Mục lục bài viết
- 1. Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất phát từ tiền đề ra đời của Đảng
- 2. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng:
- 3. Tính nhân dân, tính dân tộc của Đảng:
- 4. Nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng cộng sản Việt Nam:
- 4.1 Nguyên tắc tập trung dân chủ:
- 4.2 Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách:
- 4.3 Nguyên tắc tự phê bình và phê bình:
- 4.4 Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác:
- 4.5 Nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng:
- 5. Câu hỏi thường gặp liên quan đến Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh
- 5.1 Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là gì?
- 5.2 Ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh?
BẢN CHẤT GIAI CẤP CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Bản chất của Đảng Cộng sản là vấn đề đặc biệt quan trọng. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất giai cấp công nhân là “bản chất cấp 1” của Đảng Cộng sản; đồng thời, Đảng Cộng sản còn có những bản chất ở cấp độ khác, như “bản chất nhân dân lao động”, “bản chất dân tộc”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề “bản chất của Đảng” có liên quan chặt chẽ, nhưng không đồng nhất với vấn đề “Đảng của những ai”. Cần phải khẳng định rằng, giữ vững và nâng cao bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta là điều kiện tiên quyết, bảo đảm cho sự thành công của cách mạng Việt Nam trong mọi giai đoạn.
Hồ Chí Minh khẳng định:Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân,đội tiên phong của giai cấp công nhân,mang bản chất giai cấp công nhân.Quan điểm này của Hồ Chí Minh hoàn toàn tuân thủ những quan điểm của Lênin về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Nhưng Hồ Chí Minh còn cách thể hiện khác về vấn đề “Đảng của ai”. Trong báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951) Hồ Chí Minh nêu rõ: ‘‘trong giai đoạn này,quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một.Chính vì đảng lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ,cho nên nó phải là Đảng của dân tộc VN”. Năm 1953 HCM viết: “Đảng lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc…Đảng là Đảng của giai cấp lao động ,mà cũng là Đảng của toàn dân”…Tuy có nhiều cách thể hiện khác nhau nhưng quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh về bản chất giai cấp của Đảng là: Đảng ta mang bản chất của giai cấp công nhân.
1. Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất phát từ tiền đề ra đời của Đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp giữa ba yếu tố: chủ nghĩa Mác Lênin, phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng tập hợp vào hàng ngũ của mình những người “tin theo chủ nghĩa cộng sản,chương trình của Đảng và quốc tế cộng sản,hăng hái đáu tranh và dám hi sinh phục tùng mệnh lệnh đảng và đóng kinh phí,chịu phấn đấu trong một bộ phận của đảng”. Hồ Chí Minh khẳng định rõ mục đích của Đảng là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Vì thế Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng vừa là đảng của giai cấp công nhân vừa là Đảng của cả dân tộc Việt Nam. Với nhận thức sáng suốt và sâu sắc rằng: Chỉ có sự lãnh đạo của một Đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình, đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công, Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu để sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Người luôn quan tâm chăm lo xây dựng Đảng lớn mạnh về mọi mặt. Nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chăm lo cho công tác xây dựng Đảng rất phong phú. Về bản chất giai cấp công nhân của Đảng, được Người nêu lên rõ nét, nhất quán thể hiện sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê nin về Đảng Cộng sản trong điều kiện Việt Nam.
2. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng:
+ Trước hết đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.
+ Bản chất giai cấp công nhân của Đảng còn thể hiên trong mục tiêu của Đảng: Biểu hiện bản chất giai cấp công nhân của Đảng trước hết rõ nhất cụ thể nhất là Đảng ta thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì chỉ có giai cấp công nhân mới có thể “đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”.
Trong “Điều lệ tóm tắt” của Đảng Cộng sản Việt Nam được thông qua tại Hội nghị hợp nhất 3 Đảng năm 1930 đã nêu: Đảng là đội tiên phong của đạo quân vô sản gồm một số lớn của giai cấp công nhân và làm cho họ có đủ năng lực lãnh đạo quần chúng.
Đại hội II của Đảng năm 1951 đã khẳng định:
"Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam và nhân dân lao động Việt Nam. Mục đích của Đảng là phát triển chế độ dân chủ nhân dân của Đảng tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, để thực hiện tự do, hạnh phúc cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và tất cả các dân tộc đa số, thiểu số ở Việt Nam”.
Như vậy khi nói Đảng vừa là Đảng của giai cấp công nhân vừa là Đảng của cả dân tộc không có nghĩa là xóa nhòa đi bản chất giai cấp của Đảng, nếu hiểu như vậy thì không đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặc dù Đảng có nhiều tên gọi khác nhau qua từng thời kì thì bản chất của Đảng vẫn là duy nhất theo tư tưởng của Người: “Đảng Cộng sản Việt Nam luôn mang bản chất của giai cấp công nhân.”
Đảng mang bản chất của giai cấp công nhân còn được thể hiện ở nguyên tắc tổ chức, xây dựng và hoạt động của Đảng: Về bản chất, Đảng Lao động Việt Nam mang bản chất công nhân, là đảng cách mạng kiểu mới của giai cấp công nhân, vì Đảng Lao động Việt Nam có đủ những tính chất căn bản của một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin làm nền tảng tư tưởng; Đảng lấy dân chủ tập trung làm nguyên tắc tổ chức; Đảng lấy phê bình và tự phê bình làm quy luật phát triển. Đảng cộng sản Việt Nam - chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời mang bản chất giai cấp công nhân, là lãnh tụ chính trị, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Do đó, lợi ích của Đảng trước hết đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động, lợi ích của toàn dân tộc. Có thể nói, sứ mệnh lịch sử của ĐCS Việt Nam là do thời đại, giai cấp và dân tộc quyết định
3. Tính nhân dân, tính dân tộc của Đảng:
Quan niệm đảng không những là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của nhân dân lao động và của cả toàn dân tộc có ý nghĩa to lớn với cách mạng Việt Nam. Đảng không chỉ đấu tranh vì lợi ích của giai cấp công nhân mà còn đấu tranh cho quyền lợi của tập thể, của cả dân tộc. Đảng đại diện cho lợi ích của toàn dân tộc nên nhân dân Việt Nam coi Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của chính mình. Trong thành phần của mình, Đảng không chỉ kết nạp giai cấp công nhân mà còn kết nạp cả những thành viên ưu tú thuộc giai cấp nông dân trí thức và các thành phần khác thông qua quá trình giác ngộ, rèn luyện và tự nguyện đứng vào hàng ngũ Đảng. Đảng cũng đã khẳng định rằng, để đảm bảo và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, Đảng luôn luôn gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tọc trong tất cả các thời kì của cách mạng. Trong quá trình rèn luyện Đảng, Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính thống nhất giữa yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc. Sức mạnh của Đảng không chỉ bắt nguồn từ giai cấp công nhân mà còn bắt nguồn từ các tầng lớp nhân dân lao động khác.
4. Nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng cộng sản Việt Nam:
Cùng với việc làm sáng tỏ vị trí, vai trò quyết định của Đảng cộng sản với cách mạng Việt Nam và bản chất giai cấp công nhân của Đảng, để xây dựng được Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh, lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp cách mạng, Người cũng chỉ rõ những nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
4.1 Nguyên tắc tập trung dân chủ:
Đây là nguyên tắc cơ bản nhất để xây dựng Đảng cộng sản thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi người, vừa phát huy sức mạnh của tất cả ai đã tự nguyện gắn bó với nhau trong một tổ chức. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ và tập trung là hai mặt có mối quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau trong một nguyên tắc. Dân chủ để đi đến tập trung, là cơ sở của tập trung, chứ không phải dân chủ theo kiểu phân tán, vô tổ chức.
4.2 Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách:
Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Theo Người, tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn đi đôi với nhau, liên hệ với vấn đề dân chủ tập trung; lãnh đạo không tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan; phụ trách không do cá nhân thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn vô chính phủ. Kết quả là hỏng việc.
4.3 Nguyên tắc tự phê bình và phê bình:
Đây là nguyên tắc sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển Đảng, vì Người cho rằng mỗi đảng viên trước hết phải thấy rõ mình, để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, cũng giống như phải tự soi gương rửa mặt hàng ngày.Tự phê bình và phê bình không những là vấn đề của khoa học cách mạng, mà còn là nghệ thụật cách mạng, vì vậy, Người lưu ý cán bộ, đảng viên và các cấp bộ Đảng trừ trên xuống dưới không những phải “luôn luôn dùng” mà còn “khéo dùng cách phê bình và tự phê bình”; cán bộ càng cao, trách nhiệm càng lớn phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Muốn thực hiện tốt nguyên tắc này đòi hỏi mỗi người phải trung thực, chân thành với bản thân mình cũng như với người khác, “phải có tính đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
4.4 Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác:
Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác ý thức tổ chức nghiêm minh của cán bộ đảng viên. Từ việc phải tuân thủ kỷ luật của Đảng, mỗi đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải nghiêm túc chấp hành kỷ luật của các đoàn thể và pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối không được ai cho phép mình coi thường, thậm chí đứng trên tất cả. Ý thức kỷ luật đó là ý thức của giai cấp công nhân, ý thức của Đảng của giai cấp công nhân.
4.5 Nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng:
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong Đảng cũng như xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng, Người thường nêu những yêu cầu, như: phải thực hành và mở rộng dân chủ trong nội bộ để mọi bộ cán bộ, đảng viên có thể tham gia bàn bạc đến nơi đến chốn những vấn đề hệ trọng của Đảng; phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân với bao nhiêu thứ tệ nạn từ chủ nghĩa cá nhân mà ra, như: tham ô, lãng phí, quan liêu, bè cánh, cơ hội, dối trá, chạy theo chức, quyền, danh, lợi.
Như vậy mặc dù Đảng ta mang bản chất của giai cấp công nhân xong đảng ta nguyện phấn đấu suốt đời cho lợi ích không phải chỉ riêng giai cấp công nhân mà còn là toàn thể nhân dân lao động và cả dân tộc. Trân trọng!
5. Câu hỏi thường gặp liên quan đến Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh
5.1 Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là gì?
Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là văn bản trình bày tóm tắt mục tiêu, đường lối, nhiệm vụ và phương pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh chính trị được coi là văn bản có giá trị cao nhất trong hệ thống các văn bản của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có 5 cương lĩnh.
5.2 Ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh?
Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất đưa cách mạng nước ta đi đến thành công, thắng lợi. Tư tưởng Hồ Chí Minh như là một khối tài sản quý báu được truyền lại cho thế hệ đời sau, về lòng yêu nước, về tinh thần đấu tranh quật cường của ông cha ta để quyết tâm giành lại độc lập dân tộc.
Việc học tập và nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh giúp cho thế hệ trẻ biết quý trọng nền độc lập dân tộc, quý trọng những trang sử hào hùng, giúp cho các bạn trẻ có cái nhìn đúng đắn hơn, rèn luyện đạo đức kỉ luật tốt.
>> Tham khảo: Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Nội dung cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh
Công ty luật Minh Khuê (sưu tầm)