Mục lục bài viết
- 1. Khái quát quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về quân sự
- 2. Quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về vai trò của bạo lực
- 3. Nguồn gốc, bản chất, chức năng và lịch sử phát triển của quân đội
- 4. Quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về khoa học quân sự
- 5. Quan điểm của Lênin về quân sự
- 5.1 Khái niệm về học thuyết quân sự?
- 5.2 Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng Việt Nam?
1. Khái quát quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về quân sự
C. Mác và Ph. Ăngghen là những người đã đặt nền móng cho học thuyết của giai cấp vô sản về chiến tranh và quân đội. Hai ông đã giải thích thực sự khoa học bản chất của chiến tranh và quân đội trên cơ sở những quy luật phát triển xã hội mà các ông đã phát hiện ra. Hai ông đã xác định bản chất giai cấp của chiến tranh, bản chất giai cấp của quân đội xuất phát từ điều kiện cụ thể của đời sống xã hội, từ cơ cấu kinh tế và chính trị của xã hội, xuất phát từ quan điểm cho rằng: “Phương thức sản xuất ra đời sống vật chất, quyết định các quá trình xã hội, chính trị và tinh thần của đời sống nói chung”. Các nhà tư tưởng của giai cấp bóc lột đã đề ra không ít học thuyết đủ loại về chiến tranh, coi chiến tranh là quy luật tự nhiên vĩnh cửu, là bản năng cố hữu của con người... Mác và Ăngghen đã phê phán các luận điểm trên và chi ra mục đích thực sự của những 1ý luận ấy là bào chữa cho các cuộc chiến tranh xâm lược và cướp bóc.
2. Quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về vai trò của bạo lực
Mác và Ăngghen khẳng định vai trò của bạo lực khi nó phục vụ cho mục đích cải tạo xã hội bằng cách mạng và do giai cấp tiên tiến sử dụng để khắc phục sự chống đối của lực lượng phản động. Bạo lực là công cụ mà sự vận động xã hội dùng để tự mở đường cho mình và đập tan những hình thức cứng đò hóa đá. Giai cấp công nhân là giai cấp có sứ mệnh lịch sử xây dựng xã hội mới tất yếu phải sử dụng bạo lực cách mạng với nhiều hình thức khác nhau kể cả hình thức vũ trang nhằm thiết lập chính quyền của giai cấp vô sản và thủ tiêu chế độ tư bản. Do đó, Mác và Ăngghen đòi hỏi, các chính đảng của giai cấp vô sản phải có những tri thức về quy luật, quy tắc của khởi nghĩa vũ trang, về quy luật đấu tranh vũ trang. Các ông cho rằng, chiến tranh là một hiện tượng xã hội lịch sử cụ thể. Chiến tranh xuất hiện cùng với sự ra đời của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, cùng với sự phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng. Sau khi các giai cấp đã bị thủ tiêu, sự bóc lột và chế độ bóc lột không còn nữa thì cũng sẽ không còn có chiến tranh và quân đội.
3. Nguồn gốc, bản chất, chức năng và lịch sử phát triển của quân đội
Trong các tác phẩm quân sự của mình, Ăngghen đã bàn nhiều về quân đội, nguồn gốc, bản chất, chức năng và lịch sử phát triển của quân đội. Theo các ông, quân đội của giai cấp tư sản là một công cụ to dùng để áp bức. Các quốc gia tư bản trong khi tiến hành chiến tranh chống lẫn nhau, hàng năm chi phí ngày càng nhiều tiền của cho quân đội, hạm đội, súng ống. Vì thế mà chủ nghĩa quân phiệt ngày càng tăng và chủ nghĩa quân phiệt mang trong lòng nó mầm mống của sự tiêu vong.
Về cơ cấu quân đội Ăngghen đã nói tới các binh chủng, đến trang bị của quân đội đến việc huấn luyện và giáo dục quân đội, đến vai trò của sức mạnh tinh thần và kỷ luật sắt của quân đội. Mác và Ăngghen đã vạch ra mối tương quan và mối quan hệ qua lại giữa chính trị và kinh tế giữa chiến tranh và chính tri và nêu rõ vai trò của quần chúng nhân dân trong chiến tranh. Xuất phát từ sự đánh giá tính chất của chiến tranh, Mác và Ăngghen đã phân chia chiến tranh thành chiến tranh tự vệ và chiến tranh xâm lược. Thường thường, chiến tranh tự vệ được hiểu là chiến tranh giải phóng dân tộc tiến bộ trong lịch sử và là chiến tranh của các giai cấp bị áp bức chống lại những kẻ đi áp bức. Còn chiến tranh xâm lược là chiến tranh cướp bóc, chiến tranh phản động.
Các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã nghiên cứu nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang của giai cấp vô sản, trong đó các ông nhấn mạnh: khởi nghĩa là một nghệ thuật cũng y như chiến tranh hay bất cứ nghệ thuật nào khác. Khởi nghĩa phải tuân theo một số quy tắc nhất định: thứ nhất, không bao giờ được đùa với khởi nghĩa; thứ hai, một khi đã bước vào con đường khởi nghĩa thì phải hành động với một quyết tâm rất cao và phải thực hành tiến công.
Phòng ngự là sự diệt vong đối với bất kỳ cuộc khởi nghĩa nào. Phải tập hợp được lực lượng cách mạng, không được phép chia sẻ và phân tán lực lượng khiến cho quân chính phủ có thể đàn áp hết cuộc khởi nghĩa này đến cuộc khỏi nghĩa khác.
4. Quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về khoa học quân sự
Mác, Ăngghen còn đặc biệt chú trọng đến khoa học quân sự, tức là các vấn đề có quan hệ trực tiếp đến việc chuẩn bị và tiến hành chiến tranh. Ăngghen là nhà mácxít đầu tiên đã nghiên cứu để xây dựng một lý luận quân sự khoa học. Khi nghiên cứu những vấn đề lý luận quân sự, Ăngghen dựa vào chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử do Mác và ông sáng tạo ra và cắt nghĩa một cách khoa học nguồn gốc, tính chất - giai cấp, bản chất của chiến tranh và của lực lượng vũ trang. Ăngghen đã phân tích sâu sắc các phương thức tiến hành chiến tranh, chiến lược, chiến thuật khởi nghĩa là; vũ trang của giai cấp vô sản. Ông đã chỉ ra sự lệ thuộc của phương thức tiến hành chiến tranh vào cơ sở kinh tế, vào sự phát triển của sản xuất. “Không có gì lại phụ thuộc vào những tiền đề kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội. Trang bị, tổ chức, biên chế, chiến lược. chiến thuật phụ thuộc trước hết vào trình độ sản xuất tương ứng và vào phương tiện giao thông. Trong lĩnh vực này, cái có tác động cách mạng hóa không phải là “những sáng tạo tự do của trí tuệ” của những tướng lĩnh thiên tài mà là việc phát minh ra những vũ khí tốt hơn và sự thay đổi trong chất liệu người lính ảnh hưởng của các tướng lĩnh thiên tài nhiều lắm cũng chỉ giới hạn trong việc làm cho phương thức chiến đấu thích ứng với vũ khí mới và người lính mà thôi”.
Sự khám phá ra quy luật ấy, cái quy luật làm cơ sở cho sự phát triển của nghệ thuật quân sự đã đánh dấu bước ngoặt trong lĩnh vực lý luận quân sự. Ăngghen không quy ảnh hưởng của phương thức sản xuất đối với nghệ thuật quân sự chỉ đóng khung trong cơ sở vật chất kỹ thuật, kỹ thuật quân sự. Phương thức sản xuất quyết định tính chất của chế độ xã hội, tư tưởng của xã hội và các tổ chức chính trị của xã hội. Ăngghen đã xem xét ảnh hưởng của phương thức sản xuất đối với nghệ thuật quân sự gắn liên với quan hệ của con người trong sản xuất, với quần chúng, với những phẩm chất xã hội của con người, với một kiểu quân đội nhất định và với phương tiện chiến đấu, với kỹ thuật quân sự.
Nghệ thuật quân sự còn chịu ảnh hưởng của chế độ kinh tế, của sản xuất, cũng như của kiến trúc thượng tầng mà nhà nước là yếu tố quan trọng nhất.
Ăngghen là người đầu tiên chứng minh rằng nghệ thuật quân sự phát triển theo những quy luật nhất định. Những quy luật này không thể rút ra từ tư duy của các nhà hoạt động quân sự lỗi lạc, các tướng lĩnh mà là những quy luật vốn có của đấu tranh vũ trang trong điều kiện xã hội kinh tế, lịch sử cụ thể.
Ăngghen vạch trần những người đại diện cho khoa học quân sự tư sản đã gieo rắc quan điểm về tính ngẫu nhiên tuyệt đối, theo quan điểm ấy thì mọi sự đều quy lại thành sự ngẫu nhiên. Nhà tư tưởng điển hình của quan điểm ấy không phải là ai khác mà chính là Claodơvít.
Cùng với các nhân tố khác quyết định thắng lợi trong chiến tranh, hoạt động của các tướng lĩnh, nghệ thuật chỉ huy quân đội của họ cũng có ý nghĩa rất. Nhà chỉ huy quân sự tài giỏi là người phục vụ lợi ích của nhân dân, của dân tộc, của các giai cấp tiên tiến và trong hoạt động chỉ huy biết sử dụng những điều kiện vật chất của đời sống xã hội và các quy luật khách quan.
Đối với hoạt động thực tiễn của con người trong bất cứ lĩnh vực nào, vấn đề khả năng và hiện thực cũng có ý nghĩa quan trọng, cần phải phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa khả năng hiện có với việc sử dụng những khả năng ấy, biến những khả năng ấy thành hiện thực. Chỉ riêng khả năng chưa đủ để giành thắng lợi, đồng thời cũng không thể tách khả năng với hiện thực hay đồng nhất hai yếu tố đó. Trong nghệ thuật quân sự, quan điểm của Ăngghen chỉ rõ việc tách rời giữa khả năng với hiện thực sẽ dẫn đến chủ nghĩa phiêu lưu.
Ăngghen phê phán quan điểm của các nhà lý luận quân sự tư sản về tính vĩnh cửu, tính bất biến của những nguyên tắc nghệ thuật quân sự và vạch ra tính lịch sử của những nguyên tắc ấy. Ông chỉ ra rằng, nghệ thuật quân sự không ngừng biến đổi và phát triển, ngày càng hoàn thiện và phức tạp hơn. Các hiện tượng quân sự đều liên hệ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Khi nghiên cứu quân đội một cách toàn diện, Ăngghen luôn nhấn mạnh mối liên hệ, sự phụ thuộc lẫn nhau, sự tác động qua lại giữa các binh chủng. Còn trong nghệ thuật quân sự đó là mối liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau giữa chiến lược và chiến thuật.
Ăngghen đã phân tích một cách toàn diện và sâu sắc nghệ thuật quân sự (chiến lược và chiến thuật). Trong các tác phẩm quân sự, Ăngghen đã phân tích nhiều trận chiến đấu xảy ra trong và trước thời đại ông, đã tổng kết lý luận về nghệ thuật chiến đấu, chỉ rõ phương thức và hình thức chiến đấu thay đổi là do ảnh hưởng của những biến đổi về phương thức sản xuất và phương tiện chiến đấu.
Ăngghen là người đầu tiên sáng lập ra môn lịch sử nghệ thuật quân sự của giai cấp vô sản. Xuất phát từ nhiệm vụ đấu tranh của cách mạng vô sản, ông đã bắt tay vào nghiên cứu và tổng kết lịch sử nghệ thuật quân sự nhằm mục đích nhận thức sâu sắc nghệ thuật quân sự ở thời đại ông. Trên cơ sở những tri thức về lịch sử nghệ thuật quân sự và đặc biệt là kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh ở thế kỷ XIX, ông vạch ra những quy luật của đấu tranh vũ trang và có những quan niệm đúng đắn về phương hướng tiếp theo của nghệ thuật quân sự.
Trong các tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, “Chống Đuyrinh”, “Tiểu luận về chiến tranh”... Ăngghen đã xác định các giai đoạn phát triển của nghệ thuật quân sự. Ông trình bày lịch sử xây dựng và tổ chức quân đội, lịch sử của các phương thức tiến hành chiến tranh và chiến đấu, của hệ thống giáo dục và huấn luyện quân đội, lịch sử của các loại vũ khí trang bị... Ăngghen còn xác định rõ vị trí của các nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc trong lịch sử chiến tranh đối với sự phát triển của nghệ thuật quân sự.
Trong các tác phẩm của mình, Ăngghen nghiên cứu một cách có phê phán và đã tổng kết tất cả những gì mà tư duy lý luận quân sự đã sáng tạo ra trong nhiều thế kỷ. Như vậy có thể thấy, để vạch ra chiến lược và chiến thuật đấu tranh vũ trang của giai cấp vô sản, để chuẩn bị và tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang, Mác và Ăngghen đã khái quát hóa những sự kiện cách mạng và nghiên cứu các vấn đề lý luận quân sự và lịch sử quân sự. Học thuyết của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác về chiến tranh và quân đội, về khởi nghĩa vũ trang trở thành cơ sở tư tưởng cho cuộc đấu tranh vũ trang của giai cấp vô sản sau này.
5. Quan điểm của Lênin về quân sự
Tiếp thu các quan điểm của Mác và Ăngghen, Lênin đã tiếp tục phát triển luận điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác. Ông đã phát triển lý luận về khả năng giành thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở một nước. Ông đề ra yêu cầu phải luận giải một cách khoa học về sự cần thiết phải vũ trang bảo vệ và củng cố khả năng quốc phòng của nhà nước của giai cấp vô sản. Lênin đã xác định những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản: điều mà Mác và Ăngghen, do điều kiện lịch sử của thời đại, các ông chưa đề cập được. Lênin và những người Bônsêvích Nga đã sáng lập ra khoa học quân sự Xôviết - khoa học về quy luật đấu tranh vũ trang, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, về phương thức chuẩn bị và tiên hành chiến tranh thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
5.1 Khái niệm về học thuyết quân sự?
Học thuyết quân sự: là hệ thống quan điểm được chấp nhận trong một Nhà nước ở một thời kỳ nhất định về mục đích, tính chất của cuộc chiến tranh có thể xảy ra, về việc chuẩn bị và phương thức tiến hành cuộc chiến tranh đó.
5.2 Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng Việt Nam?
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện, sâu sắc, khoa học về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đóng vai trò là nền tảng tư tưởng, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn to lớn, đã và đang soi đường cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Một trong những vấn đề quan trọng, đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, góp phần hoàn thành thắng lợi công cuộc giải phóng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.