Mục lục bài viết
- 1. Chủ nghĩa Mác - Lênin là thành tựu trí tuệ vĩ đại của loài người
- 1.1. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác - Lênin là quy luật phát triển khách quan của xã hội
- 1.2. Sự vận dụng và phát triển không ngừng của chủ nghĩa Mác - Lênin trong các giai đoạn lịch sử
- 2. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý luận thống nhất gồm ba bộ phận: Triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học.
- 3. Những nội dung chủ yếu thể hiện bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin
- 4. Ưu điểm lớn nhất của chủ nghĩa Mác theo tư tưởng Hồ Chí Minh
1. Chủ nghĩa Mác - Lênin là thành tựu trí tuệ vĩ đại của loài người
1.1. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác - Lênin là quy luật phát triển khách quan của xã hội
- Trong quá trình phát triển xã hội loài người, nhất là từ khi xuất hiện các giai cấp và đấu tranh giai cấp, quần chúng lao động luôn luôn mơ ước được sống trong một xã hội bình đẳng, công bằng, có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc. Những tư tưởng tiến bộ, nhân đạo đã hình thành và phát triển trong lịch sử nhân loại đều mong muốn giải phóng các giai cấp cần lao khỏi ách áp bức, bất công.
- Đến giữa thế kỷ XIX, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở nhiều nước Tây Âu, nhất là nước Anh, đã phát triển mạnh mẽ. Bước lên vũ đài chính trị, giai cấp vô sản cần có lý luận khoa học để hướng dẫn cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp mình khỏi áp bức, bất công xã hội. Trên thế giới lúc đó cũng đã xuất hiện những tiền đề về kinh tế - xã hội khoa học và lý luận, v.v… dẫn tới sự ra đời của chủ nghĩa Mác.
- Về điều kiện kinh tế - xã hội: Với sự ra đời của nền sản xuất đại công nghiệp dựa trên kỹ thuật cơ khí trước hết là ở nước Anh, lực lượng sản xuất xã hội đạt tới trình độ xã hội hóa ngày càng cao. Mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của lực lượng sản xuất với quan hệ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất trong xã hội tư bản ngày càng phát triển, trở thành mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản.
- Sự phát triển của nền đại công nghiệp đã sản sinh ra một giai cấp mới, đó là giai cấp công nhân. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, đã xuất hiện hai giai cấp cơ bản, đối lập nhau về lợi ích là giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ngày càng lan rộng, phát triển tự phát tới tự giác, từ đấu tranh kinh tế tới đấu tranh chính trị, cần có lý luận khoa học và cách mạng dẫn dắt, soi đường. Chủ nghĩa xã hội khoa học do C. Mác và Ph. Ăngghen sáng lập đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó.
- Về tiền đề khoa học và lý luận: Vào giữa thế kỷ XIX, khoa học tự nhiên đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó có ba phát minh quan trọng: Thuyết tiến hóa của Đácuyn; Định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng của Lômônôxốp; Thuyết tế bào. Các phương pháp nhận thức khoa học như: quy nạp, phân tích, thực nghiệm, tổng hợp… đã thúc đẩy năng lực tư duy khoa học không ngừng phát triển.
- Về lý luận, có những thành tựu phát triển của triết học cổ điển Đức (tiêu biểu là Cantơ, Phoiơbắc), kinh tế chính trị cổ điển Anh (tiêu biểu là Ađam Xmít và Đavít Ricácđô), chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp thế kỷ XIX (tiêu biểu là Xanh - Ximông, Rôbớc Ôoen, Sáclơ Phuriê)…
- Dựa trên những tiền đề khoa học và lý luận, nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp thiết trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, C. Mác (1818 - 1883) và Ph. Ăngghen (1820 - 1895) đã kế thừa, tiếp thu có chọn lọc, phát triển, sáng tạo ra học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân là chủ nghĩa xã hội khoa học. C. Mác và Ph. Ăngghen đã phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư và sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, chỉ rõ sự hình thành, phát triển, diệt vong của chủ nghĩa tư bản và vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản là xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
- Chủ nghĩa Mác ra đời là thành tựu trí tuệ của loài người, phản ánh thực tiễn xã hội, nhất là cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng thế giới, là một tất yếu khách quan trong tiến trình phát triển lịch sử của tư tưởng nhân loại.
1.2. Sự vận dụng và phát triển không ngừng của chủ nghĩa Mác - Lênin trong các giai đoạn lịch sử
- Đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản trên thế giới đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới, giai đoạn của chủ nghĩa đế quốc. Sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản làm cho mâu thuẫn giữa các nước đế quốc không thể điều hòa được, dẫn tới chiến tranh đế quốc. Đồng thời, với sự xâm chiếm và bóc lột thuộc địa tàn khốc của các nước đế quốc, trên thế giới đã xuất hiện phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc đại và phụ thuộc chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Yêu cầu của thực tiễn cách mạng lúc đó là phải vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện mới.
- V.I. Lênin (1870 - 1924) đã vận dụng và phát triển sáng tạo toàn diện học thuyết Mác để giải quyết những vấn đề của cách mạng vô sản trong điều kiện đó. Người đã phân tích sâu sắc chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, chỉ ra những mâu thuẫn nội tại không thể khắc phục được để khẳng định khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản và mối quan hệ giữa cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc.
- Sau thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917. V.I. Lênin đã phát triển một loạt vấn đề lý luận về xây dựng Chính quyền xôviết; phát triển kinh tế, khoa học - kỹ thuật; tiến hành công nghiệp hóa, điện khí hóa toàn quốc; thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa….. Để bảo vệ chủ nghĩa Mác, V.I. Lênin đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm tư sản, kịch liệt phê phán chủ nghĩa xét lại, cơ hội, “tả” khuynh, “hữu” khuynh, giáo điều,… trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác. Sự phát triển sáng tạo học thuyết Mác của V.I. Lênin đã làm cho chủ nghĩa cộng sản khoa học trở thành hệ thống lý luận thống nhất của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Giai đoạn phát triển mới của chủ nghĩa Mác đã gắn liền với tên tuổi của V.I. Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân được gọi là chủ nghĩa Mác - Lênin. Với bản chất khoa học và cách mạng, ngày nay chủ nghĩa Mác - Lênin đã, đang tiếp tục được vận dụng, bổ sung và phát triển trong thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
>> Tham khảo: Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và nguyên tắc giải quyết vấn đề dân tộc?
2. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý luận thống nhất gồm ba bộ phận: Triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học.
- Triết học Mác - Lênin (bao gồm chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử), là khoa học về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Triết học Mác - Lênin đem lại cho con người thế giới quan khoa học và phương pháp luận đúng đắn để nhận thức và cải tạo thế giới.
- Kinh tế chính trị Mác - Lênin nghiên cứu quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất. Với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, kinh tế chính trị Mác - Lênin chỉ rõ bản chất những quy luật kinh tế chủ yếu hình thành, phát triển và đưa chủ nghĩa tư bản tới chỗ diệt vong. Với phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa, kinh tế chính trị Mác - Lênin nghiên cứu những quy luật phát triển của quan hệ sản xuất mới, con đường xây dựng một xã hội không có áp bức, bất công, vì tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Giai đoạn đầu của phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa là chủ nghĩa xã hội.
- Chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu những quy luật chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và phương hướng xây dựng xã hội mới. Chủ nghĩa xã hội khoa học đã chứng minh rằng, việc xã hội hóa lao động trong chủ nghĩa tư bản đã tạo ra cơ sở vật chất chủ yếu cho sự ra đời tất yếu của chủ nghĩa xã hội. Cơ sở lý luận của sự chuyển biến đó là chủ nghĩa Mác - Lênin và lực lượng xã hội thực hiện sự chuyển biến đó là giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
3. Những nội dung chủ yếu thể hiện bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin
3.1. Chủ nghĩa Mác - Lênin là thành tựu trí tuệ của nhân loại
Chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời trên cơ sở những tri thức tiên tiến nhất của thời đại về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và những thành tựu về lý luận trong triết học, kinh tế chính trị và tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Kế thừa, tiếp lthu và phát triển những thành tựu trí tuệ của nhân loại, C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã sáng tạo ra học thuyết khoa học và cách mạng cho giai cấp vô sản, đó là chủ nghĩa xã hội khoa học. Do vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin là thành tựu trí tuệ chung của nhân loại.
3.2. Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết duy nhất nêu lên mục tiêu chung là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người và chỉ ra lực lượng, con đường, phương thức đạt mục tiêu đó.
- Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ: quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Điều đó đã chỉ ra cho xã hội, đặc biệt là giai cấp công nhân, nhân dân lao động, phương pháp luận đúng đắn để nhận thức và cải tạo thế giới.
- Chủ nghĩa Mác - Lênin đã phân tích điều kiện kinh tế - xã hội và khẳng định giai cấp công nhân là giai cấp cách mạng triệt để nhất trong cuộc đấu tranh xóa bỏ áp bức, bất công và tình trạng người bóc lột người. Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, là vũ hí lý luận sắc bén của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp mình, qua đó giải phóng xã hội và giải phóng con người.
- Chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ giải thích mà còn vạch ra con đường, những phương tiện cải tạo thế giới. Đó là mối liên hệ hữu cơ, biện chứng giữa lý luận cách mạng và thực tiễn cách mạng. C. Mác viết: “… lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào chúng”.
3.3. Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống lý luận toàn diện, học thuyết khoa học, cách mạng hoàn chỉnh.
- Sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng trong triết học mácxít làm cho chủ nghĩa duy vật trở nên triệt để và phép biện chứng trở thành lý luận khoa học. Chủ nghĩa duy vật lịch sử đã chỉ rõ sự chuyển biến từ một hình thái kinh tế - xã hội này sáng một hình thái kinh tế - xã hội khác như một quá trình lịch sử tự nhiên.
- Quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thể hiện sự vận động, thay thế các phương thức sản xuất trong xã hội. Đó là cơ sở khẳng định sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản, sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội.
- Học thuyết giá trị thặng dư đã chỉ rõ mục đích và quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, từ đó vạch ra bản chất bóc lột của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.
- Học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản đã chỉ rõ giai cấp công nhân là người lãnh đạo cuộc đấu tranh để lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, giải phóng giai cấp mình, đồng thời giải phóng xã hội.
3.4. Chủ nghĩa Mác - Lênin là sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan khoa học và phương pháp luận Mácxít.
- Thế giới quan duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin giúp con người hiểu rõ bản chất của thế giới là vật chất. Thế giới (tự nhiên, xã hội) và tư duy của con người vận động, biến đổi theo những quy luật khách quan. Con người thông qua hoạt động thực tiễn có thể nhận thức, giải thích và cải tạo thế giới.
- Phương pháp luận Mácxít giúp xem xét sự vật hiện tượng một cách khách quan, toàn diện, phân tích cụ thể theo tinh thần biện chứng.
Sự thống nhất giữa thế giới quan và phương pháp luận đã đưa chủ nghĩa Mác -Lênin trở thành một hệ thống lý luận mang tính khoa học và tính cách mạng sâu sắc.
3.5. Chủ nghĩa Mác - Lênin và học thuyết mở, không ngừng đổi mới, phát triển cùng với sự phát triển của tri thức nhân loại.
C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin đã nhiều lần khẳng định học thuyết của các ông không phải là cái đã xong xuôi hẳn, còn nhiều điều các ông chưa có điều kiện, thời gian, cơ hội nghiên cứu. Theo các ông, phát triển lý luận Mác - Lênin là trách nhiệm của các thế hệ kế tiếp sau, của những người mácxít chân chính, nếu họ không muốn trở nên lạc hậu với thời đại của họ. Trên thực tế, ngay trong quá trình hình thành và phát triển hệ thống quan điểm lý luận của mình, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đã điều chỉnh một số luận điểm đã trở nên lạc hậu, phát triển, bổ sung những quan điểm lý luận mới. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết mở, không cứng nhắc và giáo đều: đồng thời, có giá trị bền vững, xét trong tinh thần biện chứng, nhân đạo và hệ thống tư tưởng cốt lõi của nó. Kiên định những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin là trung thành với bản chất khoa học và cách mạng của nó để không ngừng phát triển, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin ngày càng hoàn thiện và gắn liền với thực tiễn.
>> Xem thêm: Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
4. Ưu điểm lớn nhất của chủ nghĩa Mác theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ nghĩa nhân văn hay chủ nghĩa nhân đạo được coi là ưu điểm lớn nhất của triết học Mác theo quan điểm của Hồ Chí Minh. Bởi, chủ nghĩa nhân văn phát triển đặc biệt mạnh mẽ ở phương Tây trong bước chuyển từ thời kỳ phong kiến lên chủ nghĩa tư bản (CNTB), còn gọi là thời kỳ Phục hưng văn hóa. Đặc trưng của các tư tưởng thuộc trào lưu này là sự nhấn mạnh, sự tập trung vào vị trí và vai trò của con người sau một thời gian dài bị đè nén dưới chế độ phong kiến, dưới sự thống trị của thần quyền trong “đêm trường Trung cổ”. Khẩu hiệu của thời kỳ này là không có gì thuộc về con người mà lại xa lạ đối với tôi. Các học thuyết, tư tưởng thể hiện tinh thần nhân văn, ca ngợi vẻ đẹp, phẩm chất và sức mạnh của con người. Đây chính là động lực tinh thần to lớn để nhân loại thực hiện bước chuyển mạnh mẽ sang một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn chế độ phong kiến, đó là hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa (TBCN). Tính quy luật trong sự phát triển tư tưởng ở đây là: trong những bước chuyển thời đại rất cần sự phát huy nhân tố con người, giải phóng tiềm năng và sức mạnh của con người. Học thuyết nào tích hợp được trong mình tinh thần của chủ nghĩa nhân văn sẽ có ưu thế vượt trội trong thời kỳ lịch sử đó.
Lối tư duy nhân văn chủ nghĩa tiếp tục được phát triển trong thời kỳ Cận đại thế kỷ XVIII, với các nhà tư tưởng Khai sáng như Vônte, Điđơrô, Rutxô,... Dù không giống nhau nhưng các nhà tư tưởng đều thống nhất trong việc ca ngợi các giá trị tự do, bình đẳng, khoan dung, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa toàn cầu. Họ đề cao sự thống trị của trí tuệ con người, muốn áp dụng nó vào trong những cải cách chính trị - xã hội, khuyến khích sự sáng tạo và chủ động của cá nhân. Họ tin tưởng vào sự hoàn thiện của bản chất con người, tình cảm và trách nhiệm đạo đức, và khả năng của tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, học thuyết nhân văn chủ nghĩa thời kỳ này mang tính siêu hình, trừu tượng, là chủ nghĩa nhân văn của giai cấp tư sản, hướng mục tiêu giải phóng con người nói chung vào phục vụ cho lợi ích của thiểu số giai cấp tư sản. Do đó những khẩu hiệu "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" chỉ mang tính hình thức mà không giải quyết thực sự vấn đề bất bình đẳng, bóc lột của giai cấp tư sản đối với giai cấp vô sản lúc đó. Chủ nghĩa nhân văn này vẫn mang nặng tính hình thức, không triệt để, không tưởng. Với sự ra đời của chủ nghĩa Mác vào giữa những năm 40 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa nhân văn đã phát triển lên một bước mới, là chủ nghĩa nhân văn hiện thực, nhân đạo, hoàn thiện, cách mạng và khoa học. Điều này đã một lần nữa khẳng định sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác trong thời đại hiện nay.
Chủ nghĩa Mác nổi bật hay được coi là ưu điểm lớn nhất với chủ nghĩa nhân văn bởi một trong số những đặc điểm. Một đặc điểm nổi bật trong chủ nghĩa nhân văn ở C.Mác, đó là: Chủ nghĩa nhân văn ở C.Mác đã xuất phát từ tình thương yêu và cảm thông vô bờ của ông trước nỗi thống khổ của đông đảo quần chúng lao động bị áp bức, bóc lột. C. Mác đã thể hiện điều đó trong bài báo: “Những cuộc tranh luận nhân đạo luật về cấm ăn trộm gỗ”; đã phản ánh hiện thực bị tha hóa, bị bóc lột nặng nề của giai cấp công nhân, người lao động trong tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học (1844). Người công nhân bị tách khỏi tư liệu sản xuất do chế độ tư hữu, bị tách khỏi sản phẩm do mình sản xuất ra, và bị tha hóa cả về thể chất lẫn tinh thần trong chế độ bóc lột tư bản. Nguyên nhân của thực trạng đó chính là do chế độ tư hữu. Và chính ở đây, C.Mác đã đề xuất phải xóa bỏ chế độ tư hữu nếu muốn khắc phục tình trạng tha hóa này của giai cấp vô sản. Tác phẩm đã đánh dấu bước chuyển từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản.
Từ tình thương yêu, sự cảm thông đối với người lao động bị bóc lột, C.Mác đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh giải phóng con người, trước hết là người lao động chiếm đa số, khỏi ách áp bức, bóc lột và sự tha hóa. Điều này đã làm nên một đặc điểm khác biệt và trình độ cao hơn của chủ nghĩa nhân văn ở C.Mác. Đó là chủ nghĩa nhân văn gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản nói riêng, giải phóng con người nói chung. C.Mác đã từng nói rằng: Hạnh phúc là đấu tranh. Ở đây, C.Mác muốn nói đến cuộc đấu tranh giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, bất công, cuộc đấu tranh chống lại sự phi nhân tính hóa con người (tha hóa), cuộc đấu tranh bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, cuộc đấu tranh đem lại một xã hội tốt đẹp hơn cho con người. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhận định: “Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ”. Cuộc cách mạng vô sản là cuộc đấu tranh giải phóng người lao động chiếm đa số khỏi những xiềng xích của ách áp bức, bóc lột. Điều đó thể hiện tinh thần nhân văn ở C.Mác: chủ nghĩa nhân văn gắn với sự nghiệp giải phóng con người, bảo vệ những quyền cơ bản của con người, đặc biệt là đa số người lao động trong xã hội.
Cuộc cách mạng vô sản đã thức tỉnh sức mạnh của đông đảo giai cấp công nhân với sứ mệnh lịch sử là xóa bỏ chế độ tư hữu tư sản, lật đổ CNTB, xây dựng CNCS. C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát hiện ra lực lượng của sự nghiệp giải phóng con người đó chính là giai cấp công nhân: “Tất cả các giai cấp khác suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”, “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”. C.Mác đã tìm ra sức mạnh giải phóng con người trong xã hội đương thời ở giai cấp công nhân, một lực lượng chiếm đông đảo trong xã hội tư bản, là lực lượng chính tạo ra mọi của cải, là lực lượng tiến bộ nhưng lại bị bóc lột nặng nề nhất. Từ đó, trong suốt cuộc đời mình, C.Mác đã tập trung vào việc thức tỉnh giai cấp vô sản đứng lên giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột. Cuộc cách mạng XHCN diễn ra đầu thế kỷ XX và đang tiếp tục đến nay đã cho thấy sức mạnh giải phóng mãnh liệt của giai cấp vô sản trong phát triển xã hội. Thức tỉnh sức mạnh của con người chính là nhiệm vụ của những trào lưu tư tưởng nhân văn chủ nghĩa. Và học thuyết Mác, dưới góc độ này, cũng là một học thuyết nhân văn nhất.
Như vậy, tính nhân văn của học thuyết Mác, chủ nghĩa nhân văn cộng sản với tư cách là học thuyết vì con người, là tiếng nói bênh vực quần chúng lao động bị áp bức trong xã hội cũ, hướng tới giải phóng con người khỏi áp bức, bất công. Đây là chủ nghĩa nhân văn triệt để (giải quyết vấn đề ở tận gốc rễ là chế độ kinh tế chứ không chỉ giới hạn trong tư tưởng, tinh thần), không phải là sự thương xót ủy mị mà gắn với ý chí cách mạng giải phóng con người khỏi mọi áp bức bất công. Đây là chủ nghĩa nhân văn cao cả vì sự nghiệp cách mạng XHCN, là sự nghiệp đòi hỏi nhiều gian khổ, hy sinh nhưng những chiến sỹ cộng sản không bao giờ chùn bước. Trong cách mạng luôn ngời sáng những tấm gương chiến đấu, hy sinh hết mình vì sự nghiệp cách mạng. Tính nhân văn do đó cũng thống nhất với tính cách mạng, trở thành một phần của tính cách mạng. Điều này cho thấy một đặc điểm của chủ nghĩa nhân văn ở C.Mác đó là chủ nghĩa nhân văn gắn với tính cách mạng, chủ nghĩa nhân văn cách mạng. Bên cạnh thống nhất giữa tính nhân văn với tính cách mạng, học thuyết Mác còn có sự thống nhất giữa tính nhân văn và tính khoa học - chủ nghĩa nhân văn khoa học. Toàn bộ học thuyết nhân văn chủ nghĩa của C.Mác là một học thuyết khoa học, đã khái quát được những quy luật phổ biến của tự nhiên, xã hội và tư duy. Đặc biệt với việc sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết Mác đã phát hiện ra những quy luật chung nhất của xã hội loài người. Từ đó, đã đặt chủ nghĩa nhân văn trên nền tảng khoa học. Điều này cũng cho thấy sự thống nhất giữa chủ nghĩa nhân văn mácxít với những trào lưu nhân văn chủ nghĩa khác, đó là sự nhấn mạnh vai trò của khoa học trong sự phát triển, và bản thân chủ nghĩa nhân văn mácxít cũng là một học thuyết khoa học.
Chủ nghĩa Mác có sự thống nhất giữa tính nhân văn với tính khoa học và tính cách mạng. Tính cách mạng thống nhất với tính nhân văn: cách mạng nhất (giải phóng con người) chính là nhân văn nhất (vì con người nhất). Cách mạng phải gắn với tính nhân văn mới triệt để, hoàn thiện. Tính nhân văn cũng thống nhất với tính khoa học, làm hoàn thiện tính khoa học. Tính khoa học của chủ nghĩa Mác thực sự thể hiện chủ nghĩa nhân văn vì con người. Và sự thống nhất giữa tính nhân văn, tính khoa học và tính cách mạng thể hiện tập trung trong lý tưởng cộng sản chủ nghĩa - lý tưởng về một xã hội con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, được tự do, phát triển toàn diện, một xã hội trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Đấy chính là tinh thần nhân văn cao nhất trong học thuyết Mác. Chủ nghĩa nhân văn gắn với việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho con người. Không chỉ giới khoa học mácxít mà giới khoa học phương Tây hiện đại cũng đánh giá rất cao tư tưởng nhân văn này của C.Mác và Ph. Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, coi đây là một trong những giá trị vĩ đại nhất của chủ nghĩa Mác.
Như vậy, nhờ có sự thống nhất giữa tính nhân văn, tính cách mạng và tính khoa học, chủ nghĩa Mác đã trở thành một học thuyết hoàn bị và có sức sống lâu dài trong sự phát triển tư tưởng nhân loại gần hai thế kỷ qua và trong những năm sắp tới. Không chỉ nhân văn trong việc xem xét mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội, học thuyết Mác còn thể hiện tính nhân văn trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Theo chủ nghĩa Mác, con người và tự nhiên là thống nhất. Con người là sản phẩm cao nhất của sự tiến hóa lâu dài của tự nhiên. Do đó, thái độ của con người với tự nhiên không phải là sự thống trị, bá chủ tự nhiên một cách tuyệt đối, tàn bạo, mà là hài hòa với tự nhiên. Điều này thể hiện sự nhân văn hóa mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. C.Mác và Ph.Ăngghen từng đi đến những nhận định như: “giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người, thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại. Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với bản thân tự nhiên, vì con người là một bộ phận của tự nhiên” ; hay “cứ mỗi chiến thắng của chúng ta với giới tự nhiên, giới tự nhiên sẽ quay trở lại trả thù chúng ta” (Biện chứng của tự nhiên). Hiện nay, nhân loại đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Đây chính là sự thể hiện của tính nhân văn trong quan hệ với tự nhiên của con người. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng của chủ nghĩa nhân văn ở học thuyết Mác.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý bạn đọc những kiến thức hữu ích. Trân trọng cảm ơn.