Mục lục bài viết
Trả lời:
1. Khái niệm về quy chế đại ngộ quốc gia (NT)
Quy chế đãi ngộ quốc gia (NATIONAL TREATMENT - NT) là quy chế pháp lí của tư pháp quốc tế áp dụng cho người nước ngoài tại nước sở tại, theo đó, trừ những trường hợp ngoại lệ cụ thể, người nước ngoài được hưởng những quyền dân sự, kinh tế tương tự như những quyền mà công dân nước sở tại được hưởng hoặc theo đó nước sở tại sẽ dành cho cá nhân, pháp nhân hoặc hàng hoá hoặc dịch vụ của nước được hưởng quy chế đãi ngộ quốc gia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà nước sở tại dành cho cá nhân, pháp nhân hoặc hàng hóa hoặc dịch vụ của nước sở tại.
Thông thường, quy chế đãi ngộ quốc gia sẽ được quy định theo từng lĩnh vực cụ thể như quy chế đãi ngộ quốc gia trong thương mại hàng hoá, quy chế đãi ngộ quốc gia trong thương mại dịch vụ, quy chế đãi ngộ quốc gia trong đầu tư; quy chế đãi ngộ quốc gia trong sở hữu trí tuệ...
Nội dung của quy chế đãi ngộ quốc gia được thể hiện rất khác nhau trong pháp luật các nước và các điều ước quốc tế.
2. Cho ví dụ về quy chế đãi ngộ quốc gia
Ví dụ: “Trong quan hệ hôn nhân và gia đình với công dân Việt Nam, người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng các quyền và nghĩa vụ như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác” (khoản 2 Điều 100 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000). Điều 2 Chương l Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ quy định: “Nước kí kết này có nghĩa vụ áp dụng sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xự dành cho hàng hoá tương tự của mỗi bên với điều kiện tuân thủ những ngoại lệ và lộ trình do hai bên thoả thuận. Các quy chế đãi ngộ quốc gia cũng được áp dụng thích hợp cho quyền sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ, quan hệ đầu tư giữa hai nước".
3. Phân tích chế độ đối xử quốc gia (National Treatment - NT)
Chế độ đối xử quốc gia là chế độ pháp lý phổ biến nhất mà quốc gia sở tại dành cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài. Nội dung cơ bản của chế độ này là người nước ngoài được hưởng các quyền cũng như thực hiện các nghĩa vụ ngang hoặc tương đương với những quyền và nghĩa vụ mà công dân nước sở tại đang được hưởng và sẽ được hưởng trong tương lai (trừ những ngoại lệ).
Đối xử quốc gia được áp dụng cho hầu hết các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng, và trong mỗi một lĩnh vực cụ thể chế độ đối xử quốc gia lại được giải thích theo những nội dung riêng. Ví dụ, theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh về đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế (Pháp lệnh được ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25/5/2002, có hiệu lực từ ngày 01/9/2002), đối xử quốc gia được giải thích trong lĩnh vực thương mại như sau:
- Đối xử quốc gia trong thương mại hàng hoá là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho hàng hoá nhập khẩu so với hàng hoá tương tự trong nước.
- Đối xử quốc gia trong thương mại dịch vụ là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài so với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự trong nước.
- Đối xử quốc gia trong đầu tư là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài so với đầu tư và nhà đầu tư trong nước trong những điều kiện tương tự.
- Đối xử quốc gia đối với quyền sở hữu trí tuệ là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho việc xác lập, bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ và mọi lợi ích có được từ các quyền đó của tổ chức, cá nhân nước ngoài so với tổ chức, cá nhân trong nước. Theo nguyên tắc “có đi có lại”. Có nghĩa là Nhà nước Việt Nam sẽ dành cho người nước ngoài chế độ đối xử quốc gia khi mà công dân Việt Nam đã và đang được hưởng chế độ này tại quốc gia tương ứng.
Các trường hợp khác do Chính phủ quyết định. Đây là trường hợp Chính phủ Việt Nam căn cứ vào các trường hợp cụ thể để áp dụng chế độ đối xử quốc gia đối với người nước ngoài phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Một điểm lưu ý là khi người nước ngoải được hưởng chế độ đối xử quốc gia tại Việt Nam, điều đó không có nghĩa người nước ngoài hoàn toàn có các quyền và nghĩa vụ giống hệt với công dân Việt Nam. Đổ bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, Nhà nước Việt Nam đặt ra những hạn chế nhất định đối với người nước ngoài, đặc biệt là đối với các quyền chính trị như: quyền bầu cử, ứng cử; quyền làm các nghề liên quan đến bí mật quốc gia. Ví dụ, theo Hiến pháp Việt Nam chỉ có công dân Việt Nam từ đủ mười tám tuổi trở lên mới có quyền đi bầu cử, đủ hai mốt tuổi trở lên mới có quyền ứng cử...
Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)