân tộc là vấn đề cấp bách, sống còn của dân tộc ta. Những phong trào yêu nước chống thực dân Pháp liên tục bị đàn áp dã man. Sự thất bại một mặt là do đường lối cách mạng sai lầm, thiếu một giai cấp tiên tiến lãnh đạo cách mạng, mặt khác là không nhận thức và đi theo quy luật phát triển của thời đại, nhất là sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào trong việc xác định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam, giúp cách mạng Việt Nam đạt được nhiều thắng lợi. Thêm vào đó, theo Người, độc lập dân tộc mà dân không có cơm ăn, áo mặc, không được học hành thì độc lập không có ý nghĩa gì, độc lập đó trước sau gì cũng không tồn tại, cho nên sau khi tiếp thu học thuyết cách mạng vô sản, Người khẳng định: Độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Người kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất tổ quốc, cả nước đi lên xã hội chủ nghĩa.
1.3. Sức mạnh bảo vệ tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, cả nước, kết hợp với sức mạnh thời đại
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: Phát huy sức mạnh tổng hợp trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa đó là sức mạnh của toàn dân tộc, toàn dân, của từng người dân, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, là sức mạnh của các nhân tố chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, sức mạnh truyền thống với hiện đại, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong sức mạnh tổng hợp đó, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng sức mạnh nhân dân, Người khẳng định phải "dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân", "toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng, quyết không làm nô lệ" để bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Để bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng quân đội nhân dân và coi đó là lực lượng chủ chốt để bảo vệ tổ quốc. Người luôn căn dặn phải xây dựng quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn hòa bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
1.4. Đảng cộng sản Việt nam lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Đảng và chính phủ phải lãnh đạo toàn dân, ra sức củng cố và xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời tiếp tục đấu tranh để thống nhất nước nhà, trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình, góp phần bảo vệ công cuộc hòa bình ở Á đông và trên thế giới". Người cũng tiếp tục khẳng định: "Với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và chính phủ, với sự đoàn kết nhất trí, lòng tin tưởng vững chắc vào tinh thần tự lực cánh sinh của mình, với sự giúp đỡ vô tư của các nước anh em [...] nhân dân ta nhất định khắc phục được mọi khó khăn, làm tròn được nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ đề ra".
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh ngày nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
>> Tham khảo: Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào bảo vệ tổ quốc Việt Nam hiện nay
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm hạnh phúc của người dân". Đây vừa là chủ trương chỉ đạo chiến lược vừa thể hiện sự kiên định mục tiêu của cách mạng Việt Nam.
Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần phải tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp:
- Tăng cường nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, sự đúng đắn của con đường chủ nghĩa xã hội, khát vọng xây dựng đất nước ta giàu mạnh, phồn vinh và ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.
- Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
>> Tham khảo: Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc thể hiện như thế nào?
Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê về chủ đề Phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hy vọng những nội dung trên đã đem đến cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích.